Chương trình huấn luyện đoạt mạng đặc nhiệm SEAL Mỹ
Để trở thành một đặc nhiệm SEAL chính quy, các học viên phải trải qua chương trình huấn luyện đầy gian nan, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống.
Các thành viên thuộc đội đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ. Ảnh: AFP
Lính hải quân James Derek Lovelace, 21 tuổi, đã chết đuối khi tham gia khóa huấn luyện của lực lượng Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) ở bang California hồi tháng 5. Cơ quan điều tra kết luận cái chết của Lovelace phần nào do chính huấn luyện viên gây ra. Theo nhân viên pháp y, Lovelace đã cố gắng ngoi lên mặt nước khi thực hiện bài tập lặn, nhưng bị huấn luyện viên nhấn chìm ít nhất hai lần.
Huấn luyện viên gây ra cái chết trong tuần huấn luyện đầu tiên của Lovelace, một đặc nhiệm hải quân SEAL đầy hoài bão, bị cáo buộc có hành vi giết người. Vụ việc làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính khắc nghiệt cũng như độ nguy hiểm của các chương trình huấn luyện đặc vụ SEAL, theo AP.
Chương trình Hủy diệt Dưới nước (BUD) là một khóa huấn luyện kéo dài 6 tháng của lực lượng đặc nhiệm SEAL mà chỉ trung bình 25% học viên tham gia có thể hoàn thành.
Trước khi chính thức tham gia BUD, học viên phải trải qua một chương trình huấn luyện chuẩn bị và “làm quen” kéo dài 5 tuần. Tiếp sau khóa học này là ba giai đoạn huấn luyện đầy gian khổ.
Video đang HOT
Đầu tiên là rèn luyện thể lực. Đây là giai đoạn nặng nhọc nhất trong cả chương trình huấn luyện. Quá trình này kéo dài 8 tuần, bao gồm các hoạt động như bơi 3,2 km trên biển sử dụng chân vịt, chạy tính giờ 6,4 km bằng ủng, chịu đựng môi trường ẩm ướt, lạnh giá và vắt kiệt sức lực dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, họ chỉ được phép ngủ 4 tiếng mỗi tối.
Đỉnh điểm trong giai đoạn một là “Tuần Địa ngục”. Rất nhiều học viên đã phải từ bỏ vì không thể vượt qua quãng thời gian này.
“Những đau đớn và khó chịu về thể chất khiến không ít người phải bỏ cuộc”, trang web của SEAL có đoạn. “Phương pháp huấn luyện kết hợp lạnh – ẩm gây hạ thân nhiệt sẽ đánh bại nhiều học viên. Các bài tập vắt sức và tình trạng thiếu ngủ sẽ giúp học viên hiểu rõ khả năng, động lực cũng như giới hạn của chính mình”.
Tiếp sau là giai đoạn huấn luyện lặn kéo dài 8 tuần. Quá trình này chủ yếu tập trung hoàn thiện khả năng thao tác linh hoạt dưới nước và phối hợp tác chiến. Học viên sẽ thực hành các bài tập lặn nín thở, lặn dùng bình dưỡng khí, lặn quãng đường dài, bơi thực thi nhiệm vụ cùng hàng loạt kỹ năng lặn khác. Cường độ tập luyện sẽ tăng dần theo thời gian.
Giai đoạn cuối cùng là phiên bản nâng cao của chương trình huấn luyện quân sự cơ bản mà nhiều học viên phải trải qua.
“Các hoạt động huấn luyện chuyển từ kiểm tra khả năng phản ứng của học viên trong môi trường căng thẳng cao độ sang đảm bảo sự thuần thục của đặc nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ chiến lược”, đoạn mô tả trên trang web của SEAL viết.
Các hoạt động trong giai đoạn cuối cùng này bao gồm nghiên cứu chất nổ, huấn luyện sử dụng vũ khí và ngắm bắn chính xác, học chiến thuật tác chiến đội hình nhỏ, kỹ thuật sử dụng dây thừng và tập hợp đội hình. Nếu hoàn thành, các học viên sẽ tốt nghiệp và có vinh dự phục vụ trong hàng ngũ lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ bậc nhất của hải quân Mỹ.
Người nhái đặc nhiệm SEAL huấn luyện đổ bộ bờ biển. Ảnh: Daily Beast
Trần Việt
Theo VNE
Huấn luyện viên khiến đặc nhiệm SEAL thiệt mạng trong bể bơi
Một huấn luyện viên cho SEAL có thể phải đối mặt với cáo buộc giết người do có liên quan đến cái chết của một đặc nhiệm trong lúc tập luyện dưới bể bơi.
Seaman James Derek Lovelace. Ảnh: US Navy.
James Derek Lovelace, 21 tuổi, chết đuối khi tham gia khóa huấn luyện của SEAL ở bang California hồi tháng 5. Các nhân viên điều tra hôm qua kết luận cái chết của Lovelace phần nào do chính huấn luyện viên gây ra.
"Huấn luyện viên có những hành động... quá mức và trực tiếp gây ra cái chết", CBS News dẫn một báo cáo cho biết.
Lovelace, không phải người bơi giỏi, cùng các học viên SEAL khác khi đó tham gia khóa huấn luyện đứng nước trong khi vẫn mặc đồ ngụy trang, đi giày và đeo mặt nạ.
4 máy quay giám sát ghi hình buổi tập. Trong video, một huấn luyện viên SEAL "nhấn chìm Lovelace xuống nước rồi theo anh quanh bể bơi trong khoảng 5 phút. Ông tiếp tục phun nước vào Lovelace và nhấn anh xuống nước thêm ít nhất một lần nữa".
Theo Hải quân Mỹ, trong quá trình huấn luyện, người dạy thường tạo điều kiện bất lợi như phun nước vào học viên hoặc tạo sóng nhưng không được phép nhấn chìm hoặc kéo học viên xuống nước.
Báo cáo dẫn lời "nhiều nhân chứng nói Lovelace vùng vẫy, mặt anh tím lại còn môi thì tái xanh". Lovelace vẫn còn thở khi được đưa lên bờ nhưng bất tỉnh và tử vong sau đó.
Theo báo cáo, Lovelace còn bị giãn nở tim và yếu tố này có thể có liên quan. Báo cáo đã được cung cấp cho Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân (NCIS). Huấn luyện viên SEAL nhấn chìm Lovelace bị điều chuyển sang một vị trí văn phòng trong lúc chờ điều tra. Ông dự kiến phải đối mặt với nhiều cáo buộc.
Như Tâm
Theo VNE
Tân binh SEAL tự tử vì áp lực huấn luyện Danny DelBianco nhảy từ tầng 22 xuống đất sau khi bỏ cuộc khỏi chương trình huấn luyện đặc nhiệm tinh nhuệ của hải quân Mỹ. Hôm 5/4, Danny, 23 tuổi, rút khỏi chương trình huấn luyện của Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) mà anh mơ ước được tham gia tại San Diego. Anh đặt chiếc mũ bảo hộ của mình cạnh mũ...