Chương trình đào tạo chất lượng cao: Hiểu thế nào cho đúng?
Trước xu thế phát triển của tự chủ ĐH, tại các trường ĐH công lập và tư thục, nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) được hình thành.
Từ đào tạo thí điểm năm 2006 – 2014, đào tạo chất lượng cao là một tiến trình phát triển, tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại những băn khoăn về mức học phí và chất lượng thật sự của loại hình đào tạo CLC.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) – đơn vị có thâm niên đào tạo loại hình CLC từ năm 2006.
Khẳng định chỗ đứng
- Thưa ông, việc thí điểm thực hiện đào tạo chương trình CLC có ý nghĩa và mục đích gì trong bối cảnh học phí các trường ĐH công lập quá thấp?
- Được sự cho phép của Bộ GD&ĐT, HCMUTE thực hiện thí điểm chương trình đào tạo CLC từ năm 2006. Tại thời điểm đó, học phí các trường ĐH công lập quá thấp. Việc cung cấp cho người học một môi trường học tập như các chương trình tiến tiến, chương trình quốc tế mà chỉ dựa vào học phí lúc đó là điều không thể. Chương trình CLC thí điểm cho phép vận dụng các nguồn lực xã hội trên cơ sở tham gia tự nguyện của phụ huynh, SV, những người mong muốn đầu tư và trải nghiệm môi trường, phương pháp học tập hiện đại, có chất lượng vượt trội.
- Từ thí điểm rồi đến hợp thức bằng Thông tư 23/2014 chứng minh điều gì?
- Trong những năm đầu, việc tuyển sinh chương trình CLC rất khó khăn. Khái niệm CLC trong giáo dục còn khá lạ lẫm đối với phụ huynh, SV và cả dư luận xã hội. Một số ngành của trường không tuyển đủ số SV tối thiểu để mở lớp. Tuy nhiên, nhà trường vẫn kiên định trong chính sách chất lượng về chương trình CLC, thực hiện những cam kết của chương trình CLC đối với người học. Dần dần, chương trình CLC đã có chỗ đứng, trở thành một trong những lựa chọn của SV nhờ chất lượng vượt trội.
Năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23 quy định về đào tạo CLC trình độ đại học. Thông tư là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các trường thực hiện chương trình CLC. Mặt khác, thông tư là sự công nhận đối với chương trình CLC và đưa ra các chính sách để giám sát các chương trình CLC thực hiện đúng quy định.
Nếu so với lĩnh vực y tế, quyết định này hơi chậm vì loại hình khám dịch vụ và khám theo bảo hiểm thành công ở các bệnh viện, chứng tỏ sự phù hợp về đa dạng hóa các dịch vụ trong đó có dịch vụ y tế và dịch vụ đào tạo phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Video đang HOT
- Ông có thể nêu một số so sánh về hiệu suất đào tạo, tỷ lệ có việc làm, đánh giá của doanh nghiệp tuyển dụng giữa SV chương trình CLC và đại trà?
- Hiện tại, chương trình CLC có điểm chuẩn tuyển sinh thấp hơn chương trình đại trà một ít vì theo quy tắc tuyển sinh lấy điểm từ cao xuống thấp, do số thí sinh nộp đơn vào chương trình CLC ít hơn chương trình đại trà vì học phí cao hơn. Rất nhiều thí sinh điểm cao quyết định đăng ký học vào chương trình CLC. Ngoài ra, sự chênh lệch điểm chuẩn giữa chương trình đại trà và CLC không lớn. Vì vậy, các hoạt động tổ chức đào tạo nhằm phát huy năng lực của SV đáp ứng chuẩn đầu ra đã đạt được kết quả khả quan.
Hằng năm, nhà trường thực hiện khảo sát tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Số liệu cho thấy, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp chương trình CLC cao hơn nhiều so với chương trình đại trà. Doanh nghiệp tham gia tuyển dụng cũng đánh giá tốt chất lượng đào tạo của các chương trình CLC đặc biệt là khả năng tiếng Anh của SV tốt nghiệp chương trình CLC.
Công phục vụ tư?
- Có ý kiến cho rằng chương trình CLC đang bị các trường lạm dụng, lấy công phục vụ tư?
- Trong những năm gần đây, chương trình CLC mang lại những thay đổi theo chiều hướng tích cực cho nhà trường. Trang thiết bị hiện đại được đầu tư ưu tiên sử dụng cho chương trình CLC đồng thời phục vụ cho chương trình đại trà. Cơ sở vật chất của trường được nâng lên một bước phục vụ chung cho tất cả SV trong toàn trường.
Đây chính là giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy tiền của người thu nhập cao để đầu tư CSVC phục vụ cho SV nghèo, tạo ra sự công bằng xã hội. Trong một xã hội với mức thu nhập khá chênh lệch, việc có các chương trình CLC tạo ra sự lựa chọn phù hợp cho các gia đình có thu nhập khá, nếu không đồng tiền của họ sẽ chảy ra nước ngoài qua các trường ĐH nước ngoài mở ở Việt Nam với học phí rất cao hoặc đi ra nước ngoài du học.
Trước tình hình “chảy máu chất xám”, đội ngũ giảng viên giỏi ở trường công có xu hướng chuyển sang trường tư và doanh nghiệp khiến trường đại học công lập đang đứng trước thách thức lớn về duy trì chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Chương trình CLC góp phần đảm bảo đời sống vật chất của giảng viên, giúp họ an tâm làm việc trong trường, phục vụ không chỉ riêng chương trình CLC mà cả chương trình đại trà.
- Cùng với Luật Giáo dục ĐH, chủ trương đẩy mạnh tự chủ theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ GD&ĐT dự kiến có quy định điểm chuẩn chương trình CLC, ý kiến của ông về vấn đề này?
- Việc Bộ GD&ĐT dự kiến quy định về điểm chuẩn chương trình CLC thể hiện sự quan tâm của Bộ với mong muốn các trường thực hiện chương trình CLC như đúng tên gọi của nó. Tuy nhiên, nếu theo đúng định nghĩa về chất lượng giáo dục là đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu đầu ra chứ không phải đầu vào. Bộ GD&ĐT nên để các trường tự chủ về tuyển sinh và chỉ nên đặt ra sàn chất lượng đầu vào ngang với các chương trình sư phạm.
Các chương trình kém chất lượng sẽ tự bị đào thải theo quy luật thị trường vì với học phí cao, chương trình nào không có chất lượng sẽ không thể tuyển sinh sau một vài năm. Sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp đã và đang đánh giá cao chất lượng các chương trình đào tạo CLC. Trường đại học sẽ phát huy vai trò tự chủ trong việc xây dựng chương trình đào tạo, vận động và phát triển đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Số lượng ít, sinh viên chương trình CLC có điều kiện phát triển kỹ năng mềm. Giảng viên thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm, quản lý học tập qua dự án. Qua đó, SV phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc chung trong một nhóm, khả năng trình bày ý tưởng và thuyết trình trước đám đông. Đây là những kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc hiện nay, yêu cầu cao về tính tương tác và hợp tác. – PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Như Ý (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Niềm vui trên những chuyến xe đoàn viên
Những ngày này, các cơ sở GD, trường học ngoài gấp rút cho hoạt động tổng kết học kỳ I còn bận rộn với kế hoạch tổ chức Tết cho sinh viên xa nhà, đưa sinh viên về quê ăn Tết. Những chuyến xe đoàn viên lăn bánh đem theo niềm vui, ước vọng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Chương trình Chuyến xe về tết của LHU nhận được sự quan tâm và đồng hành của các doanh nghiệp lớn. Ảnh: NTCC.
Thầy cô đưa trò về quê ăn Tết
Để tạo điều kiện cho sinh viên (SV) được về quê ăn tết Nguyên đán Canh Tý cùng với gia đình, người thân, Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) tổ chức Chương trình Chuyến xe về Tết LHU 2020 cho SV.
Theo đó, LHU dành tặng 930 vé xe cho SV đang theo học tại trường. Mỗi vé xe trị giá từ 300 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/SV. Ngoài ra, các bạn SV còn được tặng 1 phần quà Tết và bao lì xì của trường với thông điệp mong muốn và tin tưởng các bạn SV luôn may mắn, thành công trong năm mới. Tổng kinh phí chương trình lên đến hơn 600 triệu đồng.
Để đảm bảo sự an toàn và kịp thời giúp đỡ các SV của mình, LHU còn cử các cán bộ, giảng viên đi cùng trên các chuyến xe. TS Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng thường trực LHU cho biết: Đây là năm thứ 3 nhà trường tổ chức đưa sinh viên về quê đón Tết, số vé xe Tết được tặng cho SV lần này tăng gấp đôi so với Tết Nguyên đán 2019.
"Với mong muốn các em SV tập trung ôn tập và thi học kỳ I đạt kết quả tốt, nên năm nay LHU đã tổ chức tặng vé xe Tết cho các em từ đầu tháng 12/2019. Các chuyến xe này sẽ khởi hành đưa SV về quê ăn Tết từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp. Nhìn thấy các em hạnh phúc, vui vẻ khi cầm tấm vé, chúng tôi cũng thấy hạnh phúc. Hạnh phúc của SV là hạnh phúc của ĐH Lạc Hồng!" - TS Hiển chia sẻ thêm.
Hồng Thương - nữ SV đến từ Tuyên Quang - theo học ngành Ngôn ngữ Anh, LHU phấn khởi nói: "Em rất vui vì được nhà trường tặng vé xe. Thật sự rất tuyệt vời. Đặc biệt là người thân ở quê đều thấy hạnh phúc và yên tâm, vì không còn lo chuyện tàu xe cho em nữa".
Hồ Ngọc Ty - SV khoa Quản trị Kinh tế quốc tế cũng có chung cảm xúc như vậy khi chia sẻ: "Nhà em ở Bình Định, 5 tháng rồi chưa được về nhà vì xa, nay được nhà trường tặng vé xe, em thật sự cảm động và tự hào, trong khi các bạn của em học trường khác đều "tủi thân" khi nhắn cho em rằng, sao trường của bạn tuyệt vời quá vậy".
TS Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng thường trực LHU trao vé xe cho SV. Ảnh: NTCC.
Mang Tết về gia đình
Hiện Phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) đang triển khai đợt tiếp nhận hồ sơ và xét trợ cấp khó khăn cho sinh viên, các suất học bổng trị giá 3.000.000 đồng và 6.000.000 đồng. Năm 2019, nhà trường xét trợ cấp khó khăn cho gần 500 suất cho SV.
Đồng thời, nhà trường phối hợp tổ chức Chương trình Chuyến xe đoàn viên, hỗ trợ vé xe miễn phí đưa sinh viên về quê đón Tết. Đây là chương trình do Đoàn Thanh niên, Hội SV HCMUTE thực hiện thành truyền thống từ 5 năm nay.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Đoàn Thanh niên, Hội SV trường phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Dầu Việt Nam PVOIL tổ chức chương trình tương tự với tên gọi Cùng PVOIL về quê đón Tết Canh Tý 2020.
Những chuyến xe đi dọc tuyến quốc lộ 1A, từ TPHCM đi xuôi về Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Trên hành trình, sinh viên được nghỉ chân tiếp thức ăn và nước uống tại trạm xăng dầu PVOIL ở các tỉnh. Thức ăn được chính các anh chị đoàn viên, nhân viên PVOIL chuẩn bị và phục vụ miễn phí cho sinh viên.
Theo ban tổ chức, chương trình này năm nay có khoảng 500 SV của HCMUTE được hỗ trợ vé xe miễn phí về quê đón Tết. Đối với SV thật sự khó khăn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường đã duyệt hỗ trợ 500.000đồng/SV để mua vé xe trở lại trường sau dịp Tết.
"Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho các em tham gia chuyến xe gói bánh chưng làm quà Tết mang về tặng gia đình. Đây là một điểm mới của chương trình năm nay. Nhà trường mong muốn chuyển tải tới các bạn thông điệp giáo dục về những giá trị truyền thống và nhân văn tốt đẹp.
Đồng thời, trường cũng mong niềm vui đoàn viên dịp Tết của các gia đình sẽ thêm phần ấm cúng hơn với chút quà các bạn mang về từ trường; thông qua các bạn, nhà trường gửi tình cảm và những mong ước tốt đẹp nhất cho gia đình các em trong năm mới" - ThS Nguyễn Phương Thúy, Giám đốc Trung tâm dịch vụ SV HCMUTE chia sẻ.
Như Ý
Theo giaoducthoidai
Đổi mới quản trị trường đại học sư phạm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học Ngày 8/11/2019, Câu lạc bộ Khối Sư phạm Kỹ thuật đã tổ chức Hội thảo "Đổi mới Quản trị trường Đại học Sư phạm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tự chủ Đại học". Ngày 8/11/2019, tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Câu lạc bộ Khối Sư phạm Kỹ thuật thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt...