Chuông reo rồi xịt ngóm
4 tháng trước, “nghi án” trốn thuế của Coca Cola bùng nổ tại Việt Nam khi người ta vô tình phát hiện từ lúc vào Việt Nam 10 năm trước, Coca Cola liên tục lỗ 100 tỷ mỗi năm. Có năm lỗ thậm chí bằng 1/3 doanh thu.
Bấy giờ, trên truyền thông, dày đặc những cái tít “Uống Coca Cola là làm nghèo đất nước”, “Nghi án các doanh nghiệp FDI trốn thuế”. Thậm chí “Chuông reo với chuyện nộp thuế”… Xã luận một tờ báo viết “phần nhiều trong 80 triệu người dân Việt Nam hẳn ai cũng đã có lần móc hầu bao để trở thành khách hàng của thương hiệu này. Nhưng có ai biết đâu, dòng tiền cứ thế đổ về công ty mẹ ở một nước tư bản khác mà không để lại cho đất nước ta một chút lợi nhuận nào”.
Phó Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Duy Khương bấy giờ tuyên bố: DN làm ăn kiểu “chuyển giá, chuyển vốn”, rồi sau đó báo lỗ… khiến thành phố bị thất thu thuế nên thành phố sẽ không đồng ý để DN mở rộng dây chuyền, nhà máy sản xuất. Quan điểm này không chỉ dành riêng cho Coca Cola mà cho tất cả DN có vốn đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn thành phố. Người tiêu dùng Việt Nam thậm chí đã tính đến chuyện “tẩy chay” đối với loại nước ngọt có lịch sử từ 1893 này.
Và không phải chỉ Coca Cola, Pepsi cola cũng tương tự, Adidas cũng thế, và Metro cũng y chang.
Trong một hội thảo về hoạt động chuyển giá vào tháng 12 năm ngoái, một quan chức Tổng cục Thuế tuyên bố chắc nịch: “Sẽ thanh tra Coca Cola, Pepsi cola”. Nhưng sau khi “chuông reo”, đến giờ, vụ việc xịt ngóm, và những người tiêu dùng khó tính nhất đã quên bẵng câu chuyện với một cái búng ngón tay “một chai Coca nhé!”.
Hôm qua, hội nghị toàn quốc về “25 năm FDI”, những con số được đưa ra thật đáng tự hào: 14.550 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký gần 211 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2012; đóng góp vào ngân sách đạt 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nhiều việc làm, với trên 2 triệu lao động trực tiếp và từ 3-4 triệu lao động gián tiếp…
Video đang HOT
Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của nguồn vốn này. Thế nhưng, còn những “khoản lỗ thập kỷ”, còn Coca Cola?
Có người nói đó là “chuyện con sâu”, hoặc “không phổ biến”. Nhưng sự thật đó là con sâu bự, con sâu đại gia. Và sự “không phổ biến”, nếu việc kiểm tra xử lý vẫn xịt ngóm, có lẽ, sẽ rất nhanh chóng trở thành phổ biến.
Theo Dantri
Nghi vấn Keangnam - Vina chuyển giá
Sau Coca - Cola, Metro, Adidas, "đại gia" bất động sản Keangnam-Vina (Hàn Quốc) bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm có nghi vấn chuyển giá, giao dịch liên kết.
Tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark do Cty Keangnam - Vina đầu tư.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, cơ quan thuế đang nghi ngờ Cty TNHH một thành viên Keangnam-Vina (100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc) đã chuyển lợi nhuận sang công ty mẹ thông qua giao dịch liên kết.
Theo đó, tháng 5/2007, khi thực hiện đầu tư dự án căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại huyện Từ Liêm (Hà Nội), Cty Keangnam-Vina vay vốn từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc) - thành viên trong cùng tập đoàn - với tổng vốn vay 400 triệu USD.
Nhưng Cty Keangnam-Vina phải trả lãi vay bình quân các năm tới 12%/năm, cao hơn cả lãi vay USD ngân hàng Việt Nam (khoảng 5-7%/năm). Khoản lãi vay, chi phí tài chính đã được hạch toán là 2.030 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng ban cải cách (Tổng cục Thuế): "Thanh tra Cục thuế Hà Nội đang kiểm tra cả công ty xây dựng tòa tháp Keangnam liên quan đến việc dàn xếp vốn vay, các dịch vụ tư vấn... để làm rõ có giá chuyển nhượng, giao dịch liên kết không ?".
Ông Tiến cho biết, Cty Keangnam-Vina đã vay vốn của ngân hàng cùng tập đoàn với lãi suất cao, trả trước chi phí dàn xếp vốn vay cho công ty mẹ, tức là có giao dịch giữa 3 đơn vị cùng tập đoàn. Đây là một căn cứ để cơ quan thuế nghi vấn dấu hiệu chuyển giá.
Một điểm đang chú ý nữa, đó là hợp đồng xây dựng cơ bản giữa Keangnam-Vina và nhà thầu chính - Cty Keangnam Enterprises.Ltd ký theo hình thức "chìa khóa trao tay".
Tuy nhiên, trong khi chủ đầu tư hạch toán lỗ nhiều năm thì nhà thầu chính lại có lãi và chỉ phải nộp thuế 2% doanh thu sau khi trừ đi doanh thu của nhà thầu phụ đã nộp trực tiếp.
Hơn nữa, Cty Keangnam-Vina còn ký hợp đồng với nhà thầu chính cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay.
Trong đó, riêng phí dịch vụ sắp xếp nguồn vốn vay đã lên tới 20 triệu USD. Chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư vài triệu USD (năm 2008, Keangnam-Vina đã hạch toán chi phí tài chính lên tới 30 triệu USD).
Trước những dấu hiệu bất thường, từ tháng 9/2012, Cục thuế TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra thuế, đặc biệt là hoạt động chuyển giá tại Cty Keangnam-Vina.
Trong đó, sẽ làm rõ giá trị tài sản đầu tư đưa vào kinh doanh, giá vốn đối với chuyển nhượng bất động sản, bóc tách các chi phí bất hợp lý và các giao dịch giữa Cty Keangnam-Vina với Cty Keangnam Enterprises.,Ltd là nhà thầu chính trong cùng tập đoàn với chủ đầu tư Cty Keangnam Investment.,Ltd (Hàn Quốc).
Năm 2011, Cty Keangnam-Vina bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỷ đồng, nhưng Cty này báo lỗ hơn 140 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm đầu tư, Keangnam-Vina liên tục báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế lên tới 277 tỷ đồng. Do thua lỗ nên Keangnam-Vina chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ đóng thuế VAT, thuế sử dụng đất "không đáng kể".
Theo Dantri
Khó tìm chứng cứ né thuế của đại gia nước ngoài Nguyên nhân chính theo các chuyên gia là khó tiếp cận các thông tin vốn được xem như bí mật kinh doanh để chứng minh những đại gia như Coca Cola, Adidas hay Metro chuyển giá và né thuế tại Việt Nam. Câu chuyện lỗ giả - lãi thật, nhằm chuyển lợi nhuận về nước mà không phải chịu thuế tại Việt Nam...