Chuồng Cọp Pháp – “Địa ngục trần gian”
Nhắc đến hệ thống nhà tù Côn Đảo, cả thế giới đều ghê sợ trước những kiểu giam cầm, tra tấn người tù man rợ nhất.
Trong đó, hệ thống Chuồng Cọp trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ tù nhân. Thế nhưng, gần 30 năm tồn tại, bí mật về Chuồng Cọp mới được phơi bày trước công luận thế giới.
Dãy nhà giam trong Chuồng Cọp Pháp.
Sau khi tham quan trại Phú Hải, chúng tôi di chuyển tiếp điểm tham quan thứ 2 trong tour tham quan di tích nhà tù Côn Đảo, đó là trại Phú Tường. Trại nằm ngay ngã ba Tôn Đức Thắng-Nguyễn Chí Thanh-Nguyễn Huệ. Sau thủ tục kiểm soát vé của nhân viên Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo, chúng tôi cùng hòa vào một đoàn khách đến từ Hà Nội để nghe thuyết minh và tìm hiểu về trại Phú Tường.
Cũng giống như các trại giam khác được Pháp xây dựng tại Côn Đảo, trại Phú Tường có tường cao, dày làm bằng đá, bên trên cuộn thép gai, cổng sắt cao đóng kín, gồm 2 dãy nhà với 8 khám nối tiếp vào góc phía Nam của trại Phú Sơn. Trại khởi công từ năm 1940, hoàn thành vào năm 1944 khi các trại Phú Thọ, Phú Hải, Phú Sơn được xây dựng trước đó không còn đủ chỗ để giam tù nhân.
Tuy nhiên, bí mật của trại Phú Tường chính là hệ thống Chuồng Cọp ẩn sau những bức tường đá sừng sững. Sau khi nghe giới thiệu về quá trình hình thành trại Phú Tường, theo hướng dẫn của thuyết minh viên, chúng tôi theo lối mòn bên tay phải, qua 2 cánh cổng nhỏ, hệ thống chuồng cọp hiện ra gồm 2 dãy với 120 buồng giam biệt lập và 60 buồng giam không có mái che.
Hệ thống Chuồng Cọp này thông với các trại giam khác qua những cánh cửa nhỏ. Tù nhân khi bị tra tấn đến ngất mới được đưa vào đây bằng những cửa nhỏ khác nhau để đánh lạc hướng nên không ai xác định được vị trí trại giam. Do vậy, suốt 30 năm tồn tại (từ 1940), đến năm 1970, hệ thống Chuồng Cọp này mới bị phát hiện từ tố cáo của 5 HS-SV tham gia phong trào xuống đường bị giam tại đây.
Những HS-SV này sau khi được trả tự do, dựa theo trí nhớ đã mô tả lối vào gửi đến Hạ viện Mỹ. Ngay sau đó, đoàn nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam để điều tra sự việc. Song chúa đảo Nguyễn Văn Vệ tìm cách chối quanh khiến đoàn nghị sĩ tưởng như trở về tay không.
Đang lúc tìm cớ chống chế, che giấu tội ác thì chính Nguyễn Văn Vệ lại tự chỉ lối cho đoàn nghị sĩ từ sự nóng nảy của mình. Trong khi kiên quyết cản bước đoàn nghị sĩ đến cánh cổng dẫn vào Chuồng Cọp, Nguyễn Văn Vệ to tiếng và đập chiếc ba toong của mình vào cánh cổng. Người gác phía trong nghe thấy giọng chúa đảo và tiếng đập ba toong quen thuộc, nghĩ rằng chúa đảo đi tuần, liền mở cổng. Cánh cổng được mở ra, toàn bộ sự thật tàn ác, kinh khủng, kinh tởm của chế độ nhà tù Côn Đảo được phơi bày trước mắt đoàn nghị sĩ.
Trở về Mỹ, đoàn nghị sĩ đã kịch liệt lên án sự tồn tại của Chuồng Cọp, đồng thời, cung cấp thêm nhiều bức ảnh và tư liệu cho tạp chí Life số ra ngày 17/7/1970. Sự kiện này gây ra làn sóng phản đối rộng lớn tại Việt Nam, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
Video đang HOT
Dư luận thế giới rất bất bình về những bức ảnh và thông tin được đăng tải, gây sức ép buộc chính quyền Sài Gòn phải phá bỏ toàn bộ Chuồng Cọp, chuyển 480 tù nhân đang bị giam giữ ra ngoài. Một số tù nhân được đưa sang các nhà giam khác, số khác được đưa vào các bệnh viện tâm thần…
Chúng tôi lần lượt tham quan các khu buồng giam. Ở những buồng giam biệt lập, là những căn phòng chật hẹp, kích cỡ 1,5 x 2,7m. Bên trên trần là dàn song sắt. Nhìn từ trên xuống tối tăm, không khác cũi nhốt cọp.
Theo lời kể của thuyết minh viên, mùa nóng mỗi buồng giam nhốt từ 5 đến 12 người, chân luôn bị còng và kéo lên cao vào một thanh sắt. Ăn uống, tắm giặt, tiểu tiện gói gọn trong phạm vi đó. Bên trên, cai ngục đi dọc theo hành lang để kiểm soát, theo dõi người tù, trên tay lăm lăm gậy sắt dài nhọn và sẵn sàng chọc xuống bất cứ tù nhân nào.
Trên trần mỗi buồng giam để một thùng nước và một thùng vôi bột. Tù nhân khát, chúng đổ ào nước xuống, khi có dấu hiệu phản đối, chúng rắc vôi bột mịt mù vào mắt người trong chuồng. Người tù không lúc nào yên thân. Lúc nào cũng có những cặp mắt soi mói, rình mò và bất cứ lúc nào cũng có thể bị đánh, tra tấn. Ăn uống đói khát, điều kiện sống mất vệ sinh, khiến người tù suy sụp nhanh chóng.
Đến Chuồng Cọp, tận mắt chứng kiến những hình ảnh được tái hiện sinh động, nghe những câu chuyện kể về đòn roi, tra tấn, trong đoàn ai cũng lặng người và thầm cảm phục các chiến sĩ yêu nước đã kiên cường chịu đựng khổ đau, đàn áp tranh đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc hôm nay.
Khám phá vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng của Côn Đảo
Côn Đảo không chỉ được mệnh danh là một trong những quần đảo bí ẩn nhất thế giới, nơi đây còn có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử như nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của rất nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Đảo Côn Sơn (Côn Đảo, Vũng Tàu). (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Côn Đảo là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ và cũng là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quần đảo Côn Đảo nằm cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý, cách cửa sông Hậu 45 hải lý, gồm 16 hòn đảo, trong đó 14 hòn quây cụm gần nhau; riêng hai hòn Trứng Lớn và Trứng Nhỏ nằm tách biệt về phía tây.
Nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Côn Đảo không chỉ nổi tiếng là điểm dừng chân du lịch mà còn có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử.
Nhắc đến Côn Đảo, nơi đây từng ghi dấu có hệ thống nhà tù khủng khiếp của Pháp, Mỹ với nhiều trại giam lớn như: trại Phú hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà Chúa Đảo, nơi đã giam cầm và đày ải hàng ngàn chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh: Zing.vn)
Du khách khi đến quần đảo Côn Đảo thường tìm đến Nghĩa trang Hàng Dương, đây là địa chỉ du lịch tâm linh, là nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng kiên trung nổi tiếng, đã bị địch sát hại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Anh hùng liệt sĩ Cao Văn Ngọc...
Đến thăm Côn Đảo ngoài ý nghĩa trở về nguồn, du khách còn được tắm mình trong không khí trong lành, rợp bóng cây bàng cổ thụ. Cư dân sống rải rác khiến đường phố thông thoáng, người và xe vừa đủ; yên tĩnh.
Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Môi trường sống ở Côn Đảo rất trong lành, nhiệt độ bình quân khoảng 26 - 27oC mát mẻ quanh năm. Du khách đến Côn Đảo có nhiều lựa chọn để tham quan, nghỉ dưỡng như tắm biển, nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển...).
Hàng hóa đưa từ đất liền ra đang được vận chuyển về trung tâm Côn Đảo. (Ảnh: Báo Công Thương)
Những năm gần đây, cuộc sống người dân ở Côn Đảo thêm phần khởi sắc, đường xá, sân bay... được trùng tu, ngành du lịch ngày càng phát triển, số lượng du khách trong nước và quốc tế đến Côn Đảo ngày càng nhiều. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ và canh tác nông nghiệp.
Muốn du lịch tới Côn Đảo, du khách có thể di chuyển đến Côn Đảo bằng đường hàng không hoặc đường thủy.
Tàu cao tốc đi từ cảng Cầu Đá (Vũng Tàu) đi cảng Bến Đầm (Côn Đảo). (Ảnh: PLO)
Hiện có 2 chặng hàng không là Cần Thơ - Côn Đảo và TP.HCM - Côn Đảo.
Nếu muốn di chuyển bằng đường thủy, du khách có thể lựa chọn tàu thường hoặc tàu cao tốc. Thời gian di chuyển bằng tàu cao tốc khoảng 3 giờ đồng hồ.
Đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách, một số khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên ở Côn Đảo với nhiều tiện nghi bao gồm nhà hàng, quán bar, khu vườn, phòng nghỉ, villa sang trọng, dịch vụ lễ tân 24 giờ, dịch vụ đưa/đón sân bay, dịch vụ phòng và Wi-Fi miễn phí...
Một số resort nổi tiếng ở Côn Đảo như: Tan Son Nhat Con Dao Resort, Six Senses Côn Đảo, Poulo Condor Boutique Resort & Spa Côn Đảo, Con Dao Sea Travel Resort, Khu Nghỉ Dưỡng Sài Gòn Côn Đảo...
Minh Tuệ (tổng hợp)
Đến Côn Đảo để trải nghiệm và lắng lòng Sau bao nhiêu lần lỡ hẹn, tôi mới đến được Côn Đảo - một hòn đảo nhỏ xinh, yên bình, không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp nằm giữa biển khơi. Nhiều người nói, đến Côn Đảo thường có cảm giác nặng nề, lạnh lẽo nhưng tôi lại không thấy thế. Côn Đảo đón tôi bằng một cơn mưa bóng mây đến...