Chườm nóng, chườm đá: Hại nhiều hơn lợi
Chườm nóng, chườm đá, kích thích điện, siêu âm và những thứ tương tự hầu như không giúp ích gì cho những bệnh nhân cần vật lý trị liệu và, thật ngạc nhiên, là thậm chí chúng có thể gây hại.
Hội Vật lý trị liệu Mỹ (APTA) đã tham gia Chiến dịch lựa chọn thông minh, một sáng kiến của Hội Nội khoa Mỹ để khuyến khích đối thoại giữa bệnh nhân và thầy thuốc với mục đích đưa ra biện pháp điều trị tốt hơn.
Thay vì cầu cứu đến chườm nóng hoặc chườm đá, APTA cho rằng một kế hoạch điều trị chủ động, bao gồm các bài tập phục hồi sức mạnh, sẽ có “tác động lớn hơn lên đau, hạn chế vận động, chức năng và chất lượng sống”.
“Bằng chứng về lợi ích hầu như là số không”, BS. Tony Delitto, trường Đại học Pittsburgh cho biết. “Khi tôi tốt nghiệp bằng Vật lý trị liệu năm 1979, thì những tác nhân vật lý này chiếm một phần lớn trong thực hành,” Delitto giải thích “Chúng tôi đã phải rất khó khăn mới rời bỏ được chúng”.
Tất nhiên rồi! Bất cứ ai đã từng cảm thấy thoải mái bởi túi chườm nóng dễ chịu hẳn sẽ không sẵn sàng đón nhận tin này. Như Linda Nichols, một bệnh nhân cũ đã bình luận cho bài báo về chủ đề này: “Các anh muốn lấy túi chườm nóng từ những ngón tay lạnh giá đã chết hay là từ những ngón tay ấm áp của tôi.”
Tuy nhiên, khoa học là khoa học và giờ đây khoa học nói rằng đừng dùng túi chườm nóng hoặc những thứ tương tự. “Có bằng chứng cho thấy những tác nhân vật lý thụ động có thể gây hại cho người bệnh,” Delitto và các đồng tác giả viết trong khuyến cáo số một của họ dành cho các thầy thuốc. Cụ thể, các tác giả tin rằng “truyền đạt cho bệnh nhân về những chiến lược điều trị thụ động, thay vì chủ động” sẽ càng khuyếch đại sự lo lắng và sợ hãi của bệnh nhân về hoạt động thể lực trong khi đau. Và điều này có thể kéo dài thời gian hồi phục, làm tăng chi phí và thậm chí làm tăng nguy cơ phải tiêm hoặc phẫu thuật.
Chắc chắn là không ai muốn phải đụng tới dao kéo, vì thế có lẽ cách khôn ngoan là nên xem những nguyên tắc mới dành cho bác sĩ vật lý trị liệu dưới đây: ows:
Video đang HOT
1. Không sử dụng những tác nhân vật lý thụ động trừ khi cần thiết để tạo thuận lợi cho việc tham gia vào chương trình điều trị chủ động.
2. Không kê đơn những chương trình tập sức mạnh “không đủ liều” cho người già. Thay vào đó, hãy cân đối tần số, cường độ và thời gian tập với khả năng và mục đích của mỗi người bệnh.
3. Không khuyên bệnh nhân nằm nghỉ trên giường sau chẩn đoán huyết khổi tĩnh mạch sâu cấp tính sau khi bắt đầu liệu pháp chống đông, trừ phi có những lo ngại đáng kể về sức khỏe.
4. Không sử dụng những máy tập vận động thụ động liên tục cho điều trị sau mổ ở bệnh nhân sau phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối không có biến chứng.
5. Không dùng bể sục để điều trị vết thương.
Theo Cẩm Tú
Dân Trí
Gai cột sống, khi nào cần điều trị?
Mỗi ngày, có 300 - 400 bệnh nhân (BN) tới Bệnh viện Chợ Rẫy khám các bệnh lý cơ xương khớp, trong số đó khoảng 1/3 BN có liên quan tới thoái hóa khớp và gai cột sống.
Ảnh minh họa: Internet
Biến chứng vẹo, gù cột sống
Các BN khám gai cột sống chủ yếu từ 50 tuổi trở lên, những người do tính chất công việc phải bưng bê mang vác nặng, hoặc phải đứng, ngồi lâu một tư thế, nữ gặp nhiều hơn nam (có thể do sự khác biệt về giới, các yếu tố nội tiết, thói quen sinh hoạt...). Người càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh này. Tuy nhiên, gai cột sống cũng có thể do di truyền.
TS-BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết: gai cột sống là một biểu hiện của thoái hóa cột sống, và cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng, đau cột sống cổ. Khi lớp sụn đĩa đệm giữa các đốt sống bị mất hoặc giảm chức năng dẫn tới mâm đốt sống phải chịu lực quá mức, sẽ hình thành các gai xương ngoài rìa thân đốt sống.
Theo TS-BS Khoa, không phải ai bị gai cột sống cũng có triệu chứng. Và nếu có triệu chứng thì cũng tùy mỗi vị trí mà người bệnh cảm thấy đau khác nhau. Với bệnh lý này, không phải lúc nào cũng cần thiết phải điều trị, chỉ can thiệp khi có triệu chứng hoặc gây ra những biến chứng nghiêm trọng
Nếu gai cột sống thắt lưng thì BN có thể thấy đau tập trung ở giữa thắt lưng hay lan tỏa xuống vùng hông. Hầu hết BN có cơn đau thắt lưng ở mức độ thấp và chịu đựng được (mạn tính), dù thỉnh thoảng có cơn đau dữ dội kéo dài vài ngày ảnh hưởng tới đi đứng, hạn chế vận động. Với cơn đau mạn tính, BN đau nhiều hơn khi vận động, cơn đau sẽ giảm bớt lúc nghỉ ngơi.
Nếu gai cột sống xảy ra ở vùng cổ, BN thường đau sau gáy, đau hai bên vai. Một số BN bị gai cột sống cổ có thể bị đau buốt kéo lên đỉnh đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ. Gai cột sống cổ nặng, đặc biệt khi kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ, có thể chèn ép các rễ thần kinh, gây đau, tê lan xuống vai, cánh cẳng tay.
Trường hợp BN ban đầu chỉ cảm thấy đau vùng thắt lưng, nhưng lâu dài cơn đau lan xuống mông, chân, hoặc đang đau vùng cổ, vai bỗng cơn đau lan xuống cánh tay thì có thể tổn thương đã chèn ép lên rễ dây thần kinh cột sống.
Nếu chủ quan không điều trị, về lâu dài BN có thể bị biến chứng vẹo, gù cột sống và nếu có chèn ép rễ dây thần kinh cột sống kéo dài sẽ gây yếu cơ, teo cơ ở tay hoặc chân.
Chỉ phẫu thuật khi tổn thương chèn ép nặng
Đối với gai cột sống, TS-BS Khoa cho rằng chủ yếu là điều trị triệu chứng, làm chậm bớt quá trình thoái hóa, giúp BN sống chung với bệnh.
Cụ thể, BN bị đau, sẽ được cho uống thuốc giảm đau, kết hợp tập vật lý trị liệu. Trường hợp đau gây ra co cứng cơ thì bác sĩ sẽ cho thêm thuốc uống có tác dụng dãn cơ.
"Gai cột sống hiếm khi can thiệp ngoại khoa, trừ trường hợp BN bị biến chứng gây thoát vị đĩa đệm nặng, tổn thương gây chèn ép rễ dây thần kinh. Lúc này phải phẫu thuật để giải phóng chèn ép, chỉnh hình lại...", TS-BS Khoa nói.
Để hạn chế bị gai cột sống cũng như thoái hóa khớp và cột sống nói chung, không nên vận động, bưng vác quá sức; khi bê nhấc vật nặng, tránh cúi gập lưng. Không nên ngồi lâu trong tư thế không dựa lưng, thiếu điểm tựa. Các bài tập thể dục cột sống cổ, thắt lưng hay những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội sẽ hữu ích, giúp làm chậm quá trình thoái hóa cột sống.
Cần cố gắng giữ cân nặng lý tưởng, bởi các nghiên cứu cho thấy những người tăng cân, béo phì có nguy cơ bị các bệnh lý thoái hóa cao hơn bình thường.
BS Khoa lưu ý, đau lưng không chỉ là biểu hiện của bệnh lý gai cột sống mà còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như viêm nhiễm cột sống (do bệnh tự miễn, do vi trùng, do lao), hay loãng xương (làm gãy lún các đốt sống). Đau lưng cũng có thể do các bệnh lý ác tính di căn đến cột sống. Bởi vậy, khi bị đau lưng mà kèm theo sốt, sụt cân, thiếu máu, bí tiêu tiểu, yếu tay chân thì đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo Phunuonline
Phụ nữ - "nạn nhân" của viêm khớp dạng thấp Viêm khớp dạng thấp là bệnh có tỉ lệ người mắc cao, thường kéo dài và dễ dẫn đến tàn phế. Theo thống kê, khoảng 70-80% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp là nữ giới, chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở khớp nhỏ Các số liệu thống kê đều chỉ ra rằng, viêm khớp...