Chuối sấy xứ Quảng
Chuối là món ăn dân dã, rẻ tiền và thường được chế biến thành nhiều món ngon như chuối ép, chuối chiên, mứt chuối… mà bất cứ ai từng một thời gắn với làng quê đều rất quen thuộc.
Hấp dẫn với những miếng chuối sấy
Riêng ở Quảng Nam, có một món ăn khá độc đáo chế biến từ chuối là chuối sấy khô.
Nhớ những ngày còn nhỏ mỗi khi nghe tin mẹ làm món chuối sấy khô là mấy chị em tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng. Những miếng chuối sấy dẫu đã được xếp đầy thau mà tôi vẫn cứ trách thầm sao mẹ không làm nhiều thêm nữa để tôi thỏa cơn thèm. Chỉ là những miếng chuối sấy nho nhỏ, xinh xinh như bao món quà quê dân dã khác với vị ngọt của đường, vị cay nhẹ ấm áp của gừng, mùi thơm nồng hương chuối của ngày trước mà sao kỳ lạ thật, dẫu bây giờ đã lớn, đã đi xa nhưng lòng vẫn thấy thương, thấy nhớ.
Video đang HOT
Chuối sấy được chế biến rất đơn giản, nguyên liệu duy nhất chỉ là những nải chuối chín. Đơn giản là thế nhưng để có chuối sấy ngon thì phải có bí quyết riêng. Theo người quê tôi, muốn chuối sấy ngon, giòn phải chọn bằng được nải chuối vừa chín tới để có độ dẻo và dính. Chuối xanh quá làm lát chuối bị cứng và có vị chát, chuối chín quá sẽ cho ra những chuối mềm nhũn và hơi chua. Nếu chọn được chuối tiêu, chuối bom có chứa nhiều vitamin B1, C, muối khoáng thì rất tốt.
Chuối sau khi bóc vỏ, thái lát mỏng. Người chế biến chuối sấy khô phải biết cách xắt chuối vừa đủ mỏng để khi nướng lên, chuối có độ giòn, ăn không thấy ngán, vừa phải đủ dày để không bị rách. Khi xắt chuối nhanh tay cho các lát chuối vào bát nước đã có pha ít nước chanh.
Đợi chuối ngấm nước chanh chừng mươi phút, sau đó những lát chuối tươi này được vớt ra để ráo nước tiếp tục trộn với một ít đường cát trắng chờ đến khi đường tan hết đặt chuối lên khay nướng trên lửa than hồng, không xếp chồng các lát chuối lên nhau.
Khi sấy để lửa vừa phải, thường xuyên trở chuối đều và nhanh tay để chuối lên màu vàng nâu tự nhiên. Khi nào xếp các miếng chuối chồng lên nhau mà không bị bết dính là mẻ chuối đã đạt chất lượng. Chuối sấy rất dễ ăn, vừa đủ bùi, vừa đủ ngọt lại cất giữ được lâu. Sau khi chuối đã khô, đợi chuối nguội bảo quản nơi khô ráo.
Chuối sấy khô xứ Quảng tuy mộc mạc, dân dã là thế, nhưng với những người xa xứ, là món quà quê giản dị thân thương được gói ghém cẩn thận. Riêng với những du khách khi đến vùng đất này, chuối sấy là món quà không thể thiếu để dành tặng bạn bè, người thân khi trở về.
Theo tuổi trẻ
Ngọt như bịch chuối ngào đường
Tạm biệt những ngày dài nghỉ tết, tôi lên đường công tác. Món quà quê ngoại giúi vào tay tôi là bịch chuối ngào đường thơm hoài mãi.
Quê tôi, vùng trung du xứ Quảng, đất cao ráo, khí hậu ôn hoà, mát mẻ, thích hợp với việc trồng chuối và cây chuối được xem là cây nông sản chính của quê nhà. Chuối trồng quanh vườn nhà, trên triền đồi, ngoài bờ ao, khe suối... mà lá vươn dài, xỏa bóng xanh thắm một miền quê.
Đặc biệt, quê tôi trồng nhiều chuối mốc bởi loại chuối này trái to, thơm, ngọt, có thể bảo quản được lâu. Chuối càng chín vị càng thơm ngọt nên rất được người dân ưa chuộng. Khi chuối ra hoa, kết trái, trái lớn nhanh như thổi, chín vàng, căng mọng. Từng buồng xuôi về các chợ huyện, thị trấn, đi ra cả phố thị xa xôi, hoặc chế biến thành những món ăn chơi như chuối khô, chuối ép, mứt chuối, chuối chiên,... và cả chuối ngào đường.
Chuối ngào đường, nghe đơn sơ nhưng gợi nhớ về một miền quê, về một tuổi thơ xa xôi đầy thương nhớ. Ngày ấy, mỗi lần về thăm ngoại là y như rằng sau mấy câu thăm hỏi, ngoại chậm rãi vào buồng, bê cái nắp ghè sành to tướng lên rồi lôi ra một bịch chuối ngào đường trao cho con cháu.
Để làm chuối ngào đường, chọn những trái vàng ươm, ngoại lui cui một mình lột vỏ, cắt lát nhỏ, mỏng, theo chiều dọc; trải từng lát ra mâm hay nia đem phơi trên mái nhà. Cứ vậy ngoại lặng lẽ phơi, lật trở vài nắng cho đến khi những lát chuối khô hoàn toàn. Sau đó, ngoại thắng đường - khâu quan trọng nhất, bởi nước đường già quá thì chuối sẽ khô cứng, quánh lại; nếu nước đường non quá thì chuối sẽ không kết dính, mất đẹp mà không ngon. Chuối ngọt nên chỉ cần một lượng đường vừa phải. Khi nước đường sánh lại, cho chuối vào sên, đảo đều tay để chuối không bị cháy. Tăng thêm hương vị cho mẻ chuối ngào, cần cho thêm một ít gừng già giã nhỏ và đậu phụng rang chín vào xào chung. Khi nước đường sền sệt, kết dính với chuối, đậu phụng tạo nên một hỗn hợp dẻo thơm.
Những lát chuối mềm mại, ngọt ngào có vị cay của gừng, vị béo giòn của đậu phụng khiến những đứa cháu của ngoại làm hết vèo một bịch bự. Dù đã bao năm trôi qua, món quà quê ấy luôn nằm trong ký ức.
Theo SGTT
[Chế biến] - Mứt chuối khô Chuối khô có hương vị thật là ngon, vừa thơm, ngọt đậm lại có độ dẻo dẻo dai dai ăn rất vui miệng. Món chuối khô này thật hợp để làm trong các dịp như Giáng sinh, hay Tết âm lịch, để cả nhà và bạn bè cùng thưởng thức. Nhưng làm chuối khô theo cách thông thường sẽ phải dùng đến phương...