Chuối Philippines ’sợ’ chuối Việt Nam
Việt Nam nằm trong số quốc gia đe dọa lấy đi vị thế nước xuất khẩu chuối lớn nhất châu Á của Philippines…
Philippines là nhà xuất khẩu chuối chính cho các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand. Tuy nhiên, Việt Nam, Indonesia, Mozambique, Costa Rica đang âm thầm thâm nhập thị trường này.
Báo Manila Times của Philippines mới đây đã có bài viết nhận xét chung về tình hình xuất khẩu chuối của khu vực Đông Nam Á, trong đó có nhận định rằng chuối của Việt Nam là một đối thủ “đáng gờm” của chuối Philippines.
Một số nước xuất khẩu chuối tại châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đang đe dọa lấy đi vị thế nước xuất khẩu chuối lớn nhất châu Á và thứ nhì thế giới của Philippines, đó là nhận định của Hiệp hội Trồng và Xuất khẩu chuối Philippines (PBGEA).
Theo PBGEA, giới chuyên gia lo ngại sau khi xuất khẩu đường, cà phê và dầu dừa của Philippines đi xuống, tiếp đến ngành chuối sẽ mất đi vị thế thống trị thị trường thế giới. Chính vì vậy, hiệp hội này đang gây sức ép kêu gọi Cính phủ thương lượng với các đối tác nhập khẩu nhằm giảm thuế, nếu không họ sẽ mất thị trường.
Chuối của Philippines vẫn còn nằm trong danh sách không được miễn thuế của các đối tác thương mại. Chính vì thế hiện nay, các nước nhập khẩu chuối của Philippines phải nộp thuế từ 10 đến 40% tổng giá trị hàng nhập. Trước tình hình cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước láng giềng, các công ty xuất khẩu chuối Philippines lo sợ sẽ không bán được hàng.
Các công ty xuất khẩu chuối Philippines còn lo ngại việc chi phí sản xuất tăng cao qua các năm, chính vì vậy một số tập đoàn đa quốc gia hiện đang đầu tư trồng chuối ở Philippines đã cân nhắc đến việc chuyển hoạt động sang một số nước khác có môi trường đầu tư thân thiện và chi phí lao động thấp hơn.
Không ít tập đoàn như vậy đã nhận được lời mời mở đồn điền ở Việt Nam.
Hiện nay, Philippines là nhà xuất khẩu chuối chính cho các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand. Chuối chiếm 48,7% trong tổng lượng hoa quả nhập khẩu cùa Hàn Quốc, trong đó nguồn cung từ Philippines lên tới 98,7%.
Tuy nhiên, Việt Nam, Indonesia, Mozambique, Costa Rica đang âm thầm thâm nhập thị trường này.
Thư kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Thương mại Philippines của Chủ tịch PBGEA có đoạn viết: “Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu các nhà nhập khẩu Nhật chuyển sang nhập hàng từ các nước có mức thuế quan bằng không để giảm thiểu chi phí, như vậy, xuất khẩu chuối của Philippines sẽ suy giảm.”
Video đang HOT
Đối thủ Việt Nam
Theo Manila Times, hiện tại Việt Nam đang trồng một số loại chuối khác với những loại thường được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ sớm chuyển dịch cơ cấu cây trồng để xuất khẩu những loại chuối hiện đang phổ biến trên thị trường quốc tế.
Manila Times còn dẫn lời ông Nguyen Van Khai, một chuyên gia tư vấn nông nghiệp, rằng chuối nằm trong 14 loại hoa quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nông dân Việt Nam đang trồng chuối thay cho gạo trong khoảng 10% tổng diện tích đất canh tác lúa gạo. Từ trước đó, Việt Nam đã có hơn 90 nghìn héc ta đất trồng chuối.
Phía Philippines ước tính Việt Nam sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chuối/năm. Tổng diện tích đất trồng chuối tương đương khoảng 20% tổng diện tích đất trồng các cây ăn quả.
Gần đây, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu chuối của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam được cho là vẫn đang thiếu chuối để xuất khẩu.
Tuy vậy, Manila Times cũng nhận xét công nghệ bảo quản chuối của Việt Nam hiện chưa đạt chuẩn quốc tế, và vì vậy chỉ một số ít sản phẩm của Việt Nam được cấp phép vào thị trường giàu có như Nhật. Thế nhưng vấn đề này có thể sớm được giải quyết, khi Việt Nam chú ý nhiều hơn đến công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Tổng giá trị xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam năm 2014 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2013. Quý đầu tiên của năm 2015, giá trị xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam đạt 215 triệu USD, tăng 32,3% so vơi cùng kỳ.
5 đối tác nhập khẩu rau hoa quả lớn nhất của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu nhiều rau hoa quả nhất vào thị trường Trung Quốc.
Theo VnEconomy
'Cởi trói' cho lúa gạo cần bắt đầu từ đâu?
VFA hoạt động như một cơ quan quản lý ngành hàng dựa trên các biện pháp hành chính là chủ yếu. Điều này đôi lúc đã làm cho thị trường lúa gạo của nước ta bị bóp méo, cứng nhắc.
PV đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) về vấn đề này.
VFA giữ trọng trách lớn
Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang là trở lực cho một thị trường gạo lành mạnh, cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Quan điểm của ông?
VFA là một hiệp hội tổ chức theo mô hình liên kết ngang, tập hợp các nhà chế biến và kinh doanh xuất khẩu gạo. VFA có quyền lực và ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất khẩu của ngành hàng giữ vị trí số 1 của VN. 98% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước là do hội viên của VFA thực hiện, được Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ triển khai các chính sách quốc gia, quản lý ngành hàng để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực.
Với đặc thù của một ngành hàng tác động lớn đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia nên VFA được giao nhiều quyền đối với việc quản lý xuất khẩu gạo ở VN được thể hiện qua Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong đó VFA giữ một vai trò điều hành quan trọng như giám sát việc đăng ký các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp, có quyền phân bổ 80% khối lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung (G2G) giữa các hội viên, công bố giá hướng dẫn (giá sàn) để các doanh nghiệp làm cơ sở đàm phán và ký kết hợp đồng, giám sát theo dõi tiến độ và cập nhật số liệu thống kê báo cáo các bộ ngành liên quan.
Ngoài ra, VFA cũng tham gia vào quá trình thực hiện chương trình mua tạm trữ mỗi khi biện pháp này được áp dụng. Như vậy, VFA hoạt động như một cơ quan quản lý ngành hàng nhất là quản lý việc kinh doanh xuất khẩu gạo dựa trên các biện pháp hành chính là chủ yếu.
Điều này đôi lúc đã làm cho thị trường lúa gạo của nước ta bị bóp méo, cứng nhắc thiếu sự năng động đối với thị trường trong và ngoài nước. Trong khi đó, VFA đã bỏ qua một số vai trò mà các hiệp hội ngành hàng phải tham gia như xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển và ổn định nguồn cung trong nước, mở rộng hội viên theo liên kết dọc nhằm kết nối hợp tác và phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng hiệu quả hơn ...
Bên cạnh đó, thành viên của VFA chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, chưa đại diện cho tất cả các tác nhân sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo như đại diện của các địa phương sản xuất lúa gạo, đại diện doanh nghiệp nhỏ, nông dân, hợp tác xã.
Gạo trên thị trường Việt Nam.
Cần tách rời chức năng thương mại và xã hội của Vinafood
Có ý kiến chúng ta nên &'phân biệt gạo thương mại và gạo dự trữ (an ninh lương thực), các công ty lương thực như Vinafood cần tập trung vào hoạt động điều phối, tích trữ gạo; không thực hiện hoạt động xuất khẩu; nhường hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp tư nhân', ông có bình luận gì?
Hiện tại Vinafood vẫn chủ yếu tập trung vào xuất khẩu gạo theo hợp đồng chính phủ. Khách hàng chính của hợp đồng chính phủ là các thị trường nhập khẩu truyền thống của VN như Philippines, Indonesia. Các khách hàng này quan tâm chủ yếu đến giá rẻ, không đòi hỏi cao về chất lượng gạo.
Do đó, Vinafood chủ yếu chú trọng quan hệ mua bán thương mại, chưa chú trọng đến liên kết phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng gạo như phát triển giống lúa, kiểm soát chất lượng, và chia sẻ lợi ích với người nông dân.
Về chính sách thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ chủ yếu thu mua qua thương lái, sau đó doanh nghiệp thu mua lại từ thương lái. Như vậy, người được hưởng lợi không là nông dân và nhiều trường hợp cũng không là DN mà chính là các thương lái đã mua với giá rẻ và bán với giá cao.
Hơn nữa, Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ trong một khoảng thời gian (3 tháng) nhưng giá thu mua vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp. Thực tế khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy, mức tăng này không ổn định do đầu ra hạn chế, đặc biệt vào thời điểm giá xuất khẩu gạo thấp, doanh nghiệp lo ngại bị lỗ nếu thu mua tạm trữ mà giá không tăng trở lại. Do đó, hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ còn chưa cao.
Để hỗ trợ cho thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, cần phân biệt rõ và tách rời các mục tiêu và chức năng thương mại ra khỏi các mục tiêu và chức năng xã hội của Vinafood.
Có bằng chứng cho thấy hai mục tiêu này bị lẫn lộn vào nhau thì sẽ không đạt cả mục tiêu chính sách công lẫn nguyện vọng của khu vực tư. Như vậy, Vinafood cần được cải cách theo 2 hướng: (i) cổ phần hóa mạnh mẽ phần hoạt động thương mại để hoạt động như các công ty tư nhân khác; (ii) tách phần còn lại riêng của Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ dự trữ lúa gạo quốc gia.
Theo ông, vai trò độc quyền của Vinafood 1 và Vinafood 2 trên thị trường thu mua lúa gạo có hợp lý không? Có cần tác động vào để tạo sự cạnh tranh và thêm cơ hội cho người nông dân hơn?
Hiện nay trong lĩnh vực thu mua xuất khẩu gạo của nước ta có rất nhiều doanh nghiệp kể các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân tham gia. Năm 2011 Bộ Công thương đã phê duyệt danh sách hơn 140 doanh nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Xét về mặt thể chế Nhà nước không khuyến khích độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo nhưng trong thực tế điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm kinh doanh, v.v... có thể tạo cho một doanh nghiệp có ưu thế hơn.
Như vậy vấn đề cơ hội của các doanh nhân hoặc người nông dân ở đây là cơ hội tham gia nhiều hơn vào các hợp đồng tập trung (G2G). Hiện tại theo Nghị định 109 doanh nhân ký kết được thực hiện xuất khẩu trực tiếp 20% giá trị hợp đồng, số còn lại (80%) do VFA phân bổ cho các doanh nhân khác thực hiện.
Như vậy vẫn tồn tại quyền phân bổ chứ không phải là hoạt động theo cơ chế thị trường nên chăng áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh trong khâu này để tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp để người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Theo ông Nhà nước có cần những chính sách quảng bá tầm quốc gia cho thương hiệu gạo Việt Nam không? Hay để cho thị trường tự quyết định?
Ngày 21/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trong đó xác định vai trò của nhà nước là tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu gạo Việt Nam trong và ngoài nước, hỗ trợ bằng chính sách để giúp các tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất...) thúc đẩy mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, uy tín và thị phần của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam thông qua xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo để tổ chức, quản trị sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo VNN