Chuỗi cung ứng gián đoạn nặng nề, song Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn nặng nề ở khu vực Đông Nam Bộ Việt Nam. Ngành da giày và dệt may chịu tổn thất nặng nhất.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn khi các điều kiện nền tảng vững mạnh sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19.
Mặc dù đã triển khai “3 tại chỗ” nhưng nhiều nhà máy chỉ hoạt động 30% – 40% công suất.
Đây là những nhận định của HSBC trong báo cáo Vietnam At A Glance định kỳ tháng 9/2021, với tiêu đề “Tháng 8 không tươi sáng và những “niềm đau” của chuỗi cung ứng”.
Ngành điện tử và dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo báo cáo, số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét sự ngưng trệ trong phục hồi kinh tế của Việt Nam. Đợt bùng dịch do biến chủng Delta trở nên nặng nề dẫn đến siết chặt giãn cách ở TP.Hồ Chí Minh (HCM) và các khu vực lân cận. Không ngạc nhiên khi tiêu dùng bị ảnh hưởng trong bối cảnh đó, nhưng điều đáng báo động hơn là động lực phát triển bên ngoài bị “hụt hơi”. Lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng trong khi một số ngành đã xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng và sự đứt gãy về sản xuất.
Cụ thể, tiêu dùng cá nhân trong nước ảnh hưởng nặng nề khi khả năng đi lại của người dân nói chung bị hạn chế tới mức trung bình 60% so với trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái, riêng TP.HCM giảm tới 51%.
Video đang HOT
Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động hơn là khả năng trụ vững của ngành sản xuất trong bối cảnh giãn cách kéo dài. Chỉ số PMI tháng 8 giảm xuống 40,2, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua, với các chỉ số chính cho thấy viễn cảnh ảm đạm về khả năng phục hồi. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức giảm khá sâu sau khi tăng trưởng vững vàng 12% trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, sản xuất công nghiệp của TP.HCM đã sụt giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái, với ngành điện tử và dệt may bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Khó khăn dễ thấy nhất rơi vào ngành da giày và dệt may vì khu vực Đông Nam Bộ vốn là một đầu mối gia công quan trọng của thế giới. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa. Hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần của ngành da giày Việt Nam trên thế giới đang chiếm 15%, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây bất chấp vị thế thống lĩnh của Trung Quốc đại lục với 30% thị phần. Trong bối cảnh mùa lễ hội sắp đến ở các nước phương Tây, người tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu sẽ ngày càng thấy rõ được tác động của đại dịch. Nike là một ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, 88 trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, chịu trách nhiệm sản xuất 50% sản phẩm giày dép mang nhãn hiệu Nike.
Tương tự, Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Bangladesh. Những đợt gián đoạn cung ứng nặng nề sẽ có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ, chỉ riêng nước này đã chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Khả năng phục hồi phụ thuộc vào tốc độ tiêm phòng
Tuy nhiên, tác động đối với xuất khẩu điện tử lại có xu hướng ngược lại. Cũng giống như ngành hàng da giày và dệt may, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, xuất khẩu điện thoại lại duy trì ổn định đáng ngạc nhiên, với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những khó khăn do biến chủng Delta gây ra. Nguyên nhân chính là sự phân bố về địa lý của các cụm công nghiệp điện tử.
Samsung – nhà đầu tư độc lập lớn nhất Việt Nam, sản xuất điện thoại thông minh tại hai nhà máy nằm ở miền Bắc, một ở Bắc Ninh và một ở Thái Nguyên. Sau đợt bùng dịch biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp đã dần hoạt động như bình thường. Trong khi đó, nhà máy của Samsung tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn là nơi sản xuất đồ gia dụng điện tử lại chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù đã sắp xếp mô hình “3 tại chỗ”, nhà máy vẫn chỉ hoạt động được 30 – 40% công suất.
Nhìn rộng hơn, đợt bùng dịch biến chủng Delta đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ. Apple và Google là hai trong số các hãng đã trì hoãn việc dời chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức có thể xảy ra, các chuyên gia HSBC đánh giá Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Cụ thể, Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc.
Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ 9,6 – 10 triệu lên 13-14 triệu đơn vị.
Như vậy, theo các chuyên gia HSBC, càng sớm kiểm soát được đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư, Việt Nam càng lấy lại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, và phần quyết định trong phương trình này chính là tăng tốc triển khai tiêm phòng.
“Mặc dù có tiến độ khả quan, Việt Nam vẫn đi sau các nước trong khu vực trong đặt mua và triển khai vắc-xin. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy nhiều điểm đáng lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vắc-xin trong quý IV, hy vọng tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững.” – báo cáo của HSBC nhận định.
Thảo luận nhiều vấn đề then chốt tại diễn đàn về chuyển đổi số nông nghiệp
Với chủ đề "Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19", Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 là diễn đàn kinh tế nông nghiệp có quy mô quốc gia, quốc tế, để thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về nông nghiệp của Việt Nam đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới.
Vải thiều Thanh Hà được bán tại siêu thị Thanh Bình Jeune ở Paris (Pháp). Ảnh: Linh Hương/Pv TTXVN tại Pháp
Diễn đàn là nơi diễn ra các hoạt động đối thoại chính sách công - tư giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, cùng các bên liên quan. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo diễn ra sáng 10/9, theo hình thức trực tuyến.
Diễn đàn "Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021: Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19" do Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo Điện tử Tin nhanh Việt Nam (VnExpress) tổ chức ngày 16/9/2021. Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 1 nghìn đại biểu dự với hai phiên thảo luận:
Khai mạc và định hướng chính sách; Định hình nông nghiệp số Việt Nam đến năm 2035. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam 2021 (AgriTech Expo 2021) cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến và thực tế ảo.
Với chủ đề "Định hình Nông nghiệp số Việt Nam đến năm 2035", phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các khó khăn và thuận lợi cho chuyển đổi số tại Việt Nam: tình hình quốc tế cũng như Việt Nam, dịch COVID-19, biến đổi khí hậu; đứt gãy của các chuỗi cung ứng tại các địa phương Việt Nam: thực trạng và giải pháp; các cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam bứt phá; hướng đi chiến lược nhằm phát triển nền nông nghiệp trong bối cảnh mới: chuyển đổi số. Tiếp đến là giải pháp và nguồn lực cho nông nghiệp số Việt Nam: doanh nghiệp nông nghiệp phải làm gì để phát triển bền vững trong một thị trường biến động và nhiều rủi ro.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân, chuyên gia chuyển đổi số, giảng viên trường đại học Hiroshima, Nhật Bản sẽ chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ cao và kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của Nhật Bản và những kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam. Cùng với đó là chia sẻ của các chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại Isarel và Hà Lan về ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp tại Isarel; chuyển đổi số trong nông nghiệp và kinh nghiệm số hóa tại Hà Lan.
Bên cạnh các phiên thảo luận, Diễn đàn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo. Triển lãm đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp cũng như các sở, ban, ngành địa phương, điển hình là gian hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã lên kệ và thu hút được sự chú ý từ nhiều phía. Trong thời gian tới, triển lãm sẽ mở rộng thêm các gian hàng quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu kết nối giao thương trong và ngoài nước, tạo điều kiện tìm kiếm đối tác chất lượng và thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 đang gây cản trở kinh doanh và mở rộng thị trường.
Đặc biệt, đây cũng là Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Các bài tham luận của lãnh đạo, chuyên gia, đặc biệt là những chuyên gia quốc tế sẽ được kết nối từ xa. Đại biểu tham dự có thể đặt câu hỏi trực tiếp trong Diễn đàn thông qua các tính năng được tích hợp tại sự kiện.
Đại diện đơn vị phối hợp tổ chức Diễn đàn, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Trần Thanh Huân cho biết, trên tinh thần ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Cục Ngoại vụ nói riêng, Bộ Ngoại giao nói chung có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp cả nước và người dân trong phát triển kinh tế. Bộ Ngoại giao kỳ vọng, thông qua Diễn đàn này, với sự tham gia của các đối tác nước ngoài và các chuyên gia hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có nhiều bài học, thành công trong lĩnh vực nông nghiệp được chia sẻ, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ cao vào khâu sản xuất và quy trình tiêu thụ sản phẩm, từ đó, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển.
Thông qua các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có thể mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm những cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Ban Tổ chức, sự kiện sẽ là nơi gặp gỡ trực tuyến, đối thoại công - tư quy mô quốc gia và quốc tế; nhằm đặt ra những vấn đề cấp thiết cho nền nông nghiệp Việt Nam với những giải pháp đột phá, tạo lực đẩy cho sự hồi phục tăng trưởng trong bối cảnh Việt Nam và thế giới vẫn đối mặt nhiều thách thức bởi đại dịch COVID-19.
TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động tham gia chuỗi cung ứng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị ưu tiên tiêm sớm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người sẽ tham gia vào các hoạt động chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, công nhân nhà máy. Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng tiếp tục được...