Chuối chiên nóng hổi cho ngày trở gió
Cắn nhẹ một miếng, lớp vỏ vàng ruộm bên ngoài giòn tan trong miệng hòa cùng vị ngọt thanh của chuối chín.
Nhắc tới Cần Thơ nói chung hay các vùng miền Tây Nam Bộ nói riêng, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới hoa trái ngọt lành quanh năm. Các món ăn làm từ trái cây tại mảnh đất này cũng không phải ít. Tuy vậy, một trong những thứ quà quen thuộc, rẻ mà lại có cách làm đơn giản phải kể đến chuối chiên.
Nằm trên con đường dẫn tới căn nhà cổ vốn là nơi du khách thường lui tới khi đặt chân đến Bình Thủy (Cần Thơ), quán chuối chiên của chị Thơ lúc nào cũng thơm lừng đầu phố. Khi cắn miếng chuối chiên nóng hổi, vàng ruộm, bạn sẽ cảm nhận được vị giòn thơm từ bột, ngọt thanh từ chuối. Mỗi chiếc bánh như vậy có giá bán chỉ 4.000 đồng.
Chị chia sẻ rằng cách làm chuối chiên rất đơn giản, chỉ cần chuối và bột mỳ ngon. Khác với cách làm chuối chiên ở ngoài miền Bắc, chuối chiên được cán mỏng, nhúng qua bột mỳ và rán lên. Nhờ đó, miếng chuối không bị ngấm quá nhiều dầu mỡ tạo cảm giác ngấy khi ăn. Bí quyết nằm ở chỗ bạn phải cán chuối vừa đủ mỏng, bột mỳ hòa nước phải vừa đủ. Thêm vào đó, bạn phải chiên sơ chuối với bột mỳ rồi tiếp tục nhúng vào bột và chiên lần hai. Trong lần chiên thứ hai, cần phải nhanh tay dùng bột “vá” lại các đoạn bị nứt, rách để dầu, mỡ không tràn vào bên trong.
Theo VNE
Hương vị khó quên của bánh tằm bì
Bánh tằm bì có nhiều trong thực đơn miền Tây Nam bộ, chính cái vị béo, mặn, ngọt và thơm thơm làm cho món ăn thêm hấp dẫn.
Miền Tây Nam bộ có rất nhiều món ăn quen thuộc, được làm từ gạo như bánh xèo, bánh khọt, bánh tằm bì... Người dân nơi đây còn sáng tạo thêm món bánh tằm bì với sợi bánh mềm, dẻo làm từ bột gạo, hấp chín, cùng bì cắt nhỏ, thịt lợn rán thái mỏng, rau thơm, dưa leo, giá sống... thêm nước cốt dừa béo ngọt.
Nguyên liệu quan trọng của bánh chính là sợi bánh phải hấp sao cho vừa mềm, vừa dai. Để có sợi bánh tằm ngon như vậy, bột phải được làm từ gạo ngon, ngâm qua đêm rồi mang đi xay. Giai đoạn quan trọng nhất là khuấy bột sao cho khéo léo, không dính mà lại dai. Thịt lợn phải chọn loại thịt mềm, sau đó đem rán vàng rồi mang cắt nhỏ, trộn với bì và nêm gia vị.
Những sợi bánh tằm trắng, dai dai vừa được hấp chín thơm hương vị của bột gạo. Món này sẽ ngon đậm đà hơn là nhờ vị béo của nước cốt dừa. Dừa tươi vắt lấy cốt, sau đó trộn ít bột gạo, nêm ít muối, cho lên bếp khuấy sao cho có độ sánh vừa phải. Nước mắm pha sao cho có độ chua ngọt và cay cay để món ăn thêm phần hấp dẫn. Món ăn kèm ít rau sống, bì, giá sống, dưa leo băm mịn.
Khi ăn, bạn xé những cọng bánh tằm vừa hấp chín vào một cái đĩa, sau đó để tất cả những nguyên liệu lên trên. Rưới một ít nước cốt dừa nóng và nước mắm. Thế là bạn đã có một món ăn rất ngon, lạ miệng, cùng mùi vị khó quên khi thưởng thức. Đặc biệt, để món ăn thêm phần thú vị, bạn có thể cho thêm ít chả giò.
Món bánh tằm bì có nhiều ở các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ như Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang... Ở Sài Gòn, món này dễ dàng tìm thấy trên một vài con đường như: Nguyễn Thiện Thuật, Hai Bà Trưng, chợ Vườn Chuối... Món có giá 20.000-25.000 đồng, thường được bày bán vào buổi trưa đến chập tối.
Theo Ngôi sao
Bún nổi tiếng miền Tây du nhập Sài Gòn Bún cá, bún mắm, bún nước lèo... là những món ăn quen thuộc của người dân đồng bằng sông Cửu Long và rất được ưa thích ở Sài Gòn. Ở Sài Gòn, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các hàng quán để thưởng thức các loại bún Nam bộ với mức giá bình dân. Các món ăn này còn góp phần làm...