Chuốc oán với quân đội Mỹ, Donald Trump vẫn được giới nhà binh ủng hộ
Dù tỷ phú Donald Trump liên tục khiến giới quân sự phật lòng, tỷ lệ ủng hộ của họ dành cho ông vẫn đứng ở mức cao so với các ứng viên tổng thống khác.
Ông Trump hôm 4/3 phát biểu tại một buổi vận động tranh cử diễn ra ở trường Cao đẳng Cộng đồng Macomb. Ảnh: AP
Ứng viên tổng thống Mỹ đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump đang hứng búa rìu dư luận với những tuyên bố về việc gây quỹ 6 triệu USD cho thương binh Mỹ và tự mình đóng góp một triệu USD vào quỹ cựu chiến binh.
Những phát ngôn của ông Trump dường như đã vượt quá sức chịu đựng của cựu binh hải quân Alexander McCoy. Ông là người đã phát động cuộc biểu tình phản đối bên ngoài tòa tháp Trump ở thành phố New York hôm 23/5 với câu khẩu hiệu #VetsVsHate (Cựu binh chống sự thù ghét).
Gây thù chuốc oán với cựu binh
“Ông Trump hết sức trơ trẽn khi lợi dụng thiện cảm mà người dân Mỹ dành cho các quân nhân và cố gắng thông qua đó để điều khiển họ”, trang tin Military.com dẫn lời ông McCoy nói. “Vấn đề không nằm ở việc ông ấy gây quỹ được bao nhiêu, bởi chúng tôi luôn đón nhận mọi sự hỗ trợ tài chính có thể. Thứ khiến tôi lo lắng là cách mà ông ấy làm điều đó”.
Video đang HOT
Ngoài những nghi vấn về hoạt động gây quỹ trên, ông McCoy còn không hài lòng trước những tuyên bố kích động của nhà tỷ phú về chính sách quốc phòng cũng như các lời lẽ động chạm tới quân nhân Mỹ mà ông đưa ra.
Ông McCoy dẫn lại phát ngôn “Tôi thích những người không bị bắt” xúc phạm đến thượng nghị sĩ John McCain, người từng là tù binh chiến tranh, của ông Trump hồi năm ngoái, hay như những lần ông Trump tuyên bố đồng tình với hành vi tra tấn tù nhân, chỉ trích Hiệp định Geneve, ủng hộ phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Là một cựu binh không đồng nghĩa rằng bạn có hiểu biết sâu sắc về chính sách đối ngoại nhưng điều đó giúp bạn nhìn nhận tốt hơn về các lợi ích của chúng”, ông McCoy chia sẻ.
Sarah Feinberg, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, đã lập trang Facebook “Hải quân chống tội ác chiến tranh” để phản đối những phát ngôn về Hiệp định Geneve và tuyên bố ủng hộ tra tấn tù nhân của ông Trump. Dù không được quảng bá rộng rãi, trang này vẫn nhanh chóng thu hút 450 người ủng hộ chỉ trong một thời gian ngắn.
Tại các buổi thảo luận với cựu binh Mỹ, bà Feinberg thẳng thừng tuyên bố Trump là “một anh hề” vì không đưa ra nổi bất kỳ chính sách khả dĩ nào.
Theo Feinberg, các phát biểu của Trump có ảnh hưởng rất lớn đến những người lính có thể sẽ phục vụ dưới sự lãnh đạo của ông, nếu nhà tài phiệt New York trở thành tổng thống Mỹ.
“Ông ấy công khai nói không tôn trọng pháp quyền và quân đội của chúng ta. Thật đáng sợ khi những thanh niên 18 tuổi nghe được các phát biểu với nội dung như thế”, Feinberg quả quyết, đồng thời nhấn mạnh bà sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton nếu không có ứng viên thứ ba nào khác đủ tư cách đứng ra tranh cử.
Nhưng theo một cuộc khảo sát được thực hiện trên 951 độc giả của tờ báo quân đội Military Times, những người phản đối Donald Trump như ông McCoy và bà Feinberg lại là thiểu số. 54% số người được hỏi ủng hộ ông Trump, trong khi chỉ 25% người theo phe bà Hillary Clinton, ứng viên dẫn đầu đảng Dân chủ. Ứng viên Bernie Sanders của đảng này có kết quả tốt hơn một chút, với 38% số phiếu ủng hộ nhưng vẫn thua kém ông Trump với 51%.
Donald Trump trong một buổi lễ của quân đội Mỹ. Ảnh: Guardian
Dù kết quả thăm dò này chỉ được rút ra từ một nhóm nhỏ những độc giả đang phục vụ trong quân ngũ, nó vẫn là con số vẫn gây chú ý. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông Trump lại giành được cảm tình lớn như vậy trong giới quân đội Mỹ?
Ưu thế trong giới quân đội
Ông Peter Feaver, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Duke, kiêm giám đốc Viện nghiên cứu An ninh, đánh giá xu hướng nghiêng về những người bảo thủ trong giới quân đội đóng vai trò nhất định trong trường hợp này.
Điển hình như việc ứng viên trước đây của đảng Cộng hòa Mitt Romney từng giữ lợi thế tương đối trước ông Barrack Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2012, giống như việc Trump giữ ưu thế trước Clinton hiện nay.
Mặc dù ông Trump đã gây ra hàng loạt scandal liên quan đến giới quân sự nhưng bà Clinton vẫn không thể biến nỗi bức xúc đó thành lợi thế để đáp trả nhà tài phiệt New York.
“Hillary Clinton có một đội ngũ cố vấn giúp bà giành được thiện cảm từ các quan chức quân đội cấp cao. Các quan quân đội này có thể chấp nhận làm việc trong chính quyền của bà Clinton”, ông Feaver nhận xét. “Nhưng như thế vẫn khác xa với việc gây được động lực để những người này ủng hộ bà ấy nhiệt tình”.
Ông McCoy lại có quan điểm riêng khi lý giải nguyên nhân vì sao giới quân đội ủng hộ tỷ phú Trump.
“Giới quân đội Mỹ đang rất thất vọng trước việc phải tham gia các cuộc chiến quá lâu cũng như việc cắt giảm ngân sách và nhân lực. Nhiều người giận dữ bởi các thách thức này khiến họ đánh mất cơ hội thăng tiến”, ông McCoy nhận định. “Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu những nỗi thất vọng ấy tác động tới suy nghĩ của những quân nhân ủng hộ ông Trump”, McCoy lập luận.
Trần Việt
Theo VNE