‘Chúng tôi sẽ dừng sống nếu không có máu’
“Tôi nhận thức cuộc sống của mình phụ thuộc vào những giọt máu, tấm lòng của mọi người. Nếu không có máu, chúng tôi sẽ dừng sống”.
Mỗi giọt máu là giọt sự sống
Anh Nguyễn Trọng Hùng, 36 tuổi, ở Vinh, Nghệ An đã chiến đấu với ung thư máu suốt 2 năm nay. Hơn ai hết, anh trân trọng vô ngần những giọt máu hiến của cộng đồng.
Anh kể, năm 2019 anh phát hiện ung thư máu, được chuyển lên Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương điều trị. Ngay khi nhập viện, anh được truyền tiểu cầu, chế phẩm máu này dần trở thành nguồn sống với anh.
Trong 7 tháng, anh Hùng trải qua 4 đợt truyền hoá chất khiến hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu xuống rất thấp. Đặc biệt tiểu cầu hạ thấp sẽ khiến máu khó đông, khó cầm, nguy cơ chảy máu, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não có thể đe doạ tính mạng bất cứ lúc nào.
Anh Hùng chia sẻ về hành trình điều trị của mình và gửi lời tri ân tới tất cả những người tình nguyện hiến tặng máu cho các bệnh nhân
Sau mỗi đợt truyền hoá chất, những bệnh nhân như anh đều phải bù máu, sống dựa vào nguồn máu tiếp từ bên ngoài. Đợt nhiều nhất anh truyền tới 3 lít tiểu cầu, 2 lít máu. Đó là bệnh nhân khoẻ, trường hợp khác nặng hơn cần bù rất nhiều.
“Là một bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, tôi nhận thức sự sống của mình phụ thuộc vào những giọt máu, tấm lòng của mọi người. Với trải nghiệm của người trong cuộc và đứng trước cảnh cửa sinh tử, mỗi giọt máu với tôi là giọt sự sống. Bởi nếu không có máu, chúng tôi sẽ dừng sống”, anh Hùng nói đầy cảm kích.
Anh chia sẻ, anh chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân ung thư máu đang điều trị tại Viện, có nhiều bệnh nhân thậm chí không còn đủ khả năng để truyền hoá chất nữa, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn máu hiến tặng.
Nếu không có máu, chắc chắn cuộc sống của họ sẽ chấm dứt vì khả năng phục hồi không còn nữa.
Video đang HOT
“Thực sự mà nói, cá nhân tôi hay những bệnh nhân khác không có lời nào diễn tả hết sự biết ơn với những người đã tình nguyện cho chúng tôi những giọt máu, giúp chúng tôi có sự sống kéo dài hơn”, anh Hùng xúc động chia sẻ.
Dù vậy, không phải khi nào kho máu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng đủ. Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đã có lúc kho chỉ còn vài chục đơn vị. Khi đó anh Hùng đã phải kêu gọi bạn bè, người thân đi hiến máu.
Sau 7 tháng bệnh thoái lui, 5 ngày nay anh Hùng đã phải quay lại bệnh viện do ung thư tái phát. Với anh, chặng đường phía trước có thể còn rất dài…
43 tỉnh cùng tham gia hiến máu
Tại buổi họp báo chương trình hiến máu Chủ nhật đỏ chiều 7/1, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, trong 2 năm gần đây nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về rượu bia, làm tốt công tác phòng chống tai nạn giao thông… tỉ lệ cấp cứu phải truyền máu do tai nạn giảm đi nhiều. Nhu cầu máu không tăng lên so với năm trước.
Hiện Viện cung cấp máu và các chế phẩm từ máu cho 180 bệnh viện tại 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với lượng khoảng 350.000 đơn vị mỗi năm.
Riêng trong dịp Tết Nguyên Đán cần ít nhất 50.000-55.000 đơn vị hồng cầu, trong đó trong tháng 1 phải chuẩn bị 36.000-41.000 đơn vị, trong tháng 2 cần ít nhất 16.000 – 18.000 đơn vị.
Bất chấp giá rét, nhiều người vẫn tranh thủ đi hiến máu
TS Khánh thông tin, trung bình có khoảng 1.200-1.300 bệnh nhân điều trị nội trú tại Viện, trong Tết chỉ còn 300-400 nhưng đây đều là những bệnh nhân cần truyền máu. Trong khi tháng Tết, lượng máu hiến rất khan hiếm.
Viện trưởng Huyết học -Truyền máu Trung ương chia sẻ thêm, vào mùa hè với chương trình Hành trình đỏ, lượng máu hiến khá dồi dào song máu là sản phẩm đặc biệt, không thể tích trữ dùng dần.
“Thời hạn bảo quản của hồng cầu có thể được 35-40 ngày nhưng với tiểu cầu chỉ 3-5 ngày. Nếu bệnh nhân cần đúng thời điểm thiếu tiểu cầu có thể bị chảy máu não không cầm và tử vong ngay không có cách gì cứu được”, TS Khánh chia sẻ.
Nếu hiến tiểu cầu trực tiếp, 1 người khoẻ mạnh có thể hiến được 1 đơn vị tiểu cầu 250ml và có thể quay vòng hiến sau mỗi 30 ngày. Tuy nhiên nếu tách chiết từ hồng cầu, cần ít nhất 6-12 đơn vị mới tạo được 1 đơn vị tiểu cầu.
Xác định thời điểm tháng 1 – 3 thường xuyên bị thiếu máu, đều đặn 12 năm nay, chương trình hiến máu Chủ nhật đỏ đều tổ chức vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán, kéo dài đến sau Tết để bù đắp lượng máu thiếu hụt.
Năm nay, chương trình Chủ nhật đỏ sẽ có 43 tỉnh tham gia với 80 điểm hiến máu, kéo dài đến hết tháng 3 và dự kiến tiếp nhận hơn 50.000 đơn vị máu.
Tại Hà Nội, chương trình sẽ tổ chức tại ĐH Bách Khoa vào ngày 17/1 tới.
14 năm, hơn 400 người mắc bệnh máu ác tính được ghép tế bào gốc thành công
Sau ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, đến nay, Viện Huyết học đã ghép thành công khoảng 445 ca...
Các bệnh nhân mắc bệnh lý về máu đã được ghép tế bào gốc thành công có mặt tại lễ ra mắt CLB Ghép tế bào gốc
Giải pháp cuối cùng để cứu người bệnh
Trong buổi ra mắt CLB Bệnh nhân ghép tế bào gốc vào chiều 29/12, chị Dương Thị Xuân (Mèo Vạc, Hà Giang) vui mừng chia sẻ, giờ đây đã có thể sinh con thứ hai sau 4 năm ghép tủy chữa căn bệnh suy tủy thành công.
Theo lời chị Xuân, ngày chị 24 tuổi mới sinh con đầu lòng được hơn 1 năm thì phát hiện ra mình mắc căn bệnh suy tủy. Ban đầu là những nốt đỏ xuất hiện trên da, cơ thể mệt mỏi, chị Xuân tìm đến BV tỉnh thăm khám với xét nghiệm suy giảm cả 3 dòng (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) và được chuyển lên Viện Huyết học để điều trị.
Khi căn bệnh "chống đối" với tất cả các phương pháp điều trị, ghép tế bào gốc là giải pháp duy nhất để cứu chị Xuân. Nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, chị Xuân đã đủ kinh phí để tiến hành cuộc ghép tế bào gốc lấy từ tủy xương của anh trai mình.
"Mặc dù trước khi quyết định ghép tế bào gốc, tôi cũng đã biết một vài ca ghép không thành công nhưng tôi đặt lòng tin vào bác sĩ, chắc chắn ca ghép của tôi sẽ tốt đẹp", chị Xuân chia sẻ. Hiện giờ, chị Xuân hoàn toàn bình phục, sinh hoạt như một người bình thường, không còn phải dùng thuốc nữa.
Chia sẻ về ghép tế bào gốc để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học, BS. Vũ Thanh Bình, Trưởng Khoa ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - truyền máu TƯ cho biết: "Trải qua 14 năm từ khi ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện (vào năm 2006), đến tháng 11/2020, Viện Huyết học - Truyền máu TW đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc, trong đó có 234 ca ghép tự thân, 211 ca ghép đồng loài.
Thành lập CLB Ghép tế bào gốc để hỗ trợ bệnh nhân
Riêng về ghép đồng loài, Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn..."
Năm 2014, Viện Huyết học - Truyền máu TW là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống), đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.
Đáng mừng là kết quả ghép đồng loài, thời gian sống sau 5 năm với bệnh nhân mắc suy Tuỷ xương/Đái huyết sắc tố là 70-80%; Thalassemia khoảng 70-80%; Nhóm bệnh ác tính là 50-60%. Và với ghép tự thân, tỷ lệ sống trên 5 năm trung bình 60-70%.
Cuộc chiến sinh tử, thử thách cả tinh thần lẫn vật chất
BS. Bình cho hay: "Đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là một hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Đã có nhiều người bệnh gọi đó là một cuộc chiến "sinh tử", "như được sinh ra lần thứ 2".
Người bệnh thực sự rất cần có thêm kiến thức từ các chuyên gia/bác sĩ để có biện pháp chăm sóc, duy trì sức khỏe. Đồng thời, họ cũng cần sự chia sẻ, động viên, cần được truyền thêm hy vọng và động lực từ những người bệnh đã ghép tế bào gốc để vượt qua cuộc chiến cam go bệnh tật".
Cũng vì điều đó, Viện Huyết học - Truyền máu TW thành lập Câu lạc bộ Ghép tế bào gốc nhằm hỗ trợ người bệnh thêm thông tin, kiến thức về ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh máu...
"Việc thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân ghép là nguyện vọng, mong muốn tha thiết của người bệnh và cũng là trăn trở của các y bác sĩ. Hy vọng rằng, câu lạc bộ sẽ trở thành điểm tựa tinh thần của người bệnh, là cầu nối để đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh ghép, BS. Bình cho biết.
'Cháu bé ấy không thể chờ đến khi có tiểu cầu' Vượt quãng đường hơn 100 km tới Hà Nội, được truyền tiểu cầu, Việt mới ngừng xuất huyết. Nhưng nhiều đứa trẻ khác không may mắn như vậy khi gặp thời điểm khan hiếm tiểu cầu. Mới hơn 6 tuổi, bé Nguyễn Tuấn Việt đã có 5 năm chiến đấu với bệnh ung thư máu. Từ 18 tháng tuổi, Việt phải làm quen...