“Chúng tôi đang kiếm bát cháo, ông đừng hất đi”
Đã từ lâu vùng đất mỏ Quảng Ninh không yên bình vì những cuộc chiến khốc liệt triệt phá bọn than tặc. Nhiều người tố cáo than tặc đã bị hành hung, đánh đập, thậm chí cả chính quyền bọn chúng cũng “chẳng tha”.
Vẫn không thể dập triệt để được
TP Hạ Long vốn được coi là một trong những điểm nóng nhất tại Quảng Ninh trong vấn đề than tặc, chỉ một phường mà có đến hàng trăm lò than hoạt động trái phép được phát hiện. Tuy nhiên, cứ dập lò này than tặc lại đào lò khác, thành thử việc này tạo thành một điệp khúc cứ lặp đi rồi lặp lại.
Chúng tôi đến phường Cao Xanh, TP Hạ Long giữa lúc các lực lượng chức năng đang dồn hết nhân lực tập trung vào việc đánh sập các lò than trái phép. Nghe nói tôi đến, anh Phạm Văn Sơn, phó chủ tịch UBND phường Cao Xanh đã gọi điện cho một đồng chí công an dẫn chúng tôi đến khu vực đang triệt phá lò tại tổ 38. Tại đây, một máy xúc đang hoạt động hết công suất nhằm gạt đất đá xuống một cửa lò rộng khoảng 2m và sâu hun hút. Anh Sơn than thở: “Các anh thấy đấy! Cái lò này từ hôm 26/6 đến nay đã đánh năm lần rồi. Khi chúng tôi quay lưng đi thì bọn than tặc quay lại. Có lúc lãnh đạo thành phố phải trực tiếp xuống chỉ đạo dập lò than này thật quyết liệt, nhưng vẫn không thể dập triệt để được”.
Đã từ lâu vùng đất mỏ Quảng Ninh không yên bình vì những cuộc chiến khốc liệt triệt phá than tặc.
Video đang HOT
Không chỉ riêng ở tổ 38, một số điểm khác trên địa bàn cũng có những hành vi khai thác cực kỳ tinh vi. Điển hình nhất là trường hợp của đối tượng Trần Trung Hiếu. Đối tượng này đã cho xây một ngôi nhà ba tầng rộng thênh thang, tưởng hắn xây nhà để ở, nào ngờ đó lại là công trường than tặc. Nhưng Hiếu và đồng bọn đã không qua mặt được người dân và họ tố giác với chính quyền để triệt phá.
Khoan núi cắp vàng đen
Khi những tia nắng mùa hè yếu dần, chúng tôi lại phóng xe từ Hạ Long về xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí. Nếu như ở Hạ Long người dân chỉ cần đào nền nhà lên là đã có thể lấy được than thì ở đây người ta phải xới cả núi, khoan sâu trong lòng núi để đánh cắp “vàng đen”. Chúng tôi gặp một “than tặc” ở con dốc dẫn vào xã Thượng Yên Công, người này nói rằng ở đây cứ chỗ nào có đồi là chỗ đó có than. Những hầm than thổ phỉ ở đây thường nằm sâu trong rừng. Nếu phát hiện các lực lượng chức năng đi kiểm tra thì than tặc rất dễ tẩu thoát.
Lượn một vòng quanh những con đường vòng vèo nối trung tâm xã Thượng Yên Công với các quả núi, chúng tôi thấy từng tốp xe máy đen nhèm nằm quanh những quán nước. Trời ngả hẳn về chiều, từng tốp xe máy tấp quanh các quán nước tản đi gần hết, những tốp xe này tự chia ra khoảng 2 – 3 người một nhóm, nhóm này đi trước nhóm kia khoảng 5 phút. Cứ như thế họ rong xe hướng về phía những quả đồi rồi khuất dần sau những con đường ngoằn nghèo và rậm rạp.
Cùng đi dập lò than trái phép có một số người dân trong phường Cao Xanh, họ bức xúc trước nạn than tặc và thường xuyên tố giác với chính quyền.
Khoảng hai tiếng sau, cũng những tốp người này lại rong xe quay ra đường cái chất theo khoảng 3 – 4 bao tải chở than lem luốc. Họ rồng rắn kéo về khu vực ngã tư gần UBND xã rồi bán cho một số điểm thu mua nhỏ lẻ. Những điểm thu mua này tập trung than lại rồi dùng ô tô chở đi bán ở nơi khác. Trong khi đó, ông Nhâm Quốc Vượng, phó chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công khi trao đổi với chúng tôi lại cho rằng: Việc khai thác than trái phép trên địa bàn xã là không có. Mặc dù, trước đó ông Vượng cũng khẳng định là việc ngăn chặn “than tặc” là rất khó.
Những cuộc “thanh trừng” của than tặc
Lúc chúng tôi đến khu vực đánh lò than ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long thấy có một người đàn ông đeo một chiếc kính đen, anh ta “lễ phép” lắm! Gặp ai đi cùng đoàn truy quét lò than trái phép anh ta cũng cất tiếng: “Em chào cán bộ ạ!”. Thấy chúng tôi lôi máy ảnh ra chụp, người này lại “hỏi thăm” ngay. Hắn nói: “Cán bộ làm ở đâu đấy? Thấy là lạ. Cán bộ chụp em đây này. Cán bộ quay cho em vài cảnh coi nào”. Nói rồi, hắn đưa tay lôi cái gọng kính đen ra khỏi khuôn mặt bé bằng bàn tay rồi ném những ánh nhìn hình viên đạn về phía chúng tôi. Thấy kiểu nói “lễ phép” của người đàn ông này anh Phạm Văn Sơn, phó chủ tịch UBND phường Cao Xanh khẽ dẫm vào chân tôi và nói nhỏ: “Có gì về phường nói chuyện”.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Hạ Long 6 tháng đầu năm 2011 đã phát hiện được 389 cửa lò than trái phép, tạm giữ 70 xe ô tô, 20 tàu vận chuyển và triệt phá 13 điểm kinh doanh than với số lượng 3.771,58 tấn nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 1,2 tỷ đồng.
Một lát sau tên này lủi lên phía bìa rừng rồi biến đi đâu mất. Nhìn lên phía trên đỉnh đồi chúng tôi thấy có một tốp người đứng đó theo dõi. Anh Sơn nói: “Người thanh niên lúc nãy làm bảo kê cho các lò than thổ phỉ ở khu vực này. Hôm nay mình bố trí lực lượng đông nên chúng không dám chống trả. Bình thường thì mình không thể yên với chúng nó đâu. Kiểu gì về cũng có người nhắn tin đe dọa cho mà xem”. Lúc chúng tôi rời phường Cao Xanh những đối tượng này đã vác gậy đuổi theo. Chúng tôi phải phóng thục mạng ra tận chân cầu Bãi Cháy chúng mới “tha” cho”.
Cùng đi dập lò than trái phép có một số người dân trong phường Cao Xanh, họ bức xúc trước nạn than tặc và thường xuyên tố giác với chính quyền. Những người này đồng thời cũng đã trở thành nạn nhân của các cuộc trả thù. Trong đó, ông Phạm Văn Mộng ở phường Cao Xanh là một ví dụ. Mới đây, gia đình ông bị một nhóm côn đồ mang theo dao, súng, gậy gộc đến đập phá nhà cửa và đánh người. Ông Mộng kể lại rằng: Chúng có khoảng mười người đến để cảnh cáo việc tôi đã tố giác hành vi khai thác than trộm của chúng với chính quyền. Sau đó, chúng lao vào đập nát hết các đồ dùng trong nhà và đuổi đánh tôi để cảnh cáo. Chúng nói sẽ tiếp tục hành động như vậy nếu như tôi tiếp tục báo cáo chính quyền.
Không chỉ ông Mộng, một số cán bộ quản lý liên ngành tham gia triệt phá than tặc cũng bị đe dọa và đuổi đánh. Anh Mai Xuân Hải, phó trưởng phòng bảo vệ Xí nghiệp Than Thành Công giở điện thoại cho tôi xem mấy tin nhắn đe dọa. Đầu tiên là số 0934369852 nhắn tin nói rằng: “Đ. mẹ thằng chó, mày có thích chết không?”. Hay số điện thoại 01648215854 nhắn: “Ông Hải, việc ai nấy làm sao ông báo phường nhiều làm gì. Chúng tôi đang kiếm bát cháo, ông đừng hất đi”. Khi anh Hải gọi điện lại cho những số máy này thì không thấy nhấc máy, hoặc máy bận. Tưởng chúng chỉ dọa không thôi nhưng nào ngờ đến cuối tháng 7/2011, bọn côn đồ đã vác dao, kiếm gậy gộc đến nhà anh Hải đập phá để cảnh cáo. Lúc đó anh đang đi đám cưới nên không có ở nhà, bọn chúng chỉ vào đập phá nhà cửa rồi bỏ đi.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Hạ Long 6 tháng đầu năm 2011 đã phát hiện được 389 cửa lò than trái phép, tạm giữ 70 xe ô tô, 20 tàu vận chuyển và triệt phá 13 điểm kinh doanh than với số lượng 3.771,58 tấn nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 1,2 tỷ đồng.
Theo Bee.net.vn
Vụ Hàng đoàn xe cơ giới cướp than giữa ban ngày: Truy tố 39 bị can
Viện KSND tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn tất bản cáo trạng truy tố 39 bị can trong vụ án cán bộ, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên than Mạo Khê (gọi tắt là Than Mạo Khê) "mở cửa" cho than tặc vào khai thác hơn 28 ngàn tấn than vào dịp Tết Nguyên đán năm Canh Dần trong khu vực thuộc Than Mạo Khê quản lý.
Hàng chục lò than thổ phỉ như thế này đã bị phát hiện tại khu đồi sắn Vĩnh Phú, Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh - ảnh: P.H.S
39 bị cáo bị truy tố với 3 nhóm tội danh, gồm: Nguyễn Viết Ngự (SN 1958), Giám đốc Than Mạo Khê và các phó giám đốc là Trần Văn Thiện (SN 1963), Uông Hồng Hải (SN 1963), Nguyễn Văn Tuân (SN 1979), Phạm Văn Khôi (SN 1970) cùng Trưởng phòng bảo vệ Lê Khắc Hùng (SN 1957), Phó phòng bảo vệ Phạm Duy Nghĩa (SN 1970) bị truy tố về tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", riêng Lê Khắc Hùng bị truy tố thêm tội "nhận hối lộ"; nhóm tội danh "vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" gồm 24 bị can và nhóm tội danh "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" gồm 8 bị can.
Tiếp tục điều tra Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, cơ quan điều tra công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý một số cán bộ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn. Những người này sau khi được Công ty than Mạo Khê thông báo tình hình khai thác than trái phép có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhưng thiếu chặt chẽ, thiếu kiên quyết, kém hiệu quả, để thất thoát một lượng lớn tài nguyên quốc gia.
Theo cáo trạng, các đối tượng khai thác than trái phép đã huy động gần 30 máy xúc cùng nhiều ô tô và một số phương tiện khác vào khai thác than gần như cả ngày lẫn đêm tại hàng chục điểm trong ranh giới thuộc Than Mạo Khê quản lý. Thời gian khai thác từ ngày 13 đến 17.2 (tức là từ ngày 30 đến mùng 4 tết). Hậu quả, cơ quan chức năng giám định số lượng than khai thác trái phép tại 13 điểm là 28.189 tấn than nguyên khai, quy đổi bằng 19.671 tấn than sạch. Sở Tài chính Quảng Ninh xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm tháng 2.2010 là 16,674 tỉ đồng.
Sau khi vụ việc xảy ra, Nguyễn Viết Ngự, Giám đốc Than Mạo Khê, khẳng định đây là một vụ "cướp than" trắng trợn của các đối tượng bên ngoài, trong khi lực lượng bảo vệ của công ty quá "mỏng" nên không chống lại được. Thế nhưng, cáo trạng đã chỉ rõ vào thời điểm "than tặc" ồ ạt vào khai thác, các lãnh đạo của Than Mạo Khê đều được phòng bảo vệ báo cáo và nắm rất rõ tình hình. Dù vậy, cả 4 phó giám đốc đều bỏ trực đêm, thậm chí chỉ trực vào buổi sáng. Việc khai thác than rất công khai, có điểm "than tặc" bốc xúc vận chuyển than chỉ cách trạm kiểm soát của bảo vệ công ty gần 100m.
Khi vận chuyển than từ các điểm khai thác trái phép này, tất cả các phương tiện đi chung với tuyến đường vận chuyển than của công ty lại không hề có tường rào bao kín, rất dễ quan sát... nhưng cả 4 phó giám đốc công ty trong quá trình đi kiểm tra lại không hề phát hiện ra (?!). Riêng giám đốc Nguyễn Viết Ngự, mặc dù được các phó giám đốc báo cáo tình hình qua điện thoại hằng ngày, biết có vụ việc cướp than, nhưng vẫn ung dung nghỉ tết ở nhà, phó mặc cho cấp dưới và bảo vệ của công ty xử lý vụ việc.
Chưa hết, sau khi vụ việc bị các cơ quan báo chí đưa tin, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, ông Ngự chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa sổ giao ca, nhật lệnh... để thống nhất nội dung báo cáo cơ quan chức năng. Ngoài ra, ngay từ thời gian trước, ông Ngự đã chỉ đạo Lê Khắc Hùng, lực lượng bảo vệ chỉ ngăn chặn việc khai thác trái phép tại khai trường công ty đang khai thác, còn các khu vực thuộc ranh giới công ty quản lý nhưng chưa thuê đất, chưa khai thác thì nếu phát hiện chỉ thông báo để phối hợp với chính quyền xử lý. Chính vì vậy, Trưởng phòng bảo vệ Lê Khắc Hùng khi phát hiện các đối tượng vào khai thác than vẫn không huy động lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn. Ngoài ra, ngay từ trước tết, Hùng đã nhận hối lộ của một số đối tượng khai thác than trái phép tổng cộng 110 triệu đồng nên đã không xử lý, bắt giữ các đối tượng này trong dịp tết.
Theo Thanh Niên