Chung tay bảo đảm an toàn cho thầy trò
Các loại tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng xâm nhập môi trường học đường. Việc trang bị kiến thức an toàn trường học cho cả thầy, trò là vô cùng cần thiết để trường học an toàn, thân thiện…
Bằng hình thức sân khấu hóa, công tác tuyên truyền bảo đảm an ninh, an toàn trường học được triển khai ở nhiều trường học. Ảnh: Q. Ngữ
Còn “lỗ hổng”
Bạo lực học đường, giáo viên và học trò bị xâm hại, học sinh sử dụng chất gây nghiện, tai nạn trong trường học… đâu đó vẫn xảy ra và gây hậu quả đáng tiếc với thầy, trò. Điều đáng quan tâm là nhiều vụ xâm hại thân thể, tinh thần của giáo viên, học sinh xảy ra ngay trong môi trường nhà trường. Các nguy cơ đe dọa an toàn của giáo viên, học sinh đáng chú ý là tai nạn thương tích; bạo hành; bạo lực, bắt nạt học đường; quấy rối, xâm hại tình dục… Đây là các vấn đề mà bất kỳ trường học nào cũng có thể gặp phải và đe dọa đến sự an toàn của giáo viên, học sinh.
Qua các vụ việc có thể thấy “lỗ hổng” trong công tác bảo đảm an ninh trường học, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng bảo đảm an ninh, an toàn trường học của thầy, trò cũng còn nhiều thiếu sót. Cụ thể là tình trạng học sinh mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau; học sinh vi phạm pháp luật; lãnh đạo trường, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo… Nhiều trường hợp vi phạm do nông nổi, thiếu kiềm chế và thiếu hiểu biết về pháp luật.
Bên cạnh đó cũng còn tồn tại các nguyên nhân khách quan, như nhân sự phụ trách các lĩnh vực giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh còn kiêm nhiệm. Một số lãnh đạo cơ sơ giáo dục còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc quản lý, giáo dục con em, vẫn còn tình trạng khoán trắng cho nhà trường…
Theo Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Tuy các trường rất tích cực, có nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật An toàn giao thông, tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh chưa hợp tác với nhà trường, đưa rước con em mình nhưng không đội mũ bảo hiểm; còn giao xe gắn máy phân khối lớn cho con em đi học. Tình trạng học sinh mâu thuẫn đánh nhau tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn còn xảy ra ở một số trường…
Mới đây, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tuyên phạt 9 bị cáo liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có 3 bị cáo là sinh viên. Vào năm 2018, theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Cần Thơ (Ban chỉ đạo 138 TP Cần Thơ), lực lượng chức năng đã phát hiện 24 học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ma túy, sử dụng ma túy, shisa.
Theo Ban chỉ đạo 138 TP Cần Thơ, nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là có học sinh, sinh viên mắc phải là do lứa tuổi thanh thiếu niên suy nghĩ còn nông cạn, nhạy cảm với cái mới, muốn khác biệt, muốn thể hiện bản thân, tò mò, dễ bị rủ rê, lôi kéo, không hiểu tác hại của ma túy. Nhiều em thiếu người chăm sóc, giáo dục hoặc gia đình không hạnh phúc làm cho các em chán nản dễ bị kẻ xấu lôi kéo, rủ rê…
Video đang HOT
Ngành Giáo dục và Công an tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ
Trang bị giải pháp phòng ngừa
Để bảo đảm an ninh, an toàn trường học, nhiều năm qua ngành Giáo dục TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Công an để tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức cho thầy, trò. Sở GD&ĐT cùng Công an thành phố tiến hành ký kết quy chế phối hợp để bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Nhờ sự phối hợp này công tác giáo dục, quản lý học sinh, sinh viên trên địa bàn rất thuận lợi.
Bằng các hình thức tuyên truyền, tọa đàm, sân khấu hóa nên thầy, trò được tìm hiểu về pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội. Đơn cử như ngành Giáo dục Cần Thơ kết hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa các tiểu phẩm về phòng chống ma túy, bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân – Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): 100% các cơ sở giáo dục phổ thông thành lập Tổ tư vấn học đường; xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử.
Ngành phối hợp với Công an thành phố, Thành Đoàn tổ chức kiểm tra công tác quản lý bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức tuyên truyền phòng chống các loại tội phạm trong trường học; Tổ chức thực hiện các quy định về công tác an toàn, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, không trồng các loại cây có độc tố trong khu vực nhà trường; tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục…
Đặc biệt, công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh cũng được ngành và các trường học quan tâm. Trước hết là bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục, có kế hoạch thống kê, kiểm soát, bảo quản, thu gom và xử lý các hóa chất độc hại, nguy hiểm trong các nhà trường. Mô hình “Trường học không rác thải nhựa” được nhân rộng tại các trường học trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, các trường học, cơ sở giáo dục đã tiến hành rà soát, kiểm tra, thống kê toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy và học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của học sinh (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can… trong khuôn viên nhà trường).
Kịp thời có phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhằm bảo đảm an toàn đối với học sinh. Tăng cường giáo dục học sinh kỹ năng phòng, tránh các loại hình tai nạn thương tích trong môi trường nhà trường và ngoài cộng đồng; nhắc nhở học sinh không chơi các trò chơi nguy hiểm như nô đùa, chạy nhảy ở hành lang các tầng cao, leo trèo tường rào, lan can…
Quốc Ngữ
Theo daidoanket
Xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn
Trong bối cảnh vẫn tiếp diễn những vụ bạo lực học đường (như giáo viên bạo hành học sinh, học sinh đánh hội đồng bạn học...), các bạn đọc tâm huyết với việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn đã nêu ý kiến phân tích, góp ý về vấn đề này.
Đội trật tự học đường của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) tham gia điều phối giao thông trước cổng trường giờ tan học. Ảnh: THU HƯỜNG
Nắm bắt thông tin, điều chỉnh hành vi không đúng
Đọc các tin về những vụ bạo hành, xâm hại học sinh, dư luận lo ngại khi có những bất an ở học đường. Nếu như hệ thống chính trị ở nhà trường và đội ngũ giáo viên quan tâm nắm bắt thông tin, điều chỉnh hành vi không đúng của đồng nghiệp, thì đã không xảy ra những chuyện đáng tiếc. Một giáo viên chủ nhiệm không thể không biết những gì đang diễn ra trong lớp học của mình. Giáo viên có thể cập nhật từ nhiều nguồn thông tin để biết học sinh nào vắng học, trốn tiết, có tâm trạng bất ổn, hay học sinh nào có dấu hiệu hiếp đáp bạn bè...
Cũng không quá khó để người quản lý tìm hiểu giáo viên mình dạy dỗ như thế nào, từ soạn - giảng - chấm - chữa. Phạm vi một lớp học, khối học, hay trường học không quá nhỏ, song cũng không quá lớn để bao quát, nếu như người dạy, người quản lý có thái độ quan tâm và trách nhiệm.
Bưng bít những việc xấu, chẳng khác gì tiếp tay cho tội ác. Nhà giáo phải đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho học trò thân yêu. Sự thờ ơ, cả nể, thiếu tinh thần trách nhiệm trong các cuộc hội họp ở trường học đang là nguyên nhân để những biểu hiện không tốt có cơ hội sinh sôi. Căn bệnh thành tích cũng là nỗi ám ảnh vô hình khiến những người đứng đầu trường học, cấp học e ngại tiết lộ những mặt trái, góc khuất của trường hay của giáo viên, học sinh trường mình.
Lớp học sẽ bình yên nếu như trong tiết dạy không chỉ có những con chữ, phép tính, mà còn có những bài học giáo dục lối sống và đạo đức làm người. Người đứng lớp không được tự cho mình buông thả bản thân, không được tự cho mình quyền uy tối thượng; và cấp quản lý không được lơ là, thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
QUỲNH LÂM (Thành phố Huế)
Vai trò rất quan trọng của gia đình
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc bạo lực học đường, chủ yếu vẫn là do 3 môi trường giáo dục tác động là nhà trường, gia đình và xã hội. Với sai phạm của giáo viên, hẳn là do non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kém về phẩm chất đạo đức. Với sai phạm của học sinh thì gia đình và dư luận thường đổ lỗi cho nhà trường chưa chú trọng giáo dục đạo đức cho các em, xem nhẹ việc hình thành nhân cách, chỉ lo dạy chữ chứ chưa chú trọng dạy trở thành người lương thiện, đạo đức gương mẫu.
Nhưng nói gì đi nữa vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ; nền nếp và truyền thống của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách trẻ một cách tích cực. Do vậy, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm đến con cái, dành thời gian gần gũi con mình để phát hiện diễn biến tâm lý khác thường của con, kịp thời uốn nắn.
TRẦN VĂN TÁM ( Huyện Củ Chi, TPHCM)
Không thể dạy trẻ nên người bằng bạo lực
Trong việc nuôi dạy trẻ, có phụ huynh, giáo viên không kiềm chế được bực tức nên nóng nảy mắng chửi "khủng bố" tinh thần trẻ, dùng bạo lực đòn roi. Đây chính là cách giáo dục rất sai lầm. Thậm chí có người khi say xỉn, nóng giận thì đánh con cái chỉ vì quen thói bạo hành. Tác hại của việc dùng bạo lực để dạy trẻ có nhiều mức độ. Nguy hiểm nhất là những trận đòn quá tay, những hình phạt khiến trẻ đau đớn, có thể đẩy trẻ đến thái độ lầm lì, sợ hãi, hoặc phản kháng. Hậu quả là trẻ có thể không vâng lời, quậy phá, có hành động bạo lực với bạn bè và mang theo tâm lý hằn thù khi lớn lên.
Trong trường hợp bị dạy dỗ bằng bạo lực, trẻ cần được can thiệp tâm lý, vì những ký ức xấu đó dễ sinh ra các phản ứng tâm lý tiêu cực khiến trẻ bị lệch lạc khi lớn lên. Đặc biệt, khi so chỉ số IQ của những trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh với những đứa trẻ khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng có chỉ số IQ thấp hơn nhiều. Từ đó có thể thấy phương pháp giáo dục của cha mẹ không chỉ giúp hình thành nhân cách của trẻ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và khả năng tư duy của não bộ. Trẻ bị bạo hành còn có nguy cơ bị stress, khủng hoảng tâm lý, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ.
Vì thế, hãy luôn lắng nghe, giải thích cho trẻ hiểu rõ những việc nào là đúng, việc nào là sai, để trẻ tự ý thức, chủ động nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ hiểu biết của trẻ. Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con trẻ; sự nghiêm khắc nhưng không bạo lực sẽ giúp trẻ nên người.
NGUYỄN THỊ LOAN ( Học viện Thanh thiếu niên)
Theo SGGP
Ai chịu trách nhiệm về những tắc trách gây ra tai nạn trong trường học? Để xảy ra tai nạn thương tâm trong trường học, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm và cần phải xử lý nghiêm những tắc trách gây hậu quả lớn. Trước vụ việc một học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tuy Lai A , huyện Mỹ Đức, Hà Nội tử vong trong giờ ra chơi vì bị điện giật, không ít phụ huynh...