Chúng ta nhỏ bé, nhưng sẽ thật mạnh, nếu biết cùng nhau… ngẩng đầu lên
Từ “cầu vồng trong tuyết” ở Thường Châu đến cú đệm bóng cận thành tung lưới Philippines, mở toang cánh cửa vào chung kết AFF Cup, đều đến từ cái chân trái của Nguyễn Quang Hải. Chúng ta đang trải qua một năm không thể nào quên và chỉ còn cách cái kết viên mãn có hao trận đấu nữa!
Tình yêu của người hâm mộ dành cho bóng đá Việt Nam bùng cháy trở lại với lứa U19 tuyệt đẹp của bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức). Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… xuất hiện, như những vì sao sáng, thắp lại niềm tin đã nguội lạnh nơi người hâm mộ. Ngày ấy, đi đâu cũng nghe người ta nói về U19, về HAGL. “Đám trẻ của bầu Đức” tràn ngập mạng xã hội, pano quảng vào và đi vào cả truyện tranh!
Cái gì quá cũng không tốt, kể cả hâm mộ quá. Truyền thông và khán giả dần khoác lên lứa U19 ấy những mục tiêu to lớn: đá thắng chưa đủ, mà còn phải… đá đẹp!
Và với lứa cầu thủ rất đẹp của HAGL ấy, đội tuyển bắt đầu bước vào một hành trình giông bão, với đầy đủ những cung bậc cảm xúc.
Toshiya Miura, một người Nhật Bản, chăm chỉ và khoa học, là bi kịch của việc “đúng người nhưng sai thời điểm”. Bởi vì Miura với lối chơi bóng dài, lấy phòng ngự làm chủ đạo chỉ thẳng vào vấn đề của bóng đá Việt: lực lượng yếu, đá tấn công là tự sát. Bầu Đức không thích cái sự thật phũ phàng ấy. Ông chỉ trích Miura tan nát trên mặt báo. Ngay cả khi Việt Nam chơi tốt, ông Miura vẫn bị soi vì quá thực dụng. Và khi Việt Nam thất bại, người đàn ông cô đơn đành phải rời đi, bỏ lại sau lưng những bình luận tiếc nuối thì ít, hả hê thì nhiều.
Miura bị sa thải. Nguyễn Hữu Thắng lên thay. Huyền thoại của bóng đá Việt Nam mang bi kịch “đúng người nhưng sai thời điểm”. Hữu Thắng có cái uy của người làm tướng, được các cầu thủ ngưỡng mộ, nhưng không hoàn toàn tự quyết về chuyên môn. Và ông bị mắc kẹt, tấn công thì không đủ lực, phòng ngự thì lại… quá kỳ. Sau những kết quả tích cực trong giao hữu, Hữu Thắng thảm bại ở giải đấu chính thức.
Hữu Thắng rời ghế huấn luyện, Park Hang-seo được bổ nhiệm trong sự ngạc nhiên của tất cả. Một ông lão gần 60 năm cuộc đời, cầm quân thì thua nhiều hơn thắng, sẽ làm được gì ở mảnh đất hình chữ S cuồng bóng đá như một thứ tôn giáo này? Ấy vậy mà thật bất ngờ, Park đưa chúng tra trải qua một năm 2018 không thể nào quên. Ông có cái uy làm tướng, nhưng vẫn giữ cái tình cảm đầy Á Đông giữa người với người, ông lấy phòng ngự làm gốc, nhưng luôn biết cách tiến lên khi có cơ hội. Bóng đá Việt Nam chuyển mình, vì Park có được cái viên mãn của việc “đúng người”, lại còn “đúng luôn thời điểm”.
Nếu ông Park đến sớm vài năm, trọng trách “đá đẹp” sẽ khiến ông rơi vào cảnh thập diện mai phục. Thật may (mà cũng thật xui cho bầu Đức) là HAGL thảm hại ở V-League, cầu thủ HAGL khi trưởng thành bỗng chới với trước sự khác biệt quá lớn giữa bóng đá trẻ và bóng đá chuyên nghiệp, HLV Park đã có thể mạnh dạn đưa Việt Nam đi theo con đường sáng mà Miura từng chỉ ra. Trên con đường ấy, quân số HAGL rơi rụng dần, nhưng sức chiến đấu tăng lên. Và từ chỗ phát cuồng với những cá nhân đột biến, đội tuyển Việt Nam bây giờ là biểu tượng của sức mạnh tập thể.
Trận bán kết AFF Cup lượt về tại Mỹ Đình đã trôi qua được 60 phút, người hâm mộ lo âu thấp thỏm vì bị Philippines ép cho tan nát. Nhưng ít ai để ý là sau một giờ thi đấu, Philippines chưa tung ra nổi một pha dứt điểm nào trúng đích, trong khi chúng ta đã ba lần sút trúng cầu môn đối thủ.
Theo thông số từ trang web chính thức của giải đấu www.affsuzukicup.com, cả trận ấy Philippines tung ra vỏn vẹn… một pha dứt điểm trúng khung thành Đặng Văn Lâm. Đấy là bàn ấn định tỷ số 1-2 của Phil Younghusband ở phút thứ 89. Nếu tính luôn cả những pha dứt điểm chệch mục tiêu thì các chân sút của Philippines chỉ có thể tung ra được ba pha dứt điểm cả trận. Con số này của Việt Nam là… 10. Bị ép nhưng vẫn sút cho đối phương tơi tả, HLV Park Hang-seo và các học trò áp dụng chiến thuật… du kích chứ còn gì nữa.
“Du kích” chính là cách nói ẩn dụ cho chiến thuật phòng ngự – phản công. Và đấy là con đường đã đưa Việt Nam đến những kỳ tích trong năm 2018 này. Một đội bóng bé nhỏ, đến từ vùng trũng của bóng đá thế giới, không phòng ngự thì làm sao có thể đương cự với những đối thủ hùng mạnh hơn nhiều trong khu vực? Nhưng nếu chỉ phòng ngự, chúng ta chỉ… không thua. Việt Nam tiến xa là nhờ vào những pha phản kích sắc lẹm như dao. Như một chiếc lò xo, càng bị nén càng bung ra mạnh mẽ. Như một võ sĩ bị ép về phía góc đài, nhưng bất thần tung ra cú đấm kết liễu. Việt Nam đã đi qua gần hết năm 2018 này với khẩu quyết tuyệt vời ấy. Muốn thắng trận, trước hết phải không thua đã.
Trước khi bị lọt lưới ở trận bán kết lượt đi trên sân Philippines, Văn Lâm đã kịp lập nên một kỷ lục: số phút trắng lưới dài nhất lịch sử AFF Cup. Điều lạ kỳ là anh đã sở hữu kỷ lục ấy mà không cần phải trổ tài quá nhiều. Thực vậy. Có những trận đấu, Văn Lâm rời sân mà không đổ một giọt mồ hôi. Cư dân mạng chế ảnh anh… mắc võng giữa khung thành và nằm ngủ, vì đối thủ đâu có cơ hội uy hiếp khung thành của anh. Nếu như năm 2008, đường vào chung kết của Việt Nam in đậm dấu ấn của thủ môn Dương Hồng Sơn thì bây giờ, Việt Nam chơi phòng ngự tuyệt vời đến mức thủ môn của mình không cần quá vất vả.
Tại sao lại có sự vững vàng ấy? Thứ nhất: cách chơi chú trọng vào phòng ngự khiến chúng ta tập trung hơn. Thứ hai: sơ đồ ba trung vệ, với hai hậu vệ biên lên công về thủ giúp chúng ta bọc lót tốt hơn. Thứ ba: chúng ta may mắn sở hữu những trung vệ thông minh và giàu sức chiến đấu, đặc biệt là Trần Đình Trọng, người đã dành cả thanh xuân để bỏ áo vào quân. Đình Trọng là một trong những trung vệ tốt nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh ra. Cách chơi của anh y hệt… trang phục, tức là cực kỳ chỉn chu. Trọng chỉ cao 1,74 mét, nhưng tỉnh táo và quyết đoán, có khả năng lãnh đạo và đặc biệt là không phạm sai lầm. Thứ tư: chúng ta có những cầu thủ đa năng, kỹ thuật ở tuyến trên để có thể chuyển đổi trạng thái thật nhanh, giảm tải cho hàng thủ. Phan Văn Đức càng lúc càng quan trọng vì chơi được nhiều vị trí. Nguyễn Quang Hải có kỹ thuật giữ bóng xuất sắc. Khi bóng đến chân anh, các đồng đội có thể thở được một chút. Đấy là lý do khi Xuân Trường rớt phong độ, ông Park đành hy sinh sức mạnh tấn công để kéo Hải xuống trước phòng thủ. Phải có một cầu thủ cầm bóng được, thì mới tính đến chuyện phản công được.
Nhưng cuối cùng, quan trọng hơn cả, chính là tinh thần.
Sân tập của Việt Nam, ngay từ những ngày đầu Park đến, luôn văng vẳng tiếng “Head up, Head up”. Những ai xem bóng đá Việt Nam đủ lâu sẽ thấy, thế hệ cầu thủ xưa của chúng ta tuy đầy máu lửa, nhưng kỹ chiến thuật còn nhiều hạn chế. Họ vẫn chưa thể chặn quả bóng đi theo ý muốn và chưa có nhiều phương án xử lý khi bóng đến chân.
Cầu thủ của thế hệ hôm nay có nhiều điều kiện phát triển hơn thế hệ đàn anh, từ dinh dưỡng, giáo dục cho đến việc được đào tạo kỹ/chiến thuật bài bản từ bé. Ông Park, một ông thầy ngoài, đơn giản là đã kích thích lối đá nội lực của bóng đá Việt Nam. Ông luôn nhấn mạnh cầu thủ phải ngẩng đầu lên mà đá. Vì cúi đầu thì chỉ thấy bóng, ngẩng đầu sẽ thấy đối thủ, thấy đồng đội và thấy cả trận địa. Ngẩng đầu và mở người ra, các học trò của Park luôn được yêu cầu phải có nhiều phương án xử lý khi bóng đến chân. Nếu phương án A hỏng, lập tức chuyển sang phương án B. Chúng ta sẽ phải biết nương theo tình thế, nương theo đối phương mà đá. Đội hình thay đổi linh hoạt từng trận, nhân sự cũng theo tình thế mà ứng biến.
Ông Park cũng dạy các cầu thủ phải biết “ngẩng đầu” trước những đối thủ lớn mạnh hơn mình. Tôn trọng đối thủ không có nghĩa là sợ sệt. Ông và các trợ lý sẽ luôn chỉ ra điểm yếu của các đối thủ, để kích cho các cầu thủ tự tin hơn. Hình ảnh một Đỗ Duy Mạnh đã cắm ngọn cờ Việt Nam trong ụn tuyết ở Thường Châu rồi cúi đầu chào thật đẹp và mang đầy tính biểu tượng. Chúng ta cúi đầu trước quốc kỳ, nhưng ngẩng đầu với đối thủ.
Ở Hàn Quốc, có một từ rất hay là “uri”, dịch nôm na là “của chúng ta”. Người Hàn có một thói quen ngôn ngữ thật độc đáo: dùng sở hữu “của chúng ta” thay vì “của tôi”. Từ những khái niệm to lớn và trừu tượng như đất nước, dân tộc, hạnh phúc, ước mơ cho đến những khái niệm, sở hữu cá nhân như vợ, chồng, cha, mẹ, người Hàn đều dùng “của chúng ta”.
Các nhà chuyên gia ngôn ngữ bảo “uri” xuất phát từ “ul-tha-ri” với nghĩa là (hàng rào, hàng giậu), rất giống với văn hóa lũy tre làng của người Việt, tượng trưng cho tinh thần tập thể, đoàn kết trong cuộc sống, thậm chí là sinh tồn. Người Hàn không bao giờ nói ở đất nước của tôi mà luôn nói đất nước của chúng tôi. Họ cũng không nói mẹ của tôi hay vợ của tôi, mà nói mẹ của chúng ta, vợ của chúng ta để tạo cảm giác thân thiện, vì anh cũng có mẹ, có vợ. Điều này xuất phát từ văn hóa mang tính cộng đồng rất cao của Hàn Quốc. Có thể nói tinh thần “uri” đã tạo nên diện mạo của quốc gia Hàn Quốc ngày hôm nay. Một quốc gia mà mọi người đều tương trợ lẫn nhau, hướng về nhau. Và ông Park đã truyền được cái tinh thần vừa xa lạ, nhưng lại vừa quen thuộc ấy vào đội tuyển Việt Nam. Các cầu thủ buộc sẽ phải quên đi cái tôi cá nhân, để toàn tâm cho tập thể.
Tinh thần tôi và chúng ta thấm đẫm hành trình đáng nhớ của năm 2018. Khi các đồng đội gạt tuyết đi để Quang Hải vẽ nên chiếc cầu vồng ở Thường Châu, khi các cầu thủ cầm chiếc áo đấu của Văn Thanh để động viên anh vượt qua những chấn thương. Bán kết AFF Cup lượt về, Quang Hải bầm dập tả tơi trước những pha vào bóng ác hại của đối thủ, có lúc 4, 5 đối thủ “hội đồng” một mình Quang Hải. Những vẫn là Quang Hải, một mình trước khung thành trống, đặt dấu chấm lên đầu chữ “i”, sau khi đồng đội của anh đã hoàn thành những khâu vất vả nhất: phòng ngự và làm mọi cách để đưa quả bóng lên trên.
Khi tạt quả bóng vào trong cho Hải, Văn Đức phải đua tốc độ qua anh chàng số 12 tóc đuôi gà cực khỏe của Philippines, dùng hết sức bình sinh đến nỗi cắm mặt xuống đất. Đấy vừa là tinh thần uri rất đỗi Á Đông, lại có chất giang hồ quý tộc “mọi người vì một người” như trong truyện Alexander Dumas. Giây phút ấy, Văn Đức thay mặt toàn đội đang bị ép tả tơi đưa niềm hy vọng đến chân Quang Hải, đường chuyền ấy mang trọn tinh thần “tôi và chúng ta” tuyệt đẹp. Hãy ghi bàn vì đồng đội của chúng ta, vì HLV của chúng ta, vì CĐV của chúng ta, vì mẹ của chúng ta, vì bằng hữu của chúng ta.
VÀ VÌ GIẤC MƠ CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA!
Những ngày này, thấy một vài tờ báo Việt Nam gọi Việt Nam với cái biệt danh… rồng vàng. Nghe vừa giống một hãng bánh đậu xanh, vừa giống một chương trình gameshow năm nào ở HTV với MC Thành Lộc. Thú thực người viết không thích cái biệt danh này tí nào. Vì nó quá khoa trương, và bởi rồng là một sinh vật chỉ có trong huyền thoại.
Nhìn sang các nước Đông Nam Á, ta thấy toàn những biệt danh… dữ dằn. Bầy chó hoang Philippines, voi Thái Lan, sư tử Singapore, hổ Malaysia…. Vậy mà nguyên vườn bách thú Đông Nam Á bao nhiêu năm vẫn là vùng trũng của bóng đá thế giới. Trong năm 2018 này, chúng ta đã là á quân U23 châu Á, đệ tứ anh hào ASIAD và giờ chuẩn bị quyết đấu để tranh ngôi vô địch AFF Cup. Thành công ấy có được là nhờ sự khiêm cung, nhờ lòng quyết tâm và tinh thần uri vừa quen vừa lạ. Nhìn sự bền bỉ, kiên cường của những cầu thủ áo đỏ, người viết chợt nhớ đến đàn kiến, nhỏ bé nhưng không bao giờ lùi bước. Nhỏ mà… có võ, nhỏ mà giết được hổ, được voi.
Chúng ta cần tỉnh táo, nhưng vẫn giữ sự hiên ngang. Đàn kiến nhỏ bé, nhưng sẽ thật mạnh, nếu chúng ta biết cùng nhau… ngẩng đầu lên!
Theo Trí thức trẻ
Phóng viên Việt Nam và Malaysia gây gổ trước chung kết AFF Cup
Căng thẳng trước thềm trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 lan sang cả giới truyền thông khi các phóng viên Việt Nam có va chạm với phóng viên Malaysia tại buổi họp báo sáng 10/12.
HLV Park và Tan Cheng Hoe nói gì trước chung kết lượt đi AFF Cup? Hai HLV bắt tay nồng nhiệt trước trận chung kết vào tối 11/12 tại Bukit Jalil. Cả hai đều nói đến chi tiết 80.000 khán giả. Với HLV Tan, đó là vũ khí sắc bén trước tuyển Việt Nam.
Sáng 10/12, buổi họp báo chính thức trước trận chung kết với sự tham gia của HLV trưởng hai đội tuyển Park Hang-seo (Việt Nam) và Tan Cheng Hoe (Malaysia) đã diễn ra tại phòng họp báo của sân vận động Bukit Jalil.
Căn phòng họp báo nhỏ so với số lượng phóng viên rất đông tới từ cả hai nước. Ước tính có trên 20 phóng viên Việt Nam và một số tương đương phóng viên Malaysia tham gia sự kiện.
Căng thẳng bắt đầu khi các phóng viên ảnh Việt Nam cố nhoài người lên cao để chụp hình trong phần trao đổi của HLV Park Hang-seo và tiền vệ Trọng Hoàng.
Phóng viên ảnh Malaysia (áo đen) bị người của ban tổ chức ngăn lại khi muốn "nói chuyện phải quấy" với phóng viên Việt Nam.
Việc đó vô tình làm ảnh hưởng tới góc máy của các phóng viên Malaysia ở phía sau. Ngay lập tức, một số phóng viên Malaysia to tiếng với phóng viên Việt Nam, yêu cầu họ cúi đầu xuống.
Mọi thứ trở nên tệ hơn khi một số phóng viên Việt Nam có lời nói phản ứng lại thái độ của người Malaysia. Một phóng viên ảnh Malaysia đứng cuối phòng chạy thẳng lên phía trên với ý định nói chuyện ra nhẽ cùng phóng viên Việt Nam đã che mất góc máy.
Người của ban tổ chức phải đứng ra can thiệp, ngăn phóng viên Malaysia tiến vào gặp phóng viên Việt Nam.
Sau đó vài phút, căng thẳng tiếp tục nổ ra trong phần chụp hình chung của HLV hai đội. Việc Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) bố trí chiếc cúp vô địch ở bàn họp báo đã ngăn tầm nhìn của nhiều phóng viên. Để tranh giành góc máy, các phóng viên hai nước đã có vài xô đẩy, chen lấn.
Phần chụp hình chung của hai HLV với chiếc cúp che chắn phía trước suýt trở thành nguyên nhân khiến phóng viên hai nước Việt Nam và Malaysia va chạm.
Điều phối viên của AFF và hai HLV trưởng buộc phải lên tiếng để tránh những tình huống đáng tiếc. Ông Park và HLV Tan cũng chủ động bắt tay lâu hơn, đứng lại chờ đợi để các phóng viên có đủ thời gian ghi hình.
Khi buổi họp báo kết thúc, phóng viên ảnh Malaysia tiến lên xin lỗi phóng viên ảnh Việt Nam. Những gì diễn ra tại phòng họp báo trước trận hứa hẹn trận chung kết lượt đi cực kỳ căng thẳng tại Bukit Jalil vào tối 11/12.
Theo zing.vn
Mức thưởng khủng nếu đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 Ngoài tiền thưởng từ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam sẽ nhận được "mưa" tiền thưởng nếu lần đầu tiên vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi. Vượt qua Philippines với tổng tỉ số 4-2 sau 2 lượt trận ở bán kết, đội tuyển Việt Nam giành quyền vào chung kết AFF Cup lần đầu...