“Chúng ta đang làm Luật Đặc khu với tư duy con nhà nghèo”
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng chúng ta đang làm Luật Đặc khu với một tư duy khá nông dân, con nhà nghèo nên mới sa đà vào các tiểu tiết. Nếu chúng ta tạo ra được một môi trường kinh doanh, thể chế tốt thì phượng hoàng sẽ về, mang theo trứng và tự nó xây tổ cho mình, tự nhiên chúng ta sẽ có cơ sở tốt.
Quốc hội đang họp bàn về những vấn đề quan trọng của đất nước trong đó có Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu). Nếu suôn sẻ, ngày 15.6 tới Dự thảo Luật này sẽ được thông qua với mục tiêu hình thành các khu kinh tế đặc biệt, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.
Trao đổi với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường ĐHKT- ĐHQGHN, đã bày tỏ sự thất vọng vì đã không tạo được bước đột phá về tư duy và thể chế trong Dự thảo Luật Đặc khu.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trường ĐHKT- ĐHQGHN.
“Nếu chỉ thử nghiệm thì cần gì tới 3 đặc khu cùng một lúc?”
Cho tới thời điểm hiện tại Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế đã chọn 3 địa điểm là Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc, dường như để đại diện cho 3 miền Bắc – Trung – Nam. Theo ông, việc lựa chọn này có phù hợp và mang lại hiệu quả?
Bản chất đặc khu kinh tế chỉ thuần tuý mang tính kinh tế đã không còn là “mode” của xã hội hiện đại, vì kỷ nguyên toàn cầu hóa đã đi một bước rất xa kể từ những năm 1980. Như Trung Quốc, vào thập niên 1980 họ mở 4 đặc khu ven biển, nhưng chỉ có Thâm Quyến được coi là thành công. Ngoài ra, có rất, rất nhiều đặc khu đã thất bại trên thế giới. Có thể nói, số đặc khu thành công thì đếm trên đầu ngón tay, còn số đặc khu thất bại và đã bị quên lãng thì nhiều lên tới hàng trăm.
Đặc khu trong thời kỳ hiện nay, với bối cảnh Việt Nam, chỉ có giá trị khi là đặc khu hành chính, có sự đột phá về thể chế-hành chính, từ đó dẫn tới sự thành công về kinh tế.
Có một điều thú vị ít người để ý, là nếu nhìn trên bình diện khu vực và thế giới, có thể nói cuộc Đổi Mới của Việt Nam bắt đầu tăng tốc từ đầu thập niên 1990 chính là biến cả Việt Nam thành một đặt khu kinh tế. Chính sách mở cửa mạnh mẽ của chúng ta lúc đó nếu đem so với các nước còn đi chậm hơn trong khu vực như Myanmar, Campuchia, v.v… chính là đã biến Việt Nam thành một đặc khu trong khu vực.
“Nếu nhìn theo chiều hướng kinh tế, có thể thấy chỉ có một đặc khu sẽ có ưu điểm lớn hơn rất nhiều so với ba đặc khu, vì nguồn lực và cơ hội được tập trung, không bị giàn trải. Giống như ngày xưa Hùng Vương có một cô con gái cần lấy chồng thì câu chuyện kén rể mới hấp dẫn, chứ nếu Vua Hùng cùng lúc muốn gả chồng cho ba cô công chúa quyền lựa chọn sẽ ít hơn nhiều, và vấn đề là các ông rể kia sẽ có quyền đàm phán khác hẳn. Nói cách khác, chúng ta đánh mất quyền mặc cả vào tay nhà đầu tư”, TS. Nguyễn Đức Thành.
Với chính sách mở cửa đó, qua 30 năm có thể thấy là đã đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, sự phát triển của Việt Nam hiện nay đã đi tới giới hạn và tăng trưởng kinh tế dường như chỉ được đến đấy. Vì thế, Việt Nam cần một cú huých, một cuộc cải cách nữa để tiếp tục phát triển. Một cú huých là cần thiết, nhưng chúng ta phải làm thế nào?
Video đang HOT
Cuộc cải cách lần này cần có sư bứt phá về thể chế, về đổi mới chính trị, về cơ chế, v.v… rõ ràng không còn đơn giản như ngày xưa, chứa đựng nhiều khó khăn và cả rủi ro về mặt chính trị. Nhìn vào môi trường chính trị lúc này, nhìn vào những “vùng cấm” còn rất nhiều, có nhiều luật tiến bộ như Luật về Hội, Luật Biểu tình còn chưa được thông qua, thì đó là bằng chứng cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng có cuộc cải cách lần thứ hai. Do đó, mới có ý tưởng xây dựng các đặc khu để thử nghiệm cải cách từng bước.
Như vậy, cái tinh thần của “Đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt” nằm trong bối cảnh chúng ta không dám có một cuộc thay đổi lớn về mặt thể chế trong cả nước, thấy là quá khó, quá rủi ro, thì lập ra những vùng đặc biệt để có thể đưa yếu tố mới vào thử nghiệm trong môi trường con người Việt Nam, điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam xem có vấp phải vấn đề gì không. Nếu thử nghiệm thành công có thể mở rộng lan tỏa trong cả nước. Vì vậy, đột phá về thể chế là yêu cầu tiên quyết được đặt ra cho đặc khu.
Với bản chất thử nghiệm thể chế như vậy, theo tôi chỉ cần một đặc khu để thể nghiệm, chứ không nhất thiết phải cần tới ba đặc khu cùng một lúc.
Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?
Hiện nay chúng ta vẫn bị luẩn quẩn trong tư duy ngành nghề ở đặc khu. Tôi đề xuất nên chăng đề ra một luật khung rất chung về đặc khu, không cần rõ là làm ở đâu. Vùng nào muốn làm đặc khu thì phải đáp ứng đủ yêu cầu của cái khung đó, đòng thời đề xuất các phương án đột phá nhất. Nó giống như việc thi hoa hậu, trong hàng trăm, hàng nghìn cô gái mới chọn ra một cô hoa hậu, không phải như hiện nay là chỉ định, dù có cô chưa sẵn sàng cũng được làm hoa hậu, thì tự nhiên tiêu chí hoa hậu sẽ giảm đi nhiều.
Chúng ta có thể hiểu đơn giản là thay vì “chỉ định thầu” thì chúng ta sẽ “đấu thầu đặc khu”.
Khi Luật khung đã đưa ra những yêu cầu, tiêu chí cơ bản để là “đặc khu” thì các vùng sẽ dựa vào các yêu cầu đó để đưa ra phương án triển khai, cam kết tài chính. Tỉnh nào, vùng nào đưa được đề xuất khả thi, tích kiệm ngân sách nhất, có thể chế sáng tạo, cam kết mạnh mẽ nhất, đề xuất được các phương án hấp dẫn hơn về kinh doanh thì tỉnh đó, vùng đó được chọn làm đặc khu. Nó giống như cuộc thi kén rể của Vua Hùng vậy.
Nhà nước có quyền quyết định, và việc này cũng tạo độc lực cho sự sáng tạo, nỗ lực từ các địa phương muốn xây dựng đặc khu. Các cam kết được chọn sau đó sẽ luật hoá và cả nước có thể tập trung nguồn lực cho một anh làm đặc khu cho thành công, rồi khi thành công rồi sẽ triển khai mô hình này ở các vùng khác. Giống như là nhà nghèo, nên tập trung để một anh đi học đại học trước, sau đó quay lại cứu các em đi sau, chứ tiền đâu mà nuôi mấy anh một lúc mà chỉ học cao đẳng làng nhàng.
“Đừng dùng tư duy một anh nông phu đi mơ hộ giấc mơ của các nhà tư bản”
Hiện nay còn rất nhiều tranh cãi về việc làm gì ở đặc khu để có hiệu quả, để thành tổ gọi Phượng Hoàng về. Ông có ý kiến hay đề xuất gì về nội dung này?
Trong khi xã hội rất lo ngại, thấm chí giận dữ với khả năng cho thuê đất tới 99 năm, tôi thì không coi đó là việc lớn lắm. Tôi chỉ nghĩ đây là tư duy mang tính mặc cảm, thiếu cái gì thì muốn bù đắp thôi. Ví dụ như trước đây tôi ở cái nhà bé, kín bưng bưng, thiếu cửa sổ. Đến khi tôi xây nhà mới, thì tôi xây một cái nhà to mở rất nhiều cửa sổ. Xong rồi tôi thấy là nhiều cửa sổ quá cũng không hay.
Cho nên Việt Nam mình vốn không có sự ổn định về quyền sở hữu đất đai, nên cứ nghĩ là cứ tăng cái quyền sử dụng ấy lên thật dài thì thành ra hấp dẫn. Nhưng thực ra không hẳn là như thế. Vấn đề là anh thực sự có một thể chế tốt, một môi trường kinh doanh thực sự tốt, thì đặc khu mới là nơi hấp dẫn. Thành công hay thất bại chỉ cần sau 10-15 năm là rõ rồi.
Sự thành công này sẽ thể hiện ở đâu? Theo tôi là biểu hiện ở chỗ đặc khu trở thành nơi thu hút các nhân tài, các nhà đầu tư đổ về. Để làm như thế, đừng vội nghĩ tới những điều kiện ràng buộc về các khoản vốn to, mà hãy nghĩ tới ý tưởng kinh doanh, mô hình kinh doanh, môi trường kinh doanh mà trong đó những tài năng, những nhà đầu tư được tự do phát triển. Như thế trong 30 năm, 50 hay 70 năm thì 1 tỷ hay 100 tỷ USD không còn quan trọng.
Phú Quốc trước ngày trở thành đặc khu kinh tế (Ảnh: IT)
Để thu hút được nhân tài, để thành công chúng ta cần thể chế ổn định, bền vững, luật pháp rõ ràng, dễ thực hiện. Thể chế ấy sẽ làm cho hoạt động sản xuất ở đó ổn định, công bằng, hội tụ được tài năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển bền vững.
Người tài họ cần gì? Họ có năng lực kinh doanh, tìm kiếm thu nhập xứng đáng với công sức, họ có vốn, nhưng họ cũng đòi hỏi phải được tự do, không gian tự do để sáng tạo, và họ phải dịch chuyển linh hoạt được cả bản thân lẫn nguồn lực.
Cụ thể, một yêu cầu với các đặc khu là phải dịch chuyển lao động tự do để thu hút tài năng, kể cả trong và ngoài nước. Mô hình này đòi hỏi phải tiên tiến nhất thế giới. Sẽ không còn hạn chế ngày, giờ với thẻ Visa với người nước ngoài. Nhà đầu tư cũng yêu cầu tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng, văn hoá… Rồi ngôn ngữ chính trong đặc khu nên là ngôn ngữ nào? Có nên là tiếng Anh luôn hay không?
Theo tôi, đó là những vấn đề phải bàn khi nói tới xây dựng đặc khu, không nên “cắm đầu” vào nghĩ xem dự án đầu tư này vài chục hay vài tỷ USD, rồi nên định hướng kinh doanh gì ở đặc khu. Cái đó không phải là tiên quyết. Nếu chúng ta tạo ra được một môi trường kinh doanh, thể chế tốt thì phượng hoàng sẽ về, mang theo trứng và tự nó xây tổ cho mình, tự nhiên chúng ta sẽ có cơ sở tốt.
Dự thảo Luật Đặc khu hiện nay làm tôi khá thất vọng khi sa vào nhiều tiểu tiết, thiếu trọng tâm, gây ra những tranh cãi bất lợi không cần thiết.
Vậy theo ông, Luật Đặc khu kinh tế cần những yếu tố gì để không còn tiểu tiết, vụn vặt?
Chúng ta có thể đưa ra một khung luật chung, tạo ra những tiền đề đơn giản nhưng rõ ràng thế nào là một đặc khu, sau đó triển khai tiếp các vấn đề cụ thể ở các văn bản pháp quy khác hoặc luật mới. Luật tốt hơn hết là không cần quá dài, quy định những điều cơ bản để tạo động lực cho địa phương, tạo độ mở tư duy cho toàn dân đóng góp thêm. Trong đó cũng không cần biết cho thuê đất 99 năm hay 50 năm; không cần Casino hay tự do hóa mại dâm. Bởi đó không phải là những vấn đề quá lớn.
“Chúng ta đang làm Luật Đặc khu với một tư duy khá nông dân, con nhà nghèo, mới ở cấp độ nhìn xem ta được ngay cái gì, và khư khư muốn giữ cái gì, mà không biết nhà đầu tư có thực sự đánh giá cao phương án của ta không, và vì cái gì mà chọn ta. Chúng ta không cần quá vội vã áp đặt ngành nghề trong đặc khu, cái đó hãy để nhà đầu tư họ chọn”, TS. Nguyễn Đức Thành.
Một nhà đầu tư thực sự có tầm nhìn thì họ sẽ quan tâm là trong đặc khu có nguồn cung lao động chất lượng cao hay không, có phải là nơi ổn định, đáng tin cậy để mở các phòng thí nghiệm lớn, đầu tư xây dưng các cơ sở lớn về công nghệ và công nghiệp hay không.
Muốn biến đặc khu thành một cái tổ phượng hoàng, thì cũng chính là xây một căn phòng tiện nghi, an toàn, mà nhà đầu tư lớn có thể thoải mái ngủ trong đó và nằm mơ những giấc mơ của họ, thực thi ước mơ của họ. Họ sẽ tự đề ra kế hoạch để biến khát vọng, ước mơ đó thành hiện thực. Chứ chúng ta đừng nghĩ hộ, mơ hộ nhà đầu tư khi mà giấc mơ của chúng ta còn bị giới hạn bởi nhận thức non yếu, bị đè nát bởi những lợi ích tủn mủn. Nhà đầu tư quốc tế, họ giỏi hơn, mạnh mẽ hơn chúng ta, và chúng ta cần những người như vậy. Như thế, Luật đặc khu cần có một cách tư duy với độ mở rộng hơn, tinh thần cao hơn, xa hơn khi nhìn về đặc khu.
Xin cám ơn ông!
Theo Danviet
"Lò đã nóng, không ai muốn thêm nhiều củi sau khi 3 đặc khu ra đời"
"Lò đã nóng lắm rồi và chúng ta không ai muốn tiếp tục có thêm nhiều củi sau khi 3 đặc khu ra đời", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu quan điểm tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng nay về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (ảnh VPQH).
Cuối giờ sáng nay (23.5) phát biểu góp ý vào dự án Luật Đơn vi hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã nói: Lãnh thổ của 3 đặc khu đều liên quan đến biển đảo với hàng chục ngàn km2 lãnh hải thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển. Từ Vân Đồn (Việt Nam) đến Hải Nam (Trung Quốc) chỉ 200 hải lý; vịnh Vân Phong rất gần với quần đảo Trường Sa. "Tôi đề nghị quy định rõ việc đầu tư có sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật tài nguyên nước", đại biểu Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa đã đề nghị dự thảo Luật bỏ điều khoản thời hạn giao đất 99 năm. "Không có vòng đời dự án đầu tư nào cần đến thời hạn 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Theo tôi, thời hạn này ngang với 3 - 4 thế hệ, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những nước nghèo nàn lạc hậu và hoang sơ mới cần đến", đại biểu Nghĩa cho hay.
Đại biểu Nghĩa cũng đặt vấn đề liệu cần phải cho phép đến 3 casino không, nếu mục đích của casino chỉ phục vụ cho việc cờ bạc của người nước ngoài. "Chúng ta có thể quản lý được những hệ lụy của loại hình này không. Một nước quy mô nhỏ, phát triển rất cao, luật pháp rất nghiêm như Singapore cũng chỉ mở một casino từ năm 2012 sau hàng chục năm cấm, vậy hiện nay vẫn phát sinh nhiều hệ lụy xã hội", đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết.
Ông nói thêm, khi chưa có casino mà chúng ta đã chịu tổn thất nặng về cán bộ và về nền kinh tế vì loại hình kinh doanh này. "Tôi đề nghị chỉ cho mở 1 casino và phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nghĩa, quan điểm cho rằng khi chúng ta dành nhiều ưu đãi tạo ra các khu vực có lợi ích đan xen với các nước thì sẽ có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền, nhận định như vậy chỉ đúng một nửa. "Có những quốc gia không có nhu cầu về lãnh thổ mà họ chỉ cần lợi ích về kinh tế, họ đến rồi họ đi. Còn có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ, tài nguyên của nước khác, thì cái họ cần không phải là lợi ích kinh tế mà là lãnh thổ của nước khác. Họ sẽ di dân đến và tìm cách ở lại, thậm chí chi phối về chính trị, an ninh quốc phòng. Đã có những ví dụ nhỡn tiền về việc này ở chính nước ta và xung quanh nước ta. Cho nên luật pháp phải thiết kế sao cho chỉ mở cửa cho bạn bè chứ không rước kẻ cướp vào nhà. Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài để đuổi chúng ra", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Về lộ trình thành lập các đặc khu, theo đại biểu Nghĩa do chúng ta đã thí điểm nên không triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, sau đó mới làm tiếp. "Lò đã nóng lắm rồi và chúng ta không ai muốn tiếp tục có thêm nhiều củi sau khi 3 đặc khu ra đời", vị đại biểu TP.HCM chốt lại.
Theo Danviet
Đặc khu kinh tế thế giới thành công không nhiều, 99,6 % người dân Vân Đồn đồng ý thành lập Trước băn khoăn của TS. Trần Đình Thiên về việc mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới thành công không nhiều, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết có nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ đã tìm hiểu và 99,6% người dân Vân Đồn đồng thuận với việc thành lập Đặc khu Vân Đồn...