Chúng ta chẳng thể đợi sao băng
Ái tình giống như một kẻ trộm, nhân lúc chẳng ai hay biết, không một tiếng động, cuốn chúng tôi lại với nhau. Tôi lặng lẽ yêu anh bằng tình yêu đầu dại khờ, non nớt. Anh cũng chẳng nói lời nào mà yêu tôi bằng tất cả thấu hiểu và chở che.
Lần đầu tiên gặp Khương là năm tôi mười ba tuổi. Tôi ngồi trong khuông viên bệnh viện, từng nét tỉ mỉ vẽ một chiếc xe đạp có rổ xe nở đầy hoa phượng. Anh mặc một chiếc blouse trắng đến chói mắt, không biết từ khi nào đã đứng ở đằng sau yên lặng nhìn tôi.
Tôi từ nhỏ đã mắc phải chứng hở van tim nặng, sau lần phẫu thuật không thành công năm tám tuổi, thì tôi phải ở trong bệnh viện suốt. Tôi không được đến trường, mà chỉ được học từ gia sư ba mẹ thuê. Nên mỗi lần nhìn thấy những người cùng tuổi mình được điều khiển xe đạp tới trường, tôi đều ngập tràn khát khao trong lòng. Đặc biệt là quãng thời gian sắp vào hè, những chiếc giỏ xe đạp ấy đều chứa đầy những nhành phượng đỏ thắm, đẹp vô cùng.
Khương năm đó hai mươi hai tuổi, là một bác sĩ thực tập tại bệnh viên tôi điều trị. Bị phát hiện nhìn trộm tôi vẽ, anh không chút giật mình, ngược lại nở với tôi một nụ cười và bắt chuyện:
“Vẽ đẹp quá! Cô bé, em tên gì vậy?”
Một đứa nhút nhát như tôi, khi đó không hiểu sao cũng cười với anh:
“Tên Lăng ạ!”
Lần gặp gỡ kia như một sợi dây vô hình, nối chặt chúng tôi lại với nhau. Anh và tôi trở thành những người bạn của nhau. Anh rảnh rỗi liền đến trò chuyện cùng tôi, đọc cho tôi nghe những cuốn sách anh tâm đắc, hoặc vụng về đàn cho tôi nghe đoạn nhạc anh mới học được… Tôi hay bộc bạch với anh về những khát khao bất lực của mình, nói với anh về ước mơ trở thành một họa sĩ mà tôi hằng ấp ủ. Giữa chúng tôi không có khoảng cách về tuổi tác, không có tách biệt về địa vị, không có hết thảy những bộn bề và lo toan mà tôi chưa đủ lớn để hiểu. Chúng tôi chỉ đơn thuần là hai con người không thôi muốn thấu cảm tâm hồn nhau.
Thời gian cứ bình đạm như thế mà trôi qua. Cô bé nhút nhát ngày trước, thoáng chốc trở thành một thiếu nữ đa cảm, đầy mộng mơ của tuổi mười sáu. Khương trở thành bác sĩ chính thức, vơi đi mấy phần ngây ngô, thay vào đó là sự trầm ổn của một người đàn ông trưởng thành.
Ái tình giống như một kẻ trộm, nhân lúc chẳng ai hay biết, không một tiếng động, cuốn chúng tôi lại với nhau. Tôi lặng lẽ yêu anh bằng tình yêu đầu dại khờ, non nớt. Anh cũng chẳng nói lời nào mà yêu tôi bằng tất cả thấu hiểu và chở che.
Gần đến ngày tiến hành phẫu thuật tim lần thứ hai, lòng tôi bắt đầu ngổn ngang những lo lắng và sợ hãi. Khương vẫn giữ im lặng trước những lời hỏi han, động viên từ quá nhiều người xung quanh tôi. Chỉ là, thỉnh thoảng tôi bắt gặp anh đứng ngây người bên khung cửa sổ mà nhìn tôi. Có một buổi tối, anh đột nhiên nói muốn mang tôi đến một nơi. Đó là lần đầu tiên, anh cùng tôi ra khỏi bệnh viện. Chúng tôi đến một quảng trường rất cao. Ở đấy, có nhiều đèn màu, tỏa ra những loại ánh sáng rực rỡ. Giữa quảng trường là một đài phun nước lớn, các tia nước có lớn, có bé, không ngừng phun theo những giai điệu chẳng biết phát ra từ đâu. Anh và tôi chọn một băng ghế đá và ngồi xuống. Anh nói với tôi:
“Buổi tối ở đây có thể ngắm sao rất rõ, còn có thể thấy sao băng nữa. Chúng ta đợi sao băng xuất hiện rồi cùng cầu nguyện nhé! Cầu nguyện cho ca phẫu thuật sắp tới thành công, chịu không?”
Tôi thấy rõ nỗi bất an trong mắt anh. Cả anh và tôi đều hiểu, lần phẫu thuật này không giống như lần trước. Giữa thành công và không thành công nói đơn giản chính là sự sống và cái chết. Tôi vốn không thiết tha cuộc sống lay lắt, tẻ nhạt, bị bệnh tật giam cầm cả thể xác lẫn linh hồn hiện tại của mình. Thế nhưng tôi vẫn sợ hãi, sợ hãi nỗi đau sinh li tử biệt.
Tôi lặng lẽ ngắm nhìn Khương thật lâu, lặng lẽ khắc vào lòng mình từng đường nét của anh. Nếu mai này điều không may xảy đến, thì đây chắc là lần cuối cùng tôi có thể nhìn anh kĩ như vậy, cũng là lần cuối cùng tôi có thể nói cho anh nghe điều ước nguyện trong lòng mình.
“Không, em không muốn ước như thế!”
Anh có chút ngạc nhiên nhìn tôi.
“Nếu có thể thành sự thật, em muốn ước cho chúng ta được ở bên nhau suốt đời”.
Không đợi anh kịp phản ứng, tôi đã chui vào lòng anh, nói khẽ:
“Em chưa từng nói với anh đúng không? Em rất yêu anh. Điều em mong nhất trong cuộc đời này là có thể bên anh.”
Tôi không nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt Khương khi ấy, chỉ biết rằng vòng tay đang ôm lấy tôi bỗng thít chặt và nhịp tim trong lồng ngực của anh đập dồn dập.
“Vậy chúng ta cùng nhau ước nguyện, được không?”
Nói rồi, anh đặt lên trán tôi một nụ hôn còn mang theo chút run rẩy.
Nơi quảng trường lớn, gió đêm thổi mạnh, tôi và anh cứ như thế ôm lấy nhau, cùng ngửa cổ chờ đợi sao băng. Không biết do đợi quá lâu, do những suy nghĩ nặng trĩu trong đầu, hay do vòng tay của Khương quá ấm áp mà tôi đã ngủ quên trước khi ánh sao băng đầu tiên kịp đến.
Không phụ lại những kì vọng và lo lắng của chúng tôi, ca phẫu thuật đã diễn ra rất thành công. Mất suốt gần một năm tịnh dưỡng, tôi cuối cùng cũng trở nên khỏe mạnh bình thường như những gì mình hằng mong đợi.
Video đang HOT
Sau đó, tôi vội vàng quyết định sang Mỹ để học hội họa. Trở thành họa sĩ là một giấc mơ chưa giờ khắc nào ngừng cháy bỏng trong lòng tôi. Tôi đã chờ rất lâu để thực hiện nó, lâu đến mức tôi chẳng còn đủ lí trí để nhận ra mình sẽ phải đánh đổi điều gì.
Ngày tôi đi, Khương tiễn tôi. Anh nắm tay tôi rất chặt, đôi mắt tràn đầy lưu luyến, nhưng vẫn không giấu được những tia vui vẻ. Anh nói:
“Em phải cố gắng học tập, cố gắng tự chăm sóc bản thân. Anh tất nhiên rất muốn em thực hiện được ước mơ của mình, nhưng muốn nhất vẫn là nhìn thấy em luôn vui vẻ. Dù có chuyện gì xảy ra, anh cũng sẽ ở đây đợi em trở về. Đừng cố gắng quá sức, đừng để bản thân mình bị thiệt thòi, được không?”
“Được. Em sẽ sống thật vui vẻ, sẽ nhanh trở về với anh! Anh phải luôn mở điện thoại đó, vì em sẽ lúc nào cũng nhớ anh!”
Bốn năm chen chúc ở nơi đất khách quê người, một đứa luôn ngờ nghệch về cuộc đời như tôi, thật sự đã nếm đủ loại đắng cay. Những khó khăn, những ấm ức, bất lực, hòa cùng nỗi cô độc và nhớ thương, khiến tôi biết bao lần tự chui vào chăn khóc đến nấc nghẹn, lại không dám để người khác phát hiện. Nhưng dù thế nào chăng nữa, mỗi lần nhớ về Khương, nhớ về nụ cười ấm áp của anh, nhớ những lời anh đã nói lúc tiễn đưa, tôi liền có đủ sức để gạt sạch nước mắt và tiếp tục kiên cường. Tôi biết khi vượt qua những bộn bề phía trước, khi tôi quay trở về, sẽ luôn có một vòng tay dang rộng muốn ôm lấy tôi, chở che tôi.
Nhưng tôi đã sai. Sau tất cả, thứ tôi chờ được không ngờ lại là một nỗi đau khắc cốt ghi tâm, đánh gục hết thảy quật cường và hi vọng của tôi.
Ngày về nước, tôi cố ý không báo trước cho Khương. Về nhà xong, tôi ngay lập tức đi tìm anh. Thế rồi, trên một con phố gần nhà anh, tôi ngỡ ngàng trông thấy anh sánh vai bên cạnh một người phụ nữ. Tay người đó còn bế một đứa bé đang tập nói. Tôi liên tục dụi mắt mấy lần, đến khi nghe đứa nhỏ hướng anh, bập bẹ gọi “Ba, ba”, thì tôi đã dụi đến chảy dài nước mắt.
Anh cũng trông thấy tôi. Bỏ qua kinh ngạc và những câu chào hỏi xa cách, anh hơi hoảng hốt nhìn tôi, rồi nói một cách gấp gáp:
“Lăng, nghe anh nói…”
Lồng ngực tôi đau đớn dữ dội, như có thứ gì đó muốn cắt đi hơi thở vậy, nước mắt không có cách nào để ngừng chảy. Tôi cố hết sức để tìm lại hơi thở, rồi từng từ nặng trĩu nói với anh:
“Không sao… em không sao…em…”
Tôi chẳng nghe ra bản thân mình đang nói gì, mà điều đó cũng chẳng còn quan trọng nữa, vì chưa thể nói hết câu tôi đã đột ngột xoay người bỏ chạy. Tôi điên cuồng chạy đi, mặc kệ phía sau có một người chạy theo và thét tên mình đến khản giọng.
Tôi rất muốn quay lại nhìn anh thật kĩ xem bốn năm qua anh đã thay đổi như thế nào, muốn nhìn kĩ người bên cạnh anh, muốn nhìn kĩ con của anh xem nó giống anh bao nhiêu. Tôi muốn mình có thể nén tất cả đau đớn trong lòng, bình tĩnh lại mà nói với anh rằng không phải lỗi của anh.
Tôi không có đủ tư cách để oán anh, một người đã chờ đợi tôi lâu như vậy. Anh chờ tôi từ khi là một chàng trai đầy nhiệt huyết của tuổi hai mươi hai, đến bây giờ đã là một người đàn ông ổn trọng ba mươi mốt tuổi. Chín năm kia, anh đã mang đến cho tôi thứ vui vẻ và hạnh phúc mà một người khác không thể nào mang lại. Anh không hề sai, anh vốn dĩ từ lâu đã nên xây đắp hạnh phúc với người đủ trường thành hơn tôi, một người hiểu được những lo toan và bất lực của anh.
Tôi cố thuyết phục mình, nhưng dù có dùng nhiều lí lẽ đến thế nào thì cũng không làm dịu lại được nỗi đau dữ dội đang hoành hành trong tim.
Tôi không biết sau đó mình đã làm những gì, chỉ biết khi tỉnh táo lại, tôi đã thấy mình ngồi ở sân bay, trên tay cầm sẵn chiếc vé máy bay đi Mỹ.
Sau bốn năm, tôi đặt chân lên nước Mỹ đã không còn cảm giác xa lạ và lạc lỏng. Sau bốn năm, người đặt chân lên nước Mỹ năm đó mang theo nhiều mong chờ, đã thay bằng một người chỉ mang theo bi thương và tuyệt vọng.
Tôi vứt điện thoại, xóa email và ở lì tại Mỹ suốt ba năm sau đó, như một sự trốn chạy. Dưới cái lạnh lẽo của thời gian, ngay cả tình yêu còn có thể tan nát thành từng mảnh vụn, thì nỗi đau đã tính là gì. Ba năm sau, tôi rốt cuộc cũng có thể chôn vùi được đớn đau vào nơi sâu nhất trong lòng mình, rốt cuộc có thể kể về Khương mà không còn rơi nước mắt, rốt cuộc có thể thành tâm mà cầu mong anh hạnh phúc.
Rồi tôi tìm được một người mà mình muốn ở bên cạnh. Anh ấy cũng là họa sĩ, rất chân thành và biết lắng nghe. Tôi chưa từng làm phép so sánh giữa Khương và Luân. Bởi lẽ, trong tôi một người đã trở thành tín ngưỡng, trở thành điều mà tôi muốn trân trọng và lưu giữ nhất ở cuộc đời này, người còn lại là người đã bao dung cho trái tim không trọn vẹn của tôi, đã cứu rỗi khi tôi chới với giữa niềm đau. Thứ tình cảm tôi dành cho Luân không còn sự rực rỡ và lãng mạn mà một tình yêu nên có, nó chỉ đơn giản là thấu hiểu lẫn nhau và ước muốn tựa vai nhau đi đến cuối cùng.
Đi bên cạnh Luân trên một con phố quen thuộc của Sài Gòn, tôi bất giác thở phào nhẹ nhỏm. Sau những tháng năm vật vã cùng yêu đương, mộng tưởng và nỗi đau, tôi cuối cùng cũng có một ngày lòng bình yên mà quay trở lại nơi đây. Tôi nhìn Luân, mỉm cười với anh rồi cứ thế chậm rãi bước đi.
Bên công viên rợp tán cây, tôi đột nhiên phát hiện một thân ảnh quen thuộc. Một người mẹ trẻ đang chơi đùa cùng con trai của mình. Dù chỉ mới gặp qua người đó một lần, nhưng bóng dáng ấy là thứ cả đời tôi không bao giờ quên được. Ba năm về trước chính là người kia đã đi bên cạnh Khương. Có điều, người đàn ông đang cười với họ là ai? Tại sao không phải anh?
Tôi như một con rối bị điều khiển, chẳng thể nghĩ chăng ngợi, cứng ngắt đi về phía họ.
“Cô là… Lăng đúng không?” – Chị ấy ngờ ngợ hỏi tôi.
“Dạ đúng ạ! Đây là… ” – Tôi không chút khách sáo đưa mắt về phía người đàn ông đang bế lấy đứa trẻ bên cạnh.
Bỗng dưng chị ấy thở dài một hơi, ánh mắt chất chứa điều gì đó, nhìn tôi thật sâu và nói:
“Chuyện dài lắm… Anh ấy mới là cha của con chị, không phải Khương.”
Như có một tiếng sét vang trời đánh ngang tai tôi. Khối u ác tính đã quên lãng bấy lâu trong tim, như bị ai đó chẳng chút thương xót đào bới lên, tước đi tất cả dáng vẻ bình thản của tôi. Tôi chỉ biết dùng bàn tay đang run rẩy của mình, ghì lấy tay chị, khẩn cầu:
“Chị… chị kể cho em nghe đi!”
Dường như bị dáng vẻ của tôi làm xúc động, mắt chị ân ẩn đỏ, tay cũng cầm chặt tay tôi, như thể muốn chặn lại từng hồi run.
“Năm đó mẹ Khương bệnh rất nặng. Sợ mình không qua khỏi nên bác gái mới hối thúc Khương kết hôn. Chị và anh ấy cứ như vậy mà bị mai mối cho nhau. Khi ấy chị và Tuấn đang bên nhau, chị cũng đã có thai, nhưng người nhà Tuấn lại không chấp nhận chị. Khương một mực muốn đợi em, nhưng lại lo sợ em vì chuyện này mà bỏ lỡ cơ hội của mình, nên đành chọn cách giấu đi. Chẳng còn cách khác, chị và Khương cuối cùng cũng kết hôn, nhưng chỉ là để giúp đỡ lẫn nhau, cũng là tự giúp mình. May là bệnh của mẹ Khương cũng thuyên giảm sau đó không lâu. Tụi chị bên nhau được hai năm thì li hôn. Không ngờ nhất, là em trở về giữa chừng rồi hiểu lầm… “
Thoáng ngừng lại, rồi chị kể tiếp:
“Năm đó, lúc em chạy đi, Khương đã chạy theo, nhưng em vừa chạy qua đường thì đèn xanh sáng. Anh ấy vẫn cố chấp chạy qua, nhưng vài chiếc ô tô phóng nhanh đã cản anh lại, không đuổi kịp em. Ba năm rồi, chị vẫn nhớ rất rõ vẻ mặt của Khương lúc quay trở về, vẻ mặt như cả thế giới vừa đổ sụp xuống vậy, ánh mắt đầy yếu đuối. Trước đây dù xảy ra chuyện gì, chị cũng chưa bao giờ thấy Khương như thế.”
Tôi lặng người nghe chị nói, nước mắt không biết chảy xuống từ khi nào, ướt lạnh gò má, lạnh thấm vào trái tim tôi. Tôi phảng phất như nhìn thấy ánh mắt của Khương ngày ấy, như thấy lại anh vừa gấp gáp chạy theo tôi, vừa thét gào tên tôi trong tuyệt vọng. Hóa ra, năm tháng qua, những nỗi đau tê tâm liệt phế kia, những hồi chán nản đến cùng cực kia, không phải chỉ một mình tôi gánh chịu. Hóa ra, tất cả chỉ là hiểu lầm…
Chị ấy đưa mắt nhìn Luân đang đứng bên cạnh tôi, rồi nghèn nghẹn nói:
“Câu chuyện này… đến muộn rồi phải không?”
Đúng vậy, câu chuyện này đến không kịp rồi, đến không kịp để ngăn lại những bi thương, không kịp để ngăn lại màn bỏ lỡ nhau đầy nuối tiếc nuối của tôi và anh.
Đêm hôm đó, tôi cùng Luân tìm đến nơi quảng trường tôi đã chờ sao băng cách đây chín năm. Tôi không biết tại sao mình lại muốn đến đây, có lẽ chỉ đơn giản vì hôm nay trời trong, sao trời rất nhiều và đây là nơi ngắm sao đẹp nhất mà tôi từng biết.
Quảng trường kia ngoài tưởng tượng của tôi, vẫn giống hệt chín năm trước, vẫn lộng gió, vẫn có thật nhiều đèn màu, đài phun nước vẫn đang phun lên theo từng điệu nhạc. Kì diệu thật, suốt chín năm ròng rã, không ngờ còn có một thứ chiến thắng nổi cái lạnh lẽo của thời gian mà nguyên vẹn đến vậy.
Tôi phút chốc như xuyên qua tầng tầng lớp lớp tháng năm, trông thấy lại mình năm mười sáu tuổi. Một “tôi” không cầu có được, không sợ mất đi, đứng giữa ranh giới sinh li tử biệt vẫn có thể mỉm cười, tin tưởng cùng tận vào yêu thương. Cô gái thuần chân, kiên cường ấy chỉ cách tôi chín năm thời gian, mà lại lạ lẫm đến không ngờ. Tôi phát hiện, thứ nuối tiếc nhất tôi bỏ lỡ không chỉ có anh, mà còn có cả chính bản thân tôi nữa…
Trong màn đêm hư ảo, nhạt nhòa ánh đèn màu, tôi nhìn thấy bóng dáng người đàn ông, ngồi một mình trên băng ghế đá, ngửa đầu lên trời như đang chờ đợi một điều gì xa xăm lắm. Tôi mơ màng không hiểu trước mắt tôi là người thật, hay chỉ là ảo giác mà hồi ức đang cố ý đùa cợt tôi.
Đó là Khương, anh đang ngồi ở kia bằng xương bằng thịt, không phải là ảo giác đâu. Bởi vì, trong tất cả hồi ức của tôi, chưa bao giờ anh lại trông cô đơn và yếu đuối đến thế.
Anh ngồi đó rất lâu, tôi cũng đứng nhìn anh rất lâu. Tôi đã trăm ngàn lần tưởng tưởng về khoảnh khắc gặp lại, tôi cứ ngỡ bản thân sẽ không thể bình tĩnh mà khóc nấc lên. Nhưng giờ phút này, mắt tôi lại ráo hoảnh, thậm chí gió thổi qua còn có chút khô rát.
Tôi rốt cuộc cũng hiểu ra cái gì gọi là chết lặng. Mỗi một tế bào trong cơ thể tôi đều đau đớn đến vô tri vô giác. Nếu trong tay có một con dao, tôi nhất định sẽ đâm ngay vào bản thân mình để có thể cảm thấy dễ chịu đôi chút. Tôi có thể chấp nhận được việc ngu ngốc mà đánh mất anh, chấp nhận được bản thân khó khăn, đau đớn để quên anh, nhưng sao cứ nhất định phải để tôi nhìn thấy dáng vẻ bi thương này của anh?
Lần đầu tiên trong đời, tôi ước gì chúng tôi chưa từng gặp nhau. Giá mà, tôi và anh chưa từng gặp nhau. Giá mà, năm mười ba tuổi tôi nằm ngoan ngoãn trong phòng bệnh. Giá mà, trong lần phẫu thuật đó tôi cứ như vậy mang theo hi vọng mà biến mất khỏi thế gian này… thì giờ đây, Khương chắc chắn vẫn là chàng trai sáng lạng, luôn nở nụ cười ấm áp của năm ấy.
Tôi đột nhiên rất rất muốn bất chấp tất cả, chạy tới trước mặt Khương, gắt gao ôm anh vào lòng, nói với anh rằng chúng tôi hãy quên hết đau thương, bắt đầu lại một lần nữa. Đôi chân tôi đã thật sự bước lên, thế nhưng có một thứ đã kịp giữ tôi lại. Thì ra nãy giờ, Luân đã ôm tôi trong vòng tay của anh.
Tôi nhìn Luân, trong ánh mắt anh là muôn vàn xót xa cùng cảm thông. Anh như cảm nhận được nỗi đau của tôi, không ngừng siết chặt vòng tay quanh tôi. Vòng tay của anh ấm áp biết bao nhiêu, bao dung biết bao nhiêu, thế nhưng cũng chính là thứ gông xiền mềm mại nhất để trói buộc tôi. Cảm nhận sự tồn tại của Luân, tôi biết khoảng cách giữa tôi và Khương đã xa đến không thể nào kéo lại.
Rồi Khương cũng phát hiện ra chúng tôi. Anh chậm rãi rời khỏi băng ghế đá, từng bước cẩn thận đi đến trước mặt tôi, như chưa từng li biệt, như chưa từng đau thương đau, anh mỉm cười thật đẹp:
“Lâu quá không gặp em!”
Cổ họng tôi nghẹn đắng, chẳng thể thốt ra bất cứ âm thanh nào.
Khương lại cười:
“Đừng làm vẻ mặt đó! Anh vẫn muốn nhìn thấy em vui vẻ.”
Nói xong, anh đưa tay lên dường như định xoa đầu tôi, nhưng bỗng khựng lại trên không, nụ cười của anh tắt hẳn và đưa tay về.
“Anh phải đi đây! Chào em!”
Anh không nói hẹn gặp lại.
Tôi hướng anh, nở một nụ cười vui vẻ nhất có thể, để thay một lời chào.
Khương xoay người bước đi, bóng dáng cô liêu của anh khuất dần, khuất dần trong hư ảo của đêm đen.
Khóe miệng tôi nặng trịch, rốt cuộc cầm không được mà tắt ngúm nụ cười. Tôi sai rồi, không phải lúc nào thời gian cũng đủ sức thay đổi mọi thứ, tình yêu của Khương dành cho tôi vẫn là một ngoại lệ…
Năm mười sáu tuổi, tôi ở quảng trường này ngủ quên trong lòng anh, chẳng đợi được ngôi sao băng nào để nói ra lời ước nguyện bên nhau trọn đời. Giờ đây, chúng tôi lại gặp nhau ở quảng trường này, nhưng tôi không còn lí do để đợi ánh sao băng đó nữa rồi. Không biết bảy năm qua, một mình anh có đợi được ngôi sao băng nào hay không? Có lẽ là không nhỉ, vì đến cuối cùng tôi và anh đã chẳng thể bên nhau…
Li Si
Theo blogradio.vn
Tôi đã dừng các mối quan hệ bên ngoài mà vợ vẫn đòi ly hôn
Tôi vẫn yêu vợ và luôn muốn vào làm gần em để tiện chăm sóc con, nhưng vợ không cho và nói đã hết tình cảm với tôi.
Hình ảnh minh họa
Vợ chồng tôi quen qua mạng xã hội và chính thức yêu chỉ trong một tháng. Hôm gặp mặt lần đầu sau gần chục ngày nói chuyện, em đồng ý làm người yêu tôi và cả hai trao nhau những nụ hôn. Vì tôi là tình yêu đầu của vợ nên em còn chút e ngại. Lần gặp mặt thứ 2, vợ đưa tôi về ra mắt với bố mẹ, tôi ăn cơm và ngủ lại nhà em. Tối hôm đó, chúng tôi đi dạo và em đồng ý dâng cái quý giá nhất của mình. Sau một tháng, em báo có thai và chúng tôi quyết định cưới. Nhưng khi đưa em về nhà mình, bố mẹ tôi có cái nhìn không thiện cảm với em, vì nhà tôi quen với cách sống nề nếp của người xưa. Rồi đám cưới vẫn diễn ra trong niềm vui của chúng tôi, khi đó em đã mang thai tháng thứ 4.
Sau cưới, tôi đi kiếm việc làm. Khi vợ còn một tháng nữa là sinh thì tôi về chăm sóc em. Tôi lo cho vợ từng đêm và chăm con từ lúc mới sinh cho đến 6 tháng rồi quyết định đi làm xa. Vợ ngăn cản nhưng tôi vẫn quyết đi làm. Trong thời gian này, tôi biết vợ rất buồn và cần có chồng ở nhà chăm sóc. Tôi vẫn cố làm ăn và thỉnh thoảng lên mạng tâm sự với người khác. Mỗi lần về, vợ phát hiện tôi nói chuyện với người khác là ghen tuông và tôi đã dừng các mối quan hệ đó. Bây giờ con tôi gần 4 tuổi, vợ làm công nhân và cô ấy muốn ly hôn. Tôi không hiểu sao vợ lại muốn vậy? Tôi vẫn yêu vợ và luôn muốn vào làm gần em để tiện chăm sóc con, nhưng vợ không cho và nói đã hết tình cảm với tôi. Bây giờ tôi rất buồn và nhớ con. Mong chuyên gia và bạn đọc tư vấn giúp để vợ con tôi quay lại. Tôi xin cảm ơn.
Thành
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào bạn Thành,
Tình yêu đến hôn nhân là cả quá trình nhưng chưa nhà tâm lý nào nói quá trình đó là bao lâu, bởi vì quá trình vật lý và tâm lý không như nhau. Kết quả thế nào lại là hiện thực của sự hiểu biết về nhau và chia sẻ với nhau thế nào.
Bạn và vợ quen và yêu trong một tháng. Vậy chưa phải là nhanh so với những anh bộ đội trên chiến trường, nảy sinh tình cảm với các cô gái chỉ trong vòng nửa ngày, thế mà kết thúc chiến tranh họ nhớ đã trao lời hứa để sống với nhau đến hết chặng đời. Tại sao? Vì họ có tình yêu thiêng liêng. Vợ chồng bạn quen qua mạng xã hội, đây là một cách gặp được tình yêu của sự hiện đại thời công nghiệp, song không có nghĩa là không có tình cảm. Tình cảm mãi mãi còn như thế. Tuy nhiên, khi người ta có quá nhiều thứ để thích, hưởng thụ thì tình cảm lại bị lãng quên. Bạn đang "lãng quên" vợ con khi cưới xong là đi kiếm việc làm. Chẳng có người phụ nữ nào mới lấy chồng mà chấp nhận xa chồng nếu không vì nhiệm vụ kháng chiến như các cụ năm xưa.
Có lẽ lấy vợ dễ quá nên bạn có vẻ tự hào khi về chăm sóc vợ con. Có thể việc này khiến vợ bạn cảm thấy sai lầm khi yêu quá vội vàng. Một người phụ nữ lần đầu yêu và mong muốn chồng ở nhà, thế mà khi con được 6 tháng, bạn quyết định đi làm xa. Vợ bạn đã ngăn cản nghĩa là cô ấy rất tình cảm, nhưng bạn vẫn đi dù biết thời gian này vợ buồn và cần có bạn bên cạnh.
Bạn nói lâu lâu lên mạng tâm sự với người khác. Hành động này của bạn đã làm chết tình yêu của vợ. Bạn lấy vợ từ mạng, nay lên mạng tâm sự với người khác, đây là hành vi xúc phạm ghê gớm đến vợ bạn. Vẫn là con đường ấy, chỉ có điều lại đến với người khác. Vợ bạn đã biết những kinh nghiệm và "chiêu trò" trước đây của bạn và sẽ nhớ mãi. Mỗi lần bạn về, vợ phát hiện bạn nói chuyện với người khác, ghen tuông và nói muốn ly hôn. Đến lúc này mà bạn còn thắc mắc "không hiểu sao vợ lại muốn vậy".
Bạn nói vẫn yêu vợ thì cần xem lại tình yêu của mình là gì. Vợ bạn cần một người chồng có tình cảm và có trách nhiệm với tình cảm đó. Việc bạn buồn và nhớ con cũng chỉ là hiện tượng nhân quả.
Bây giờ bạn bí mật, không nói gì trước rồi đến nơi vợ và con bạn đang sống. Chờ lúc chỉ có hai mẹ con cô ấy trong phòng thì gõ cửa. Nếu vợ bạn mở cửa ra và đóng lại ngay, bạn hãy chờ ở ngoài cửa, thỉnh thoảng gọi tên con. Trong trường hợp vợ bạn cho vào nhà, hãy chuẩn bị quà cho cả mẹ và con rồi kiên trì xin vợ tha thứ. Nếu vợ nghĩ lại, bạn hãy trân trọng cơ hội.
Chúc bạn kiên nhẫn.
Theo vnexpress.net
Vì tình yêu trong quá khứ, bạn đã từng làm những điều "phi thường" gì? Nhìn lại bản thân mình của ngày xưa chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy không biết đã lấy đâu ra động lực để hướng về một người nhiều đến vậy. Câu trả lời đơn giản thôi: Vì tuổi trẻ nồng nhiệt và yêu đương hết lòng! Càng lớn, tình yêu càng không đơn thuần. Câu nói này xét ở khía cạnh nào...