Chứng sợ đồng tính trong thể thao – Kỳ 5: Nguồn cảm hứng từ Hitzlsperger
Cựu tiền vệ tuyển Đức Thomas Hitzlsperger đã trở thành cầu thủ đầu tiên chơi ở một giải bóng đá chuyên nghiệp thừa nhận đồng tính nam.
Thomas Hitzlsperger sẽ là một luồng gió mạnh trong cuộc chiến chống lại chứng sợ đồng tính trong thể thao – Ảnh: AFP
Hitzlsperger vốn được đánh giá là tiền vệ trung tâm xuất sắc kể từ khi chuyển đến Anh từ lò đạo tạo trẻ Bayern Munich vào năm 2000, lúc mới 18 tuổi. Với người hâm mộ VN, cái tên của Hitzlsperger chẳng xa lạ khi anh thành danh ở Aston Villa với những cú sút chân trái căng như kẻ chỉ sau 100 lần khoác áo đội chủ sân Villa Park từ năm 2000 đến 2006 và được gắn cho biệt danh “Der Hammer”. Trước khi giã từ sự nghiệp vào tháng 9 năm ngoái, cựu cầu thủ 31 tuổi người Đức cũng từng khoác áo những đội bóng nổi tiếng khác như Stuttgart, Lazio, West Ham, Wolfsburg và Everton. “Der Hammer” cũng chính là thành viên của tuyển Đức tham dự World Cup 2006 và Euro 2008 nhưng chưa để lại nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, không ai mảy may nghĩ đến một ngày Hitzlsperger công khai mình là người đồng tính nam trên tờ Die Ziet vào đầu năm nay. Việc công khai của Hitzlsperger khiến rất nhiều người ngạc nhiên bởi trong năm 2006, cựu tiền vệ này từng có thời gian yêu say đắm cô bạn gái Inga Totzauer và cả hai đã đính hôn nhưng bất ngờ chia tay trước đám cưới 1 tháng.
Vì vậy, để đi đến quyết định công khai giới tính, Hitzlsperger đã phải đánh đổi cuộc sống với con người thật của mình để giữ một sự nghiệp và cuộc sống yên bình. “Ở bóng đá Anh, Ý hay Đức, đồng tính có thể được đánh giá là một vấn đề không quá lớn, ít nhất trong phòng thay đồ. Tôi không bao giờ xấu hổ nếu nói ra tôi là ai nhưng thật không dễ dàng khi bạn đang ngồi với 20 người đàn ông trẻ và lắng nghe những câu chuyện cười về đồng tính”, Hitzlsperger thổ lộ trên tờ Die Ziet.
Chất xúc tác giúp Hitzlsperger quyết định công khai đồng tính bắt nguồn từ Robbie Rogers (Los Angeles Galaxy), cầu thủ người Thụy Điển Anton Hysen, những cầu thủ luôn phải sống trong nỗi sợ hãi, gièm pha sau khi công khai khuynh hướng tình dục của mình, bên cạnh số phận bi thảm của cựu cầu thủ Justin Fashanu. Tuy vậy, cựu tuyển thủ Đức vẫn phải đấu tranh tư tưởng bởi nếu công khai, những dấu ấn sự nghiệp của anh có thể tan trong phút chốc. Hitzlsperger nhấn mạnh:”Tôi muốn công khai đồng tính bởi tôi muốn tạo nên động lực để các cầu thủ chuyên nghiệp có thêm sự tự tin bước ra ánh sáng. Hy vọng rằng, quyết định của tôi sẽ góp một phần nhỏ trong việc xóa bỏ định kiến về đồng tính đang rất phổ biến trong xã hội và thể thao”.
Quyết định của Hitzlsperger được đánh giá là sự can đảm bởi trong ngày anh công khai đồng tính, tờ Le Parisien của Pháp thậm chí vẫn còn đăng tải một đoạn phim ngắn của Canal về tuyên bố của hậu vệ Alex (PSG) không chấp nhận đồng tính dựa trên đức tin tôn giáo: “Chúa tạo ra Adam và Eva, chứ không tạo ra Adam và Yves (ám chỉ đến đồng tính)”. Tuy nhiên, sự dũng cảm của Hitzlsperger đã tạo nên một dư luận ủng hộ mạnh mẽ. Phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Seibert, thay mặt Thủ tướng Angela Merkel nói về Hitzlsperger: “Chúng ta đang sống trong một đất nước không nên sợ thừa nhận đồng tính. Tôi đánh giá cao những cầu thủ tự kiểm soát cuộc sống và nhân phẩm trong và ngoài sân cỏ, mà cả điều đó đều có trong con người của Mr.Hitzlsperger”. Thủ tướng Anh David Cameron viết trên mạng xã hội Twitter: “Là một fan hâm mộ của Aston Villa, tôi luôn ngưỡng mộ những gì Thomas Hitzlsperger đã làm trên sân cỏ. Nhưng hôm nay, tôi càng ngưỡng mộ anh ấy hơn về sự dũng cảm và một bước đi quan trọng”. Chủ tịch giải Bundesliga Reinhard Rauball nói: “Thomas Hitzlsperger chắc chắn sẽ dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại chứng sợ đồng tính”, còn HLV tuyển Đức Joachim Low cho biết: “Thomas đã đưa ra quyết định cho bản thân và cần được đối xử một cách tôn trọng”.
Theo VNE
Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 3: Thông điệp của Robbie Rogers
Từ sự dũng cảm của Jason Collins, cựu cầu thủ của Leeds United Robbie Rogers đã trở thành một trong những người đi đầu trong cuộc chiến chống lại chứng sợ đồng tính trong thể thao bằng thông điệp từ những tâm sự đầy cảm xúc trong một cuộc phỏng vấn với CNN.
Robbie Rogers - cựu cầu thủ của Leeds United- Ảnh: Reuters
"Có rất nhiều VĐV đồng tính nam nữ vẫn còn ẩn mình và không chấp nhận mình là người đồng tính nên phải sống chung với sự ray rứt của chính mình...", Rogers, người hiện đang chơi cho CLB Los Angeles Galaxy, mở đầu câu chuyện. Tuy nhiên, vào tháng 2.2013, cầu thủ 25 tuổi trên đã quyết định tiết lộ thân phận của mình trên blog cá nhân để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm sự bình đẳng cho VĐV đồng tính trong thể thao. Những dòng tự thuật của Rogers mang cảm xúc mãnh liệt với quyết tâm dung hòa tình yêu bóng đá và khát khao được tự do. Sau quyết định "tự thú", Rogers chia tay Leeds để rút lui khỏi bóng đá và chịu mọi gièm pha của dư luận.
Trở ngại lớn nhất là sự sợ hãi. Nỗi lo sợ bị tẩy chay từ đồng đội, người hâm mộ, gia đình, và từ cả các ông chủ đội bóng không muốn có một VĐV đồng tính
Kể từ khi thừa nhận mình là người đồng tính, Rogers dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với sinh viên đại học và các thành viên thuộc cộng đồng đồng tính nam, nữ, lưỡng tính, chuyển giới. Ở bất cứ nơi nào đến, Rogers đều gửi lại những thông điệp đơn giản từ chính cuộc sống mà anh từng trải qua. "Khi còn trẻ, tôi muốn tiết lộ với một người nào đó, một người không biết gia đình tôi, không phải bạn bè và chẳng có mối quan hệ nào. Tôi muốn có một người tư vấn hay gặp một bác sĩ chuyên khoa, một ai đó mà tôi có thể nói chuyện và chia sẻ".
Rogers lớn lên trong một gia đình Công giáo ở California, Mỹ. Vì vậy, lời "thú nhận" đã khiến anh cảm thấy áp lực đè nặng bởi tôn giáo của mình và những con mắt tò mò từ đồng đội, nhưng Rogers vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại sự cấm kỵ đồng tính trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. "Trở ngại lớn nhất là sự sợ hãi. Nỗi lo sợ bị tẩy chay từ đồng đội, người hâm mộ, gia đình, và từ cả các ông chủ đội bóng không muốn có một VĐV đồng tính. Tôi nghĩ yếu tố sợ hãi là số 1".
Thật vậy, Rogers chính là người thổi một làn gió mới về sự bình đẳng cho VĐV đồng tính và điều đó vô tình giúp anh từ một tiền đạo vô danh trở thành một người nổi tiếng. Từ những chữ ký lẻ tẻ với vai trò là một cầu thủ, giờ đây Rogers đã phải tặng hàng ngàn chữ ký sau những buổi nói chuyện và bài viết trên những ấn phẩm trí thức về luật đồng tính ở Nga. Rogers liên tục nhận được nhiều bức thư từ những người đồng tính đang ấp ủ tự tử, có một cuộc sống cô đơn, sợ hãi mà không thể thoát được. Và trong đó, Rogers cảm thấy rất phấn chấn khi thấy thế hệ trẻ đang làm chủ khuynh hướng tình dục của họ. Rogers gửi thông điệp: "Tôi biết rằng cuộc đấu tranh chứng sợ đồng tính trong thể thao còn kéo dài, nhưng hy vọng trong tương lai gần rằng các VĐV tiết lộ mình đồng tính sẽ không còn áp lực nữa. Tôi chỉ mong mọi người nên quên đi những định kiến ác cảm đối với người khác về chủng tộc, khuynh hướng tình dục....".
Hành trình của Rogers có lẽ sẽ còn nhiều gian nan phía trước, nhưng ít nhất anh đã tìm thấy được lối thoát cho mình.
Robbie Rogers từng chơi cho CLB Heerenveen (Hà Lan), Columbus Crew (Mỹ), trước khi gia nhập Leeds United vào mùa giải 2012 - 2013, rồi được cho Stevenage mượn. Ngày 15.2.2013, Rogers khiến thế giới bóng đá bất ngờ khi tuyên bố mình là người đồng tính, đồng thời tuyên bố giải nghệ. Rogers cũng từng 18 lần khoác áo tuyển Mỹ và các đội trẻ U.20, U.23 của quốc gia này. Sau khi chơi cho Los Angeles Galaxy, Rogers trở thành VĐV nam đầu tiên trong các đội tuyển thể thao của Mỹ công khai đồng tính.
Theo VNE
Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 1: Nhà tù của tâm cảm Chứng sợ đồng tính trong thể thao từ lâu đã trở thành căn bệnh tâm lý của nhiều VĐV, gieo nhiều nỗi đau và đã "giết chết" tài năng của họ. Marcus Urban (trái) từng được xem là một tài năng xuất sắc của bóng đá Đức - Ảnh: AFP Câu chuyện của Marcus Urban "Bốn bức tường, một chiếc giường và một...