Chủng loại xăng dầu tăng gấp 3: Người tiêu dùng sắp “đau đầu” lựa chọn?
Sau ngày 1/1/2017 trên thị trường số chủng loại xăng dầu có thể sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay. Điều này sẽ gây khó khăn người tiêu dùng trong việc lựa chọn loại xăng dầu phù hợp.
(Ảnh minh hoạ).
Báo cáo về tình hình triển khai Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của ôtô, xe máy thực hiện Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tất các loại xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt đang lưu thông và sản xuất mới ở Việt Nam có tiêu chuẩn khí thải mức 2 (EURO 2) và sử dụng nhiên liệu xăng hoặc diezel có chất lượng tương ứng với các quy chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo mức 2 đối với ô tô, xe máy đã thể hiện quan điểm về việc nâng cao chất lượng môi trường không khí của Chính phủ mặc dù điều kiện cụ thể của Việt Nam còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện do một số lượng lớn ô tô, xe máy cũ có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước khác nhau đang được sử dụng.
Hiện nay, tiêu chuẩn về khí thải và an toàn đối với xe ô tô tại Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng dựa trên cơ sở tiêu chuẩn an toàn của các nước có nền công nghiệp ô tô phát triển, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Để được lưu hành tại Việt Nam, ô tô phải được Cục Đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Việt Nam.
Theo Quyết định số 49, từ ngày 1/1/2017 tiêu chuẩn mức khí thải cho các loại xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sẽ bao gồm: mức 2 (đối với ô tô, xe máy đã được đưa vào sử dụng trước 1/1/2017), mức 3 (cho xe máy đưa vào sử dụng sau 1/1/2017) và mức 4 (cho xe ô tô đưa vào sử dụng sau 1/1/2017); từ ngày 1/1/2022 tiêu chuẩn mức khí thải cho các loại xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sẽ bao gồm: mức 2, mức 3 và mức 5.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, động cơ và nhiên liệu (xăng dầu) cho các loại loại xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt cũng bao gồm các mức tương ứng với tiêu chuẩn khí thải. Xăng dầu mức 2 được sử dụng cho các loại xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt đang lưu thông hiện nay. Xăng dầu mức 3, mức 4, mức 5 được sử dụng cho xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Video đang HOT
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu quy định, trên thị trường có thể tồn tại 9 loại xăng không chì: RON90-II; RON92-II; RON95-II; RON92-III; RON95-III; RON98-III; RON92-IV; RON95-IV; RON98-IV (trước đây chỉ có 3 loại). Tương tự như vậy chủng loại sản phẩm đối với xăng E5 và E10 và diezel cũng tăng lên gấp 3 lần.
Như vậy, sau ngày 1/1/2017 trên thị trường số chủng loại xăng dầu có thể sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay. Điều này sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện quản lý về thuế, phí, chống gian lận thương mại; gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu do phải đầu tư thêm về hạ tầng hệ thống phân phối, hệ thống quản lý nội bộ; gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn loại xăng dầu phù hợp.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất cần phải có các giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy, đảm bảo việc sản xuất, nhập khẩu và cung ứng nhiên liệu đáp ứng nhu cầu thực tế về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải động cơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Phương Dung
Theo Dantri
Bộ Nông nghiệp: Không có hải sản "vùng cấm" bị bán ra thị trường
Bộ NN&PTNT khẳng định hiện nay trên thị trường không có hải sản sống ở tầng đáy trong phạm vi dưới 20 hải lý tại vùng biển ô nhiễm của 4 tỉnh miền Trung, do đó người dân có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng hải sản.
Bộ NN&PTNT khẳng định không có hải sản tầng đáy khai thác ở khu vực dưới 20 hải lý tại vùng biển ô nhiễm của 4 tỉnh miền Trung bán ra thị trường (Ảnh minh họa: Đăng Đức).
Tăng cường kiểm soát khai thác thủy sản ở vùng biển dưới 20 hải lý
Ngày 20/9, Bộ Y tế đã công bố nhóm hải sản sống ở tầng nổi tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung là an toàn; còn nhóm hải sản sống ở tầng đáy trong phạm vi 13,5 hải lý trở vào bờ được xác định là chưa an toàn, người dân không nên khai thác và sử dụng.
Thông tin trên khiến ngư dân 4 tỉnh miền Trung yên tâm phần nào vì đã được đưa tàu, thuyền ra biển khai thác hải sản trở lại sau nhiều tháng "đắp chiếu". Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn thắc mắc, liệu ngư dân có cố tình khai thác hải sản tầng đáy ở khu vực dưới 20 hải lý như đã khuyến cáo? Cơ quan chức năng tổ chức giám sát chất lượng hải sản từ các tàu, thuyền khai thác tại các vùng biển nói trên như thế nào?
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, ngày 29/8, Bộ này đã có Công văn số 7268/BNN-TCTS về việc hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, trong đó có việc khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển trừ 3 vùng biển mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chưa an toàn (các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh diện tích khoảng 300 km2, cửa Nhật Lệ - Quảng Bình diện tích khoảng 330 km2, hòn Sơn Chà - Thừa Thiên Huế diện tích 160 km2) và không sử dụng các ngư cụ khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào.
Thứ trưởng Tám cho biết thêm, theo quy định của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 về quản lý khai thác thủy sản, Chủ tịch UBND các tỉnh có trách nhiệm quản lý khai thác thủy sản ở vùng lộng và vùng biển ven bờ. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, các địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (bìa phải).
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ huy động lực lượng kiểm ngư phối hợp với lực lượng Thanh tra thủy sản, Bộ đội Biên phòng các địa phương để tăng cường kiểm soát khai thác thủy sản vùng biển từ 20 hải lý trở vào ở các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
"Thực tế hiện nay nguồn lợi hải sản tầng đáy chưa khôi phục được đáng kể, cùng với việc ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy, mặt khác, tăng cường lấy mẫu, giám sát hải sản khai thác khi tàu cập bến. Vì vậy, không có hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào trên thị trường, các hải sản khai thác về bến hiện nay đều là sản phẩm an toàn" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Thường xuyên lấy mẫu hải sản để kiểm tra chất lượng
Phóng viên đề cập đến việc 1 mẫu hải sản từ khi được gửi đi phân tích đến khi có kết quả phải mất đến 3 ngày. Lúc đó, dù có phát hiện ra không an toàn thì số hải sản cùng lô có thể đã vào bụng người tiêu dùng, chính vì vậy việc lấy mẫu kiểm tra trở lên vô nghĩa. Ông Tám giải thích, theo thông báo của Bộ Y tế, thời gian tới Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các sản phẩm hải sản.
"Có thể nói, nếu thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, chúng ta sẽ giám sát tốt việc khai thác và trên thị trường chỉ còn sản phẩm hải sản an toàn" - ông Tám cho biết.
Vẫn theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo lấy mẫu hải sản để xét nghiệm và thông báo kết quả cho cơ quan chức năng chỉ đạo sản xuất và thông tin đầy đủ cho người dân biết, yên tâm sử dụng. Mặt khác, theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường biển đang phục hồi tốt, cho nên việc lấy mẫu chỉ mang tính hỗ trợ, cảnh báo và phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất, quản lý về an toàn thực phẩm.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Cá tầng nổi "an toàn", người tiêu dùng vẫn "né tránh" hải sản Gần một tuần sau kết luận của Bộ Y tế về độ an toàn của các loại hải sản, nhiều chợ đầu mối ở Quảng Trị đã bắt đầu bày bán trở lại sản phẩm đánh bắt từ biển, song người tiêu dùng vẫn còn "né tránh", sức mua vẫn hạn chế. Trước đó, Bộ Y tế đã kết luận: Tất cả hải...