Chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ do lo ngại về biến thể Omicron
Ngày 20/12, chứng khoán và giá dầu thế giới đã đồng loạt giảm mạnh trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ số ca mắc COVID-19 mới tăng lên và khả năng dự luật chi tiêu quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không được thông qua tại Thượng viện.
Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Bầu không khí tại các thị trường đã bắt đầu trở nên u ám, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu dừng các hỗ trợ tài chính lớn để chống lạm phát. Cùng lúc, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã buộc chính phủ các nước phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chuyên gia Robert Schein của công ty quản lý đầu tư Blanke Schein Wealth Management nhận định biến thể Omicron hiện vẫn là mối quan ngại lớn và số ca mắc COVID-19 đang trên đà tăng. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý khi COVID-19 sẽ vẫn là nhân tố chính tác động đến thị trường từ nay cho đến năm 2022.
Trong phiên giao dịch ngày 20/12, chỉ số chứng khoán tại Tokyo (Nhật Bản) và Mumbai (Ấn Độ) đã giảm hơn 2%, trong khi chỉ số chính tại các thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) lần lượt giảm ở mức 1,9% và 1,8%. Thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Bangkok (Thái Lan), Sydney (Australia), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ duy nhất có chỉ số chứng khoán tại Wellington (New Zealand) là tăng nhẹ.
Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán STOXX 600 giảm 2,3%, mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) đã giảm 2,1% xuống còn 6.782,16 điểm, trong khi chỉ số DAX của Frankfurt (Đức) giảm 2,4% xuống 15.144,44 điểm. Cùng chung xu hướng này, chỉ số FTSE 100 của London (Anh) đã giảm 1,9% xuống 7.133,15 điểm.
Video đang HOT
Chuyên gia phân tích Naeem Aslam của AvaTrade nhận định các nhà đầu tư đang hành động một cách thận trọng, rút vốn khỏi các khoản đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro nhằm chờ đợi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trở lại.
Tại Mỹ, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã giảm 1,5% sau khi có thông tin Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang West Virginia, Joe Manchin sẽ không ủng hộ dự luật “Xây dựng lại để tốt hơn” trị giá 1.750 tỷ USD của Tổng thống Biden. Lá phiếu của Thượng nghị sĩ Manchin đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp dự luật được phê chuẩn tại Thượng viện. Cuối tuần qua, Nhà Trắng đã nỗ lực thuyết phục Thượng nghị sĩ Manchin quay lại thương lượng. Trong bối cảnh dự luật chi tiêu vấp phải rào cản lớn, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2022 từ mức 3% xuống còn 2%.
Tuần trước, chỉ số chứng khoán Phố Wall đã đồng loạt giảm mạnh, sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất 3 lần trước cuối năm sau. Ban đầu, thông báo này đã rất được hoan nghênh khi vạch rõ định hướng chính sách trong thời gian tới, song điều này cũng sẽ mở đầu cho giai đoạn siết chặt chính sách tiền tệ – vốn là động lực giúp kinh tế toàn cầu đạt các thành tích ấn tượng trong hai năm qua.
Trên thị trường dầu mỏ, những lo ngại về biến thể Omicron cũng khiến giá dầu WTI đã giảm 5,7% xuống còn 66,84 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm 5,1% xuống 69,79 USD/thùng.
Giới chuyên gia Đức kêu gọi gia tăng các biện pháp phòng dịch mới
Đức cần gia tăng các biện pháp khẩn cấp mới để chống lại sự gia tăng của biến thể Omicron.
Đây là khẳng định của hội đồng chuyên môn, chuyên đưa ra nhận định và đánh giá về tác động của dịch bệnh COVID-19 để chính phủ tham khảo trước khi đưa ra những quyết sách mới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm di động ở Kreuzberg, Berlin (Đức). Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo của hội đồng gồm 19 chuyên gia khoa học cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, các dịch vụ y tế và an ninh cùng các tiện ích cơ bản khác có thể bị gián đoạn nếu các biện pháp tăng cường chống dịch không được sớm đưa ra.
Báo cáo cho rằng các cơ chế kiểm soát dịch bệnh cần phải được chuẩn bị sẵn sàng và song song với năng lực xét nghiệm, chuỗi cung ứng đầy đủ cũng phải đảm bảo.
Theo các chuyên gia, biến thể Omicron đã đưa ra "cái nhìn mới" về đại dịch bởi nó không chỉ lây nhiễm cho nhiều người hơn trong một thời gian rất ngắn mà còn ảnh hưởng cả đến những người đã phục hồi và tiêm chủng. Các chuyên gia dự báo rằng biến thể được Nam Phi công bố lần đầu tiên này có thể dẫn đến "sự lây lan bùng nổ", với số ca mắc mới sẽ tăng gấp đôi cứ sau 2-4 ngày.
Báo cáo nêu rõ: "Nếu sự lây lan của biến thể Omicron ở Đức vẫn tiếp tục như hiện nay, một bộ phận lớn dân số có thể mắc bệnh hoặc cùng lúc sẽ có nhiều người bị cách ly". Mặc dù không đề cập đến việc áp đặt các hình thức phong tỏa mới nhưng giới chuyên gia kêu gọi giảm thiểu các cuộc tiếp xúc ở nơi đông người trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Cùng ngày, phát biểu với đài truyền hình ARD, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach đã loại trừ khả năng Đức áp đặt phong tỏa trong dịp Lễ Giáng sinh sắp tới, nhưng cảnh báo đợt dịch thứ 5 có thể sớm xảy ra và cho rằng tiêm chủng bắt buộc là cách duy nhất để ngăn chặn đại dịch.
Người đứng đầu ngành y tế khẳng định: "Sẽ không có đợt phong tỏa nào trước Lễ Giáng sinh, nhưng khó có thể phanh được đợt dịch thứ năm".
Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (IRK), đến nay đã có 70% dân số Đức được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Số ca mắc mới cũng đã giảm trong những ngày qua, trong đó trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 29.348 ca mắc mới và 180 ca tử vong. Số ca mắc mới hàng ngày tăng đáng kể trong tháng 10 và 11 nhưng đã giảm dần kể từ đầu tháng 12 này.
Chứng khoán châu Á mở đầu tuần mới trong nốt trầm Chứng khoán châu Á khởi đầu tuần mới trong trầm lắng, khi số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng khiến nhiều nước ở châu Âu thắt chặt hạn chế đi lại và đe dọa sẽ kéo chậm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu khi bước sang Năm mới. Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường...