Chứng cứ nghi án hối lộ ngành đường sắt nên giao Bộ Công an
Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho rằng tài liệu điều tra về việc Chủ tịch Tập đoàn JTC (Nhật Bản) khai đưa hối lộ hơn 16 tỷ đồng phải được giao cho cơ quan có thẩm quyền là Bộ Công an.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh.
- Đại diện Bộ Giao thông đã sang làm việc với phía Nhật Bản để “phối hợp điều tra” lời khai của một nhà thầu về việc đưa hối lộ hơn 16 tỷ đồng cho một quan chức ngành đường sắt Việt Nam. Ông đánh giá gì việc các cơ quan tích cực vào cuộc nhằm làm rõ nghi án này?
- Bộ Giao thông có trách nhiệm quản lý cán bộ và có quyền tìm hiểu sự việc, để xử lý các cá nhân liên quan. Thứ trưởng Bộ Giao thông sang Nhật lần này là để xác minh tính chính xác của vụ việc qua kết luận của cơ quan điều tra Nhật Bản.
Nếu phía Nhật có kết luận điều tra, Bộ Công an liên hệ với họ để được cung cấp bằng chứng, tài liệu liên quan đến người Việt Nam trong vụ án này.
Việc tố tụng phụ thuộc cơ quan điều tra và Viện công tố của 2 nước. Bộ Giao thông không có chức năng điều tra vụ án.
- Theo ông, đầu mối tại Việt Nam tiếp nhận thông tin pháp lý về vụ án này là cơ quan nào?
Video đang HOT
- Nếu Nhật Bản cung cấp chứng cứ thì phải giao cho phía cơ quan điều tra của Việt Nam cụ thể là Bộ Công an, chứ không thể đưa cho đơn vị có liên quan.
Tư liệu mang tính pháp lý phải do cơ quan điều tra 2 phía Nhật Bản – Việt Nam cung cấp.
- Theo pháp luật Việt Nam, quy trình xử lý nghi án này sẽ thế nào?
- Ban đầu Bộ Ngoại giao sang làm việc để nắm tình hình sự việc bên đó ở mức độ và giai đoạn nào. Hiện, phía Nhật Bản mới công bố lời khai của ông Tamio Kakinuma – Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), nhưng chúng ta vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra Nhật Bản.
Nếu vụ việc có biểu hiện vi phạm pháp luật, Bộ Công an Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan điều tra của Nhật Bản để làm rõ vụ việc. Song song với đó, Bộ Công an phải tiếp tục điều tra độc lập với những cá nhân người Việt có liên quan, xác minh, thẩm định thông tin chứ không chỉ dựa vào chứng cứ mà phía Nhật cung cấp.
Ngoài lời khai của ông Tamio Kakinuma, các cơ quan hữu quan 2 phía phải có trách nhiệm điều tra thêm các chứng cứ khác có liên quan. Nhiều khi nghi can có những động cơ khác nên phải xác minh tính chính xác trong lời khai của họ.
Khi chứng cứ được cơ quan điều tra 2 nước xác minh là đúng thì lúc đó Việt Nam mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trung tướng Triệu Văn Đạt (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an) cho biết căn cứ kết quả giải quyết sự việc của các cơ quan tư pháp Nhật Bản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ xác minh tin báo, tố giác về tội phạm cũng như thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp. Khi có đủ căn cứ pháp lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ xử lý vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Nếu quá trình điều tra xác định lời khai nhận của nhà thầu Nhật Bản là đúng, người nhận hối lộ sẽ phải nhận bản án nặng vì số tiền hơn 16 tỷ đồng được xác định là “rất lớn”. Theo điều 279 Bộ luật hình sự, nếu “của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” thì người nhận sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đức Hiệp
Theo VNE
Thêm 10 cán bộ phải giải trình về dự án đường sắt
Lãnh đạo Bộ Giao thông vừa yêu cầu 7 cán bộ đương chức và 3 người đã nghỉ hưu từng liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 phải báo cáo, làm rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị.
Thêm 10 cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ đường sắt Việt Nam và nguyên thứ trưởng Bộ GTVT cũng phải giải trình về nghi án 'lại quả' 16 tỷ đồng. Ảnh: Bá Đô
10 người được nêu trong công văn của Bộ Giao thông bao gồm: Ông Nguyễn Hữu Bằng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
Ông Nguyễn Đức Thắng - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam (nguyên Phó cục trưởng cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông); Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông);
Bà Nguyễn Minh Tuyến - Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Ông Lê Quyết Tiến - Trưởng phòng pháp chế-đấu thầu, Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Ông Phan Hữu Biên - chuyên viên phòng pháp chế - đấu thầu, Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Ông Vũ Nam Nguyên - chuyên viên chính Vụ kế hoạch - đầu tư;
Ông Triệu Khắc Dũng - Cục trưởng cục quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng thẩm định 1, Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông).
Ông Lê Mạnh Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông và ông Hà Khắc Hảo - nguyên Vụ phó vụ kế hoạch - đầu tư đều đã nghỉ hưu để giải trình về những công việc đã làm trong thời khi thực hiện dự án đường sắt đô thị số 1.
Trong buổi họp vào chiều 24/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu những cán bộ liên quan đến quá trình thực hiện dự án có công ty JTC tham gia, những cán bộ đã và đang làm việc ở Ban quản lý các dự án đường sắt phải làm báo cáo.
Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh, "tất cả người liên quan, kể cả nghỉ hưu cũng phải giải trình và nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, bất kể đó là ai".
Một ngày sau khi có thông tin về nghi án "lại quả", 3 cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và 1 cán bộ của Cục đường sắt đã bị buộc tạm dừng công việc để làm báo cáo giải trình.
Thanh tra Bộ Giao thông đã lập đoàn thanh tra gồm 10 người, trong đó có 3 cán bộ thuộc Bộ Công an để thanh, kiểm tra toàn bộ dự án do nhà thầu JTC thực hiện, thậm chí thanh tra cả những dự án của Cục đường sắt Việt Nam.
Ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (tổ trưởng tổ thanh tra của Tổng Công ty) cho biết, những cán bộ có liên quan đến dự án về cơ bản đã làm xong tường trình. "Chúng tôi sẽ họp và tập hợp, khi nào hồ sơ đầy đủ sẽ gửi lên Bộ Giao thông", ông Tường nói.
Theo VNE
Ấn Độ: Xe lửa lao vào đám đông, 20 người chết Một xe lửa đã lao thẳng vào đám đông người hành hương ở Ấn Độ khiến 20 người thiệt mạng. Ngày 19/8, các quan chức Ấn Độ cho biết một chiếc xe lửa chạy quá tốc độ đã lao thẳng vào dòng người hành hương đang vượt qua một con đường cắt ngang đường sắt ở miền đông Ấn Độ khiến ít nhất...