Chung cư, biệt thự cao cấp ở thủ đô thiếu nước cả tháng
Trời nắng nóng, hàng trăm hộ dân ở khu biệt thự Mỹ Đình – Sông Đà và khu chung cư cao cấp The Manor sống trong tình trạng khan hiếm nước sạch. Nhiều gia đình phải cho con nhỏ đi sơ tán hoặc hạn chế tắm giặt.
Cả chục xe nước sạch ra vào nhộn nhịp trong khu đô thị Mỹ Đình – Sông Đà trong chiều 5/6 để cấp nước vào bể, bơm cho các hộ dân. Ảnh: Phương Sơn.
Chiều 5/6, sau nhiều ngày chờ đợi, khu đô thị Mỹ Đình – Sông Đà và chung cư The Manor (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã được tiếp nước sinh hoạt bằng các xe téc.
Chị Mai Hương, cư dân của tòa nhà The Manor cho biết, việc thiếu nước đã diễn ra cả tháng, nghiêm trọng nhất là một tuần nay. “Có ngày đi làm về không còn một giọt nước, vệ sinh không dám đi, cả nhà phải đi ra ngoài ăn uống, thậm chí phải ngủ ở khách sạn”, chị Hương chia sẻ.
Tương tự nhà chị Hương, nhiều gia đình tại khu chung cư cao cấp phải cho con nhỏ đi tắm giặt nhờ nhà người thân. “Mùa nóng thế này, ăn còn có thể nhịn, chứ uống và tắm giặt thì không thể. Người lớn còn khó chịu, huống chi trẻ con”, chị Nguyễn Lan nói.
Theo người phụ nữ này, việc mất nước năm nào cũng được cảnh báo nhưng năm nay quá trầm trọng. Cư dân đã báo cáo đơn vị quản lý, cung cấp nước nhiều lần và đều được giải thích là do áp lực nước giảm. “Hè nào áp lực nước cũng giảm, tại sao không có giải pháp từ trước”, chị Lan đặt câu hỏi.
Nhiều gia đình phải mua cả chiếc máy bơm công suất lớn để hút nước. Ảnh:Phương Sơn.
Video đang HOT
Không riêng chung cư The Manor, cả dãy biệt thự liền kề, biệt thự cao cấp trong khu đô thị Mỹ Đình – Sông Đà thuộc tổ dân phố TT1 đến TT4 cũng khan hiếm nước sạch.
Chỉ vào chiếc máy bơm hút công suất lớn mới mua, ông Khánh nhà ở khu TT1 cho hay, cả tháng nay ngày nào ông cũng phải canh nước bởi bể tích trữ đã cạn. Có đêm đang ngủ, nghe tiếng róc rách là ông nhanh chóng cho máy bơm hút, nhưng cũng chỉ đươc một lúc thì hết.
“Khoảng một tuần nay thì không còn bơm hút được nữa, tôi phải mua một xe téc với giá hơn một triệu đồng và chỉ dùng được vài ngày”, ông Khánh cho hay.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Công ty Sudico, đơn vị cung cấp dịch vụ cho khu đô thị Mỹ Đình – Sông Đà, cho rằng không phải mất nước mà lượng nước cung cấp không được mạnh như trước, cộng với mùa nóng bức nhu cầu của người dân tăng cao.
“Chúng tôi đã trao đổi với đơn vị cấp nước là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Sông Đà (Viwaco), họ giải thích việc bơm nước vẫn diễn ra bình thường. Những hộ thiếu nước do ở cuối nguồn nên nước không đủ mạnh để chảy tới”, vị này cho biết.
Chiều 5/6, nhiều lượt xe nước sạch đỗ trước cửa tòa nhà The Manor để bơm nước xuống bể cung cấp cho người dân. Ảnh: Phương Sơn
Cũng khẳng định do thời tiết nóng bức, áp lực nước giảm và nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao khoảng 10%, tuy nhiên ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Viwaco cho rằng việc mất nước ở tòa nhà The Manor những ngày qua là do đơn vị cung cấp dịch vụ Sudico tự cắt.
Lý do của việc cắt nước được ông Việt lý giải là ban quản lý của tòa nhà The Manor (nhà đầu tư thứ cấp) khi thiếu nước đã không thông qua Sudico mà làm việc trực tiếp với Viwaco. “Đến nay chúng tôi đã đạt được thỏa thuận và ngày mai sẽ bắt đầu lắp tuyến ống, họng nước thứ hai để hai ngày tới cấp nước trở lại cho cư dân tòa nhà The Manor”, ông Việt nhấn mạnh.
Về giải pháp lâu dài để khắc phục việc thiếu nước, theo ông Việt vấn đề mấu chốt là đơn vị vận hành và trực tiếp cung cấp dịch vụ Sudico phải bỏ tiền đầu tư xây dựng bể, hoặc một họng nước mới, chi phí gần 500 triệu đồng nhằm dự trữ nước. Sau nhiều lần Viwaco đề nghị, đơn vị này vẫn chưa làm.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước cục bộ hiện nay ở Hà Nội, theo ông Việt Anh chỉ có một giải pháp là thành phố cho phép đầu tư thêm các dự án cấp nước mới, không chỉ lấy nước từ Sông Đà mà phải từ nhiều nguồn. Vì hiện nay với tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, nếu không đầu tư sớm việc thiếu nước trong mùa hè vẫn sẽ diễn ra.
Phương Sơn
Theo VNE
Khát nước ở Khe Sanh
Chưa bao giờ TT.Khe Sanh (H.Hướng Hóa), vùng đất được ví là "Đà Lạt ở Quảng Trị" lại oi bức, khô khốc như những ngày này. Người dân chẳng buồn lo đến nguồn nước để sản xuất nông nghiệp, bởi ngay nước để con người uống cũng còn thiếu.
Hồ Khe Sanh (TT.Khe Sanh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) không còn một giọt nước, đất nứt nẻ - Ảnh: Nguyễn Phúc
Ba ngày dùng nước máy một lần
Đó là sự thật đang xảy ra tại TT.Khe Sanh và một số xã lân cận thuộc H.Hướng Hóa. Nếu ai chưa tin chỉ cần đến khu vực hồ Khe Sanh để thấy sự khốc liệt của cái hạn gây ra cho hồ nước lớn, được ví là "máy điều hòa" cho thị trấn này. Nước trong hồ đã cạn, chỉ trơ lại những khoảnh đất nứt toác cùng rác rưởi từng "ngụp lặn" dưới lòng hồ bấy lâu.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, nước sinh hoạt liên tục bị cắt, có nơi bị cắt liên tục 2 đến 3 ngày. Thiếu nước, cuộc sống người dân thị trấn và vùng phụ cận như đảo lộn. Họ hết "nổi cơn tam bành" với đơn vị cấp nước tại địa phương, đến "cầu cứu" chính quyền rồi nhận ra rằng, trong cảnh ngặt nghèo này, ngoài ông trời, họ chỉ có thể... tự cứu.
"Dù nhiều ngày thiếu nước nhưng gia đình tôi vẫn cắt cử người trông cái... vòi nước. Hễ có nước thì lập tức vặn tất cả các van xả", chị Nguyễn Thị Lành, trú khóm 3B nói. Nhưng không phải ai cũng rảnh như gia đình chị Lành, nên người có sức thường huy động các can nhựa đi chở nước từ nơi khác về dùng, người có tiền thì mua nước với giá cao. Còn nhiều người tính kế lâu dài liền bỏ ra tròm trèm 20 triệu đồng để khoan giếng.
Ông Lê Cơ (trú đường Ngô Sĩ Liên, người vừa khoan giếng cách đây 1 tuần) nói: "Phải liều thôi chú ạ, chứ vừa nắng nóng vừa thiếu nước thế này không ai chịu nổi". Trong khi đó, bà con chòm xóm quanh nhà ông Cơ cũng mang ơn ông nhiều, vì từ khi có giếng khoan của ông, họ mới được xài ké, giải tỏa cơn khát kéo dài nhiều ngày...
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cho biết đây là lần đầu tiên từ khi thành lập (2003) đơn vị mới lâm cảnh căng thẳng như hiện nay. Theo đó, dù công suất của xí nghiệp là 3.000m3 nước/ngày nhưng hiện vì nguồn nước từ đập Đại Thủy (xã Hướng Tân) cạn kiệt nên các máy bơm chỉ hoạt động mỗi ngày vài tiếng. Chưa hết, một số hộ dân ở đầu nguồn tự động chặn nguồn, rẽ nhánh nước vào khu vực nhà mình để sản xuất nông nghiệp, nên nước về đập lại càng nhỏ giọt. Ông Thiện thừa nhận hiện đơn vị không thể đảm bảo cấp nước cho 3.450 hộ dân thuộc TT.Khe Sanh và các xã Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp, Tân Long (con số này chỉ bằng 1/10 thực tế tổng dân cư tại khu vực). Để hoạt động cầm chừng chờ... trời mưa, hiện xí nghiệp đang thực hiện việc phân vùng, cấp nước luân phiên theo giờ. Tức là, thôn này được có nước vài tiếng trong ngày hôm nay thì sẽ chờ quay vòng đến 2,3 ngày sau mới đến lượt có nước lại.
Loay hoay tìm cách "giải khát"
"Khát nước", dân phản ánh, kêu cứu khắp nơi. Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa cho hay chính quyền địa phương lập tức yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các đập tự phát ở đầu nguồn đập Đại Thủy nhưng đồng thời cũng nhờ Công ty TNHH MTV Cấp nước và xây dựng tỉnh Quảng Trị, Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh quan tâm. Trong đó, đề xuất cơ quan chức năng nạo vét khe suối dẫn nước và hồ chứa khu vực đập Đại Thủy; đề xuất đầu tư 1 đường ống dài 2km để lấy nguồn nước từ khối 6, TT.Khe Sanh bổ sung cho Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh "sản xuất" nước...
"Chúng tôi nhìn nhận rằng về lâu dài Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh kiểu gì cũng quá tải, không cấp đủ nước cho 3.450 hộ dân hợp đồng mua nước hiện nay chứ chưa nói là tăng lên. Vậy nên chúng tôi cũng có đề xuất phía Công ty TNHH MTV Cấp nước và xây dựng tỉnh Quảng Trị xem xét việc đầu tư một nhà máy nước khác, lấy nguồn từ hồ thủy điện Rào Quán", ông Thuận nói.
Còn theo ông Đào Bá Hiếu, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cấp nước và xây dựng tỉnh Quảng Trị cho rằng việc xây dựng thêm nhà máy nước tại khu vực lòng hồ thủy điện Rào Quán, nơi có nguồn nước dồi dào là ý tưởng hay, có thể giải quyết dứt điểm cơn khát ở Hướng Hóa nhưng cũng thừa nhận việc tìm nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn. Chính thế, sự chia sẻ thật lòng của ông giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh Nguyễn Hữu Thiện càng làm thêm nhiều người quan ngại, bởi ông cho biết bản thân mình cũng như đơn vị hiện không biết làm gì ngoài việc... cầu mưa.
Nguyễn Phúc
Theo Thanhnien
Dân Khe Sanh ngửa cổ cầu mưa Những ngày này, người dân tại TT. Khe Sanh và các xã lân cận như Tân Liên, Tập Hợp, Tân Long, Tân Lập, cùng thuộc H. Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang quay quắt tìm nguồn nước sinh hoạt vì nước máy liên tục bị cắt. Hồ Khe Sanh cạn nước, nứt nẻ - Ảnh: Nguyễn Phúc Tình trạng hạn hán đáng báo...