Chùm tác phẩm góp mặt trong LHP Nhật Bản tại Việt Nam 2016
Sự kiện điện ảnh do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tổ chức tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng từ 28/10 tới 27/11, với sự có mặt của nhiều bộ phim mới đến từ xứ sở hoa anh đào.
What a Wonderful Family! (Gia đình là tất cả) (2016): Do đạo diễn kỳ cựu Yoji Yamada thực hiện, đây là bộ phim hài lấy đề tài gia đình. Hai vợ chồng Shuzo và Tomiko Hirata đã chung sống bên nhau 50 năm. Trong ngày sinh nhật của Tomiko, Shuzo hỏi xem bà thích món quà gì nhất từ ông và người vợ bèn đáp lại rằng đó là… việc ly hôn. Sự kiện khiến cả gia đình nhà Hirata náo loạn, đặc biệt là đám con cháu, nhưng đồng thời là cơ hội để họ hiểu nhau hơn. Mới ra mắt tại quê nhà hồi tháng 3, What a Wonderful Family! nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả và chuẩn bị được làm tiếp phần hai trong năm 2017. Ảnh: Shochiku.
Creepy (Sát nhân giấu mặt) (2016): Là một trong những bậc thầy của dòng phim kinh dị Nhật Bản, đạo diễn Kiyoshi Kurosawa chuyển thể cuốn tiểu thuyết Creepy (2012) của Yutaka Maekawa lên màn bạc. Phim theo chân Takakura, một cựu thám tử nhận lời đề nghị điều tra vụ án bí ẩn chìm trong bóng tối suốt 6 năm từ đồng nghiệp cũ Nogami. Đầu mối duy của anh là Saki, cô gái duy nhất còn sống sót sau sự vụ. Cùng lúc đó, gia đình hàng xóm của Takakura lại xảy ra chuyện khó hiểu khi cô con gái tuổi teen bất ngờ cho rằng mình không hề quen biết người cha đang sống trong nhà. Ảnh: Shochiku.
The Magnificent Nine (Bộ chín cừ khôi) (2016): Đây là bộ phim hài cổ trang thể loại samurai của Yoshihiro Nakamura.Thuế đất và nhân công rẻ mạt khiến một thị trấn rơi vào tình cảnh điêu đứng. 9 người dân, với Junzaburo Kokutaya dẫn đầu, nghĩ ra một kế hoạch táo bạo. Nhóm quyết định cho các chủ thái ấp vay những số tiền lớn, rồi lấy tiền lãi chia cho người nghèo. Tuy nhiên, đây là điều không được triều đình cho phép và có thể khiến họ “rơi đầu” nếu bị phát hiện. Ảnh: Shochiku.
Chihayafuru & Chihayafuru Part II (2016): Được thực hiện dựa trên loạt manga cùng tên của Yuki Suetsugu, Chihayafuru là câu chuyện về những con người trẻ tuổi và bộ môn bài karuta. Chuyện phim bắt đầu khi Chihaya Ayase còn học lớp 6 và làm quen với cậu học sinh mới Arata Wataya. Cùng với Tachi Mashima, họ tạo thành bộ ba gắn kết nhờ bài kurata. Nhưng mọi chuyện dần thay đổi khi họ lên trung học. Trong khi Arata chuyển về quê hương và ngừng chơi, thì Chihaya cùng Taichi vẫn nuôi giấc mơ về karuta và chờ đợi người bạn năm xưa. Ảnh: Toho.
Tsukiji Wonderland (Kỳ quan ẩm thực Tsukiji) (2016): Tác phẩm tài liệu dài 110 phút của Naotaro Endo đưa người xem tới Tsukiji – chợ hải sản lớn nhất thế giới nằm ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, nơi có chiều dài lịch sử hơn 80 năm. Phim đồng thời đề cập đến những tranh cãi xung quanh việc chính quyền muốn di dời khu chợ để chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa hè 2020. Cách đây hai năm, Tsukiji là một trong những bối cảnh xuất hiện trong video clip ăn kháchRather Be của nhóm nhạc Clean Bandit. Ảnh: Shochiku.
Video đang HOT
The Anthem of the Heart (Tiếng hát từ trái tim) (2015): Bộ phim hoạt hình của đạo diễn Tatsuyuki Nagai theo chân nhân vật chính Jun Naruse. Từ khi còn nhỏ, Jun đã là một cô bé lắm lời và điều đó gián tiếp khiến cha mẹ nhân vật ly hôn. Trong lúc chia tay cha, một điều kỳ diệu khiến Jun mất đi giọng nói và cô tin rằng đó là điều tốt lành bởi mình sẽ không còn có thể gây hại cho bằng ngôn từ nữa. Song, bước vào cuộc sống trung học, Jun Naruse dần hiểu hơn về bản thân, và điều cô mong mỏi chính là giọng nói để có thể giãi bày tâm sự bản thân. Ảnh:Aniplex.
The Boy and the Beast (Cậu bé và quái thú) (2015): Bộ phim hoạt hình của đạo diễn Mamoru Hoshoda là tác phẩm nổi bật nhất của LHP Nhật Bản tại Việt Nam 2016, bởi nó từng thu về gần 50 triệu USD tại phòng vé, cũng như ẵm giải Phim hoạt hình xuất sắc của Viện hàn lâm Điện ảnh Nhật Bản năm 2016. The Boy and the Beast là chuyến hành trình kỳ lạ của Kyuta – một cậu bé mồ côi sống trên đường phố Shibuya, với Kumatetsu – một chiến binh quái vật đang đi tìm học trò mới. Mối quan hệ giữa hai nhân vật liên tục rơi vào thử thách bởi sự khác nhau giữa hai giống loài. Ảnh: Toho.
Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam 2016 lần lượt được tổ chức tại rạp Đống Đa, TP.HCM (từ 28/10 tới 6/11), Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội (từ 11/11 tới 20/11) và rạp Lê Độ, Đà Nẵng (từ 25/11 tới 27/11).
Giá vé dành cho mỗi suất chiếu tại TP.HCM và Hà Nội là 30.000 đồng/vé. Riêng tại Đà Nẵng, chương trình diễn ra hoàn toàn miễn phí.
Lịch chiếu cụ thể sẽ được cập nhật trên website chính thức của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản.
Theo Zing
Conan, Doraemon nằm trong top 10 phim Nhật Bản ăn khách 2015
Trong số 10 phim Nhật Bản ăn khách nhất 2015, có đến 6 tác phẩm hoạt hình. Phần lớn đều dựa trên các thương hiệu ăn khách sẵn như "Yo-kai Watch", "Detective Conan", "Doraemon"...
Trong ngày đầu tiên năm 2016, nhật báo thương mại Bunka Tsshin của Nhật Bản tiết lộ danh sách 10 tác phẩm điện ảnh nội ăn khách nhất xứ sở hoa anh đào trong 12 tháng vừa qua. Theo đó, Yo-Kai Watch: Tanj no Himitsu da Nyan! đứng ở vị trí số một với 7,8 tỷ yen (tương đương 65 triệu USD).
Yo-Kai Watch: Tanj no Himitsu da Nyan! là bộ phim Nhật Bản ăn khách nhất năm 2015 với 7,8 tỷ yen.
Ra đời năm 2013, Yo-Kai Watch là thương hiệu trò chơi nhập vai nổi tiếng tại Nhật Bản của hãng Level-5. Bộ phim hoạt hình dài Yo-Kai Watch: Tanj no Himitsu da Nyan! được thực hiện dựa trên đó, ra rạp hồi cuối tháng 12/2014.
Ở tuần khởi chiếu, tác phẩm kiếm được 1,62 tỷ yen (13,53 triệu USD), lập kỷ lục về doanh thu ra mắt cho nhà phát hành lừng danh TOHO. Yo-Kai Watch: Tanj no Himitsu da Nyan! giữ ngôi đầu phòng vé trong hai tuần liên tiếp, rồi sau đó nằm trong top 10 phòng vé Nhật Bản suốt 11 tuần lễ.
Phần hai mang tên Yo-Kai Watch: Enma Dai to Itsutsu no Monogatari da Nyan! mới ra mắt hôm 19/12. Dù phải đối đầu trực tiếp với siêu bom tấnStar Wars: The Force Awakens, tác phẩm vẫn có lượng người xem đông nhất tuần.
The Boy and The Beast là tác phẩm điện ảnh Nhật Bản hiếm hoi có ý tưởng nguyên bản mà ăn khách vang dội trong năm 2015.
Trong danh sách top 10 của Bunka Tsshin, có đến 6 tác phẩm thuộc thể loại hoạt hình. Chúng hầu hết đều dựa trên những thương hiệu nổi tiếng sẵn có. Bên cạnh Yo-Kai Watch, những cái tên như Doraemon, Detective Conan, Dragon Ball Z hay Long Live! The School Idol đều rất quen thuộc với công chúng cả trong lẫn ngoài Nhật Bản.
Ngoại lệ duy nhất đến từ The Boy and The Beast, tác phẩm hoạt hình đến từ ý tưởng nguyên bản của đạo diễn Mamoru Hosoda. Chuyện phim xoay quanh một cậu bé bị lạc mất cha mẹ, rồi được một sinh vật nửa người nửa gấu có tên Kumatetsu dạy dỗ và nuôi nấng. The Boy and The Beastđược giới phê bình quốc tế đánh giá rất cao. Phim ra rạp tại quê nhà hồi mùa hè, đạt tổng doanh thu 5,85 tỷ yen (48,6 triệu USD).
Dù gây thất vọng cho người hâm mộ, Attack on Titan vẫn có tên trong danh sách 10 phim Nhật Bản ăn khách nhất 2015.
Cuối cùng, bốn tác phẩm live action Nhật Bản ăn khách nhất là HERO(dựa trên loạt phim truyền hình đình đám cùng tên), Attack on Titan(dựa trên loạt truyện tranh cùng tên), Flying Colors (dựa trên một câu chuyện có thật) và Assassination Classrom (dựa trên loạt truyện tranh cùng tên).
Năm 2014, hai bộ phim Nhật Bản ăn khách nhất là tác phẩm lịch sử Eien no Zero với 8,76 tỷ yen (72,7 triệu USD) và phim hoạt hình Stand by Me Doraemon 3D với 8,38 tỷ yen (69,6 triệu USD).
10 phim Nhật Bản ăn khách nhất 2015
1. Yo-Kai Watch: Tanj no Himitsu da Nyan! - 7,8 tỷ yen (65 triệu USD)
2. The Boy and The Beast - 5,85 tỷ yen (48,6 triệu USD)
3. HERO - 4,67 tỷ yen (38,7 triệu USD)
4. Detective Conan: Sunflowers of Inferno - 4,48 tỷ yen (37,2 triệu USD)
5. Doraemon: Nobita no Space Heroes - 3,93 tỷ yen (32,7 triệu USD)
6. Dragon Ball Z: Resurrection 'F' - 3,74 tỷ yen (31,1 triệu USD)
7. Attack on Titan - 3,25 tỷ yen (27 triệu USD)
8. Flying Colors - 2,84 tỷ yen (23,6 triệu USD)
9. Love Live! The School Idol Movie - 2,8 tỷ yen (23 triệu USD)
10. Assassination Classroom - 2,77 tỷ yen (22,9 triệu USD)
Theo Zing