Chùm ảnh: Người dân Quảng Trị “vắt chân lên cổ” chống bão số 10
Người dân Quảng Trị từ già tới trẻ, người khuyết tật… đều tích cực chằng chống nhà cửa, chặt cây cao, neo đậu tàu thuyền chuẩn bị đón bão số 10.
Để phòng chống bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) sắp đổ bộ vào miền Trung, sáng 14.9, UBND tỉnh Quảng Trị đã họp bàn chuẩn bị phương án chống bão.
Một người đàn ông khuyết tật gắng sức kéo tàu vào bờ neo đậu. Ảnh: Ngọc Vũ
Với cường độ bão như dự báo gió cấp 11-12, giật cấp 15, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm về cấp độ rủi ro thiên tai ở mức độ 4 (mức 5 là mức thảm họa).
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến sáng 14.9, trên toàn tỉnh, 2.258 tàu với 6.950 người lao động đã vào nơi neo đậu an toàn. Trong đó, 2.254 tàu neo đậu trong tỉnh và 4 tàu neo đậu ngoài tỉnh.
54 tàu với 550 người đang hoạt động trên biển khu vực quanh đảo Cồn Cỏ và Vịnh Bắc Bộ đang di chuyển về Đà Nẵng để tránh trú.
Những sợi dây thừng to được dùng để neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu bắc Cửa Việt (Triệu An, Triệu Phong). Ảnh: Ngọc Vũ
Quảng Trị lên kế hoạch sơ tán 3.881 hộ/7.710 người dân tránh bão đổ bộ trực tiếp. Riêng đảo Cồn Cỏ nếu bão đổ bộ trực tiếp, phải sơ tán toàn bộ số người trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn.
Hiện tại, 131 hồ chứa ở Quảng Trị đạt khoảng 45-75% dung tích thiết kế.
Cụ ông ngoài 60 tuổi ở huyện Triệu Phong cũng tham gia phòng chống bão số 10. Ảnh: Ngọc Vũ
Quảng Trị còn 1.396ha lúa chưa thu hoạch nên UBND tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch khẩn cấp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.
Chị Lê Thị Bé (trú tại khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) cho biết, nghe đài dự báo bão lớn, bà con ở địa phương rất lo lắng và đã triển khai chống bão suốt từ chiều 13.9. Khi tình hình nguy hiểm, bà con sẽ di tản đến nơi an toàn.
Video đang HOT
Rạng sáng 14.9, tại Quảng Trị có mưa to, gió lớn nhấn chìm nhiều tàu nhỏ của ngư dân. Từ tờ mờ sáng, vợ chồng chị Lê Thị Bé cùng người dân quanh xóm đã tiến hành trục vớt tàu, đưa vào các kênh rạch trú ẩn. Ảnh: Ngọc Vũ
Ngư dân thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, cùng giúp nhau đưa tàu vào sâu trong bờ trú ẩn. Ảnh: Ngọc Vũ
Loa phát thanh của thôn, xã liên tục phát đi thông báo bão và kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, chặt cây cối tránh thiệt hại do bão gây ra. Ảnh: Ngọc Vũ
Người dân ven biển Quảng Trị dùng lưới phủ lên mái nhà tránh bão tốc mái. Ảnh: Ngọc Vũ
Những bao cát lớn được đưa lên mái nhà chống tốc mái. Ảnh: Ngọc Vũ
Hàng quán ven biển Cửa Việt được dọn dẹp. Tất cả đồ dùng được đưa vào nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Vũ
Từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Thái (thôn Mai Xá, Gio Mai, Gio Linh) đã chặt cây cao tránh gãy đổ, gây hư hỏng nhà cửa. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo Danviet
Sơ tán hàng chục nghìn dân tránh bão
Chiều tối 15/9, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị với cấp 11, 12; giật tới cấp 15.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, lúc 10h ngày 14/9, vị trí tâm bão Doksuri đã nằm trên khu vực biển quần đảo Hoàng Sa và chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình khoảng 600 km về phía Đông; cường độ của bão mạnh lên cấp 11, nếu so với 24 giờ trước (10h sáng ngày 13/9) thì bão số 10 đã mạnh lên 2 cấp.
Sáng 14/9, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão đã họp trực tuyến về ứng phó bão Doksuri.
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, khoảng chiều tối 15/9 bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình-Quảng Trị với cấp 11, 12; giật tới cấp 15.
Theo ông Cường, bão Doksuri sẽ gây ra lượng mưa rất lớn, từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi có thể mưa đến 300 mm; dự báo từ Quảng Ninh đến Quảng Bình nước biển dâng một mét, có nơi dâng tới 2-3 mét.
Người dân miền Trung dùng bao tải đựng cát để trên mái nhà phòng gió bão. Ảnh: Đức Hùng
Tại Hà Tĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thông tin, chiều 13/9 tỉnh đã họp với các huyện, chỉ đạo theo tinh thần khẩn trương cao nhất và cấm biển từ chiều cùng ngày.
Ông Sơn cho hay, theo kịch bản với bão cấp 12 thì tỉnh phải di dời hơn 28.000 dân tại 13 huyện, thị xã. "Chúng tôi đã điểm danh xuống từng địa bàn, từng điểm có dân phải di dời. Trong chiều hôm nay sẽ di dời các điểm như cửa sông, khu vực lũ quét, số lượng khoảng hơn 10.000 dân", ông Sơn cho biết.
Tại Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài báo cáo, toàn tỉnh chỉ còn 298 tàu ở ngoài biển nhưng tất cả số tàu này đã có thông tin liên lạc, cam kết vào bờ trong ngày 14/9.
Lãnh đạo Quảng Bình cho biết, tỉnh đã xác định cần phải di dời hơn 20.000 hộ dân, vì vậy đã phân công lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo tại từng địa bàn.
"Khó khăn lớn nhất của Quảng Bình là những tàu có công suất trên 300 CV không có chỗ neo đậu, kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ đầu tư", ông Hoài nói.
Người dân Hà Tĩnh chuẩn bị chống bão. Ảnh: Đức Hùng
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết tỉnh đã cấm biển từ 7h sáng nay.
Hiện Nghệ An còn 887 phương tiện hoạt động ở ven biển, tất cả đều nhận được thông tin về vị trí của bão, đang trên đường vào bờ. Ông Đường cũng cho biết tỉnh đã thu hoạch 100% lúa hè thu, còn lúa mùa mới thu hoạch được 30%.
"Tỉnh có hơn 600 hồ lớn nhỏ, các hồ đều đảm bảo an toàn, tuy nhiên, nếu bão gây mưa lớn thì có thể gây nguy hiểm, vì vậy, tỉnh đang tập trung lực lượng để có giải pháp xử lý", Chủ tịch Nghệ An nói và kiến nghị Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều tàu cứu hộ có công suất lớn vào cảng Cửa Lò để sẵn sàng vào cuộc khi cần thiết.
Khuyến cáo phương tiện hạn chế lưu thông trên Quốc lộ 1
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến sáng 14/9, các tỉnh từ Quảng Ninh-Khánh Hoà đã kêu gọi, kiểm đếm với gần 70.000 phương tiện tàu thuyền biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Số tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực ảnh hưởng, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa là trên 4.600 tàu với gần 20.000 lao động.
"Hiện còn 4 tàu thuyền chưa nắm được thông tin và chưa liên lạc, lực lượng chức năng đang tiếp tục kêu gọi", ông Nam cho biết và đề nghị các cơ quan chức năng cần cảnh báo hạn chế phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1, hạn chế đi vào khu vực bão để tránh rủi ro thiệt hại.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho rằng tàu thuyền vãng lai "cũng rất đáng lưu ý". Đây là số tàu thuyền không hiểu luồng lạch, quy luật nên các tỉnh cần có biện pháp chủ động; đồng thời đảm bảo an toàn cho khách du lịch không chỉ các huyện đảo mà cả khách du lịch ở ven biển.
Cũng theo ông Cường, những tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão cũng không được chủ quan, vì đây là tháng triều cường cao nhất trong năm, và cũng là những ngày triều cường cao nhất trong tháng, vì vậy rất cần các giải pháp tại chỗ cho đê biển từ lực lượng, phương tiện và phương pháp xử lý.
Bộ trưởng Nông nghiệp cho rằng Quốc lộ 1 là "yết hầu" về giao thông khi bão đổ bộ, do đó Bộ Giao thông cần có phương án để sẵn sàng ứng phó.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chống bão. Ảnh: CGV
Nhấn mạnh bão Doksuri là cơn bão mạnh nhất vài năm qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nếu không ứng phó kịp thời, hậu quả sẽ rất lớn.
"Tôi yêu cầu tập trung đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển, từ kiểm đếm đến di chuyển tàu thuyền khỏi các khu vực nguy hiểm. Trong ngày 14/9 phải thực hiện đồng loạt cấm biển", ông Dũng chỉ đạo.
Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tập trung thu hoạch lúa, hoa màu tại những vùng bị ảnh hưởng; hướng dẫn, hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn cho lồng bè, nhà nổi.
"Nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung sơ tán triêt để người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Kiên quyết sơ tán, cần thiết phải cưỡng chế, không để người dân còn ở trên lồng bè, chòi canh, ở trong các công trình chất lượng kém", Phó thủ tướng nói.
Võ Hải
Theo VNE
Nhiều tỉnh miền Trung sẽ mưa rất lớn khi bão số 10 vào đất liền Dự báo, chiều 15.9 đến rạng sáng 16.9. bão Doksuri (bão số 10) sẽ vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Trị. Từ gần sáng 15.9 đến hết đêm 15.9, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh sẽ có mưa to đến rất to. Vị trí và hướng di chuyển của bão số 10. (Ảnh: NCHMF) Theo Trung tâm...