Chùm ảnh: Danh thắng Tràng An chật cứng khách
Trong ngày 22.2 (tức mùng 4 Tết), tại bến thuyền khu vực di sản Tràng An, (Ninh Bình), do lượng du khách đổ về quá đông, đã xuất hiện tình trạng chen lấn, xô đẩy, nhiều người đã bị ngã xuống thuyền.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu di sản văn hóa thế giới Tràng An (Ninh Bình) vào ngày 22.2 (tức mùng 4 Tết), tại các khu đường, cũng như trong khu bán vé, bãi thuyền luôn trong tình trạng đông kín du khách. Không những vậy, còn xuất hiện tình trạng chen lấn mua vé, tranh thuyền dẫn đến tình trạng cãi vã, nhiều người còn bị đẩy ngã xuống nước và thuyền.
Ông Đinh Văn Hà, thành viên Ban tổ chức lễ hội Tràng An cho biết, trong 3 ngày tết vừa qua, có duy nhất ngày mùng 1 là thưa khách, còn từ ngày mùng 2 đến mùng 4 luôn trong tình trạng quá tải, cháy đò.
Ông Hà cho biết thêm, cũng như mọi năm, bến có khoảng gần 2.000 thuyền để phục vụ du khách. Trước tình trạng du khách đổ về quá đông, thuyền không đủ để đáp ứng nên nhiều lúc nhân viên bán vé phải ngừng bán chờ thuyền về mới dám bán tiếp.
Cũng theo ông Hà, Ban tổ chức quy định mở bán vé đi thuyền phục vụ du khách từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều các ngày. Tuy nhiên, các ngày qua, do khách quá đông, các chủ thuyền phải hoạt động hết công suất, cũng như quá giờ quy định để không có khách nào phải về không.
Anh Nguyễn Văn Nam, một du khách Hà Nội chia sẻ: “Chưa năm nào đông như năm nay. Tôi về Tràng An từ sáng mà đến 1 giờ chiều mới chen được xuống thuyền. Vậy mà vẫn bị xô đẩy lao cả xuống nước. May mà chỉ bị ướt quần và giầy”.
Ngay từ sáng ngày 22.2, hàng nghìn du khách từ khắp mọi nơi đổ về khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã dẫn đến tình trạng quá tải, các bãi gửi xe luôn chật cứng.
Trên cung đường qua khu di sản luôn tắc cứng do lượng xe đổ về đông cũng như lượng du khách sang đường quá nhiều.
Bên trong khu di sản cũng như nhà bán vé luôn quá tải. Mặc dù lực lượng an ninh, nhân viên được huy động hết công suất để duy trì trật tự, hướng dẫn du khách song cũng không thể nào ngăn được dòng người xô đẩy nhau mua vé, xuống thuyền.
Video đang HOT
Một bé trai mệt mỏi cùng mẹ xếp hàng chờ mua vé đã ngủ gục lúc nào không hay.
Do không thể chen lấn, nhiều người đã chọn ra các ghế đá, hành lang để ngủ, ngồi chờ.
Khu vực bãi thuyền đón, trả khách chật cứng, dẫn đến tình trạng xô đẩy nhau ngã xuống thuyền…
…cãi cọ tranh nhau chỗ ngay trên thuyền
Một cháu bé bị dòng người đẩy ngã, khóc nức nở
Trên dòng sông đi vào khu di sản luôn tấp nập, đông kín thuyền chở khách.
Giây phút ăn lót dạ, hút thuốc lào chờ khách hiếm hoi của các chủ đò tại các điểm chùa, miếu.
Một du khách quá mệt mỏi trong lúc chen lấn lên thuyền nên đến điểm chùa Trần không đủ sức lên thăm chùa thắp hương, đành ngủ ngay trên thuyền
Các gian hàng trong khu di sản luôn tấp nập, đông kín khách mua hàng. Theo đánh giá của các du khách thì năm nay dù đông khách hơn mọi năm, nhưng giá đò, cũng như các mặt hàng dịch vụ vẫn giữ ở mức giá cũ, không hề có tình trạng chặt chém.
Với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa lịch sử và địa chất, địa mạo, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào ngày 23.1.2015 vừa qua. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Quần thể danh thắng Tràng An cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90 km về phía đông nam, rộng hơn 6 nghìn ha, nằm trên các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và TP Ninh Bình. Bao quanh quần thể là vùng đệm có diện tích gần 6.270 ha.
Danh thắng Tràng An gồm ba vùng tiếp giáp là khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Nơi đây được ví như bức tranh thủy mặc với hệ thống núi đá vôi trùng điệp, muôn hình vạn trạng cùng hệ thống sông, suối đan xen nối dài chảy tràn trong các thung lũng.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Tràng An là một trong những địa danh hiếm hoi ở Việt Nam sở hữu thảm thực vật, rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú và còn khá nguyên sơ.
Theo Trần Quang (Danviet.vn)
Ghé thăm Tràng An - di sản văn hóa thế giới 'kép'
Điều gì khiến Tràng An, Ninh Bình được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới kép với hai hạng mục nổi bật về văn hóa và thiên nhiên?
Non nước Việt Nam đẹp tự nhiên thuần túy có tiếng từ bao đời, trải dài từ nam ra bắc mỗi nơi mang một vẻ đẹp khác nhau: nơi thì hoang sơ, nơi âm vang đại ngàn, nơi đẹp cổ kính, nơi sôi động phồn hoa... tất cả đều dung hòa tạo nên một vẻ đẹp vô cùng đa dạng, nhiều trong số những thắng cảnh đó được tổ chức uy tín UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đặc biệt là Tràng An, Ninh Bình được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới kép với hai hạng mục nổi bật về văn hóa và thiên nhiên.
Quần thể danh thắng Tràng An thuộc cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Trung tâm của bến thuyền Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư 3km về hướng Nam và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km về hướng Tây dọc theo đại lộ Tràng An. Trong quần thể danh thắng Tràng An rộng hơn 12.000 ha gồm có trung tâm Cố đô cổ Hoa Lư nằm phía Bắc, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm ở phía Nam và khu du lịch sinh thái Tràng An nằm ngay vị trí trung tâm tạo nên một quần thể danh thắng đẹp tuyệt vời, xuyên suốt và khép kín.
Yếu tố tạo nên di sản văn hóa thế giới Tràng An bao gồm rất nhiều yếu tố và được phân chia thành hai yếu tố cơ bản nhất là về cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt cùng lịch sử văn hóa có từ lâu đời.
Thật vậy, khi đến nơi đây trước hết khách du lịch đã phải ngỡ ngàn trước cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ lại nên thơ, nước non trùng điệp xanh ngắt một màu, lại thêm nét màu chấm phá của hoa súng hoa gạo cho bức tranh tự nhiên vô cùng rộng lớn càng thêm đặc sắc.
Vẻ đẹp tự nhiên nổi bật toàn cầu của Tràng An đã không có gì cần bàn cãi, trong thơ của vua Trần Nhân Tông khi về tu hành ở ẩn nơi đây cũng đã cho ra bài thơ tả cảnh sắc tuyệt trần của cố đô:
"Lòng khe in ngược bóng cầu hoa
Hắt sáng bờ khe vệt nắng tà
Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa"
Vẻ đẹp tự nhiên ấy vừa có nét thơ lại vừa có nét họa khi núi xen núi trùng trùng điệp điệp soi bóng dưới nước xanh trong vắt, màu núi màu trời quyện vào nhau quyện vào cả màu nước tạo nên một sắc xanh tự nhiên đẹp mắt, dễ khiến ta tức cảnh mà sinh tình.
Ngoài các yếu tố tự nhiên, nơi đây còn có dấu tích lịch sử vô cùng lâu đời và đặc sắc. Nơi đây còn là môi trường sống của người Việt cổ tồn tại ít nhất cách đây cả 30.000 năm. Là một yếu tố vô cùng giá trị với ngành khảo cổ học trên toàn thế giới.
Chính Tràng An là nơi ghi nhận quá trình sinh sống, thích nghi và tồn tại của người tiền sử lâu dài và duy nhất trên toàn thế giới. Nó góp phần to lớn trong việc hình thành lên những phỏng đoán về cách người tiền sử thích ứng và biến đổi theo tự nhiên để từ đó đưa ra được cái nhìn và giải pháp cho con người với các vấn đề ở tương lai.
Không những thế, Tràng An còn là kinh đô xưa của đất Việt ta sau khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân lập nên nhà Đinh và sau đó là sự tiếp nối của nhà Tiền Lê, nhà Lý. Nơi đây mang một bản sắc văn hóa Việt vô cùng đặc sắc được thể hiện qua kiến trúc của thành cổ và các ngôi chùa còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Các ngôi chùa ở quần thể danh thắng Tràng An vẫn giữ nguyên được dáng vẻ như thuở ban đầu cùng sự nổi tiếng về độ linh thiêng. Hằng năm khi khách thập phương kéo về đây đều không quên đi thăm chùa thắp một nén nhang cầu cho quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc.
Với những giá trị to lớn từ thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ cộng hưởng với một nền văn hóa đặc sắc, lịch sử lâu đời - Quần thể danh thắng Tràng An quá xứng đáng để trở thành di sản văn hóa thế giới kép. Hằng ngày trên bến đò trung tâm, những người lái đồ vẫn tấp nập ngược xuôi chở khách thăm quan chu du nhìn ngắm sông núi nước Nam đẹp tươi, bát ngát.
Theo ngôi sao
Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và của Đông Nam Á được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận ngày 23/6/2014. Đường vào Tam Cốc. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN) Dòng sông uốn lượn giữa đồng lúa vàng tạo nên phong cảnh hữu tình. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)...