Chùm ảnh: Cầu Long Biên và cuộc sống đời thường người Hà Nội
Với mỗi người con Hà Nội, cầu Long Biên được coi là kí ức, biểu tượng lịch sử gắn bó như một phần máu thịt của mình.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 3 phương án để di dời 9 nhịp cầu Long Biên nhằm bảo tồn và xây cầu mới tại vị trí tim cầu cũ nhưng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều nhà văn hóa, giáo sư sử học đã lên tiếng bảo vệ cây cầu trước nguy cơ biến mất.
Được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỉ 20, cầu Long Biên đã đi qua cuộc chiến tranh chống Pháp, Mĩ, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, bao vui buồn của đất nước và trở thành biểu tượng mỗi khi nhắc đến Thủ đô Hà Nội.
Cầu Long Biên năm 1907 – Ảnh: Ngọc Thắng chụp lại tư liệu
Cầu Long Biên thời xưa – Ảnh: Ngọc Thắng chụp lại tư liệu
Suốt hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên đã quá quen thuộc với đời sống người dân Hà Nội – Ảnh: Ngọc Thắng chụp lại
Những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt mới hiểu hết được biểu tượng thiêng liêng của cầu Long Biên trong quá khứ, lịch sử, gợi nhắc về một thời đã qua.
Được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỉ 20, với mục đích hoàn thành đường sắt vượt sông Hồng nối Hải Phòng với Lào Cai và sang Vân Nam (Trung Quốc), cầu Long Biên trở thành cây cầu thép lớn nhất Đông Dương thời đó. Đi qua bao thăng trầm lịch sử, cầu Long Biên vẫn còn đó, vắt ngang sông Hồng như thực thể sống động – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Bảng kim loại khắc thời gian khởi công và hoàn thành được ghi trên cây cầu “1899-1902″ – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Cầu Long Biên và cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng nhìn từ trên cao – Ảnh: Ngọc Thắng
Nhịp cầu bị đứt gãy trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Trong lần chiến tranh phá hoại lần thứ 1 (năm 1965), cây cầu bị ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong lần chiến tranh phá hoại lần thứ 2, cầu bị ném bom 4 lần, hỏng 2 trụ cầu – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Video đang HOT
Trên cầu có có cả đường dành riêng cho xe lửa – Ảnh: Ngọc Thắng
Cầu Long Biên bắc qua con đường gốm sứ, kế bên là chợ nông sản Long Biên – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Bước sang thời bình, cây cầu già nua, mang bao thương tích gánh nặng bởi tải trọng giao thông. Cầu Long Biên được sử dụng cho tàu hỏa, xe máy, xe đạp và các phương tiện thô sơ – Ảnh: Ngọc Thắng
Khung cảnh trở nên thanh bình quá đỗi thân quen trên cây cầu mỗi ngày – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Một gia đình du khách nước ngoài đến từ Pháp vãn cảnh cầu Long Biên và ghi lại những bức hình làm kỉ niệm – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Cây cầu bỗng trở nên rực rỡ trong lễ hội Ký ức cầu Long Biên – Ảnh: Ngọc Thắng
Biết bao người lao động nghèo vẫn đạp xe ngược xuôi qua cầu vào trung tâm, ra ngoại thành mưu sinh hằng ngày – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Mỗi dịp cúng ông Công, ông Táo, nhiều gia đình đến thả cá chép ngay tại cầu – Ảnh: Ngọc Thắng
Hằng ngày, bác Nguyễn Thu Gia (65 tuổi, ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đều đặn đi tập thể dục trên cầu, sáng một chuyến và chiều một chuyến. Bác Gia chia sẻ rằng mình chưa bao giờnghĩ đến chuyện cầu Long Biên bị thay thế bằng một cây cầu khác. Cây cầu giờ đã có hồn của nó – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Cây cầu được nhiều người chọn để minh chứng cho tình yêu
Đây là một trong những cây cầu hiếm hoi ở Việt Nam, các phương tiện di chuyển phía bên trái đường – Ảnh: Ngọc Thắng
Hai du khách nước ngoài đứng trên cầu thưởng thức khung cảnh thanh bình của làng quê, nhà cửa ven sông Hồng – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Nụ cười lạc quan mưu sinh trên cầu Long Biên – Ảnh: Ngọc Thắng
Nằm dưới chân cầu bên bờ bên kia là xóm than của người lao động nghèo – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Bác Nguyễn Thị Hòa (51 tuổi, ở xóm gầm cầu Long Biên) bảo, từ khi sinh ra đã thấy cây cầu bắc qua trước mái nhà. Bác Hòa kể, sáng thức dậy ngẩng lên thấy cầu, đêm đi ngủ lại nghe tiếng còi ràu rít, đi xa lại cảm thấy nhớ nhung như một phần máu thịt, thân quen của mình – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Không xa cầu Long Biên là cầu Chương Dương bắc ngang sông Hồng – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo tno
Khó hình dung một Hà Nội không có cầu Long Biên
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kiến trúc, giao thông và văn hóa, những phương án liên quan đến số phận của cầu Long Biên mà Bộ Giao thông đưa ra đều chưa giải quyết được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, thành phố cần bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên bởi cây cầu này là một chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Ông Nghiêm cho rằng các giá trị tiêu biểu của cầu Long Biên là di sản về kiến trúc độc đáo do người Pháp xây dựng, thế giới có rất ít công trình như vậy. Giá trị di sản của cầu Long Biên là không có gì so sánh được nên cần giữ gìn, bảo tồn.
Ngoài đường sắt, cầu Long Biên còn dành cho người đi xe máy. Ảnh: Nguyên Anh
Theo Luật thủ đô, Hà Nội đã đặt vấn đề tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di tích trước năm 1954, không chỉ là bảo tồn vật thể mà còn cần bảo tồn không gian.
"Chúng ta phải chấp nhận giải tỏa dân để làm cầu mới, không được đặt vấn đề kinh tế khi bảo tồn vì di sản là vô giá", ông Nghiêm nói.
Dưới góc nhìn giao thông, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cho rằng các nhà quản lý phải xem xét bảo tồn cầu Long Biên bên cạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo việc đi lại của người dân. Khi bảo tồn phải tính đến nguồn kinh phí, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, không nên bỏ hàng trăm tỷ đồng bảo tồn khi nhiều người còn khó khăn.
Theo ông Liên, người Đức đã từng giữ lại một phần của bức tường Berlin hay chiến trường Điện Biên Phủ giữ lại hầm De Castries, đồi A1... chứ không bảo tồn tất cả công trình. Tuy nhiên, khi tu tạo cầu Long Biên phải tính đến những yếu tố như cầu hiện nay đã cũ kỹ, nếu tháo ra sẽ bị hư hỏng, hay phương án tổ chức giao thông nếu xây cầu lại tại vị trí cũ.
"Nếu không giữ được nguyên vẹn thì cần phục chế lại cây cầu này cũng là một hình thức bảo tồn", ông Liên nói.
"Cầu Long Biên cũng xứng đáng là một di sản cần được xếp hạng và bảo vệ" - Giáo sư Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ảnh: Nguyên Anh
Trao đổi với VnExpress, GS Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho biết: "Nên giữ lại cầu Long Biên với chức năng đi bộ, bảo tàng, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa chứ không phải để ô tô, tàu hỏa qua lại".
Theo GS Thịnh, cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử, văn hóa rất lớn. Nó là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây mà đại diện là nước Pháp.
"Hà Nội ngày nay có sự hiện diện rất lớn của văn hóa Pháp. Các công trình như: Hệ thống biệt thự Pháp ở Hà Nội; bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Nhà Hát lớn; Phủ chủ tịch; hàng loạt các nhà thờ và cầu Long Biên... chính là những di sản văn hóa quý báu mà quá trình giao lưu văn hóa Việt - Pháp mang lại. Một số công trình như Nhà Hát lớn đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia. Cầu Long Biên cũng xứng đáng là một di sản cần được xếp hạng và bảo vệ", giáo sư Thịnh nói.
Cầu Long Biên do Pháp xây dựng từ 1889 - 1902. Cầu dành cho đường sắt đơn (khổ 1.000 mm) chạy ở giữa. Hai bên là đường ôtô (rộng 2,7 m) và đường đi bộ (rộng 0,8 m). Cầu dài 1.681 m gồm 19 nhịp dầm thép. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom nhiều lần. Tổng cộng 4 đợt đánh phá năm 1972, cầu bị mất hẳn 9/19 trụ chính, 9 trụ khác bị hỏng nặng.
Vị nguyên Viện trưởng nhấn mạnh, cầu Long Biên được xây dựng theo chủ trương của Pháp nhưng chủ yếu do bàn tay và sự sáng tạo của người Việt Nam làm ra. Cây cầu này đã có những đóng góp vào sự phát triển của đất nước suốt hơn 100 năm qua và trở nên quen thuộc với người Hà Nội đến mức, khó ai có thể hình dung một Hà Nội không có cầu Long Biên.
Với các lý do trên, dù chưa được công nhận là di sản nhưng GS Thịnh cho rằng, khi làm bất cứ điều gì ở cầu Long Biên chúng ta phải ứng xử như với một di sản văn hóa dân tộc. "3 phương án mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra thực chất đều phá hủy cầu, như vậy là xâm phạm di sản. Những ký ức đẹp của cây cầu trong lòng người Hà Nội cũng vì thế bị tan vỡ", GS Thịnh bức xúc nói.
Trong kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc về các phương án xử lý cầu Long Biên, có 12% ý kiến độc giả đồng ý việc di dời, xây cầu mới.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng cho rằng, không nên vìgiao thông mà phá bỏ cây cầu Long Biên đã đi vào lịch sử, trái tim người Việt Nam. "Hành động đó sẽ không nhận được sự đồng thuận. Chúng ta làm gì cũng cần giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều cây cầu được xây dựng qua sông Hồng nên đừng vì hành động nhất thời mà phá bỏ một cây cầu lịch sử", ông Bài chia sẻ.
Ba phương án cầu đường sắt qua sông Hồng của Bộ Giao thông Phương án 1: Phá bỏ cầu Long Biên hiện tại, giữ lại 9 nhịp cầu mang tính bảo tồn tượng trưng, kết hợp phục vụ du lịch khu vực bãi giữa sông Hồng. Phương án 2: Xây mới cầu Long Biên tại vị trí cũ theo hình dáng kiến trúc cũ. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên bản các nhịp cầu Long Biên để bảo tồn.
Đoàn Loan - Quỳnh Trang
Theo VNE
Hà Nội: Tràn lan dịch vụ bảo hiểm siêu rẻ Những tấm biển bán bảo hiểm xe máy "siêu rẻ" 20.000 đồng/năm đang xuất hiện nhan nhản trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội. Chỉ khi những người đi đường dừng lại bởi muốn tranh thủ cơ hội mua bảo hiểm siêu rẻ mới thấy mình bị... lừa. Mập mờ "siêu khuyến mại"! Những tuyến đường đang xuất hiện dày đặc biển bán...