Chuẩn đô đốc Mỹ: ‘Tôi rất vui khi Việt Nam dự diễn tập SEACAT 2018′
Việt Nam lần đầu tham gia sự kiện Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á ( SEACAT) – chuỗi diễn tập an ninh biển do Mỹ khởi xướng từ năm 2002 nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp.
“Theo tôi, những liên kết được xây dựng thông qua các hoạt động như SEACAT, củng cố quan hệ đối tác Thái Bình Dương, hợp tác huấn luyện và trao đổi hải quân sẽ góp phần đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực”, Chuẩn đô đốc Joey Tynch, chỉ huy Lực lượng Hậu cần Tây Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, trả lời Zing.vn ngày 30/8.
“Ngày càng có nhiều nước trong khu vực tham gia SEACAT. Năm nay chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam cử 4 sĩ quan đại diện đến tham dự, trong đó gồm 2 sĩ quan hải quân và 2 người của lực lượng cảnh sát biển. Họ đang hòa nhập rất tốt vào các hoạt động huấn luyện”, ông trao đổi với các phóng viên trong cuộc họp báo qua điện thoại.
Chuẩn đô đốc Joey Tynch (trái) gặp trưởng đoàn các nước tham gia SEACAT 2018. Ảnh: Hải quân Mỹ.
“Các lực lượng hải quân và tuần duyên tham gia SEACAT chia sẻ về chiến thuật, kỹ thuật và quy trình tác chiến. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi chuỗi sự kiện này kết thúc là chúng ta có thể hiểu rõ nhau hơn và biết phải liên hệ với ai khi cần sự hỗ trợ”, ông cho biết.
Vị chuẩn đô đốc Mỹ cho rằng SEACAT đã tái khẳng định những cam kết của Mỹ về một trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. “Cải thiện năng lực nắm bắt các diễn biến trên biển giúp chúng ta sớm nhận ra những luật lệ chung có đang được tuân thủ hay không”, ông cho biết.
SEACAT 2018 diễn ra từ ngày 27/8 – 7/9 với sự tham gia của 9 nước bao gồm Việt Nam, Mỹ, Bangladesh, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Đây là lần thứ 17 Mỹ phối hợp cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực tổ chức sự kiện này.
Video đang HOT
Sĩ quan hải quân và cảnh sát biển các nước diễn tập đổ bộ, khám xét và bắt giữ tàu khả nghi ngoài khơi Philippines. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Theo thông cáo trước đó của Hải quân Mỹ, SEACAT 2018 sẽ tập trung huấn luyện chia sẻ thông tin, phối hợp tác chiến khi phát hiện những tàu khả nghi trong vùng biển khu vực. Toàn bộ 15 bài tập về đổ bộ, khám xét và bắt giữ tàu khả nghi sẽ được thực hiện ngoài khơi Philippines.
Ông nhấn mạnh các hoạt động diễn tập được thiết kế để phù hợp cho điều kiện hoạt động trên mọi vùng biển, nhưng từ chối tiết lộ địa điểm tổ chức diễn tập có gần những vùng chồng lấn về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hay không.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc tập trận SEACAT, được Mỹ khởi xướng từ năm 2002 với tên gọi ban đầu là “Hợp tác Đông Nam Á Chống khủng bố”. Hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Hồi tháng 6, Việt Nam cũng lần đầu tiên cử đại diện tham dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) của Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Andrea L. Thompson. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Zing.vn về những tiến triển trong quan hệ 2 nước về lĩnh vực quốc phòng kể từ khi Mỹ tháo dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương năm 2015, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson nhấn mạnh lãnh đạo hai nước cùng chia sẻ tầm nhìn chung về quan hệ song phương. Điều này được thể hiện rõ tại hội nghị APEC diễn ra vào tháng 11/2017.
“Chúng ta đã có nhiều bước tiến kể từ sau cuộc gặp. Thành quả ngày một được củng cố qua các chuyến làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và tiếp đó là Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Việt Nam. Bằng chứng rõ nhất là chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng – tàu sân bay đầu tiên đến Việt Nam trong 40 năm qua”, bà cho biết.
“Mảng tài chính quân sự giữa hai nước vào năm qua đạt được tổng giá trị gần 10 triệu USD. Chúng tôi vẫn đang xúc tiến các đơn hàng trang thiết bị quân sự khác. Có thể nói hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang phát triển rất mạnh mẽ và giàu tiềm năng”, nữ thứ trưởng Mỹ thông báo.
Bà Thompson cũng nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ trong việc cải thiện năng lực cảnh sát biển Việt Nam. Bằng chứng rõ nhất là thỏa thuận chuyển giao tàu tuần tra USCG Morgenthau cho Việt Nam. Gia nhập lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam từ tháng cuối năm 2017, tàu được mang mã hiệu mới là CSB-8020, trở thành tàu lớn nhất và hiện đại nhất trong biên chế lực lượng.
Thanh Danh
Theo Zing
"Giải mã" chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump
Hai yếu tố chính góp phần hình thành khái niệm Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump là "tự do" và "mở rộng" nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của toàn khu vực.
Các tàu chiến của Hải quân Mỹ (Ảnh: India.com)
Trong cuộc gặp với các phóng viên tại Mỹ ngày 2/4, ông Alex Wong, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, đã giải thích về khái niệm Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng từng được Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu của ông tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
Theo ông Wong, hai yếu tố chính được nêu rõ trong chiến lược của chính quyền Trump tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là "tự do" và "mở rộng". Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ý nghĩa của khía cạnh "tự do" nằm ở việc các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tự theo đuổi những con đường riêng mà không bị ép buộc. Ngoài ra, ở cấp độ quốc gia, Mỹ mong muốn các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được hưởng quyền tự do hơn, bao gồm tự do về quản lý, quyền hạn cơ bản, minh bạch và chống tham nhũng.
Đề cập tới khía cạnh "mở rộng", ông Wong cho biết Mỹ mong muốn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể mở rộng hơn nữa, trước hết là đường biển và đường không. Theo nhận định của quan chức Mỹ, giao thông đường biển được mở rộng sẽ đóng vai trò sống còn trong khu vực. 50% hàng hóa thương mại đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt qua Biển Đông.
Chiến lược mới của chính quyền Trump về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn bao hàm khía cạnh "mở rộng" về hậu cần - cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích các quốc gia hội nhập khu vực tốt hơn và phát triển kinh tế mạnh hơn. Mỹ mong muốn giúp khu vực phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng phù hợp, thực sự hội nhập và tăng trưởng kinh tế.
Khía cạnh "mở rộng" trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn hướng đến mục tiêu mở rộng đầu tư trong khu vực. Mỹ ủng hộ môi trường đầu tư mở cửa tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm mở đường cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, mở rộng về thương mại tự do, công bằng và có đi có lại cũng là điều Mỹ từng làm suốt hàng chục năm qua và được chính quyền Trump ủng hộ.
Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Nam Á, cụ thể là Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng và mang lại lợi ích không chỉ cho Mỹ mà còn cho các quốc gia khác trong khu vực. Ông Wong nhận định Ấn Độ là quốc gia được phát triển theo hướng tự do và mở cửa, theo đó chính sách của Mỹ là bảo đảm Ấn Độ có thể trở thành quốc gia với tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.
Cũng theo ông Wong, không chỉ Ấn Độ đang tham gia tích cực vào xu thế phát triển của khu vực Đông Á, Đông Nam Á thông qua Chính sách Đông Nam, mà các quốc gia khác cũng đang triển khai các chiến lược tương tự như Chính sách Nam mới của Hàn Quốc, Chiến lược Tự do và Mở rộng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản hay Chính sách Đối ngoại của Australia. Mỹ nhận định các đối tác trong khu vực đều đang tìm cách tăng cường mối quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế với các nước, đặc biệt là các quốc gia ASEAN.
Tại cuộc gặp với các phóng viên, ông Wong khẳng định Mỹ ủng hộ thương mại tự do, nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại từ hàng chục năm nay. Thương mại hai chiều giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đạt 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tàu chiến, tàu ngầm Mỹ hối hả chạy bão Để đề phòng thiệt hại có thể xảy ra, Hải quân Mỹ đã sơ tán hầu hết hạm đội ở Trân Châu Cảng khi trận bão mạnh nhất gần 30 năm qua đổ bộ Hawaii. Bão Lane là trận bão mạnh nhất 26 năm qua đổ bộ Hawaii. (Ảnh: US Navy) Bão Lane với sức gió lên tới hơn 200km/h hôm qua 23/8...