Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Trung Quốc đã hết lối ra biển
Nhìn bản đồ Đông Á có thể thấy rõ các mặt giáp biển của Trung Quốc đều là những nước có nền kinh tế mạnh và quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Trung Quốc như bị vây lại bởi các cánh cung và không có một lối ra biển thực sự.
Lý do Trung Quốc tạm “kiêng” Nhật Bản, Đài Loan
Trong xu thế phát triển tới đây đường biển sẽ tiếp tục giữ vai trò chiến lược, vì thế một “cửa ngõ” thông thoáng ra biển là yêu cầu gần như bắt buộc của các cường quốc. Đó là lý do buộc Trung Quốc phải tìm cách “gây hấn” với các nước có chung đường biển để có được cửa ngõ này, nhưng tại sao Trung Quốc lại chọn cách gia tăng căng thẳng ở Biển Đông thay vì Biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan.
Đường ra biển của Trung Quốc đều bị vây kín bởi các chuỗi đảo của những quốc gia khác: Ảnh: Gmaps
Trả lời Infonet về vấn đề này, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân đã đưa ra những nhận định rất đáng chú ý. Theo ông phía Đông của biển Hoa Đông là Nhật Bản – một quốc gia với tiềm lực kinh tế, nguồn lực khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Ngay cả trong chiến tranh thế giới thứ II và ngày nay Nhật Bản vẫn là một cường quốc biển với sức mạnh tổng hợp có thể đương đầu với bất cứ mối đe dọa nào.
Trên thực tế Trung Quốc còn phải học hỏi người Nhật ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về chiến tranh trên biển. Thêm vào đó, không những có thể tự lực cánh sinh, Nhật Bản còn dễ dàng hình thành một liên minh quân sự với Mỹ, Hàn Quốc, Úc. Do đó Trung Quốc hiểu rõ họ không thể đột phá tại vị trí này.
Trong khi đó xuôi xuống phía Nam là vị trí do Đài Loan án ngữ. Tuy Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình nhưng người Đài Loan chưa bao giờ công nhận ý định này. Trên thực tế trong lịch sử Trung Quốc đã từng tấn công vào hai nhóm đảo Kim Môn và Mã Tổ (Đài Loan quản lý) tuy nhiên sau đó đã phải dừng lại.
Hiện nay, dù không được nhiều quốc gia công nhận là một nhà nước độc lập nhưng Đài Loan vẫn có một tiềm lực riêng biệt không thể xem thường. Bên cạnh đó Hoa Kỳ vẫn luôn “chống lưng” cho Đài Loan bằng việc cung cấp các hợp đồng vũ khí, khí tài quân sự.
Xét về mặt lịch sử, người dân Đài Loan vốn dĩ di cư từ đại lục sau năm 1949, do đó Trung Quốc hy vọng dùng chiêu bài “hòa thống” (hòa bình thống nhất) với Đài Loan theo kiểu “một nước hai chế độ” như đã làm với Hong Kong và Ma Cau. Cuối cùng nếu không được mới dùng đến “vũ thống” (đánh chiếm bằng vũ lực).
Video đang HOT
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đang thuyết minh ý đồ của Trung Quốc trên bản đồ
Chỉ còn có thể ở Biển Đông
Vị chuẩn đô đốc cho rằng chính vì những lẽ trên mà Trung Quốc đã chọn cách gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông – nơi có khối ASEAN với 10 nước nhưng chỉ có 5 nước (Việt Nam, Philippin, Indonesia, Malaysia, Bruney) liên quan trực tiếp tới vùng biển này.
Ông cho rằng hiện nay 5 nước liên quan đến vùng biển này đều là những nước đang phát triển với tiềm lực kinh tế và quốc phòng hạn chế, thêm vào đó sự liên kết giữa các quốc gia này còn khá lỏng lẻo, thậm chí có cả những tranh chấp về chủ quyền trên biển (dù không lớn).
Từ đó Trung Quốc đã chọn Biển Đông làm nơi “đột phá”, và mục tiêu trọng điểm trước tiên của họ tại đây là các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Để thực hiện điều này Trung Quốc đang áp dụng một tư duy bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, tôn thờ tư duy “mạnh được yếu thua”.
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “bẻ đũa”
Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm thì trước khi Trung Quốc gia tăng gây hấn, nước này đã dùng “quyền lực mềm” để ép các nước thuộc khu vực phải đi theo quỹ đạo và sự điều khiển của họ. Tuy vậy kế hoạch thất bại khiến họ phải chuyển sang chiến lược “bẻ từng chiếc đũa” để phân hóa nội bộ khối ASEAN.
Muốn đối phó với Trung Quốc ASEAN phải thật sự đoàn kết: Ảnh: TTXVN
Có thể thấy rõ chiến lược này khi nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm với khối ASEAN trong thời gian vừa qua. Tại Hội nghị Ngoại trưởng được tổ chức năm 2012 tại Campuchia, ASEAN đã không ra được tuyên bố chung về Biển Đông mà nguyên nhân phần lớn đến từ thái độ kiên quyết của nước chủ nhà mà kẻ hậu thuẫn không ai khác ngoài Trung Quốc.
Trong những ngày gần đây sự “ve vãn” của Trung Quốc với những nước không liên quan hoặc liên quan ít tới tranh chấp Biển Đông ngày một rõ. Cụ thể cuối tháng 6 vừa qua Thủ tướng Malaysia đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, và ngay sau đó ông Wang Chungui – cựu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đã tranh thủ “ngọt ngào” với quốc gia này rằng “Trung Quốc và Malaysia có chung một góc nhìn về vấn đề Biển Đông”.
Cũng chỉ mới cách đây ít ngày một đoàn quân sự cấp cao của Thái Lan đã sang Trung Quốc để “tham vấn”. Trong bối cảnh các nước phương Tây đang chỉ trích Thái Lan vì cuộc đảo chính, thì động thái này cho thấy Trung Quốc đã ngay lập tức lợi dụng tình hình để tranh thủ tìm kiếm sự đồng tình.
Để đối phó với những hành động trên của Trung Quốc vị Chuẩn đô đốc cho rằng hơn lúc nào hết các nước cần phải đoàn kết chặt chẽ bởi mục đích duy của Trung Quốc không phải chỉ là Biển Đông.
“Trung Quốc đã chọn biển Đông để gây hấn vì nghĩ rằng mình có thể “làm mưa làm gió” tại đây. Tuy nhiên tôi cho rằng họ đã sai lầm, bởi Việt Nam, Philippin, Malaysia, Indonesia đều là những nước có tinh thần độc lập dân tộc rất cao và tinh thần tự cường dân tộc mạnh mẽ.
Những hành động hiện tại của Trung Quốc chỉ là đòn “diễu võ dương oai”. Chưa cần đến sự góp quân của Mỹ, Nhật, chỉ cần năm nước liên quan đến vùng biển này cố kết lại thì Trung Quốc không thể đột phá. Nội lực của các quốc gia này hoàn toàn có thể đương đầu với Trung Quốc”. – Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm.
Theo Infonet
Căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra có thể vượt tầm kiểm soát
Cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Thượng nghị sĩ Australia Scott Ryan, các bên ở Biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thượng nghị sĩ Ryan nói rằng, Australia không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải.
Cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Australia kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích có thể làm tình hình thêm căng thẳng và có các biện pháp để giảm căng thẳng. Các chính phủ cần làm rõ và thực hiện các tuyên bố về lãnh thổ cùng với các lợi ích về hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trước đó, ngày 21/6 Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Trung Quốc và các quốc gia láng giềng giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông một cách hòa bình và tránh làm leo thang căng thẳng. Ông Obama kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
"Điều quan trọng với chúng ta là có thể giải quyết các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan duy trì khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề. Chúng tôi phản đối hành động làm leo thang căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải và thương mại".
Tuyên bố của ông Obama được đưa ra sau cuộc gặp với Thủ tướng New Zealand John Key ở Nhà Trắng.
Chia sẻ quan điểm này, ông John Key nói rằng, quan điểm của Chính phủ New Zealand rất rõ ràng: Tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Điều này rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Các phương tiện truyền thông và báo chí quốc tế hôm qua tiếp tục đăng tải nhiều bài báo phê phán các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong số ra ngày 22/6, tờ Star của Malaysia đã đăng bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư David Arase - chuyên gia ngành Chính trị quốc tế tại Trung tâm Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, một cơ sở của Đại học Johns Hopkins của Mỹ về tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư Arase cho rằng, đây là mối quan ngại lớn vì có nguy cơ đẩy mọi việc vượt tầm kiểm soát.
Giáo sư Arase nhấn mạnh, Trung Quốc coi Biển Đông là khu vực chiến lược nên rất muốn kiểm soát an ninh ở vùng biển này. Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hành động hòng thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cho dù cả giới quan chức và học giả Trung Quốc đều không có đủ lý lẽ chứng minh vùng biển nào thuộc chủ quyền của mình. Vì vậy, các yêu sách của Trung Quốc có thể sẽ còn thay đổi và đây là cơ hội cho các nước ASEAN cùng hợp tác đối phó.
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia quốc phòng Vassily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow cảnh báo Mỹ và các nước khu vực cần cảnh giác cao độ với việc Trung Quốc lập kế hoạch xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Tờ New York Times dẫn lời chuyên gia Holly Morrow thuộc Trung tâm Khoa học và quốc tế Belfer ở Harvard nhận định, Trung Quốc sẽ khoan dầu ở cả vùng biển thuộc nước này và vùng biển các nước láng giềng để đánh lừa dư luận rằng hoạt động thăm dò của họ là bình thường.
Báo Inquirer của Philippines dẫn lời Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho rằng: "Hành động khiêu khích và đơn phương của Trung Quốc cho thấy nước này đang theo đuổi một kế hoạch hung hăng nhằm áp đặt đường chín đoạn trên Biển Đông".
Điểm chung của các bài viết là cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động nguy hiểm và làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bằng những bài viết công tâm, phản ánh đúng bản chất sự việc của các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới đã được phổ biến rộng rãi và làm lay động lương tri của cộng đồng quốc tế về tính chính nghĩa của Việt Nam./.
Theo VOV
Ủng hộ Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển ông Theo TTXVN, tiếp nối hai cuộc tập trung hòa bình của người Việt tại Giơ-ne-vơ và Du-rích, hàng trăm bạn bè quốc tế cùng đông đảo sinh viên, Việt kiều đã tuần hành trên các tuyến phố thủ đô của Thụy Sĩ để thể hiện tinh thần đoàn kết và phản đối những hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển ông...