Chuẩn bị tiêm vắc xin cho học sinh
Khi nào học sinh sẽ được tiêm vắc xin và sẽ tiêm chủng như thế nào là điều phụ huynh đang quan tâm.
Sắp tới sẽ tiêm vắc xin cho học sinh để trở lại trường học – Đ.N.T
Sẵn sàng chờ vắc xin phòng Covid-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước ngày 15.10, Bộ này sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Về tiêm vắc xin cho học sinh, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) đang xây dựng tài liệu tập huấn. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (tại trường học hay ở địa phương hoặc nơi lưu trú).
Chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi
Tại TP.HCM, gần 1,5 triệu học sinh đã bước vào năm học mới hơn một tháng với hình thức học trực tuyến. Khi TP.HCM đang từng bước mở cửa các hoạt động thì việc mở cửa trường học, đón học sinh trở lại được phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng chỉ yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp khi được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Học sinh TP.HCM học trực tuyến từ ngày 1.9 – THÚY HÀ
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), thông tin hiện nay học sinh đã đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại địa bàn cư trú. Hiệu trưởng này cho rằng, học sinh của trường có cư trú ở nhiều phường khác nhau, có thể hiện đang sinh sống ở quận khác nên nếu tổ chức tiêm ở trường, học sinh phải di chuyển đến điểm tiêm cũng có những khó khăn nhất định. Vì vậy, học sinh có thể tiêm tại địa phương và có sự quản lý về danh sách cụ thể, chi tiết.
Còn tại Q.Tân Bình, ông Phan Ngọc Quang, Phó phòng Giáo dục thông tin các trường THCS, đã lập danh sách học sinh theo đúng độ tuổi gửi về chuyên viên phụ trách công tác y tế học đường của phòng Giáo dục. Sau đó phòng Giáo dục đã tổng hợp và báo cáo về Trung tâm Y tế quận. Khoảng 21.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của các trường THCS công lập và ngoài công lập đã sẵn sàng, chỉ chờ có quy định tiêm chủng là triển khai.
Nên tiêm tại trường hay tại nơi cư trú?
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5) cho hay, tất cả đang chờ Bộ Y tế ban hành quy định và hình thức tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh. Tuy nhiên, ông Cang cho rằng có thể tổ chức tiêm theo trường để quản lý chính xác số lượng học sinh. Chẳng hạn, trường có khoảng 900 học sinh, y tế phường quy định thời gian tiêm, nhà trường thông báo đến từng phụ huynh học sinh để đến tiêm đúng hẹn. Thêm vào đó, có sự theo dõi hàng ngày, nhà trường sẽ nhắc nhở, đôn đốc tiêm để sớm trở lại trường học.
Nhiều trường học đang trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch – PHÚ HUỲNH
Bên cạnh đó, nếu nguồn vắc xin chưa dồi dào, chưa thể tiêm đồng loạt thì có thể tính toán ưu tiên tiêm cho những học sinh đầu cấp và cuối cấp theo phương án mở cửa trường học.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục Quận Tân Bình cho rằng phương án tiêm theo đơn vị trường học sẽ dễ dàng cho việc quản lý cũng như phù hợp với việc mở cửa trường học. Còn tiêm theo địa bàn cư trú thì có thể không đồng bộ giữa các phường, các quận nên có thể có những hạn chế khi học sinh đi học trở lại. Vì có trường, học sinh ở các phường khác nhau, có thể phường A tiêm trước còn phường B lại tiêm sau…
Chiều ngày 13.10, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, theo chỉ thị của TP.HCM, từ ngày 1.10, các trường tiếp tục tổ chức dạy, học gián tiếp, trên môi trường internet và qua truyền hình. Từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy, học trực tiếp. Tuy vậy, để đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện; đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học…, Sở GD-ĐT đã có tờ trình gửi UBND TP. HCM đề xuất tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trong độ tuổi từ 12 – 18 trên địa bàn thành phố.
Tình hình Covid-19 tại TP.HCM sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 có chuyển biến tích cực
Theo Sở GD-ĐT, việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 – 18 tuổi là nhằm đảm bảo cho học sinh được an toàn, an tâm, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, giữ vững chất lượng giáo dục trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, Sở GD-ĐT đề nghị UBND có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh 12 – 18 tuổi với nguồn vắc xin phù hợp. Việc tiêm cần tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2 năm học 2021 – 2022. Sở GD-ĐT đề xuất tiêm vắc xin cho hơn 642.000 học sinh và đang chờ quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế.
Chấp nhận kéo dài năm học, quý 4 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 95% HS 12-17 tuổi
Một trong những giải pháp đầu tiên được Bộ GD-ĐT tính đến để bù đắp kiến thức cho học sinh khi có thể quay lại trường học là tuỳ tình hình từng địa phương, sẽ kéo dài thời gian năm học.
Theo Trung tâm Truyền thông Bộ GD-ĐT, chiều 12.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với một số bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện năm học 2021 - 2022 - MOET
Bộ trưởng GD-ĐT: Kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh
Tại cuộc họp, trao đổi về giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Giải pháp đầu tiên được Bộ tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có xử lý cho phù hợp".
Thứ hai, khi học sinh trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp.
Bên cạnh việc ban hành chương trình dạy học cốt lõi để sử dụng trong cả điều kiện học sinh học trực tuyến và khi đã trở lại trường học, một giải pháp khác cũng được Bộ trưởng Sơn nhắc tới, đó là thời gian qua, nhiều hoạt động đã được thực hiện nhằm hướng dẫn cho học sinh năng lực tự học. Đây vừa là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, song cũng vừa là để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu tài liệu của học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp - MOET
Ông Sơn cũng khẳng định: "Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh".
Đặc biệt, ông Sơn nhấn mạnh củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành giáo dục thực hiện trong năm học 2021 - 2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo. Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GDĐT sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.
95% trẻ em từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin trong năm nay
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin: Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12 - 17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm 2 mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý 4 năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
Đối với trẻ em từ 3 - 11 tuổi (khoảng trên 14 triệu em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở GD-ĐT chủ trì cùng Sở Y tế rà soát lại các văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn trường học đã được Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT ban hành, qua đó đánh giá, củng cố và hoàn thiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục, sẵn sàng mở lại trường học đón học sinh đến trường.
Phó thủ tướng: đến trường phải an toàn
Nhận định năm học 2021 - 2022 sẽ khó hơn năm học trước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Đến thời điểm này nhiều địa phương chưa thể học trực tiếp, nhiều nơi trong vùng dịch rất khó khăn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng một phần yêu cầu, song dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ".
Ông Đam cũng yêu cầu cần có các giải pháp rất nhanh cho năm học này. Cụ thể là phải có kế hoạch, giải pháp chủ động để hoàn thành kế hoạch năm học; cùng với đó là chủ động có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh bằng các hình thức phù hợp, trong ngắn hạn cũng như trong một vài năm tới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải có những giải pháp linh hoạt, cụ thể cho năm học này - TTXVN
Thống nhất với phương án của Bộ GD-ĐT là kế hoạch năm học 2021 - 2022 sẽ kết thúc linh hoạt, tùy vào tình hình của địa phương, Phó thủ tướng lưu ý sự linh hoạt không chỉ ở cấp tỉnh mà phải cả cấp huyện, cấp xã; việc thi cử, đánh giá kết quả học tập định kỳ, cuối năm phải được thực hiện rất linh hoạt.
Về đảm bảo an toàn trường học, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn học đường. Đồng thời, phải tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Phó thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ngay việc đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, để khi có vắc xin sẽ tổ chức tiêm nhanh.
Ông Đam cũng đề nghị các tỉnh, thành căn cứ tình hình dịch bệnh, nơi nào không nhất thiết phải sử dụng các cơ sở giáo dục thì sớm tu sửa, củng cố thêm một bước hạ tầng thông tin phục vụ học tập; đảm bảo khi dịch đi qua, học sinh trở lại trường có môi trường học tập khang trang, sạch sẽ.
Sao không có tiêu chí 'tiêm vaccine cho học sinh'? Đa phần các trường đều đạt điều kiện để mở cửa theo dự thảo bộ tiêu chí an toàn trường học tuy nhiên, nhiều nhà quản lý lo lắng khi không có tiêu chí tiêm vaccine cho học sinh. Ngày 5-10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã trình lên UBND TP về dự thảo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong các cơ...