Chuẩn bị khởi công xây dựng công trình Trung tâm thông tin Hồ Gươm
Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình có chức năng trưng bày, phát huy giá trị di sản khu vực Hồ Gươm
UBND quận Hoàn Kiếm vừa có công văn gửi các cơ quan thông tin, truyền thông thông báo khởi công công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm vào ngày 15/1/2015.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 101100/UBND-XDGT ngày 24/12 cho phép UBND quận Hoàn Kiếm khởi công thực hiện đầu tư thi xây dựng công trình số 2 phố Lê Thái Tổ.
Công trình tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư là loại công trình công cộng cấp III. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình có chức năng trưng bày, phát huy giá trị di sản khu vực Hồ Gươm và bộ phận quản lý, phục vụ, làm việc.
Toàn bộ công trình có diện tích 242,2m2, trong đó diện tích xây dựng 157m2; Mật độ xây dựng 64,8% (riêng tầng 1 diện tích xây dựng sử dụng là 32,9%); Diện tích tầng hầm 182m2; Tổng diện tích xây dựng các tầng nổi 423,8m2.
Công trình có 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, 1 tum thang; Chiều cao công trình tính từ cốt cao độ vỉa hè đến diềm mái công trình 10,1m và đến đỉnh tum thang 13,6m.
UBND quận Hoàn Kiếm giao BQL xây dựng công trình công ích Hoàn Kiếm quản lý dự án xây dựng công trình số 2 Lê Thái Tổ. UBND quận Hoàn Kiếm cũng cam kết sử dụng công trình đúng chức năng công cộng đã được phê duyệt, không kinh doanh dịch vụ dưới bất kỳ hình thức nào./.
Đỗ Hưng
Theo_VOV
Xây nhà sát Hồ Gươm:Chỉ đạo của Chủ tịch HN bị...lãng quên?
Những ngày qua dư luận vẫn đang nóng hổi xoay quanh câu chuyện xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm ở số 2 Lê Thái Tổ.
Chủ tịch UBND TP: Xây dựng vườn hoa, cây xanh, không gian nghệ thuật
Video đang HOT
Trên Tờ Tiếng nói Việt Nam, số ra ngày 5/12/2014, đã xác minh rõ thông tin này, ngày 3/12/2014, phóng viên Báo TNVN có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng để xác nhận lại việc quận Hoàn Kiếm có văn bản xin ý kiến Bộ VHTT&DL về công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm. Ông Hùng xác nhận là quận Hoàn Kiếm có xin ý kiến nhưng đó chỉ là để tìm sự đồng thuận, góp thêm góc nhìn, còn công trình vẫn sẽ được xây vì quận Hoàn Kiếm làm đúng luật.
Về việc năm 2010, Chủ tịch UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo rõ mảnh đất này "xây dựng vườn hoa, cây xanh và công trình nghệ thuật gắn với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục", ông Hùng tỏ vẻ bất ngờ và cho rằng Chủ tịch thành phố chưa từng chỉ đạo như thế!
Xây nhà sát Hồ Gươm: Làm gì với "đất vàng"?
Phóng viên TNVN đã cung cấp cho ông Hùng văn bản số 176 Thông báo "Kết luận của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố về việc tạm dừng thi công công trình số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm" để cùng làm sáng tỏ vấn đề này. Nội dung Thông báo 176/TB-UBND ngày 1/6/2010 thời điểm đó thực sự làm nức lòng người dân cả nước khi công trình được dừng ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Xin trích đăng kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo để bạn đọc cũng như chủ đầu tư công trình nhìn nhận đúng đắn về việc làm gì trên mảnh đất sát Hồ Gươm và gắn liền với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục này:
"Sau khi nghe báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các sở: Quy hoạch Kiến trúc, xây dưng, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố đã kết luận chỉ đạo như sau:
1. UBND quận Hoàn Kiếm quyết định đầu tư xây dựng công trình Trụ sở Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm tại số 2 Lê Thái Tổ, nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất và tạo điều kiện để Ban hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là đúng thẩm quyền; quá trình phê duyệt và triển khai Dự án đã được thực hiện theo đúng quy trình, quy định; phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Tuy nhiên, vừa qua, có ý kiến của một số chuyên gia phản ánh trực tiếp và qua công luận, đề xuất nên xem xét đầu tư xây dựng tại đây vườn hoa, cây xanh hoặc công trình kiến trúc làm tăng giá trị lịch sử của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
2. Để việc cải tạo, chỉnh trang khu vực số 2 Lê Thái Tổ góp phần tôn tạo, làm đẹp cảnh quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu:
- UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo tạm dừng việc thi công xây dựng công trình tại số 2 Lê Thái Tổ. Trong quá trình dừng thi công, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm tăng cường quản lý trật tự đô thị tại khu vực này, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, chống lấn chiếm.
Khu vực sẽ xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm
- Giao Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, cùng UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng vườn hoa, cây xanh hoặc công trình nghệ thuật gắn với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định (thời gian trong tháng 6 năm 2014).
- Giao văn phòng UBND thành phố: Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố và cung cấp đầy đủ thông tin để các cơ quan báo chí truyền thông biết và thông tin đầy đủ, kịp thời quá trình triển khai; Tổng hợp báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện."
Nên tổ chức lấy ý kiến công khai, minh bạch
Trong khi đó, trên tờ Đại đoàn kết, ngày 4/12, có đưa ra bài viết " Công trình ở sát Hồ Gươm: Dù không phạm luật cũng đừng nên xây nữa", có rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia tên tuổi.
GS.TS Nguyễn Lân, nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội cho rằng: "Mục đích của công trình là dành cho cộng đồng thì trước hết phải để cộng đồng hiểu về công trình. Thời điểm này, khi không khí bàn luận hơi phức tạp, theo tôi cần tổ chức hội thảo từ hẹp cho đến rộng để bàn vấn đề một cách có lý có tình. Khi cần dư luận phải tổ chức lấy ý kiến, mời những người quan tâm và hiểu sâu đến vấn đề này tham gia góp ý và phải thực sự tham khảo những ý kiến này, không làm lấy lệ.
Vấn đề ở đây là nhà quản lý phải minh bạch thông tin, giải thích rõ để người dân đều hiểu, ủng hộ. Quận Hoàn Kiếm là người đề xuất ý này, tôi cho rằng Quận nên sớm đứng ra tổ chức lấy ý kiến có nên triển khai công trình này hay không, vì sao, nếu triển khai thì triển khai theo hướng nào".
Còn GS Hà Đình Đức thì cho rằng nếu có thể góp ý cho công trình này, chúng ta chỉ có thể nói rằng nên xem xét lại tính thẩm mĩ của công trình trong tương quan không gian danh thắng của Hồ Gươm.
Xây nhà sát Hồ Gươm: Cái lý và lòng dân
Hãy đặt ra các câu hỏi, liệu công trình này có làm đẹp hơn cảnh quan so với hiện nay không, có làm đẹp hơn không gian nham nhở- nơi mà ta định xây dựng Trung tâm Thông tin - Văn hóa Hồ Gươm không. Từ những phân tích đó, rồi từ những dư luận trái chiều trong dư luận, nhà quản lý cũng nên thận trọng hơn khi xem xét triển khai xây dựng công trình đó.
5 lý do không nên xây dựng công trình sát Hồ Gươm
Ngày 2/12, trên tờ Đại đoàn kết cũng có bài viết do KTS Trần Huy Ánh- Hội viên Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, hội viên Hội KTS Hà Nội phân tích rất cụ thể.
Lý do thứ nhất: Không cần thiết
Hiện đang có rất nhiều ý kiến xung quanh sự việc này cho thấy, những lý lẽ để xây dựng công trình Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm cho dù có thay đổi nội dung từ mục đích phục vụ công cộng sang khai thác dịch vụkinh doanh, hay chỉ là mục đích không kinh doanh thì đều là rất không cần thiết xây dựng công trình.
Lý do thứ hai: Tiết kiệm
Trong những ngày diễn ra kỳ họp Quốc hội vừa qua, cử tri cả nước và Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề nợ công. Đây cũng là vấn đề làm "nóng" trên diễn đàn Quốc hội, bởi sự lo lắng của dư luận xã hội cũng như của các chuyên gia kinh tế. Do vậy, những công trình đầu tư công mà cân nhắc không có lý do thực sự thì có thể không đầu tư để tăng cường tiết kiệm.
Lý do thứ ba: Thừa diện tích kinh doanh thương mại, thiếu không gian công cộng
Quanh hồ Hoàn Kiếm là một không gian công cộng (KGCC) lớn của Thủ đô, vốn tập trung dày đặc các sinh hoạt từ sớm đến tối - nay mỗi ngày một dày đặc hơn bởi lẽ: 60 năm qua, dân số tăng hàng chục lần , nhưng quanh hồ chưa tăng thêm một m2 nào cho KGCC trong khi hàng trăm, hàng ngàn mét vuông mặt đất đã hy sinh vì mục đích kinh doanh thương mại (sân chơi trước cửa Thủy Tạ đã xây dựng trụ sở Bảo Việt, Bách hóa Tổng hợp là nơi cả triệu người Hà Nội tới tham quan, mua sắm nay đóng cửa im ỉm vì chỉ dành bán hàng hiệu nên vắng hoe)...
Năm 2009, với nỗ lực phi thường của lãnh đạo thành phố, gần Hồ Gươm đã xuất hiện 2 vườn hoa nhỏ (trên phố Lý Quốc Sư và trước cửa Nhà Hát lớn), đã làm nức lòng người dân Hà Nội. Nay nếu có thể thêm vài chục m2 cho con trẻ đùa chơi, người già dừng chân trò chuyện thì cũng là vô cùng quý giá - nó cụ thể hóa văn hóa Hà Nội: Quý cái tình, cái nghĩa, cái lo cho muôn người hơn cả tiền bạc tầm thường chỉ làm lợi cho ít người .
Lý do thứ tư: Tăng khoảng trống, giãn khối đặc
Hàng chục năm nay, các cơ quan quản lý từ Bộ Xây dựng đến UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần bàn thảo để đưa ra những quy định quản lý không gian cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm, tựu trung là tăng cường kiểm soát, không tăng mật độ và khối tích xây dựng để không biến hồ cảnh quan bị bó hẹp lại dần thành cái ao.
Lý do thứ năm: Có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn bảo vệ cảnh quan kiến trúc hồ Hoàn Kiếm
Thiết nghĩ việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của cộng đồng để dừng không xây dựng công trình tại đây có lẽ đó cũng là những hành động gương mẫu, có giá trị thiết thực bảo vệ cảnh quan kiến trúc hồ Hoàn Kiếm.
Theo NTD
'Kỷ lục' ít ai biết về chiếc ghế đá Hồ Gươm trăm tuổi Chẳng ai biết chiếc ghế đá khủng này đã có tự bao giờ, hỏi những cụ cao niên thường xuyên lui tới bờ hồ Gươm nghỉ chân, câu trả lời của họ về chiếc ghế đá cũng chỉ là: "từ thời còn bé đã nhìn thấy chiếc ghế đá lớn này rồi". Với nhiều người, nói về Hà Nội là nói tới cầu...