Chuẩn bị đầy đủ vaccine để tiêm phòng dịch bệnh
Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà đều tăng số ca mắc.
Mùa hè đã đến, nhu cầu đi lại, giao lưu nhiều, nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao trong khi vẫn còn khoảng trống miễn dịch do thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng vào thời điểm trước. Làm thế nào để giảm ca mắc, giảm tử vong, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh trong mùa hè, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về dịch bệnh mùa hè năm nay, liệu có diễn biến bất thường hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch bệnh phát sinh, phát triển dựa vào một số yếu tố chính là tự nhiên (mùa) và xã hội. Mùa hè thường xảy ra các bệnh về đường hô hấp và tiêu hoá; yếu tố xã hội là người dân giao lưu đi lại nhiều, ăn uống tập trung đông người và miễn dịch cộng đồng thấp (nếu tỷ lệ cộng đồng đó được tiêm vaccine phòng các bệnh thấp) là nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm. Mùa hè thức ăn khó bảo quản hơn, có thể xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm mốc…
Trong thời gian đại dịch COVID-19, một số người không tiêm chủng, do phong toả để phòng bệnh, do thiếu vaccine cục bộ trong tiêm chủng mở rộng, thiếu vaccine 5 trong 1, sởi, rubella… dẫn đến một số bà mẹ không được tiêm vaccine, không có miễn dịch. Trẻ sinh ra không có miễn dịch vì không có kháng thể của mẹ truyền cho con, vì vậy có thể mắc bệnh trước khi đến tuổi tiêm chủng.
Có thể nhận thấy, một số dịch bệnh có chiều hướng gia tăng hoặc xuất hiện trở lại như: Bệnh bạch hầu đã vắng bóng vài chục năm nhưng thời gian qua ở các tỉnh phía Bắc đã xuất hiện như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, đây là hiện tượng khác thường; bệnh ho gà xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tăng tại Hà Nội; bệnh sởi gia tăng cục bộ; ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra ở Khánh Hoà, Tây Ninh, Quảng Nam…; bệnh dại cũng có chiều hướng gia tăng… Dịch bệnh có thể bất thường so với mọi năm, nguyên nhân do các yếu tố như tôi nói ở trên, nhưng đều nằm trong dự báo được. Vì thế, người dân không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng.
PV: Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận số ca mắc sởi tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, liệu đây có phải là chu kỳ 4-5 năm bùng phát của dịch sởi? Làm thế nào để không lặp lại hậu quả dịch sởi vào năm 2014 khiến hơn 100 trẻ em tử vong?
Video đang HOT
PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh sởi đã được khống chế bằng vaccine, thời gian qua có sự gia tăng do dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng, vì thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên không có miễn dịch. Sởi có chu kỳ 4-5 năm sẽ bùng một đợt dịch lớn. Dù tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm có nguy cơ mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao vì khả năng lây lan của sởi là rất mạnh, có thể nói những ai chưa được tiêm chủng mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có thể bị lây bệnh.
Bên cạnh đó, trong 2 năm đại dịch COVID-19, do bị phong toả nên các bà mẹ đã không tiêm vaccine phòng bệnh nên không có miễn dịch truyền cho con, trẻ sinh ra có thể sẽ mắc sởi trước 9 tháng (tuổi tiêm vaccine). Số trẻ không được bảo vệ bởi vaccine tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, nên khi dịch xảy ra nguy cơ bùng phát là rất cao. Đây cũng là lý do vì sao giới chuyên môn thường nói tới chu kỳ dịch sởi 4-5 năm/lần.
Như chúng ta đã biết, năm 2014 và 2019 là hai chu kỳ dịch sởi bùng phát mạnh, đặc biệt năm 2014 đã có hơn 100 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Năm 2024 theo chu kỳ 5 năm, có thể bùng phát dịch. Để phòng bệnh, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành Y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.
PV: Không chỉ sởi, mà một số bệnh truyền nhiễm cũng đang gia tăng như ho gà, thuỷ đậu, tay chân miệng, rubella… xin ông cho biết nguyên nhân của sự gia tăng này và cách phòng ngừa? Có nhiều trường hợp đã tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh nhưng vì sao vẫn mắc?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Nguyên nhân dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm tăng như đã nói ở trên là do vấn đề tiêm vaccine còn khoảng trống, miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng. Ngành Y tế cần khuyến cáo tuyên truyền cho người dân hiểu biết các biện pháp phòng bệnh, bệnh nào có công thức để phòng bệnh đó. Bệnh hô hấp phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; bệnh tiêu hoá thì ăn chín uống chín, rửa tay xà phòng; bệnh do tiếp xúc trực tiếp phải vệ sinh thân thể sạch sẽ, cách ly với người bị nhiễm bệnh, trẻ nhỏ cho nghỉ học khi bị bệnh; người nhiễm bệnh không nên tiếp xúc với người khác, nếu người lành tiếp xúc với người nghi ngờ thì phải dự phòng đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng. Bệnh chân tay miệng lây theo đường tiêu hoá, nên phải rửa dụng cụ để không lây cho trẻ qua đường ăn uống.
Trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nếu không được tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tiêm vaccine đầy đủ những mũi cơ bản và tuân thủ tiêm nhắc lại. Thời gian qua do thiếu vaccine vì dịch COVID-19 thì nay phải tiêm vét, tiêm bù. Được biết, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiêm vaccine phòng bạch hầu cho một số địa phương. Ví dụ năm 2015 chúng ta triển khai tiêm chiến dịch vaccine sởi – rubella cho toàn bộ trẻ từ 1-14 tuổi để khống chế dịch sởi
Về việc nhiều trẻ đã tiêm đủ mũi vaccine nhưng vẫn mắc bệnh đây là chuyện bình thường vì vaccine đạt hiệu quả ở mức độ nhất định. Tác dụng của vaccine cao nhất chỉ đạt hiệu quả 90%, còn 10% vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, chưa kể có vaccine chỉ đạt hiệu quả 70-80%. Nhưng người đã tiêm vaccine phòng bệnh, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.
PV: Ông dự báo năm nay dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến thế nào khi số ca mắc tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái? Dịch sốt xuất huyết có còn theo chu kỳ 4-5 năm bùng phát một lần nữa hay không? Ngành Y tế cần chuẩn bị những gì khi mùa hè đã đến, là thời điểm sốt xuất huyết gia tăng mạnh?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Sốt xuất huyết giờ không còn theo chu kỳ 4-5 năm một lần nữa mà thành bệnh lưu hành hằng năm. Nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng do đô thị hoá, giao lưu đi lại tăng lên, dịch bệnh có thể xảy ra từ Bắc đến Nam. Đô thị hoá phát sinh rất nhiều dụng cụ phế thải, vật dụng chúa nước, chậu hoa, cây cảnh, trong miền Nam có thói quen trữ nước ngọt, đặc biệt người dân đi du lịch vào Nam mắc sốt xuất huyết lây nhiễm ra ngoài Bắc và ngược lại.
Với các nguyên nhân như trên, nếu ý thức người dân chưa cao, năm 2024 ca mắc sốt xuất huyết khả năng vẫn đạt đỉnh dịch. Để phòng bệnh ngay từ thời điểm bước vào hè, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được các biện pháp phòng bệnh như: Loại bỏ dụng cụ chứa nước, đồ phế thải, lốp xe ôtô; lật ngược úp các dụng cụ chứa nước, che đậy để muỗi không bay vào đẻ trứng; thả cá, thay nước hằng ngày ở các lọ hoa để không cho muỗi bay vào đẻ trứng…
PV: Vào tháng 4 Việt Nam đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1), đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2). Nhiều người cho rằng, bệnh cúm gia cầm khó lây lan trong mùa hè, điều này có đúng không? Ông có khuyến cáo gì cho người dân để phòng bệnh?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người, lưu hành ở chim hoang dã, lây sang gia cầm và lây sang người. Hiện cúm gia cầm vẫn xuất hiện rải rác, xét nghiệm trên đàn gia cầm vẫn có virus cúm A/H5N1, A/H9N2 và chủng cúm khác như cúm A/H3N8… Không phải mùa hè thì không lây lan virus cúm gia cầm, nếu gia cầm mắc cúm, người dân không đảm bảo phòng bệnh như vệ sinh giết mổ, ăn gia cầm sống… đều có thể lây bệnh.
Để phòng bệnh, người dân cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, trong giết mổ để không lây sang người; ăn chín uống chín, sử dụng gia cầm có nguồn gốc, không ăn gia cầm ốm, chết và phải rửa tay bằng xà phòng sau khi giết mổ, làm thịt gia cầm…
PV: Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè, đặc biệt các bệnh mới nổi, ngành Y tế và người dân cần chuẩn bị điều gì, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Ngành Y tế cần chuẩn bị đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm đủ mũi, đúng lịch cho trẻ em. Phải tiêm vét, tiêm bù với những trẻ thiếu mũi, bỏ mũi. Bệnh dại gia tăng từ đầu năm đến nay nên phải tuyên truyền để người dân tiêm vaccine phòng dại khi bị chó cắn và phải tiêm phòng bệnh cho chó. Tiêm chủng suốt đời theo lịch tiêm, trẻ em tiêm miễn phí, người lớn tiêm chủng dịch vụ phải tiêm suốt đời, như vaccine cúm người già phải tiêm hằng năm,…
Đặc biệt, với vaccine phải tiêm nhắc lại, người dân chớ được quên để có miễn dịch. Năm 2024, Việt Nam đủ vaccine tiêm chủng mở rộng, vaccine 5 trong 1 cũng đã được nhập về, vaccine sởi- rubella cũng đã mua xong… Người dân không lo thiếu vaccine, nên cần đưa trẻ đủ tuổi đi tiêm để phòng bệnh. Y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bệnh sởi, ho gà bùng phát, có phải do khoảng trống miễn dịch?
Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Số ca mắc tăng dần trong những tuần gần đây, cụ thể tuần từ ngày 19-26/4 ghi nhận 15 ca mắc, tăng 14 ca so với tuần trước đó. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%); trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (72%).
Trẻ em cần được tiêm đủ mũi, đúng lịch với những bệnh đã có vaccine dự phòng.
Bên cạnh đó, bệnh sởi cũng bùng phát, đặc biệt ở thời điểm giao mùa. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội cũng ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận. Theo CDC Hà Nội, ca mắc sởi là bé gái 10 tuổi, trú tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Các chuyên gia cảnh báo, năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vaccine. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao bởi 3 lý do: Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi; năm trước, có những lúc thiếu vaccine sởi cục bộ; dù tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.
Ông Phu cho rằng, số trẻ không được bảo vệ bởi vaccine tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, nên khi dịch xảy ra nguy cơ bùng phát là rất cao. Đây cũng là lý do vì sao giới chuyên môn thường nói tới chu kỳ dịch 4-5 năm/lần. Để phòng dịch, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng. Tương tự, ho gà cũng vậy, cần tiêm vét, tiêm bù cho trẻ để trẻ có đủ miễn dịch.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho rằng, tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao - trên 95% trong cộng đồng.
Theo CDC Hà Nội, hiện nay TP bảo đảm có đủ vaccine ho gà để tiêm phòng cho trẻ. Người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều. Ho gà là bệnh không có miễn dịch trọn đời, nên cần duy trì tiêm mũi nhắc lại với các mốc thời gian được Bộ Y tế khuyến cáo. Để lấp đầy khoảng trống miễn dịch của trẻ, cần nhất vẫn phải đủ vaccine đối với các bệnh có vaccine dự phòng để triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; đồng thời tập trung đẩy mạnh điều tra tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ nhằm tập trung tiêm bù, tiêm vét để trẻ được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ 13.000 liều vaccine 5 trong 1 Ngày 22/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) vừa phân bổ cho Thành phố 13.000 liều vaccine 5 trong 1. Đây là loại vaccine liên tục rơi vào tình trạng khan hiếm trong thời gian qua. Tiêm vaccine 5 trong 1 cho trẻ....