Chuẩn bị các bước đưa Luật Phòng chống tham nhũng vào cuộc sống
Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, ngày 27/3.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh Tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung mà trước đây được quy định trong nhiều nghị định, văn bản khác nhau như về xung đột lợi ích, chuyển đổi vị trí công tác, tặng quà và nhận quà tặng… Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định chi tiết việc áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Đây có thể coi là một nội dung mới và khó vì lần đầu tiên Việt Nam quy định về vấn đề này.
Để triển khai Luật một cách đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi, Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết 15 điều, khoản cụ thể.
Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bà Akiko Fujii nhấn mạnh: “Tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, ước tính hàng năm có khoảng 3,6 nghìn tỉ đô la sẽ bị thất thoát do tham nhũng. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn”.
Bà Akiko Fujii đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng: “Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Phòng chống tham nhũng của Liên hợp quốc năm 2009; sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng; thông qua Luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 2018. Đặc biệt, một trong những điểm mới trong Luật là việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó ‘Giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức’ là một trong những chỉ số chính”.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết 10 nội dung: trách nhiệm giải trình; đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý; tặng quà và nhận quà tặng; kiểm soát xung đột lợi ích; vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác…
Nghị định cũng hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp pháp khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng… Đáng quan tâm, theo Dự thảo, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, nếu không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm để xử lý theo quy định. Tương tự, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định cũng phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và nộp lại quà tặng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Video đang HOT
Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với quà tặng bằng hiện vật, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xác định giá trị của quà tặng, bán quà tặng và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng…
Dự thảo cũng quy định cụ thể về xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt cao nhất cho hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước lên đến 100 triệu đồng nếu có biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm, sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến về quy định cụ thể về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bắt buộc áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; trách nhiệm giải trình; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… Đây là hội thảo quan trọng, tiền đề để xây dựng Nghị định chất lượng, đưa Luật vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực trong công tác phòng chống tham nhũng.
Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)
Không hợp pháp hóa tài sản bất minh
Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 20-11, đã rút quy định về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc do còn nhiều ý kiến khác nhau
Sáng 20-11, với 452/465 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành (chiếm 93,20% tổng số ĐB), QH đã thông qua dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), với việc rút quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Luật gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.
Phải tịch thu tài sản tham nhũng
Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Theo đó, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Quy định này từng gây ra nhiều tranh luận, trong đó nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy chẳng khác nào giúp hợp pháp hóa tài sản bất minh, tài sản do tham nhũng mà có.
Trước khi QH bấm nút thông qua với nội dung quan trọng này, thay mặt Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. Trong khi đó, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.
Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. "Tại tất cả phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các ĐBQH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán" - bà Nga thông tin.
Chính vì vậy, để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký QH gửi phiếu thăm dò ý kiến các ĐBQH. Kết quả, 43,09% tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 32,16% tán thành với phương án thu thuế. "Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH. UBTVQH nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật" - bà Nga nêu rõ.
Trên cơ sở đó, UBTVQH đề nghị QH chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự luật mà thực hiện theo pháp luật hiện hành.
Theo quy định hiện hành, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật và nghị quyết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: ĐÌNH NAM
Ngành công an có 199 tướng
Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi) với 416/464 ĐB có mặt tán thành.
Khi biểu quyết thông qua điều 25 quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân, chỉ 354/465 ĐB có mặt tán thành.
Theo điều 25, bộ trưởng Bộ Công an có quân hàm đại tướng; thượng tướng là thứ trưởng, không quá 6 người; trung tướng không quá 35 người; thiếu tướng không quá 157 người. Đây là điểm mới so với luật hiện hành vì đạo luật thông qua trước đây không quy định "cứng" số lượng trung tướng và thiếu tướng.
Những người có cấp bậc hàm trung tướng, gồm: cục trưởng, tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Những người có cấp bậc hàm thiếu tướng, gồm: cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông (không quá 11); phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương (không quá 3 người).
Bên cạnh đó, cấp bậc hàm thiếu tướng còn dành cho phó cục trưởng, phó tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an (17 đơn vị mỗi đơn vị tối đa 4 người; các đơn vị còn lại mỗi đơn vị tối đa 3 người); phó giám đốc Công an TP Hà Nội và Công an TP HCM (mỗi đơn vị tối đa 3 người)...
Một trong những điểm mới được thông qua tại Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là đưa công an xã trở thành lực lượng thuộc tổ chức của công an nhân dân. Theo đó, có 1.100 xã, thị trấn biên giới được bố trí công an xã chính quy để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp đổi mới, dân chủ
Sau gần một tháng làm việc, sáng 20-11, QH đã họp phiên bế mạc và thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV. Tại kỳ họp, QH đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác; thông qua 4 nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. QH cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá kỳ họp tiếp tục có những đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của QH; việc thảo luận, tranh luận và trách nhiệm giải trình thể hiện dân chủ, trách nhiệm. Đặc biệt, với sự tín nhiệm rất cao, QH đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.
VĂN DUẨN
Theo nld.com.vn
Đề nghị xử lý hành vi tham nhũng trong "chạy" chức, "chạy" quyền Ông Vũ Thanh Bình, Cục Thi hành án Dân sự TPHCM, đề nghị luật cần bổ sung hành vi tham nhũng qua việc "chạy" chức, "chạy" quyền và các loại "chạy" án, "chạy" tội, "chạy" tuổi, "chạy" quy hoạch.. Ngày 20-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự...