Chưa yên tâm với dự Luật Đất đai
Hôm qua, 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Người dân đang chờ đợi những chỉnh sửa quan trọng từ Luật Đất đai (sửa đổi)
Chưa có sở hữu tư nhân
Video đang HOT
Liên quan tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKT) Nguyễn Văn Giàu đã giải trình về đề nghị rất nhạy cảm: bổ sung hình thức sở hữu tư nhân đối với một số loại đất (như đất ở) và đề nghị dùng khái niệm sở hữu Nhà nước thay cho sở hữu toàn dân. Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Thường trực UBKT thấy rằng, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được thực hiện ổn định từ năm 1980 đến nay phù hợp với chế độ xã hội ở nước ta cần được duy trì nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội. Hơn nữa, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với Hiến pháp hiện hành và đường lối của Đảng về đất đai”.
Xung quanh ý kiến nên quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đối với từng loại đất, Thường trực UBKT thấy rằng để định giá đất phải áp dụng nhiều phương pháp khác nhau tùy theo loại đất, thông tin về giá đất thị trường, thu nhập từ việc sử dụng đất. Vì vậy, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể.
Về hạn mức giao đất nông nghiệp – vấn đề được hàng triệu người nông dân quan tâm, UBKT cho biết, thực tế, việc giao đất nông nghiệp chủ yếu đã thực hiện trong giai đoạn trước theo Luật đất đai 1993. Đến nay, có rất ít địa phương còn quỹ đất nông nghiệp để giao. Mặt khác, Luật Đất đai 1993 và 2003 đã quy định khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Vì vậy, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa các quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp trong Luật đất đai 2003 để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật và đời sống của các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Không thể vội vàng
Trao đổi về dự luật, một số thành viên UBTVQH băn khoăn trước hàng loạt vấn đề chưa được làm rõ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm: “Vấn đề hiện đang tắc vẫn là phân định rõ thực chất quyền sở hữu và quyền sử dụng. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì việc định giá phải đặc biệt, không như những tài sản khác và chủ thể quyết định giá phải là Nhà nước. Giao cho tư nhân định giá là không hợp lý”.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu thêm những vấn đề khác cần làm rõ như việc thực hiện các quyền về đất, quy hoạch sử dụng các loại đất cấp các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ phân loại đất giải pháp đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, đặc biệt là giữ đất trồng lúa…
Giải trình thêm những vấn đề UBTVQH nêu, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đang xây dựng, hoàn thiện 5 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Khi trình dự án luật để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới, Chính phủ sẽ trình kèm 5 dự thảo nghị định này. Tới đây, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… “Bộ rất cố gắng song đòi hỏi đột phá mà không thay đổi chủ sở hữu thì không dễ dàng” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Dự luật thể hiện có phần còn đơn giản. Trước nay, Luật Đất đai luôn có nhiều hướng dẫn nhất. Lần này, phải làm sao hạn chế tối đa những nội dung để Chính phủ hướng dẫn… Qua thảo luận ở Quốc hội, có thể thấy dự thảo chưa đạt yêu cầu, mà tiếp thu như thế này thì không có chỉnh sửa gì lớn so với bản đã trình Quốc hội. Cho nên, có ý kiến kiến nghị nếu thông qua Luật này ngay kỳ họp tới e hơi vội. Tôi cho rằng luật này nên thể hiện đầy đủ như Bộ Luật Lao động. Nếu thấy chưa đủ kỹ, chưa đủ sâu thì phải lấy ý kiến nhân dân, chưa vội ban hành… Chúng ta quyết tâm làm nhanh, nhưng không thể vội vàng…”.
Theo ANTD
Cần sớm ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) để giảm khiếu nại tố cáo
Trong ngày làm việc 7-11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đọc Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Đảm bảo sự công bằng trong đền bù đất đai là một trong những cách làm giảm khiếu nại tố cáo
Bất cập trong chính sách
Kết quả giám sát của Quốc hội thời gian qua đã chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến việc KNTC của người dân liên quan đến đất đai. Thứ nhất là sự bất cập, thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai. Giá đất đền bù có những chênh lệch lớn giữa người được đền bù trước, người sau giữa giá của Nhà nước với giá doanh nghiệp và giá thị trường. Đại biểu Thân Đức Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cienco 5 phân tích: "Sự bồi thường 2 giá đất đối với công trình công ích và công thương gây bức xúc cho người dân. Trên một địa bàn, hiện trạng sử dụng đất giống nhau, nhưng nếu là dự án công ích thì chỉ được bồi thường theo giá Nhà nước, còn khi được quyết định là dự án thương mại thì bồi thường với giá đất theo giá thị trường. Trong nhiều trường hợp, hai loại giá này chênh lệch hàng chục lần khiến người dân đi khiếu kiện".
Thứ hai là việc ban hành các quyết định hành chính còn nhiều hạn chế, tồn tại. Thứ ba là do sự thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao che cho các sai phạm. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy từ năm 2003 - 2011 đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, 4.817,8ha đất khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng. Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn ĐBQH Phú Yên thẳng thắn: "Số liệu này cho thấy số cán bộ làm sai, làm trái liên quan đến đất đai là khá nhiều". ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị cần rà soát, đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này, để xem xét xử lý nghiêm minh. Ngoài ra còn do một bộ phận người dân hiểu biết còn hạn chế, ý thức chấp hành chính sách pháp luật về đất đai và khiếu nại tố cáo chưa cao. Ở đây có liên quan tới việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.
Tránh tình trạng văn bản chồng chéo
Giải pháp chính giúp giảm tình trạng KNTC được nhiều ĐBQH kiến nghị là phải sớm ban hành Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị: "Những vấn đề cụ thể đề nghị nên quy định rõ ngay trong luật để hạn chế sự quá tải của các văn bản dưới luật. Rà soát các văn bản và điều chỉnh những nội dung hướng dẫn chồng chéo giữa các văn bản để tạo ra một khung pháp lý thống nhất trong giải quyết các vấn đề". Đồng quan điểm, ĐB Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (Khánh Hòa) nêu ý kiến: "Luật Đất đai lần này cần có những quy định theo hướng cụ thể, và rất chi tiết để khi luật ban hành có thể thực hiện được ngay". ĐB Đặng Đình Luyến cũng đề nghị không nên quy định vấn đề KNTC khởi kiện vào trong Luật Đất đai mà áp dụng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành theo luật này nhằm bảo đảm sự thống nhất trong Luật Đất đai sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang: 3 nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đất đai có nhiều thay đổi (có khoảng 20 luật liên quan), do đó gây khó khăn trong quá trình quản lý và sử dụng Thứ hai, việc tổ chức thực hiện có vấn đề, nhất là khâu thu hồi đất Thứ ba, một bộ phận người sử dụng đất hiểu biết pháp luật hạn chế, dẫn đến bị lợi dụng. Trong đó, nguyên nhân thứ hai là quan trọng nhất, nếu giải quyết được thì sẽ bớt tình trạng khiếu nại tố cáo.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình: Người dân có thể khởi kiện ra tòa
Theo Luật Đất đai trước đây có 2 điều (136 và 138) liên quan đến giải quyết tranh chấp và khiếu nại về đất đai. Theo Điều 136, trường hợp tranh chấp mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 (Điều 50) hoặc tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân thụ lý, nếu không có điều kiện này thì chuyển sang chính quyền giải quyết. Khi xảy ra tranh chấp, người dân có quyền lựa chọn 2 con đường: khiếu kiện hành chính hoặc khởi kiện vụ án.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Khiếu nại về đất đai chiếm 80%
Từ tháng 6 đến 10-2012, Thanh tra Chính phủ đã cùng các bộ, ngành thành lập 28 tổ công tác, kiểm tra các tỉnh, thành phố tồn đọng các vụ việc kéo dài. Phát hiện trong tổng số 528 vụ việc tồn đọng kéo dài thì khiếu nại đất đai có tới 422 vụ việc (chiếm 79,9%). Trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện thu hồi đất là 217 vụ việc, tranh chấp đất đai 115 vụ việc, thậm chí có những vụ việc kéo dài trên 30 năm. Các vụ việc này đã qua nhiều cấp nhiều ngành, và hầu hết đều có 3-4 quyết định hành chính. Muốn chấm dứt tình trạng khiếu kiện vượt cấp cần phải bố trí họp liên ngành giữa các cơ quan có thẩm quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, mời thêm đoàn ĐBQH ở địa phương tham gia để tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị.
Theo ANTD
"Nhiều "ông" có quyền quá nên quản lý đất đai bị chia cắt" "Quản lý đất đai hiện nay đang bị chia cắt quá nhiều. Nhiều "ông" có quyền quá, từ tỉnh đến huyện, nên mọi vấn đề lung tung hết. Có lẽ do chúng ta mở quá lớn quyền nên để lại nhiều hệ lụy mà giờ phải tính bịt lại" - Bộ trưởng TN-MT phát biểu. Chiều 6/11, tại phiên thảo luận ở tổ...