Chưa xác định thời điểm TPHCM vào đỉnh dịch, lường trước tình huống xấu
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, chưa thể xác định thời điểm thành phố bước vào đỉnh dịch, cần lường trước tình huống kéo dài Chỉ thị 16.
Chiều 16/7, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Buổi họp diễn ra trong bối cảnh TPHCM vừa kết thúc 7 ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tại buổi làm việc, phóng viên Dân trí đã đặt 2 câu hỏi cho lãnh đạo Thành ủy TPHCM, về nhận định thời điểm thành phố sẽ đạt đỉnh dịch dựa trên số liệu đang có. Ngoài ra, sau một tuần áp dụng Chỉ thị 16, thành phố đang nghiêng về kịch bản nào trong 3 tình huống dịch bệnh đã được nêu trước đó.
Lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 6 gõ cửa từng phòng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hàng trăm F0 (Ảnh: Hữu Khoa).
Cần lường trước tình huống xấu nhất
Trả lời Dân trí, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết do những số liệu thu thập được những ngày qua có độ trễ nhất định, thành phố chưa đoán định được thời điểm sẽ đạt đỉnh dịch. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM tiếp tục theo dõi các số liệu để đưa ra dự báo tình hình cụ thể hơn.
“Thời điểm này, chúng tôi nhận định tình hình còn phức tạp. Đỉnh dịch sẽ rơi vào thời điểm nào, hay thành phố sẽ đạt đỉnh ở số lượng bao nhiêu”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo (Ảnh: Quang Huy).
Đối với câu hỏi thứ 2, ông Phan Văn Mãi cho biết hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM và cả hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, triệt để Chỉ thị 16 với mong muốn sẽ đạt kết quả cao nhất sau 15 ngày.
Trong số 3 tình huống đặt ra, Ban Chỉ đạo thành phố rất mong muốn có thể đạt được tình huống thứ nhất – đạt kết quả tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, tình hình diễn biến phức tạp, chúng ta cần lường trước khả năng có thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một khoảng thời gian nữa”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, các cơ quan, đơn vị, người dân cần có sự chuẩn bị về tâm lý, kèm theo các giải pháp, phương án phòng, chống dịch Covid-19 một cách chủ động, bình tĩnh, đạt kết quả cao. Đối với cả 3 tình huống, TPHCM đã có kịch bản, kế hoạch ứng phó phù hợp.
Cần tập trung cho công tác điều trị
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết trong trường hợp thành phố xảy ra tình huống xấu sau 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, năng lực điều trị cần được tập trung do số ca trở nặng, cần hồi sức sẽ ở mức cao.
Để hạn chế đến mức thấp nhất ca tử vong, thành phố cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác thu dung, điều trị.
“Chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở để thu dung đến 2.000 bệnh nhân nặng. Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng mô hình điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 4 tầng để giảm tải áp lực cho ngành y thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi thông tin.
TPHCM sẽ sớm áp dụng cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 tại bệnh viện. Trong đó, các F1 sẽ được áp dụng cách ly tại nhà với giải pháp giám sát bằng phần mềm quản lý.
TPHCM sẽ sớm áp dụng phương án cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Các F0 không có triệu chứng sẽ được giám sát, chữa trị tại nhà hoặc tập trung trong cộng đồng. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin dự kiến, chỉ các F0 có triệu chứng, có bệnh nền sẽ được điều trị tại cơ sở y tế.
“TPHCM sẽ xây dựng hệ thống phân phối điều trị kèm quy chế phối hợp cụ thể để đảm bảo các F0 điều trị tại nhà, hoặc điều trị tại cộng đồng kịp thời được đưa đi chữa trị nếu phát sinh tình huống cấp bách”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Những ngày đầu tiên cách ly xã hội, TPHCM đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc cung ứng nhu, yếu phẩm cần thiết, lương thực, thực phẩm cho người dân. Một số khó khăn có thể kể tới trong ngày đầu là những chuyến xe chở hàng hóa về TPHCM lâm vào cảnh ùn ứ tại địa bàn giáp ranh do công tác kiểm soát dịch.
Một số thời điểm, việc ùn tắc vẫn diễn ra tại một số chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 trong địa bàn thành phố. Những ngày gần đây, các phương án mới đã được đưa ra nhằm giảm thiểu và gỡ bỏ những bất cập trên.
Sau một tuần áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 toàn địa bàn, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng. Số ca mắc mới được công bố mỗi ngày có xu hướng tăng dần những ngày gần đây.
Từ ngày 9/7 đến hết ngày 14/7, số bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố tại TPHCM là 12.427 trường hợp. Trong đó, hầu hết bệnh nhận được phát hiện trong khu cách ly, vùng phong tỏa.
Sở Y tế TPHCM: Chưa vỡ trận chống dịch, không cách ly, điều trị F0 tại nhà
Dịch Covid-19 đang bùng phát trên địa bàn TPHCM, ca dương tính phát hiện mỗi ngày lên tới 4 con số. Ngành y tế đang nỗ lực, khi chưa bị vỡ trận chống dịch thì không cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Đó là nội dung được PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin trong cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19, diễn ra tối 10/7.
Theo ông Thượng, hiện nay ngành y tế thành phố đã liên tiếp mở rộng quy mô các cơ sở cách ly, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo các mức độ từ không có triệu chứng đến bệnh nhẹ, bệnh nặng và bệnh nhân nguy kịch.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM cung cấp thông tin tại buổi họp báo.
Sẽ tranh thủ thời gian giãn cách để vét hết F0 trong cộng đồng
Thành phố đã triển khai thí điểm phương án cách ly F1 tại nhà theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quận 3, Phú Nhuận. Sắp tới số ca F1 cách ly tại nhà sẽ tiếp tục được mở rộng với những đối tượng đủ điều kiện đáp ứng. Các trường hợp không đủ điều kiện theo quy định mới phải chuyển đến cách ly tập trung.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, công tác thu dung, tiếp nhận điều trị các ca bệnh F0 đang được thực hiện với mục tiêu đảm bảo an toàn trong công tác điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm. Ngành y sẽ tranh thủ thời gian giãn cách để vét hết F0 trong cộng đồng.
Phương án cách ly, điều trị F0 tại nhà đã được nhiều quốc gia triển khai khi dịch bùng phát mạnh. Ngành y tế thành phố đang nỗ lực, tiếp nhận, điều trị tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.
Ông Thượng khẳng định: "Khi chưa bị vỡ trận chống dịch thì thành phố sẽ không cách ly, điều trị F0 tại nhà".
Ngành y tế đang huy động tối đa lực lượng cho công tác chống dịch lớn nhất trong lịch sử (Ảnh: Nguyễn Quang).
Công tác điều trị vẫn đảm bảo cho các ca bệnh nặng
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca bệnh đang tăng nhanh, ngành y tế thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân, tăng số giường điều trị lên 50.000 trong thời gian tới.
Ngành y tế đã chuyển công năng nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện sang điều trị Covid-19. Hai cơ sở mới được điều động cho công tác điều trị ca bệnh nặng là Bệnh viện Nhân Dân 115 - đảm trách chuyên môn 250 giường hồi sức tại bệnh viện huyện Bình Chánh; Bệnh viện Nhân Dân Gia Định - đảm trách chuyên môn 150 giường bệnh điều trị các ca Covid-19 nặng tại Bệnh viện quận Gò Vấp.
Nhìn nhận thẳng vào thực tế đang diễn ra, Phó giám đốc Sở Y tế chia sẻ: "Chưa bao giờ ngành y tế TPHCM phải huy động tối đa lực lượng phục vụ công tác chống dịch như hiện nay. Việc chuyển công năng nhiều bệnh viện, tập trung vào điều trị Covid-19, đang tạo ra các xáo trộn nhất định trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung. Ngành y tế đang cố gắng điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới".
Lực lượng y tế đang căng mình trên mọi trận tuyến trong cuộc chiến điều trị Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Quang).
Hiện nay, Bộ Y tế đã có quyết định điều động nhân sự, hỗ trợ nhân lực rất lớn của các tỉnh phía Bắc giúp TPHCM chống dịch. Sở Y tế sẽ giải quyết được phương án khó khăn về nhân sự trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian tới.
Theo phân tích của ông Tăng Chí Thượng, biến chủng Delta có diễn biến hết sức phức tạp, trong vòng một ngày - người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến nguy hiểm hơn. Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời ứng biến.
Một khu nhà trọ được khử khuẩn để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Quang).
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về khả năng đáp ứng về trang thiết bị y tế phục vụ công tác chuyên môn trong điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Tăng Chí Thượng cho biết: "Đến nay, lượng oxy của thành phố đang rất lớn có thể đáp ứng tốt. Chúng tôi đã có phương án chủ động nâng công suất đáp ứng oxy trong thời gian tới. Tình trạng thiếu oxy chắc chắn không xảy ra ở thành phố. Vừa qua, thành phố cũng đã nhận được nhiều máy thở, trang thiết bị y tế nên công tác điều trị vẫn đảm bảo cho các ca bệnh nặng".
Lập Sở chỉ huy phòng chống COVID-19 TP.HCM do chủ tịch TP.HCM làm chỉ huy trưởng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa ra quyết định thành lập Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM hoạt động 24/24 nhằm đưa ra kế hoạch, biện pháp phòng dịch trên địa bàn TP. Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM gồm 16 thành viên. Trong đó, có 1 chỉ huy trưởng, 1 phó chỉ huy thường trực, 7...