Chưa xác định nguyên nhân sụt lún tại hồ thủy lợi Ea Mrông
Ngày 22/10, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra vụ sụt lún nghiêm trọng tại công trình hồ thủy lợi Ea Mrông, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Thân đập công trình hồ thủy lợi Ea Mrông sụt lún kéo dài (Ảnh: Tiền Phong).
Theo Chi cục Thủy lợi & Phòng chống bão lụt tỉnh Đắk Lắk, công trình thủy lợi Ea Mrông có dung tích 147.000m3, có công năng tưới tiêu cho khoảng 200 ha cà phê và 50 ha lúa nước cho người dân địa phương. Công trình do UBND thị xã Buôn Hồ làm chủ đầu tư, được thi công vào năm 2009 đến năm 2011 thì nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng chưa lâu thì xảy ra sự cố.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Tiến San – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & Phòng chống bão lụt tỉnh Đắk Lắk – cho biết, sau khi nhận được tin báo, ngày 18/10, Chi cục đã phối hợp với UBND thị xã Buôn Hồ, UBND xã Ea Đrông tiến hành kiểm tra hiện trạng sự cố công trình. Tại hiện trường, đập thủy lợi này bị nứt nẻ hoàn toàn, sụt lún gần như toàn bộ đập, trong đó vị trí sụt lún nặng nhất là gần giữa dòng suối và cống lấy nước. Thân đập bị biến dạng hoàn toàn, chiều dài hư hại khoảng 150 – 200 mét.
Video đang HOT
Trước tình hình trên, cơ quan chức năng đã đào sâu tràn xả lũ hạ mực nước xuống khoảng 2 mét nhằm tránh nguy cơ vỡ đập. Tuy nhiên, sự cố này đã gây thiệt hại khoảng 5ha lúa của bà con địa phương canh tác ở lân cận và do bị hư hại nặng nề nên vụ Đông Xuân sắp tới (tháng 12 đến tháng 4 năm sau) hồ thủy lợi này được dự báo là không thể đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.
Sau khi kiểm tra hiện trạng sự cố, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & Phòng chống bão lụt tỉnh Đắk Lắk – Phạm Tiến San đã đặt ra 2 giả thiết về sự cố sụt lún đất xảy ra tại hồ thủy lợi Ea Mrông. Sự cố có thể do móng đắp đập đào chưa hết phần bùn ở dưới, khâu xử lý móng chưa tốt. Bên cạnh đó, qua quan sát bằng mắt thường, dung trọng đắp đập chưa thực sự đảm bảo.
Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân gây sụt lún đập, ông San cho rằng, cần phải cho khoan lấy mẫu đất để kiểm tra nền địa chất, đồng thời kiểm tra dung trọng đất đắp đập có đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế hay không.
“Nếu thiết kế sai thì thiết kế phải chịu trách nhiệm, nếu thi công sai thì thi công phải chịu, còn chủ đầu tư theo Nghị định 15 thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”, ông San nói.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi & Phòng chống bão lụt tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, hiện đơn vị đang có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương xử lý tạm thời sự cố nói trên. Trong khi đó, các đơn vị liên quan đang thống kê cụ thể mức thiệt hại để có phương án đền bù cho người dân.
Thủy Nguyên
Theo Dantri
Gần 900 hộ dân có nguy cơ bị "thủy thần" cuốn trôi
Sáng 21/10, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị vừa có chuyến khảo sát tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao ở 6 huyện và thành phố trong tỉnh. Qua đó cho thấy, có đến 54 điểm có nguy cơ sạt lở, với chiều dài hơn 88.000m.
Nhiều điểm chợ và khu dân cư ở ven sông có nguy cơ sạt lở cao
Từ năm 2009, tỉnh đã lập các dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở tại những điểm xung yếu như khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; khu vực chợ xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi..., nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ sông, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, các dự án trên vẫn chưa được phê duyệt vì lý do thiếu vốn.
Một lãnh đạo Chi cục Thủy Lợi tỉnh Cà Mau cho biết, tại 54 điểm có nguy cơ sạt lở nói trên có 14 điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, tập trung tại các chợ và khu dân cư ở ven sông, với chiều dài gân 25.000m. Có 884 hộ dân có thể bị nước cuốn trôi bất cứ lúc nào, nhiều nhất là huyện Năm Căn với 560 hộ, Ngọc Hiển 459 hộ, Đầm Dơi 165 hộ...
Tuấn Thanh
Theo Dantri
Đổ vấy cho nhau, chỉ dân chịu thiệt Trong vòng nửa tháng gần đây, người dân miền Trung liên tiếp gánh chịu tổn thất nặng nề từ 2 cơn bão có cường độ mạnh, gây lũ lụt khắp nơi. Song, ngoài yếu tố thiên tai, một phần lũ ngập tràn các tỉnh miền Trung hiện nay phải kể đến việc các hồ chứa ồ ạt xả lũ. Dự báo chưa sát...