Chưa xác định chính xác nguyên nhân cháy xe
Ngày 14-1, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cùng Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã có kết luận sơ bộ về các nguyên nhân gây cháy xe trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn chưa xác định được
Sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM giao nhiệm vụ nghiên cứu nguyên nhân xảy ra hàng loạt vụ cháy ô tô, xe máy vừa qua, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã có những kết luận sơ bộ về vấn đề này. Theo đó, khả năng tự cháy của xe máy liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ, cho dù không có rò rỉ xăng.
Loại trừ nguyên nhân từ methanol, acetol
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu Trường Đại học Bách khoa TPHCM, TS Huỳnh Quyền cho biết dựa theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại trung tâm thì khả năng tự cháy nổ của methanol hay nhiên liệu xăng pha nhiều methanol là hoàn toàn không thể xảy ra.
Các nhà khoa học đã nung nóng một chén kim loại từ 100C -500C, sau đó cho từng giọt các mẫu xăng A92 có hàm lượng methanol, acetol thay đổi từ 10% đến 30% vào chén inox. Kết quả thí nghiệm cho thấy trong tất cả các mức nhiệt độ, các mẫu xăng A92 đều không bốc cháy.
Các nhà khoa học đang tiến hành các thực nghiệm để tìm nguyên nhân có thể gây cháy xe. Ảnh nhỏ: Một vụ cháy xe mới nhất xảy ra vào chiều 13-1 ở Hà Tĩnh. Ảnh: Chánh Trung – NguoiHaTinh
Nhưng TS Huỳnh Quyền cho biết những kết quả nghiên cứu thực nghiệm khác cho thấy sự phá hủy (hòa tan) vật liệu bằng nhựa, polymer đã xảy ra khi nhiên liệu có hàm lượng methanol cao… Bên cạnh đó, nhiên liệu với hàm lượng methanol từ 15% trở lên cũng có khả năng ăn mòn các vật liệu đồng, kẽm, thép. Tuy nhiên, về tốc độ phá hủy vật liệu của methanol cần phải có thời gian thử nghiệm thêm. Từ kết quả thí nghiệm bước đầu này, các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng nhiên liệu chứa methanol cao có thể là nguyên nhân làm rò rỉ nhiên liệu trong quá trình vận hành xe. Nếu sự rò rỉ nhiên liệu này kết hợp với một số yếu tố khác như ôxy hoặc nguồn nhiệt khác có thể gây cháy xe.
Video đang HOT
Nguy hiểm từ bình chứa nhiên liệu!
TS Huỳnh Quyền cho biết thêm, cũng không có hiện tượng nổ khí khi tăng dần hàm lượng cồn (methanol, ethanol) trong nhiên liệu xăng. Tuy nhiên, khi tiến hành thu thập kết quả thực nghiệm về khả năng tự bốc cháy của nhiên liệu xăng có pha thêm ethanol và methanol cho thấy trong trường hợp bình chứa nhiên liệu của động cơ cạn (còn khoảng 5% so với dung tích của bình chứa) thì phần không gian trên bề mặt của lớp nhiên liệu sẽ hình thành hỗn hợp bão hòa hydro carbon. Hỗn hợp này có thể tự cháy nổ.
Quá trình này thường xảy ra ở nhiệt độ thấp nên cũng trùng hợp với phần lớn vụ cháy xe đã xảy ra ở khu vực miền Bắc (khí hậu lạnh) và ngay cả khi phương tiện không hoạt động (nhiệt độ động cơ ở trạng thái nguội). “Tuy nhiên, để khẳng định thêm nguyên nhân này, chúng tôi cần thêm thời gian để thực hiện các thực nghiệm để tạo mô hình bình chứa xăng và thử nghiệm các trạng thái khác như nhiệt độ, mức độ cạn của bình chứa…” – TS Huỳnh Quyền cho biết.
Cháy do quá nhiệt, xăng có chỉ số octan thấp
Đại diện Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Động cơ đốt trong Trường Đại học Bách khoa TPHCM, ThS Trần Đăng Long và ThS Huỳnh Thanh Công cho biết có thể xác định khả năng tự cháy của xe máy có liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ của xe, cho dù có hay không có rò rỉ xăng. Theo nhóm nghiên cứu, để có thể gây cháy xe, cần 3 yếu tố là ôxy, chất cháy (xăng bị rò rỉ) và nguồn nhiệt. Nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm khả năng cháy xe do động cơ quá nhiệt.
Theo các nhà khoa học, các xe bị cháy gần đây đa phần là xe có hệ thống giải nhiệt bằng chất lỏng hoặc bằng nước kết hợp với gió. Khi xảy ra sự cố trong hệ thống làm mát (không đủ nước làm mát, lấy gió không tốt…) hay có sự cố trong hệ thống bôi trơn… sẽ gây ra hiện tượng quá nhiệt của động cơ. Một số loại xe sử dụng IC không tốt, không có khả năng điều chỉnh góc đánh lửa sớm theo tốc độ động cơ cũng gây ra hiện tượng này và khi gặp các yếu tố như ôxy, xăng bị rò rỉ thì sẽ sinh ra cháy.
Một nguyên nhân gây cháy nữa có thể xảy ra là do hiện tượng ngắn mạch, quá tải ở hệ thống điện nhưng hệ thống điện không tự bảo vệ được. Đối với sự cố ở hệ thống khởi động, cầu chì không đúng, đấu nối thêm các hệ thống điện… khiến hệ thống điện tạo ra nguồn nhiệt lớn gây cháy.
Ngoài ra, các nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Động cơ đốt trong cũng cho biết các xe máy đời mới, đặc biệt là xe tay ga (bị cháy nhiều gần đây) có tỉ số nén cao, nếu sử dụng xăng có chỉ số octan thấp có thể tạo ra hiện tượng kích nổ và nhiệt độ động cơ tăng cao, kết hợp với một số yếu tố thuận lợi khác nữa thì hoàn toàn có thể gây cháy.
Cần nghiên cứu thêm
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho biết qua những nghiên cứu vừa rồi của Trường Đại học Bách khoa TPHCM thì có thể thấy nguyên nhân chính xác gây cháy xe vẫn chưa thể kết luận được. Có thể khẳng định các vụ cháy xe vừa qua có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau và các kết quả của Trường Đại học Bách khoa TPHCM chỉ mới là kết quả sơ bộ. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu thêm để tìm rõ nguyên nhân gây ra cháy xe. PGS-TS Phan Minh Tân cho biết trước mắt, người dân nên đổ xăng tại các cửa hàng xăng dầu lớn, uy tín, không “độ” thêm xe hay sử dụng chất phụ gia…
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, sẽ yêu cầu thêm nhiều đơn vị nghiên cứu khác như các trường đại học, viện nghiên cứu ở phía Bắc vào cuộc để hỗ trợ nghiên cứu tìm ra nguyên nhân cháy xe. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ yêu cầu các nhà sản xuất xe máy tham gia quá trình điều tra tìm hiểu nguyên nhân gây cháy xe.
TS Huỳnh Quyền cho biết đang triển khai tiếp tục thực nghiệm các khả năng gây cháy xe khác. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đang tiến hành thực nghiệm với một mẫu phụ gia pha vào xăng được bán trôi nổi trên thị trường TPHCM để xác định xem việc pha các loại phụ gia như vậy có thể gây cháy nổ xe hay không.
Theo Giáo dục VN
Chính phủ yêu cầu nhanh chóng tìm nguyên nhân cháy xe
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các bộ ngành phải sớm tìm ra nguyên nhân cháy nổ xe, có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Báo cáo Chính phủ chiều 9/1/2012 về tình trạng liên tiếp cháy nổ xe trong thời gian gần đây, đại diện Bộ Công an cho biết: Theo số liệu từ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, năm vừa qua (từ 01/12/2010 đến 18/12/2011), riêng Hà Nội xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy. Tuần đầu tiên của năm 2012 cũng liên tục ghi nhận các vụ cháy nổ mới.
Nếu tính trên cả nước thì từ đầu năm 2011 đến nay, đã xảy ra tới 89 vụ cháy xe, trong đó rộ lên vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Trong đó 50 vụ cháy xe ô tô và 39 vụ cháy xe máy. Xe bị cháy nổ gồm nhiều kiểu loại và nhãn hiệu khác nhau, địa bàn xảy ra cháy nổ không tập trung mà trải rộng trên phạm vi cả nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe máy như bị va chạm, chập điện, hỏa hoạn tại khu để xe, yếu tố hình sự và chủ xe cố ý đốt xe. Tuy nhiên, các vụ cháy xe máy chưa rõ nguyên nhân chiếm đến 72%. Tương tự, số vụ cháy xe ô tô không tìm ra nguyên nhân là 25/50, chiếm tới 50% số vụ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Ngay sau khi liên tiếp xảy ra cháy xe, lãnh đạo Bộ GTVT đã giao cho Cục Đăng kiểm VN kiểm tra lại hoạt động tại các trạm đăng kiểm, hồ sơ các xe bị cháy. Đặc biệt lưu ý hoạt động của các trạm đăng kiểm được xã hội hóa nhưng cũng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường. Các xe ô tô bị cháy nổ sau khi được kiểm tra hồ sơ đều thấy tình trạng tốt. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất ô tô như Honda, Toyota nhưng cũng chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đại diện các hãng trên đều hợp tác tốt và cam kết sẽ tập trung tìm nguyên nhân.
Đại diện Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng khẳng định: Trước dư luận cho rằng nguyên nhân do chất lượng xăng dầu, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tăng cường kiểm tra các cây xăng nói chung và khu vực bán xăng cho các xe đã bị cháy nổ, đặc biệt lấy mẫu xăng trên xe bị cháy còn lại trong bình để nghiên cứu. Việc kiểm tra nhằm xác định xem xăng có các chất như metanol, acetone hay phụ gia khác thường hay không.
Trước đó, Tổng cục cũng đã thu thập nhiều mẫu xăng nhưng chưa thấy có điểm đặc biệt. Chỉ có một mẫu xăng có hàm lượng metanol đến 15,3% thể tích, cao quá mức cho phép nhưng không có thông tin xe bị cháy nổ mua xăng ở cửa hàng này. Tiếp đó Bộ KH&CN cũng có nhiều những biện pháp như thanh tra, kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Đồng thời gửi văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm VN yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe ô tô, xe máy cung cấp trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu về các chất phụ gia có khả năng gây cháy nổ...
Chưa thể khẳng định cháy nổ xe máy liên quan tới chất lượng xăng dầu
Theo Tổng cục PCCC (Bộ Công an), công tác điều tra nguyên nhân đã được khẩn trương tiến hành nhưng hiện tại cũng chưa đi đến một kết luận chính thức. Đơn vị này cũng mong muốn các cơ quan chuyên ngành, nghiên cứu, tìm nguyên nhân để phối hợp điều tra. Trước mắt, Tổng cục sẽ chuẩn bị các khuyến cáo để người tiêu dùng tự bảo vệ tính mạng và tài sản một cách hữu hiệu nhất.
Cần một giải pháp đồng bộ từ các bên liên quan
Sau khi nghe báo cáo từ đại diện các Bộ, ngành về tình hình thực tế cũng như các nguyên nhân và giải pháp trước mắt nhằm hạn chế tình trạng cháy xe cơ giới liên tiếp trong thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành cần chủ động phối hợp, có những giải pháp đồng bộ, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tránh gây hoang mang dư luận.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xem xét lại công tác đăng kiểm và hậu kiểm; Bộ KH&CN phải kiểm tra chất lượng xăng dầu, xem lại các tiêu chuẩn quy định; Bộ Công thương rà soát lại các đơn vị kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Tất cả những trường hợp vi phạm phải đình chỉ, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh. Đặc biệt cần xử lý và loại bỏ hoàn toàn các điểm bán xăng lẻ trên vỉa hè vì đây là môi trường phát tán xăng không đạt chất lượng. Phó Thủ tướng yêu câùTổng cục Phòng cháy chữa cháy phối hợp với các Bộ, ngành sớm điều tra nguyên nhân, trước mắt cần hướng dẫn cảnh báo người dân đề phòng những tai nạn đáng tiếc...
Theo Giáo Dục VN
Hà Nội: Xe SH lại bốc cháy nghi ngút Vào hồi 18h chiều nay (9/1), khi chị Nguyễn Thị Lý đang đi từ Thành Công đến đường Nguyễn Chí Thanh, (Hà Nội), bất ngờ chiếc xe SH bốc cháy nghi ngút. Chị Nguyễn Thị Lý ở tổ 31 Nghĩa Đô (Cầu Giấy), chủ nhân của chiếc xe Honda SH mang biển số 29V4-0433 bị cháy cho biết: Chiếc xe mua cách đây...