Chữa vô sinh: Đừng để quá muộn
Khoảng 15% cặp vợ chồng bị vô sinh nhưng mới chỉ 1-3% các cặp đi chữa trị. Và họ chỉ đến bệnh viện khi đã qua cửa nhiều ông bà lang, và đến bệnh viện khi đã quá muộn.
Đó là thông tin TS Vương Văn Vệ – Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cung cấp.
“Tử” nghiệp
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh Thọ – chị Măng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) rụt rè chia sẻ câu chuyện của mình với bác sĩ. Anh chị lấy nhau đã 5 năm nhưng chưa có con. Chị đã nhiều lần đi đến các thầy lang để bốc thuốc uống nhưng vẫn không có kết quả. Trong khi đó, cả nhà chồng chị đều đổ tại chị “bé nhỏ, gầy yếu” nên không thể có con.
Động viên mãi, chồng chị mới theo vợ lên bệnh viện khám. Kết quả: Tinh dịch đồ của anh Thọ rất xấu, hầu như không có tinh trùng khỏe, nếu có thì cũng méo mó, cụt đuôi, rất khó có con. Hỏi ra mới biết anh Thọ nghiện cả rượu lẫn thuốc lá – hai yếu tố không có lợi cho tinh trùng phát triển. Ngoài kê đơn, bốc thuốc, các bác sĩ khuyên anh tuyệt đối phải bỏ rượu và thuốc lá mới hy vọng có con một cách “tự nhiên”.
TS Vương Văn Vệ (giữa) tư vấn cho một phụ nữ bị hiếm muộn.
Chồng chị Hằng (thị trấn Phúc Yên, Vĩnh Phúc) làm nghề thợ rèn. Việc anh phải thường xuyên “áp sát” lò rèn nóng nực cũng là một trong những nguyên nhân khiến các “chiến binh” lay lắt. Bác sĩ phải dùng kỹ thuật hiện đại tìm những hạt giống khỏe để cấy cho vợ anh. Hiện chị đã có tin vui.
“Việc sử dụng các chất kích thích, rượu, thuốc lá và môi trường nghề nghiệp độc hại là nguyên nhân khiến cho sức chiến đấu của đàn ông yếu đi và tinh binh cũng què quặt, khiến nguy cơ vô sinh ngày càng lớn” – TS Vệ cho biết. Theo TS Vệ, tuy chưa có nghiên cứu chính xác nhưng việc sử dụng các hóa chất trên đồng ruộng, sử dụng thực phẩm không an toàn cũng khiến nông dân dễ bị vô sinh.
Sai lầm trong chữa trị
Video đang HOT
Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội có từ 30-60 cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn, chủ yếu ở ngoại tỉnh. Tuy nhiên, theo TS Vệ, các cặp vợ chồng sau 1-2 năm chưa có con thường đi tìm các thầy lang bốc thuốc Đông y uống, “cùng đường” họ mới đến bệnh viện. Chính vì thế, nhiều trường hợp đã muộn để có thể can thiệp.
“Những căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình điều trị vô sinh có thể là con dao hai lưỡi, khiến cho cả nam và nữ khó thụ thai. Càng đi khám sớm, điều trị sớm thì cơ hội có được hạnh phúc làm cha mẹ càng lớn” .
Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng khám hiếm muộn chùa Cảm Ứng, Hội Đông y Hà Nội) cho biết: “Việc uống thuốc Đông y chỉ phù hợp với những người sinh lý yếu, ít tinh trùng đối với đàn ông lạc nội mạc, “lạnh” tử cung gây khó thụ thai đối với phụ nữ.
Còn các sai lệch về thực thể như lộ tuyến tử cung, tắc vòi trứng, tắc ống dẫn tinh… thì đều cần can thiệp ngoại khoa. Nếu các cặp vợ chồng vô sinh do bộ phận sinh sản bị khiếm khuyết mà uống thuốc Đông y sẽ không có kết quả.
Đối với các cặp vợ chồng đến chữa hiếm muộn, lương y Trung đều yêu cầu họ phải làm kiểm tra tổng thể về chức năng sinh sản của vợ chồng, làm tinh dịch đồ… để xem uống thuốc Đông y có hợp hay không mới nhận chữa.
TS Vệ cho biết, chữa vô sinh là một quá trình dài, cần cả sự kiên nhẫn và đồng tâm, “hợp lực” của cả hai vợ chồng. Người vợ và người chồng phải kiên nhẫn và động viên lẫn nhau. Đồng thời, nếu hai vợ chồng quan hệ tình dục bình thường, trong vòng 1 năm mà không thụ thai thì xem như hiếm muộn, nếu 2 năm không có con là vô sinh.
Vì thế, cần nhanh chóng đi làm xét nghiệm, chiếu chụp để biết rõ về bệnh tình, thực trạng của mình, lúc đó mới tìm thầy, tìm thuốc. Không nên uống bất cứ loại thuốc gì khi chưa biết nguyên nhân gây vô sinh của hai vợ chồng
Diệu Linh
Theo Dân Việt
Bệnh viện huyện Yên Thành sai quy trình
Liên quan đến cái chết của chị Trần Thị Ngọc (31 tuổi, trú tại Hòn Nen, xã Mã Thành, Yên Thành), GĐ Sở Y tế Nghệ An khẳng định với Dân trí rằng: Cái sai nhận thấy rõ nhất của BVĐK huyện Yên Thành là làm sai quy trình.
GĐ và PGĐ BVĐK Yên Thành làm việc với PV
Sẽ xử lý nghiêm
Chiều ngày 13/3/2012, trả lời PV báo điện tử Dân trí về vụ việc "Một phụ nữ tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh", Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, ông Phạm Văn Thanh khẳng định: "Việc làm của BVĐK huyện Yên Thành sai là quá rõ ràng. Cái sai của BVĐK huyện Yên Thành nhận thấy rõ nhất đó là làm sai quy trình".
Trước mắt, Sở đã yêu cầu niêm phong lọ thuốc thứ 3 để kiểm tra và sẽ làm rõ các vấn đề như: các bác sỹ trong ca khi tiêm cho chị Ngọc có thử phản ứng trước khi tiêm không? Lọ thuốc này (lọ thuốc tiêm cho chị Ngọc - PV) có phải là lọ thuốc chuẩn không? Kỹ thuật và tốc độ tiêm lúc đó như thế nào? Tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp? Vấn đề nữa phải làm rõ là tại sao bệnh nhân lại tai biến ở ngày thứ 3, sau khi đã được tiêm 2 ngày rồi.
Ông Phạm Văn Thanh cho biết khi có kết luận thanh tra, ai sai sẽ kỷ luật thích đáng, không bao che, biện minh.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng chuyện sốc phản vệ do thuốc thì hầu như ở đâu cũng có nhưng những loại thuốc dễ gây sốc phản vệ thì phải được thử phản ứng trước khi tiêm cho bệnh nhân. Trong đó, ZEFPOCIN Cefotaxime là một loại thuốc có tỷ lệ phản ứng khá cao cao.
Báo cáo sự việc chị Ngọc sau khi tiêm thuốc dẫn đến tử vong.
Chúng tôi đã làm hết mình
Về phía bệnh viện, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc bệnh viện ĐK huyện Yên Thành, cho biết: "Chị Ngọc không phải là bệnh nhân mà là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân. Khi bị sốt và ho, người nhà đã nhờ bác sỹ Nguyễn Văn Diện, Phó Chủ nhiệm khoa Nhi - Cấp cứu khám và cho đơn. Bác sỹ hỏi có nhập viện để điều trị không thì chị Ngọc đã từ chối. Bác sỹ cũng đã cho chị Ngọc đi xét nghiệm và kê đơn thuốc kháng sinh ZEFPOCIN Cefotaxime. Đây là thuốc do Công ty Dược phẩm Trung ương 1 sản xuất được bán tại Cửa hàng của Công ty Dược Yên Thành hợp đồng với Bệnh viện bán trong khuôn viên bệnh viện.
Hai mũi tiêm vào ngày 6/3, chị Ngọc vẫn bình thường, tình hình sức khỏe có đỡ hơn. Ngày 7/3, khi y tá của khoa Nhi - Cấp cứu tiêm mũi thứ 3, chưa rút kim ra thì chị Ngọc đã bị sốc phản vệ. Y, bác sỹ khoa cấp cứu - Nhi đã kịp thời tiến hành cấp cứu, dùng thuốc chống sốc phản vệ, đặt nội khí quản... nhưng không cứu được. Chúng tôi cũng đã xin ý kiến của Bệnh viện Nhiệt đới trong việc sử dụng liều lượng thuốc chống sốc nhưng do trường hợp này muộn nên không thể cứu được. Đây là sự việc đáng tiếc, bất khả kháng nhưng bệnh viện đã làm hết trách nhiệm của mình".
Sau khi xảy ra cái chết đột ngột của chị Trần Thị Ngọc, Bệnh viện đã giữ vỏ thuốc và tiến hành kiểm kê lô thuốc nói trên. Trong lô thuốc này thì chị Ngọc đã mua 9 lọ, một bệnh nhân khác mua 6 lọ. Thuốc vẫn còn hạn sử dụng.
Chị Ngọc ra đi để lại cho chồng 4 đứa con nhỏ rất cần sự giúp đỡ của mọi người.
Giải thích về việc không chị Ngọc không phải là bệnh nhân của bệnh viện nhưng vẫn được bác sỹ kê đơn cho thuốc và được y tá tiêm thuốc, ông Nguyễn Duy Chính,- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Thành, cho biết: "Chị Ngọc đang đi chăm sóc 2 con nhỏ điều trị bệnh viêm phổi. Nếu nhập viện điều trị thì mẹ nằm khoa Nội, con nằm ở khoa Nhi - Cấp cứu sẽ phiền hà cho bệnh nhân. Bởi vậy, khi chị Ngọc có lời nhờ thì các bác sỹ "tiện thể" nên giúp luôn".
Về việc bệnh nhân sau khi tử vong, phía bệnh viện hoàn toàn không có động thái nào, ông Hạnh cho rằng, sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện đã cho xe chở nạn nhân về nhà tuy nhiên người nhà không chấp nhận.
"Chúng tôi biết gia đình chị Ngọc hết sức khó khăn, 4 đứa con còn quá nhỏ nhưng nếu bệnh viện đến thăm hỏi và hỗ trợ vào lúc này sẽ gây hiểu lầm cho người nhà nạn nhân. Họ sẽ nghĩ chắc bệnh viện có sai thì mới như thế. Đây là vấn đề nhạy cảm nên bệnh viện chưa thăm hỏi gia đình chị Ngọc được. Sắp tới, chúng tôi sẽ có ý kiến lên huyện trong việc hỗ trợ gia đình chị Ngọc và vận động tập thể cán bộ y, bác sỹ trong bệnh viện đóng góp, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. Việc này hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng chứ không phải vì bệnh viện đã sai nên làm thế", ông Hạnh cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo của Bệnh viện Đa khoa Yên Thành thì đơn vị này đang làm báo cáo gửi Sở y tế Nghệ An về nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Trần Thị Ngọc.
Sáng nay 14/3, lãnh đạo BVĐK huyện Yên Thành sẽ có buổi giải trình sự việc với Sở Y tế Nghệ An.
Nguyễn Duy - Quang Anh
Theo Dân trí
Một phụ nữ tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh Chị Ngọc đi chăm sóc tại bệnh viện, bị đau bất ngờ nên được các bác sỹ tiêm thuốc. Tuy nhiên, sau khi tiêm, chị đã vĩnh viễn ra đi trước sự ngỡ ngàng của người thân. Sau khi tiêm thuốc này, chị Ngọc đã ra đi vĩnh viễn Nạn nhân của vụ việc hy hữu nói trên là chị Trần Thị Ngọc...