Chưa thực sự nhận trách nhiệm
Đến bây giờ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà mới có lời xin lỗi, tiếc rằng lời xin lỗi đã quá muộn màng, chỉ mang tính xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm.
Cư dân chung cư Linh Đàm (Hà Nội) xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe téc
Mãi hơn nửa tháng sau khi 250.000 hộ dân ở Hà Nội khốn khổ vì phải ăn uống, tắm giặt bằng nước bẩn, rồi bị cúp nước, vất vả xếp hàng nhận từng thùng nước và phải tốn kém tiền mua nước bình để có nước ăn uống, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà mới đăng thông cáo trên mạng nội bộ của doanh nghiệp, gửi lời xin lỗi người dân, cầu mong được lượng thứ và xin miễn tiền nước 1 tháng trong thời gian xảy ra sự cố.
Công ty cam kết sẽ có các phương án ứng phó cho tất cả tình huống khẩn cấp tương tự và nêu: “Là một doanh nghiệp, chúng tôi ý thức rằng sự lo lắng của khách hàng và sự hoang mang của người dân mới là tổn thất lớn nhất”.
Sự cố đã được khắc phục, những ngày khốn khổ đã qua đi, nên nỗi bức xúc của người dân vùng bị ảnh hưởng do sự cố này đã dịu. Nhưng sự việc này chưa thể khép lại. Thiệt hại do sự cố này rất lớn, không chỉ là sự lo lắng, hoang mang, mệt mỏi, khốn khổ của người dân, mà còn là tác hại về sức khỏe khi đã phải ăn uống, tắm giặt bằng nước bẩn độc hại.
Và còn phải kể đến thiệt hại cho sản xuất ở các ngành nghề chăn nuôi, chế biến thực phẩm, dược phẩm… do nguyên liệu nước nhiễm bẩn. Cho dù cơ quan điều tra đã điều tra, khởi tố những kẻ chủ mưu đổ trộm dầu nhớt thải gây nhiễm bẩn nguồn nước, nhưng Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà không hề vô can như trước đó lãnh đạo công ty này đã bao biện, cho rằng chính công ty là “đơn vị bị thiệt hại nặng nhất”, để nhất quyết từ chối xin lỗi dân.
Video đang HOT
Làm sao vô can được khi dù đã biết nguồn nước đầu vào bị nhiễm bẩn độc hại, nhưng công ty không có các phương án ứng phó và cũng không thông báo cho khách hàng, vẫn cung cấp nước không phải là nước sạch, gây nhiễm bẩn đường ống và gây hại cho khách hàng. Cũng qua sự cố này cho thấy, công nghệ của Nhà máy nước sông Đà đã lỗi thời, không có hệ thống quan trắc tự động và không có hệ thống xử lý Nano.
Dù nguyên do gì, việc nhà sản xuất thực phẩm chế biến, nhà hàng, quán ăn bán thực phẩm cho khách hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh là vi phạm pháp luật và phải chịu các biện pháp chế tài. Việc cung cấp nước nhiễm bẩn độc hại cho cả triệu người dân ăn uống, tắm giặt còn nặng tội hơn nhiều, vậy mà trước đó hai lãnh đạo Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà đã nhất quyết không chịu xin lỗi.
Nói về việc này, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà (đại diện cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước) đã khẳng định, đó là hành xử hết sức vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết. Đến bây giờ Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà mới có lời xin lỗi, tiếc rằng lời xin lỗi đã quá muộn màng, chỉ mang tính xoa dịu dư luận, chứ không thực sự nhận trách nhiệm.
Dư luận cho rằng cần phải xử lý theo pháp luật để răn đe, buộc các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhiều đến an toàn của người dân, nếu không, người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn khi xảy ra những sự cố tương tự. Cần ràng buộc rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.
HUỲNH THANH LUÂN
Theo SGGP
Sau sự cố, Hà Nội tính điều chỉnh giá nước sạch
Sở Tài chính TP Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản gửi các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT; UBND các quận, huyện, thị xã; các nhà đầu tư dự án nước sạch chỉ đạo thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực HĐND TP về phiên giải trình việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP.
Theo văn bản này, lãnh đạo Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của TP.
Chỉ đạo nghiên cứu đề xuất điều chỉnh giá nước sạch của lãnh đạo UBND TP Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh vừa xảy ra sự cố đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà khiến hàng loạt dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng.
Người dân Hà Nội chen nhau chờ lấy nước sạch. Ảnh: TTO
Cũng chính Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống dẫn nước, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bị dư luận lên án gay gắt. Thế, nhưng sau tất cả, người dân vẫn cứ phải dùng nước do đơn vị này cung cấp.
Thực tế có thể thấy, khi Viwasupco tạm ngừng cung cấp nước, hàng vạn hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm,... đã rơi vào cơn khủng hoảng nước. Sở dĩ có sự khủng hoảng ở đây là vị thế độc quyền cung cấp nước nguồn của Viwasupco.
Theo báo cáo thường niên, Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm 3 quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long. Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.
Nhờ tính độc quyền khu vực, Viwasupco có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định với doanh thu hàng năm trên 400 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng ở mức cao khoảng 55%, tương đương một số công ty lớn khác như Biwase hay Nước Thủ Dầu Một. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng khá đều và đạt kỷ lục 219 tỷ đồng trong năm 2018.
Nhìn vào đây có thể thấy sức khỏe kinh doanh của công ty này vẫn rất tốt, cho dù trước khi có sự việc "nước có mùi lạ" tại Hà Nội thì Viwasupco đã từng là trung tâm của một cơn cuồng nộ không kém - đường ống cấp nước bị vỡ 22 lần, trở thành một vụ án hình sự.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Lai - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, mặc dù nước là loại hình đặc thù nhưng không phải vì thế mà chỉ cho một doanh nghiệp làm, khiến người dân không có quyền lựa chọn.
Như vậy khi xảy ra sự cố, người dân chỉ có 2 phương án: Một là ngưng dùng nước, hai là chấp nhận dùng nước không an toàn. Vấn đề đặt ra là tránh độc quyền cung cấp nước.
Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của TP, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm TP Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2015 đến nay. Theo phương án tính lũy kế theo mức sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội chênh nhau tới 10.000 đồng/1m3.
Minh Thái
Theo Datviet
Những điều bất ngờ từ vụ nước sạch Sông Đà bị "đầu độc" Từ vụ "đầu độc" nguồn nước sạch Sông Đà, PV Dân Việt vào cuộc tìm hiểu đã phát hiện ra "cuộc chiến" tranh giành hồ Đầm Bài (Kỳ Sơn, Hòa Bình), nơi đóng vai trò là hồ chứa và sơ lắng nước trước khi đưa về xử lý ở nhà máy nước sạch sông Đà. Hồ Đầm Bài được Nhà máy nước sông...