Chưa thống nhất việc đưa người dân đi xe máy về quê qua hầm Hải Vân
Trao đổi với VietNamNet chiều 6/10, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, Ban quản lý hầm Hải Vân vẫn chưa thống nhất đề xuất vì nhiều lý do.
Dự kiến có hơn 1.300 người từ miền Nam về quê tránh dịch sẽ đi ngang qua địa bàn TP Đà Nẵng trong ngày 6/10. Trước tình hình mưa lớn, CSGT TP đã đề xuất đưa người dân qua hầm để tránh vượt đèo Hải Vân.
Trao đổi với VietNamNet chiều cùng ngày, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, Ban quản lý hầm Hải Vân vẫn chưa thống nhất đề xuất vì nhiều lý do.
Theo Đại tá Truyền, trước đó Ban quản lý hầm đã hỗ trợ cho bà con đi qua hầm một số chuyến nhưng đợt này, do số lượng đoàn đông nên vẫn chưa thống nhất được.
“Phương án của chúng tôi đề xuất sẽ đặt xe phòng cháy chữa cháy trong hầm, sau đó có CSGT dẫn đường đưa bà con sang hầm nhưng vẫn chưa được đồng ý”, Đại tá Truyền nói.
Dòng người di chuyển về quê dừng chân tại đỉnh đèo Hải Vân rạng sáng 5/10 (Ảnh: Hồ Giáp)
Ông Võ Ngọc Trung, Phó tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho hay, đã trao đổi với TP nhưng vẫn còn một số nội dung chưa được thống nhất.
“Thứ nhất, vận tải liên tỉnh giữa Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Chúng tôi cần văn bản của Sở GTVT hoặc UBND của hai tỉnh để có thể hỗ trợ. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con khi có văn bản chính thức.
Thứ hai, chúng tôi đang lo ngại vấn đề về việc bà con tập trung rất đông tại trạm Liên Chiểu, người đông như vậy phải có đội ngũ phòng, chống dịch. Một phần nữa, bà con hành lý rất nhiều, đặc biệt những can xăng mọi người mang theo cũng không an toàn khi qua hầm”, ông Trung nói.
Video đang HOT
Ông Trung thông tin thêm, về phương án của Công an TP Đà Nẵng thì phía Ban quản lý hầm Hải Vân chưa đồng ý được. Vì hầm Hải Vân thiết kế không dành cho xe máy nên rất nguy hiểm khi qua hầm bằng phương tiện này.
“Hiện chúng tôi đang hỗ trợ phương án chở bà con từ trạm trung chuyển phía Bắc ra hết địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tối ngày 5/10 đã có hơn 10 chuyến được chúng tôi hỗ trợ”, ông Trung chia sẻ.
Thông tin từ CSGT Đà Nẵng cho biết, trong ngày 6/10 sẽ có 3 đoàn người hồi hương từ TPHCM, Bình Dương… về phía Bắc đi qua địa phận TP.
Theo đó, đoàn 1 có 500 xe máy với 1.000 người dự kiến đến Đà Nẵng lúc 15h.
Đoàn 2 có 110 người đi bộ được 5 xe khách của Quảng Nam chở, dự kiến đến Đà Nẵng lúc 14h. Đoàn 3 có 170 người đi bộ được 8 xe khách của Quảng Nam chở, dự kiến đến Đà Nẵng lúc 18h30.
Hành trình về nhà của những đứa trẻ giữa mưa gió miền Trung
Đèo Hải Vân trưa 6-10 mây mù dày đặc, từng cơn mưa theo gió quất vào dòng người hồi hương. Đoàn người lầm lũi đi giữa màn mưa, rét run vì ướt và lạnh.
Xe dừng nghỉ giữa đèo Hải Vân, các em nhỏ được cha mẹ đưa xuống nghỉ ngơi, ăn uống
Trong đoàn người trở về từ TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam hôm nay có nhiều gia đình trẻ. Các cháu bé được cha mẹ quấn áo mưa kín mít, ngồi lọt thỏm sau tà áo mưa che trước đầu xe hay được kẹp giữa cha và mẹ.
Dù đã được cha mẹ che chắn thật kỹ nhưng các em không tránh khỏi ướt lạnh vì những cơn mưa rát mặt suốt hành trình dài trong mưa bão.
Xe dừng nghỉ giữa đỉnh đèo Hải Vân, bé Mỹ Tiên (3 tuổi) được bà và mẹ dìu vào mái tôn nghỉ lấy sức. Suốt hành trình hơn hai ngày từ TP.HCM trở về em đã thấm mệt vì thiếu ngủ và mưa gió. Mẹ con Tiên được nhóm thiện nguyện trên đỉnh đèo tiếp sức một túi thức ăn và sữa cùng 200.000 đồng hỗ trợ lộ phí. Tiên uống từng ngụm sữa ngon lành trong bộ áo mưa rộng quá cỡ.
Dù chỉ còn chừng 30km xuôi đèo Hải Vân là đã về đến quê nhà Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, nhưng chiếc xe máy cũ đã "đình công" sau hành trình quá dài. Sau phút nghỉ chân, nhóm thiện nguyện đưa mẹ con Tiên cùng mấy người khác và chiếc xe máy lên thùng xe bán tải xuôi đèo Hải Vân về quê.
"Bây giờ trở về chưa biết sẽ làm gì nhưng phải về quê trước đã. Mấy tháng nay tiền trọ em còn không đóng nổi, ở lại biết bao giờ mới có công ăn việc làm!" - chị Hoàng Thị Thiên Thanh, mẹ Mỹ Tiên, tâm sự.
Chị Thanh kể trên hành trình về quê qua các tỉnh, họ được các chốt tạo điều kiện rất nhiều. Chỉ cần người dân đã chích vắc xin và có xét nghiệm COVID-19 âm tính đều được hỗ trợ cho qua. Cái ăn, thức uống dọc đường không phải lo lắng vì đã có các đội nhóm tình nguyện giúp đỡ. Chỉ vất vả cho các cháu nhỏ theo cha mẹ đội mưa dọc đường, mong không bị ốm.
Vào dừng nghỉ giữa đèo sau mẹ con Mỹ Tiên ít phút là gia đình của hai em Thu Trinh (4 tuổi) và Như Ý (18 tháng tuổi), quê Quảng Trị. Vừa xuống xe, Như Ý khóc ngằn ngặt vì đói sữa và thiếu ngủ. Mẹ Như Ý ngồi vội xuống ghế, đưa tay vạch áo mưa cho bé bú ngay bên đường. Trong khi đó, bé Thu Trinh được cha cho ngồi luôn trên xe, bé hồn nhiên bóc bánh bao ăn ngon lành.
Chặng đường về quê của Mỹ Tiên, Như Ý, Thu Trinh đã rất gần nhưng với các em nhỏ quê tận Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh hay các vùng Đông Bắc, Tây Bắc hãy còn rất dài. Nhìn các em rời đi theo những chuyến xe giữa màn mưa mà người ở lại trong nhóm tình nguyện không khỏi lo lắng, ái ngại...
Đoàn xe của người hồi hương lầm lũi qua đèo Hải Vân trưa 6-10 giữa cơn mưa nặng hạt
Bé Mỹ Tiên được mẹ tiếp sức một hộp sữa sau hành trình dài đi trong mưa
Bé Như Ý (18 tháng tuổi) chỉ nín khóc khi được mẹ cho bú bên đường
Một gia đình trẻ tiếp tục hành trình về Thừa Thiên Huế trên chuyến xe bán tải của nhóm thiện nguyện
Em Thu Trinh (4 tuổi) nghỉ ngơi luôn trên xe khi dừng giữa đèo Hải Vân
Tình nguyện viên tại đèo Hải Vân đưa xe máy hư hỏng của bà con lên xe bán tải để chuyển về Thừa Thiên Huế
Hai bạn trẻ được một tình nguyện viên tiếp đồ ăn khi dừng chân giữa đèo Hải Vân
Chuyện lượm lặt về những hành trình gian nan về quê tránh dịch Hành trình hồi hương dài hàng nghìn cây số là những giấc ngủ vội bên đường, những bữa ăn tạm ổ bánh mì lót dạ, những gương mặt bơ phờ mệt mỏi của người lao động tha hương... Rạng sáng ngày 5/10, những dòng người đi xe máy từ miền Nam về quê tránh dịch tiếp tục hành trình qua địa phận Đà...