Chưa thống nhất tần suất lấy phiếu tín nhiệm
Vẫn chưa có quan điểm đồng nhất trong TVQH về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm hay chỉ nên hai năm một lần đối với những người giữ chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình tại phiên họp của Ủy ban TVQH sáng nay 14.9.
Theo ông Phan Trung Lý, với những đối tượng dự kiến đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, căn cứ vào yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết T.Ư 4, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đề xuất 2 phương án:
Phương án 1 là người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm bao gồm những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với tổng số lượng 49 người.
Ở phạm vi HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.
Ông Lý nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm các đối tượng trên sẽ bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tránh hình thức. Hạn chế của phương án là chưa bao quát hết những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Phương án 2 được nêu trong Đề án là người được lấy phiếu tín nhiệm gồm toàn bộ những người giữ các chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người.
Video đang HOT
Tương tự, việc lấy phiếu đối với những người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh là khoảng 50 – 65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20 – 30 người, ở HĐND cấp xã là khoảng 5 – 7 người.
Ông Lý cho hay ưu điểm của phương án này là thể hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của QH, HĐND, với tư cách là các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, thay mặt cử tri xem xét, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do mình bầu hoặc phê chuẩn.
Tuy nhiên, phương án này có một số hạn chế đáng kể, cụ thể là số lượng người cần được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm rất lớn, khó xác định tiêu chí để đánh giá, thể hiện tín nhiệm đối với một số chức danh nhất là những chức danh hoạt động theo chế độ tập thể, khó xác định trách nhiệm cá nhân.
“Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này sẽ khó tránh khỏi hình thức, hiệu quả không cao”, ông Lý nhấn mạnh.
Bên cạnh các phương án nêu trên, có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là thành viên Chính phủ, thành viên UBND.
Ý kiến khác đề nghị QH lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn như phương án 1 HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo phương án 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết đa số ý kiến trong Ban chỉ đạo và ý kiến của các cơ quan được tham khảo ý kiến tán thành phương án 1 của Đề án.
Nếu theo phương án này, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ do QH và HĐND tiến hành tại phiên họp toàn thể của các cơ quan này.
“Hai năm lấy phiếu một lần đã khiếp”
Qua thảo luận, nhiều ủy viên TVQH tán thành phương án 1 về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời, đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm ở phạm vi QH đối với các chức danh từ Chủ nhiệm Ủy ban, Hội đồng dân tộc, các thành viên Chính phủ trở lên.
Với các Phó chủ nhiệm các Ủy ban, Hội đồng dân tộc, ủy viên thường trực của các Ủy ban của QH thì sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong phạm vi Ủy ban, sau đó báo cáo QH.
Về tần suất lấy phiếu tín nhiệm, bên cạnh một số ý kiến tán thành lấy phiếu định kỳ hằng năm, một số ủy viên TVQH bày tỏ lo ngại nếu lấy phiếu định kỳ hằng năm như vậy sẽ gây nên tâm lý xáo trộn cho những đối tượng thuộc diện lấy phiếu và ít nhiều tác động đến tính kiên định, quyết đoán trong điều hành của những người trong diện lấy phiếu.
“Năm nào cũng lấy, sẽ xảy ra mặt trái là bản thân người được lấy phiếu nhiều có khi tính quyết đoán, kiên định của người ta bị giảm sút. Chúng ta phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng nên 2 năm một lần thế là đã khiếp rồi, chứ không nên năm nào cũng làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Về mức độ tín nhiệm, cũng tương tự các thành viên khác trong ủy ban TVQH, ông Hiển cho rằng chỉ nên để ở 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm, chứ không nên để 3 mức như Ban chỉ đạo Đề án dự kiến là tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp.
“Cái quan trọng nhất là sau khi lấy tín nhiệm sẽ thế nào. Ông đạt tín nhiệm thì không sao, ông không được tín nhiệm thì sẽ thế nào? Nếu vẫn tiếp tục nhiệm vụ thì phải báo cáo QH xin hứa, sửa chữa. Hoặc nếu thấy không đảm bảo được nhiệm vụ thì nên có văn hóa từ chức”, ông Hiển nói thêm.
Sau phiên họp này, Ban chỉ đạo Đề án sẽ tiếp thu hoàn chỉnh Đề án một bước và trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó chỉnh lý và trình QH thảo luận.
Theo TNO
Tinh thần đoàn kết được nâng lên
Hôm qua, 13-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã hoàn thành kiểm điểm tập thể, cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã điểm lại sơ bộ công việc mà Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành trong 10 ngày làm việc liên tục.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kết luận hội nghị kiểm điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Đánh giá lại toàn bộ quá trình kiểm điểm, phê bình, tự phê bình của tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho rằng, mỗi cá nhân đã đề cao tinh thần "tự soi mình để sửa mình", luôn nêu cao tinh thần trước Đảng, trước dân. Ban Thường vụ Thành ủy luôn nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khuyết điểm, bám sát các nội dung yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 và đặc biệt là các gợi ý của Bộ Chính trị, ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân... Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã dành nhiều thời gian đi sâu, phân tích, kiểm điểm, làm rõ những mặt hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của tập thể, cá nhân. Bí thư Thành ủy nêu rõ: "Tinh thần là cầu thị, mong muốn khắc phục sớm các khuyết điểm", đồng thời nhấn mạnh, không có ai lợi dụng diễn đàn này để ca ngợi, tâng bốc nhau hay bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận thành tích của tập thể, cá nhân.
Đi vào nội dung kiểm điểm cụ thể đối với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, các ý kiến góp ý đều có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, tâm huyết, thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm phân tích toàn diện, làm rõ được các nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của cá nhân mỗi người trong lĩnh vực công tác.
Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất 5 nhóm giải pháp lớn để khắc phục những tồn tại, yếu kém. Cụ thể, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, phải triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng quản lý đội ngũ cán bộ công chức, trước hết là lãnh đạo, quản lý các cấp. Cùng với đó, phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ Đảng viên đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Trong thời gian trước mắt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo sâu sát, trực tiếp dự và chỉ đạo kiểm điểm ở một số quận, huyện, thị xã, các sở, ngành, tập trung vào những lĩnh vực, công việc dễ xảy ra tiêu cực hoặc dư luận quan tâm như Sở QH-KT, TN-MT, KH-ĐT, Thuế, Xây dựng, Quản lý thị trường... Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng cải cách hành chính kịp thời thay thế, luân chuyển cán bộ, từ cấp cơ sở trực tiếp thụ lý công việc tới cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu công khai, minh bạch hơn nữa và làm rõ các tiêu chí đánh giá, quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư dự án, quản lý quy hoạch, xây dựng...
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan liên quan làm rõ một số việc chưa đủ thông tin để kết luận. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tổ chức đẩy nhanh việc thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở thành phố, quận huyện, sở, ngành và các chức danh chủ chốt do HĐND bầu. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Hà Nội muốn làm càng sớm càng tốt chủ trương này. 2 năm liên tục không đạt tín nhiệm thì phải thay. Nếu 1 năm mà tín nhiệm quá thấp cũng phải thay...".
Về kiểm điểm cá nhân của từng đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy nhìn nhận, mỗi đồng chí đều có chính kiến rõ ràng, phát biểu thẳng thắn, chân thành, xây dựng và chia sẻ. Những vấn đề nêu ra đều có thông tin hai chiều, giải trình làm rõ khuyết điểm và trách nhiệm liên quan. Bí thư Thành ủy cho biết, mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy sẽ nêu gương về tinh thần tự phê bình và phê bình. Đồng chí nói: "Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần đoàn kết nhất trí đã được nâng lên".
Theo ANTD
Lấy ý kiến về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm Ngày 11-9, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo đề án. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đề án...