Chưa thống nhất quy định số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ
Chiều 15/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận và cho ý kiến vào một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Hồ Trọng Ngũ phát biểu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi làm việc.
Thảo luận về dự thảo Luật, đa số ý kiến tán thành với các nội dung quy định trong dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với kết cấu gồm 8 chương, 50 điều.
Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung được các đại biểu tập trung góp ý như: cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ…
Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý nhất tại buổi làm việc vẫn là quy định về số lượng cấp phó ở các bộ và cơ quan ngang bộ.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình thảo luận Dự án luật này, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Có ý kiến đề nghị không quy định cứng trong Luật về nội dung này.
Video đang HOT
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Do đó, dự thảo lần này quy định trong Chương V: “Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tối đa là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Chính phủ quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ của từng bộ, cơ quan ngang bộ. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu của tổng cục không quá 4.”
Tại buổi thảo luận, những ý kiến tán thành việc quy định rõ trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị dự thảo Luật cần có quy định về các cấp phó, với yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ quản lý để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tại sao chỉ ấn định số lượng 5 cấp phó ở mỗi bộ ngành và tại sao không quá 5 cấp phó. Các đại biểu đề nghị rà soát lại nhu cầu thực tế của các cơ quan bộ, ngang bộ để có quy định phù hợp, sát thực hơn.
Liên quan đến thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, tại buổi làm việc, có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật” (khoản 2 Điều 40 của Dự thảo Luật); bỏ quy định “Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính Nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật” (khoản 2 Điều 41 của Dự thảo Luật). Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng ý.
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ về sự phân cấp giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương để bảo đảm hiệu quả của quản lý Nhà nước. Nội dung này trong các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể. Trong dự thảo Luật tổ chức Chính phủ, vấn đề phân cấp quy định mang tính nguyên tắc đã được thể hiện tại khoản 4 Điều 3.
Các đại biểu cũng tán thành với quy định “Trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ” tại Điều 28 của dự thảo.
Theo đó, Thủ tướng thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 16/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến vào một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố./.
Theo Vietnam
Hà Nội đã có lộ trình giảm dần cấp phó
Đến nay, thành phố Hà Nội cũng đã giảm rất nhiều cấp phó so với lúc mới hợp nhất và tinh thần là cũng sẽ giảm dần trở về đúng với quy định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Như Ý
Trước nhiều ý kiến tại diễn đàn Quốc hội về tình trạng "lạm phát" cấp phó trong các cơ quan quản lý nhà nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này. Ông Phạm Quang Nghị cho biết:
Tình hình số lượng cấp phó của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung hiện nay không được quy định chặt chẽ trong luật tổ chức của Nhà nước. Với những vị trí đã được quy định trong luật thì không nơi nào có thể tăng được. Tôi nói ví dụ trong luật tổ chức Nhà nước quy định chỉ có 1 Chủ tịch nước và 1 Phó Chủ tịch nước thì dù là nhiệm kỳ trước đây hay bây giờ cũng đều chỉ một Phó Chủ tịch nước thôi. Hoặc quy định HĐND các tỉnh, thành phố, quận, huyện có Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch thì tất cả các nơi chỉ có 1 Phó Chủ tịch thôi.
Tuy nhiên, còn các chức danh cấp phó khác trong bộ máy nhà nước thì lại không quy định trong luật. Trong đó bao gồm cả cấp sở ngành, cấp bộ, cấp ban của Đảng ở Trung ương cũng vậy. Chính vì thế nên lại có câu là "trong trường hợp đặc biệt thì cấp có thẩm quyền quyết định", có nghĩa là cấp trên của cấp đó có quyền quyết định! Chính vì vậy số lượng cấp phó hiện nay nói chung không chỉ riêng Hà Nội, cũng không phải riêng một hai bộ mà kể cả các ban của Đảng số lượng cấp phó không được quy định chính thức trong luật. Đây cũng là điều mà lần này rất nhiều đại biểu Quốc hội muốn đưa vào luật.
Sở Công Thương Hà Nội hiện có 5 Phó Giám đốc.
Thưa ông, nếu đưa vào luật nội dung này, thì cấp phó với các sở ngành, quận huyện của Hà Nội nên bao nhiêu là vừa?
Một vấn đề đặt ra là trước khi đưa vào luật thì cần thảo luận bao nhiêu cấp phó là vừa? Đây là việc mà Chính phủ cần phải nghiên cứu, trình ra Quốc hội để thảo luận. Đại thể người ta muốn quy định số lượng tối đa. Tối thiểu có thể là 3-4 nhưng vấn đề là tối đa là bao nhiêu để việc bổ nhiệm không được vượt qua con số này. Riêng với thành phố Hà Nội thì rõ ràng ai cũng biết là có đặc thù vốn là thành phố được mở rộng, sáp nhập với một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc trung ương nên riêng cấp trưởng là đã từ 2 người bớt đi 1, cộng với cấp phó đã được bổ nhiệm rồi thì mình không có lý do gì lại đi hạ chức, cách chức người ta được. Theo tôi cái gì cũng vừa có cái chung và cũng vừa có cái đặc thù. Bên cạnh số lượng quy định chung cũng có nơi chỉ cần ít hơn, có nơi cần nhiều hơn. Điều này phụ thuộc vào quy mô, số lượng dân cư, khối lượng công việc, tính chất phức tạp của vấn đề. Tôi cho là phải có quy định về việc này.
Hà Nội đã sáp nhập với Hà Tây được 6 năm, vậy số lượng cấp phó có giảm được nhiều không, thưa ông?
Trước thực tế nhiều cấp phó sau sáp nhập, Hà Nội đã có lộ trình giảm dần cấp phó bằng cách tăng cường nhân sự cho quận huyện, mỗi quận huyện có thêm 1 Phó Bí thư, 1 Phó Chủ tịch. Việc tăng cường này cũng có thời hạn và dần dần quận, huyện cũng sẽ trở về theo quy định. Cho đến hôm nay thành phố Hà Nội cũng đã giảm rất nhiều cấp phó so với lúc mới hợp nhất và tinh thần là cũng sẽ giảm dần trở về đúng với quy định. Chính phủ quy định bao nhiêu thì Hà Nội sẽ thực hiện bấy nhiêu. Tôi khẳng định là đã giảm rất mạnh mẽ. Tôi ví dụ: Sở VH-TT&DL vốn là 3 sở nhập một, rồi hai tỉnh lại nhập lại nữa là thành 6 sở nhập một dẫn đến lúc đầu một cấp trưởng nhưng có tới 13 cấp phó! Tuy nhiên bây giờ chỉ còn có 5-6 cấp phó ở sở này thôi thì như vậy đã giảm nhiều chứ. Nhiều sở ngành khác cũng tương tự như vậy, đã giảm gần trở về số lượng quy định.
Cảm ơn ông.
Một vấn đề đặt ra là trước khi đưa vào luật thì cần thảo luận bao nhiêu cấp phó là vừa? Đây là việc mà Chính phủ cần phải nghiên cứu, trình ra Quốc hội để thảo luận. Đại thể người ta muốn quy định số lượng tối đa. Tối thiểu có thể là 3-4 nhưng vấn đề là tối đa là bao nhiêu để việc bổ nhiệm không được vượt qua con số này.
Theo Minh Tuấn (Tiền Phong)
Bộ trưởng Nội vụ: Nhiều cấp phó dẫn tới bất đồng xã hội Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận bổ nhiệm nhiều cấp phó không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn dẫn tới bất đồng trong xã hội. Ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đăng đàn trả lời chất vấn những vấn đề "nóng" như "lạm phát" cấp phó, bộ máy cồng kềnh... Đại biểu Bùi...