Chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh “da lạ”
“Tuy đến nay, nguyên nhân gây hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân chưa được khẳng định, mới nghĩ đến do nhiễm độc trên bệnh nhân suy dinh dưỡng, nhưng chắc chắn, số ca tử vong sẽ phải giảm xuống”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Bệnh chưa có trên thế giới
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng suy dinh dưỡng kém, thiếu một số vi chất dinh dưỡng
Tại cuộc họp báo đầu tiên, chính thức của Bộ Y tế về căn bệnh gây xôn xao dư luận này, ông Long cho biết thêm, nhiều hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế đã họp nhưng đến nay chưa tìm được hội chứng nào, bệnh nào trên thế giới có triệu chứng tương tự với hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đang diễn ra tại Quảng Ngãi. “Có những bệnh giống tổn thương da nhưng không giống tổn thương gan. Có bệnh giống tổn thương gan nhưng lại không giống tổn thương da. Vì thế hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu 222 mẫu để điều tra, truy tìm căn nguyên gây bệnh. Việc truy tìm căn nguyên bệnh cũng được Bộ Y tế phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế”, ông Long nói.
Thực tế tại cuộc họp báo chiều nay, đại diện của hai tổ chức quốc tế là Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giám đốc cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng được mời đến, tuy nhiên đại diện Bộ Y tế “nhắc nhở” phóng viên không đặt câu hỏi cho hai vị khách mời này bởi họ đến để ghi nhận, nắm bắt tình hình.
Đại diện WHO và cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng có mặt tại buổi họp báo.
“Hiện nay, Bộ Y tế ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong, tiếp đó mới là giảm số ca mắc mới và truy tìm nguyên nhân. Chúng ta không thể đợi chờ tìm nguyên nhân rồi mới bắt tay vào điều trị, vì trong y học có những bệnh không tìm nguyên nhân vẫn điều trị, ví như cao huyết áp, hay hội chứng thận hư, không đợi chờ tìm nguyên nhân. Hội chứng này cũng vậy, phải bắt tay điều trị ngay”, ông Long nhấn mạnh.
Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 19/4/2011 tính đến ngày 13/5/2012 tại huyện Ba Tơ đã ghi nhận 205 trường hợp, trong đó riêng ở xã Ba Điền đã có 195 trường hợp và 10 trường hợp tử vong đều ở xã Ba Điền.
Còn tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã ghi nhận 115 trường hợp mắc bệnh tại Quảng Ngãi, trong đó tại ba xã Ba Điền (109 trường hợp), Ba Ngạc (5 trường hợp) và Ba Tô (1 trường hợp), trong đó có 34 trường hợp bị lại, 09 trường hợp tử vong đều ở xã Ba Điền.
Video đang HOT
Các kết quả qua đợt điều tra, khảo sát và đánh giá các mẫu xét nghiệm Bộ Y tế tiến hành cho thấy, tất cả các bệnh nhân mắc bệnh đều là người H’ re, có 7 hộ có 100% thành viên trong gia đình mắc bệnh. Bệnh có biểu hiện là viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, hầu hết bệnh nhân có men gan tăng trên cơ địa tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu là phổ biến.
Không thấy các yếu tố chứng tỏ là bệnh truyền nhiễm (vi rút, vi khuẩn) do không có hội chứng nhiễm trùng, xét nghiệm xác định các mẫu máu bị bệnh tại trường Đại học Nagasaki cho thấy bệnh không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Chưa tìm thấy bằng chứng về các mối nguy cơ do vi khuẩn, vi rút từ các mẫu xét nghiệm đất, nước, lương thực thực phẩm. Có nhiều cá thể có ve, mò mạt, bọ chét trong môi trường và vật nuôi. Chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí, chưa tìm thấy bằng chứng nhiễm bệnh từ nguồn nước. Không có bằng chứng lây từ người sang người. “Thực tế có gia đình chỉ một người bị, có gia đình bị cả nhà. Nếu lây qua không khí, việc lây truyền bệnh sẽ mạnh hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế đến trực tiếp, cá nhân tôi ở đó 2 ngày, tiếp xúc 20 bệnh nhân, không lây nhiễm. Cán bộ y tế ở Ba Tơ tiếp xúc với bệnh nhân cả năm nay nhưng cũng không ai mắc bệnh”, ông Long nói.
Các kim loại nặng bao gồm cả arsen, chì, thủy ngân, cadimi, đồng và một số kiem loại khác ở mức giới hạn cho phép trong số các mẫu đất, nước, lương thực kể cả mẫu tóc, máu, móng tay, vảy da đã xét nghiệm. Xét nghiệm tới 45 chỉ tiêu kim loại nhưng đều đang nằm trong giới hạn cho phép.
Không phát hiện thấy hóa chất bảo vệ thực vật trong các mẫu đất, nước, gạo đã xét nghiệm.
Có nhiều loại nấm mốc và phát hiện thấy Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ đã xét nghiệm trong khi đó loại chất này có nguy cơ gây ra tổn thương gan, ung thư gan. Nguy cơ mắc bệnh về gan ở người ăn gạo ủ, mốc gấp 4,8 lần so với người ăn gạo trắng thông thường. Trong khi đó, có những mẫu gạo hàm lượng aflatoxin gấp 5 – 9 lần cho phép.
Tuy căn nguyên chưa được chỉ ra, nhưng hội đồng khoa học đã xác định, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng suy dinh dưỡng kém, thiếu một số vi chất dinh dưỡng.
Các chuyên gia túc trực ở Ba Tơ
Thứ trưởng Long cho biết, hiện ngay tại Trung tâm y tế Ba Tơ và BV Quy Hòa luôn có 5 – 6 chuyên gia, bác sĩ đến từ các Trung Ương như, Bạch Mai, TT chống độc, Da liễu để kịp thời hỗ trợ khám, phát hiện sớm. Những ca nặng sẽ được đưa đến tuyến cao nhất của Việt Nam để điều trị. Thực tế, theo ông Long, số ca mắc mới tăng lên là do thời gian qua việc khám sàng lọc được chú trọng, phát hiện.
Trả lời câu hỏi của báo giới, Bộ Y tế phản ứng quá chậm trước căn bệnh này, ông Long cho biết, ngay từ tháng 4-5/2011 Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở Y tế Quảng Ngãi khử trùng khu vực này. Nhưng khi đó chưa định hướng được căn nguyên nên chưa thể sử dụng tổng hợp các biện pháp khác nhau. Cũng thời điểm này, bệnh viện da liễu TƯ đã phối hợp với chuyên gia quốc tế tìm hiểu về các mẫu sinh thiết da, gan và các chuyên gia quốc tế cũng nhận định căn bệnh này liên quan nhiều đến yếu tố nhiễm độc.
BS Phượng – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ (đứng) phát biểu tại buổi họp báo
Chia sẻ về tình hình bệnh tại Ba Tơ, bác sĩ Đinh Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ tâm sự: “Chúng tôi thực sự trăn trở, không đêm nào ngủ ngon vì căn bệnh này. Người dân tộc rất tin vào tâm linh, để động viên bệnh nhân điều trị, thực sự chúng tôi còn “làm phép” cùng họ, để họ yên tâm về mặt tinh thần và tin tưởng vào ngành y tế. Tuy nhiên, căn bệnh này, thời gian điều trị rất dài, phải chi trả 5% nhưng người dân không có khả năng chi trả nên một số người về nhà và chết vì bệnh ở nhà. Chúng tôi cũng mạnh dạn đề nghị phải miễn phí toàn bộ cho người dân. Mỗi người mất đi, tim chúng tôi như tăng thêm một nhịp đập, rất lo lắng”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khi triển khai các biện pháp can thiệp, chắc chắn số ca tử vong sẽ giảm. Tuy nhiên, số mắc mới sẽ giảm chậm hơn do hiện tại các tác nhân gây bệnh đã nhiễm trong phần lớn cộng đồng. Tại cộng đồng này, tình trạng rất đặc biệt, men gan tại cộng đồng này cao hơn tại các cộng đồng khác. 28,6% người dân khu vực này có men gan tăng, tức là có một tình trạng nhiễm độc trường diễn.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính cho biết, do đây là bệnh có tính chất nguy hiểm vì thời gian qua số mắc, tử vong cao, Bộ Y tế quyết định miễn viện phí cho những trường hợp nằm điều trị. Bên cạnh đó các phương tiện để điều tra, vệ sinh môi trường.. đều được huy động. Ngay sáng nay Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ TT Y tế huyện Ba Tơ một xe cứu thương và điều động 1 máy lọc máu liên tục.
Bài và ảnh: Hồng Hải
Theo Dân trí
Sống trong sợ hãi ở vùng bệnh "lạ"
"Hết đoàn này tới đoàn khác đến lấy máu, cắt tóc, hớt móng tay... Bây giờ móng tay cụt rồi, đầu hói tóc rồi, máu cũng cạn rồi, mà bệnh thì ở đâu không biết.
Ở làng này, lâu lâu lại có người chết, người mắc bệnh cứ tăng lên", già làng Phạm Văn Đang, ở làng Rêu, xã Ba Điền nheo mắt nhìn ra ngọn núi Gò Khế trước mặt, giọng não nề khi tôi hỏi về căn bệnh đang hoành hành người dân làng quê ông...
Tuyệt vọng
Già Đang nói, không phải không tin bác sĩ, nhưng hàng chục áo trắng ở đây đã bốn, năm tháng rồi, vậy mà không đuổi được cái bóng ma màu đen ảm đạm đang phủ lên làng Rêu và xã Ba Điền. "Dân làng phải cúng thôi, cúng để xua bóng ma bệnh này đi". Và nếu cúng nhỏ thì thôi, còn cúng lớn tế bằng trâu thì đích thân già Đang sẽ chỉ huy dân làng cầm gậy, đứng ngay lối đi từ con suối Vranh, không cho ai bước qua làng Rêu.
Khổ nỗi, sau lễ cúng, ngày 7.5 vừa rồi, lại có thêm hai người của làng Rêu tử vong, còn cả xã Ba Điền thì kể từ đầu tháng 5 đến giờ, có thêm 53 người mắc bệnh này nữa. "Bây giờ cũng còn mấy đứa nằm chờ chết đó", già Đang nói và hướng dẫn tôi tìm đến mấy nhà có người bệnh đang chết dần ở đây.
Trên đường đến nhà chị Phạm Thị Ân (26 tuổi) ở làng Rêu, tôi gặp ông Phạm Văn Hiền, cha của Ân đang ngồi nghỉ ở một tảng đá đầu làng. Ông Hiền kể, nhà có sáu người bị bệnh, tất cả đều được đưa đi điều trị ở bệnh viện, nhưng đến nay, người nhà ông đã có một người chết, một người đang nằm chờ chết. Đó là cháu Phạm Văn Sâm (sinh 2008), chết ngày 10.10.2011.
Theo chẩn đoán của bác sĩ, cháu Sâm chết vì suy gan. Cháu ngoại chết xong, dù nhà có đến năm con trâu, nhưng phải đi mua trâu mầm để cúng làng. "Nó chết xấu là phải mua trâu thôi. Trâu nhà cúng không thiêng! Tưởng cúng trâu xong là nhà yên ổn, ai ngờ mẹ thằng Sâm là con Ân bệnh ngày càng nặng, đi điều trị ở bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hoà (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) ba tháng rưỡi, sau đó bệnh tình không bớt, nó chán bệnh viện về nhà nằm đấy", ông Hiền thở dài.
Người dân mang chiếu cũ đi tiêu huỷ phòng ngừa bọ chét gây bệnh. Ảnh: Minh Đức.
Theo ông Hiền về nhà, tôi thấy Ân nằm thở thoi thóp trên võng, bụng đã trương phình, tay chân teo tóp, mắt chốc chốc lại nhắm nghiền. Theo các y bác sĩ ở trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tiền Nhà nước điều trị bệnh cho Ân hết chừng 130 triệu đồng. "Động viên mãi rồi trưa ngày 13.5, bọn tui mới đưa được Phạm Thị Ân đi thẳng ra bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Bây giờ phải đi thôi, may còn cứu được, chứ nằm nhà cũng sẽ chết thôi", ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, hiệu trưởng trường tiểu học - trung học cơ sở Ba Điền, từ khi bệnh "lạ" bùng phát vào tháng 4 năm nay, mỗi ngày học sinh của trường luôn vắng đi một nửa. Phần thì các em bị bệnh, phần thì chết và phần thì gia đình không cho các em đến trường mà chuyển đi nơi khác để học. Có hôm giáo viên vận động các em ra lớp đông đủ. Được vài bữa thì xã lại có thêm vài ca mắc bệnh. Thế là trường lại vắng hoe. Còn theo bà Phạm Thị Nga, phó chủ tịch UBND xã Ba Điền, xã có chục gia đình đã tạm lánh đi nơi khác sinh sống. "Có người xin cho con học hẳn ở xã khác, có người thì cả tuần mới về một lần. Từ khi có bệnh dịch, cả xã không ai làm gì khác, vì chỉ lo bệnh lạ đã đuối rồi", bà Nga nói.
Cắt tóc, hớt móng tay, lấy máu...
Nằm dài ngày trên xã Ba Điền, theo các đoàn y tế vào các làng để "điều tra" bệnh, tôi dám khẳng định là nhà già Phạm Văn Mai ở đầu làng Rêu được các y, bác sĩ từ Trung ương đến địa phương "thăm" nhiều nhất. "Đứa nào vào đây cũng hỏi: có bị bệnh không, ăn gì, mua ăn hay tự trồng, uống nước ở đâu. Mấy đoàn đầu tiên thì biểu hai đứa con trai và con dâu ra cho nó cắt tóc, hớt móng tay, lấy máu xét nghiệm. Có ngày có đến hai đoàn đến làm y như vậy. Già có mời nước, nó không uống, có đứa không dám ngồi dưới chiếu do già trải ra", già Mai lắc đầu.
Thực ra, việc các y, bác sĩ vào tận nhà dân và lấy nhiều lần móng tay, móng chân, hớt tóc, lấy máu, lấy da... để xét nghiệm là chuyện bình thường. Một đồng nghiệp kể lại có đoàn về thăm dân làng Rêu mắc bệnh, một vài thành viên trong đoàn không dám ngồi vào chiếu do bà con Hre trải ra mời. Sau đó, khi ra khỏi nhà sàn của đồng bào, có vị vội dùng nước suối rửa sạch tay. Thậm chí, có người vứt bỏ cả vớ mang trong chân, do đã bước vào nhà sàn của bà con Hre. Cán bộ ở xa đến, có hiểu biết mà còn e sợ như vậy, liệu người dân ở xã Ba Điền có an tâm sống ở đây?
Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ sự thất vọng của mình: "Mấy năm rồi chứ phải mới đây đâu, mà ngành y tế cứ loay hoay đi tìm nguyên nhân gây bệnh. Tại sao họ không mời tổ chức Y tế thế giới vào cuộc trong khi người dân ở đây cứ thắc thỏm sống không yên, ngày nào cũng có thêm ca mắc bệnh này?" Theo ông Phong, ngành y tế nói gạo của người dân ở đây dùng bị mốc là không hợp lý, bởi lẽ hàng trăm năm nay người Hre đều dùng gạo này để ăn. Cho rằng người bị bệnh "lạ" có khả năng do bị nhiễm độc từ gạo và các loại lương thực, ngành y tế đã đề nghị chính quyền địa phương cấp gạo trắng để thay gạo lức mà bà con Hre ở xã Ba Điền đã dùng lâu nay.
Thế nhưng ở xã Ba Điền đâu phải chỉ có gạo do bà con tự trồng, mà còn có các nguồn rau xanh, nước uống lấy từ suối, cũng do bà con cũng tự trồng và ăn uống hàng ngày. Có nghĩa là, nếu gạo là đối tượng bị nghi nhiễm độc, thì tất cả các loại lương thực, nguồn nước cũng là đối tượng có thể bị nhiễm độc. Thế thì, sau cấp gạo cho dân, chính quyền và các ngành có cấp nước và lương thực khác để thay thế nguồn thực phẩm và nước bà con đang dùng hiện nay? Đây là câu hỏi mà người dân vùng rốn bệnh này rất mong ngành y tế sớm trả lời.
WHO tại Việt Nam chưa nhận đề nghị nào của bộ Y tế về bệnh lạ? Trao đổi với PV ngày 13.5, đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết chưa nhận được đề nghị nào của của Việt Nam liên quan đến căn bệnh "lạ" tại Quảng Ngãi. Trước đó, đại diện đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng có thư ngỏ nói rằng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về bệnh "lạ" tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này bộ Y tế chưa có thông tin xác nhận việc có nhờ chuyên gia nước ngoài hay không. Trong những cuộc trao đổi, tiếp xúc tại địa phương, bộ Y tế đều từ chối không trả lời câu hỏi "nhờ quốc tế giúp đỡ" vì cho rằng người Việt Nam hiểu tập tục, lối sống của người Việt sẽ dễ tiếp cận, nghiên cứu hơn. Ngày 14.5 lãnh đạo bộ Y tế đã họp báo thông tin về bệnh "lạ" tại Quảng Ngãi nên từ chối trả lời các thông tin liên quan đến bệnh này. Tại cuộc họp báo nói trên, lãnh đạo bộ Y tế sẽ trả lời toàn bộ những thắc mắc về bệnh "lạ" trong thời gian qua. Lệ Hà
Theo Phạm Anh (Sài gòn tiếp thị)
Bộ Y tế nhận định nguyên nhân gây "bệnh lạ" Ngày 7/5, Bộ Y tế đã có báo cáo về các yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (hay được gọi là "bệnh lạ") tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Theo nhận định ban đầu của Bộ Y tế thì nhiều khả năng các trường hợp mắc bệnh do bị nhiễm độc,...