Chưa thể khởi tố vụ tai nạn thảm khốc ở Đắk Lắk
Chiều 19.5, đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vẫn chưa thể khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cầu 14 qua sông Sêrêpốk khiến 34 người thiệt mạng.
Cháu Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) bị thương nhẹ được đưa về nhà điều trị nhưng bố mẹ cháu đều đã tử nạn trong chuyến xe định mệnh – Ảnh: T.N.Quyền
Ông Thư cho biết, cơ quan CSĐT đã thu thập cơ bản các chứng cứ, tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai của nhân chứng và một số nạn nhân, khám nghiệm chiếc xe bị nạn.
Ngoài ra, ông Thư cũng cho biết, nếu trong quá trình điều tra xác định lỗi gây ra tai nạn thuộc về tài xế nhưng tài xế đã chết thì sẽ không khởi tố vụ án.
Ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk cho biết, có sự khó hiểu về tốc độ trong những phút cuối cùng của chiếc xe khách BKS 47V – 2371 trước khi lâm nạn. Theo ông Biểu, chiếc xe đã có sự tăng giảm tốc độ với độ chênh lệch rất lớn trong thời gian rất ngắn.
Theo số liệu từ thiết bị giám sát hành trình bằng định vị vệ tinh GPS của chiếc xe, xe bị nạn lúc 22 giờ 20 phút 11 giây, tốc độ 74 km/giờ. Trước đó, lúc 22 giờ 19 phút 37 giây, tốc độ xe chỉ là là 42 km/giờ…
Hôm nay 19.5, hai nạn nhân là Trần Văn Chuyên và Nguyễn Nhựt Trường bị chấn thương nặng cũng đã được đưa về TP.HCM điều trị. Hiện tại, theo bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đắk Lắk, đã có 6 nạn nhân bị thương nhẹ được xuất viện về điều trị tại nhà; một trường hợp tự ý chuyển sang Bệnh viện Thiện Hạnh (Buôn Ma Thuột); 12 nạn nhân còn lại vẫn đang được chữa trị tích cực.
HTX Quyết Thắng, đơn vị quản lý chiếc xe bị nạn đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 20 triệu đồng, ở tỉnh xa từ 25 đến 30 triệu đồng. Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đắk Lắk cho biết, chi nhánh công ty Đạm Phú Mỹ tại Đắk Lắk đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 1 triệu đồng, người bị thương 500.000 đồng. Một số doanh nghiệp cũng đang chuyển tiền đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh để giúp đỡ các nạn nhân.
Video đang HOT
Theo Thanh Niên
Tang thương phủ khắp quê nghèo sau chuyến xe bão táp
Trong căn phòng tối xiêu vẹo, chị Xuân liên tục ngất đi, rồi chị vỡ òa dòng lệ: "Chú ơi thằng Tú đã về chưa? Sao không thấy nó vào chào mẹ vậy?".
Những ngày này, đi xuôi theo quốc lộ 26 chạy từ Buôn Mê Thuột về các huyện Krông Pắk, Ea Kar, Ma Đrắk, Đắk Lắk, ai cũng bàn tán về vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại cầu 14, khu vực giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông làm 34 người thiệt mạng.
Có nhiều thông tin trái chiều về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn trên từ phía đông đảo người dân. Nhưng tất cả đều hướng về nỗi đau và sự chia sẻ đối với những nạn nhân trong chuyến xe định mệnh. Có người thầm cầu nguyện cho những linh hồn của nạn nhân xấu số được siêu thoát về nơi an nghỉ cuối cùng, người khác thì lại hướng đến gia cảnh và người nhà nạn nhân để chia sẻ.
Trong chuyến đi thực tế những gia đình nạn nhân tử nạn trong vụ tai nạn trên, dễ nhận thấy nỗi đau thấu trời của người thân trong gia đình, bạn bè và bà con lối xóm...Từng làn khói hương bốc lên nghi ngút, cảnh khóc lóc kêu la thảm thiết của thân nhân khiến những ai có mặt cũng đau đớn lòng.
Chú nhẫn ngồi xe lăn thắp nén hương cho người con trai xấu số.
Bên bàn thờ lập vội để cúng hương hồn người con trai Trương Văn Dũng (SN 1983), ông Trương Văn Nhẫn (SN 1962, tổ dân phố 16, TT Phước An, Krông Pắk, Đắk Lắk) giọng khàn đi trong nước mắt: "Con trai tôi phải chịu cái chết tức tưởi quá".
Không nén nổi nỗi đau, ông Nhẫn tiếp tục nói chuyện với chúng tôi với ánh mắt buồn vô tận. Gia đình gặp liên tiếp những khó khăn, ông Nhẫn gặp tai nạn lao động bị liệt nửa người, không còn khả năng lao động. Tất cả đều trông mong vào Dũng là người gánh vác trách nhiệm nuôi cả gia đình.
Sau khi học xong đại học, Dũng làm việc cho một công ty ở Bình Dương và không may gặp tai nạn dẫn đến dập nội tạng, đi khắp bệnh viện ở tỉnh và TP.HCM để điều trị nhưng không khỏi. Dũng quyết định về quê điều trị để được gần gia đình. Anh quay lại TP.HCM tái khám trong chuyến xe tối ngày 17/5, và mãi không trở về.
Bao nhiêu mơ ước dự định của gia đình dành cho Dũng và những trăn trở Dũng nghĩ về gia đình đều còn dang dở. Những ước hẹn về một đám cưới cho đứa con trai đầu lòng nay chỉ còn trong ký ức. Rồi những mong muốn phụng dưỡng cha mẹ lúc ốm yếu của Dũng giờ đã đi theo nơi chín suối. Dù còn rất trẻ nhưng Dũng là trụ cột của gia đình nuôi ba mẹ yếu và hai em nhỏ ăn học.
Vừa nói xong câu chuyện những dự định tương lai, ông Nhẫn khóc òa vì nghĩ đến những việc làm hiếu thảo mà đứa con trai ngoan hiền đã dành cho gia đình: "Biết tôi bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn không thể ăn cơm cùng gia đình, sau khi đi làm trở về quê, nó mua ngay bộ bàn tròn để cho tôi cùng ăn với gia đình cho ấm cúng. Thế rồi mỗi lần đi xa nó đều thắp hương tổ tiên và khi lên xe đều gọi điện cho tôi. Thế mà đây là lần đầu tiên nó lên xe không gọi điện lại cho tôi và ra đi mãi không trở về".
Cách gia đình ông Nhẫn không xa là nỗi đau của gia đình nạn nhân Nguyễn Đình Tú (SN 1990). Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, đoạn đường đất gồ gề và căn nhà nhỏ nơi Tú ở nghèo xác xơ. Ba mẹ Tú thiếu đất canh tác, hàng ngày phải quần quật một nắng hai sương đi làm mướn nuôi em ăn học thành người. Nào ngờ "búp măng non" vừa ra trường tìm được công ăn việc làm tại công ty xổ số TP.HCM, với mong muốn kiếm đồng lương về phụng dưỡng cha mẹ thì nay những suy nghĩ ấy bị đánh cắp trong chuyến xe bão táp, để lại nỗi xót xa vô bờ bến đối với người thân trong gia đình nhỏ này.
Nỗi đau của gia đình nạn nhân Nguyễn Đình Tú.
Khi nghe tin con mình là nạn nhân trong chuyến đi định mệnh, mẹ của Tú là chị Lê Thị Xuân không ăn không ngủ suốt mấy ngày. Chị khóc thảm thiết vì thương đứa con trai lớn vừa ngoan hiền hiếu thảo lại chịu thương chịu khó giờ đây bỏ chị mà ra đi. Trong căn phòng tối xiêu vẹo chị Xuân liên tục ngất lịm đi, rồi khi chúng tôi hỏi thăm chị bỗng vỡ òa những dòng lệ cay đắng: "Chú ơi thằng Tú đã về chưa? Sao không thấy nó vào chào mẹ vậy?". Nói xong được vài lời trong đau khổ, chị lại nằm ngất đi trước đám đông bà con hàng xóm đến chia buồn.
Chị Lê Thi Xuân liên tiếp ngất lịm vì khóc thương con.
Xuôi theo tỉnh lộ 26 về huyện M'Đrắk, nơi cuối tỉnh Đắk Lắk không khí tang thương đã bao trùm tất cả những đường sâu ngõ hẻm vì ở đây ai cũng biết chiếc xe bị tai nạn là xe của Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng có bến xe giáp huyện lị, và ai muốn đi đâu cũng qua bến xe trung chuyển này lên các thành phố lớn.
Nỗi đau lớn nhất ập đến gia đình anh Ven Gia Lập và chị Hồ Thị Thủy thuộc thôn 4, xã E alai, M'Đrắk. Đây là đôi vợ chồng xấu số cùng nhau ra đi để lại mất mát vô bờ với 3 em nhỏ Ven Gia Trung, Ven Thị Liên, Ven Thị Ngọc. Hình ảnh 3 em nhỏ này ôm nhau khóc bên quan tài bố mẹ làm bà con lối xóm đến thăm chia buồn cũng rơi lệ.
Ông Ven A Long, bố của anh Lập giọng nghẹn đi: "Vợ nó không may mắc bệnh nặng, gia đình nghèo nó phải vay mượn để đi chữa bệnh cho vợ thì thật cay đắng khi chiếc xe tử nạn đã cướp đi sinh mạng vợ chồng nó để lại cảnh mồ côi cha mẹ của ba đứa nhỏ, không biết sau này 3 đứa cháu sẽ sống như thế nào đây khi thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ nó".
Trong cảnh đau thương tột cùng khóc cho phận đoản số của đứa con gái tên Trầm Sứ Thanh Trà, ông Trầm Văn Hưng (thôn 1, xã Krông Rin, M'Đrắk) rưng rưng giọt lệ: "Cháu nhà tôi vừa mới tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, nó muốn về quê chơi với bố mẹ cho thoải mái sau những ngày học tập vất vả. Nhưng khi cháu quay trở lại thành phố để hoàn thành thi chứng chỉ sư phạm cùng bạn trai Trần Quốc Hưng đang học Đại học Dầu khí, xe chưa rời nhà được bao xa thì tôi đã nhận được tin sét đánh. Cả cháu và người yêu của nó đã ra đi mãi không trở lại".
Người mẹ già đau đớn bên quan tài của vợ chồng tài xế.
Giang Uyên - Minh Kha
Theo Infonet
'Tiếng khóc của những bé kẹt trên xe không thôi ám ảnh' "Nhiều cánh tay bấu víu kèm theo tiếng cầu cứu, tiếng khóc của trẻ con dồn dập trong xe", anh Hải, một trong những người sống sót trong vụ ôtô rơi khiến 34 người chết, kể. Chiều 18/5, Bênh viên Đa khoa tinh Đăk Lăk vẫn đông đúc với lượng người thân đổ về để chăm sóc nạn nhân vụ xe khách lao...