Chưa thể cung cấp hồ sơ thiết kế tháp truyền hình bị gãy
Ông Trần Anh Tú – Giám đốc Đài PTTH Nam Định – cho biết, sẽ đề nghị xây dựng tháp truyền hình mới thay thế tháp vừa đổ. Tuy nhiên điều này cần có sự “chung chi” cũng như sự đồng ý về tài chính của UBND tỉnh Nam Định và Đài THVN.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2737-1995, tháp truyền hình phải chịu được gió tốc độ 181 km/giờ. Tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu, không hiểu vì lý do gì, tiêu chuẩn lại được hạ xuống mức chịu đựng tốc độ gió là 120 km/h.
Sau khi gặp sự cố khiến tháp truyền hình hiện đại cao 180m của Đài PTTH Nam Định bị đổ sập trong đêm mưa bão, hệ thống phát sóng của Đài PTTH Nam Định bị tê liệt. Để khắc phục tạm thời sự cố, Đài PTTH Nam Định vẫn sản xuất chương trình và phát trên truyền hình cáp đồng thời phát nhờ sóng của VTV2, VTV3,VTV6 có trên địa bàn.
Tháp truyền hình Nam Định bị bão số 8 kéo sập.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Anh Tú cho biết: “Thời điểm chúng tôi đặt lốt mua thiết bị từ Malaysia để lắp ráp xây dựng tháp truyền hình Nam Định là năm 2006. Vào thời điểm đó, chỉ duy nhất cột tháp của Đài THVN là hiện đại và cao nhất nước. Về sau là tháp truyền hình Đài Bình Dương và tháp truyền hình Đài PTTH Nam Định hiện nay có chiều cao 180 m cũng được xem là hiện đại tại Việt Nam”.
Theo ông Tú, lãnh đạo tỉnh Nam Định ký phê chuẩn kinh phí thu mua, lắp đặt tháp truyền hình từ năm 2005. Năm 2006, thiết bị được nhập ngoại từ Malaysia về nước. Sau đó, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC thực hiện việc lắp ráp. Đến tháng 6/2010 công trình đi vào hoạt động cho đến khi gặp sự cố đổ gãy mới đây.
Ngay sau khi tháp bị đổ, phía đơn vị bảo hành của VTC đã cùng các chuyêngia kỹ thuật người nước ngoài có mặt tại hiện trường cùng phối hợp với cơ quan chức năng tìm hiểu, giải quyết sự cố. Cùng đó, để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cụ thể của việc gãy tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn đã giao Sở Xây dựng làm việc với Bộ Xây dựng để tìm hiểu nguyên nhân gãy tháp, trình phương án về UBND tỉnh biết, có hướng xử lý sự cố trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo ông Tú, cột tháp bị đổ gãy trị giá khoảng trên 30 tỷ đồng, đi kèm cột tháp là các phụ kiện kỹ thuật trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Trước mắt, để khắc phục hậu quả, đài PTTH tỉnh đang phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp. Ông Tú cho biết, dự kiến, khoảng 2 tuần nữa Đài nhà sẽ phát sóng tất cả các chương trình do địa phương sản xuất lên cột truyền hình cũ (đã dừng hoạt động khoảng 2 năm nay kể từ khi tháp hiện đại chính thức đi vào hoạt động).
Liên quan đến vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của tháp truyền hình vừa đổ sập trọng cơn bão số 8 vừa qua, ông Tú khẳng định việc nhập khẩu thiết bị đã được thẩm định đầy đủ. Còn về thiết kế, do mua trọn gói từ Malaysia nên không có thiết kế kỹ thuật. Vào thời điểm tháp truyền hình hoàn thiện, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu và cùng khẳng định đây là công trình đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Ông Trần AnhTú khẳng định việc nhập khẩu thiết bị tháp truyền hình đã được thẩm định đầy đủ nhưng do mua trọn gói từ Malaysia nên không có thiết kế kỹ thuật.
Video đang HOT
Ông Tú cho biết sẽ xem lại tiêu chuẩn kỹ thuật của tháp có phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hay không, bởi thời điểm mua thiết bị năm 2006, người phụ trách đấu thầu mua sắm thiết bị là một phó giám đốc kỹ thuật của đài, nay đã nghỉ hưu.
Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượngcông trình xây dựng, chủ đầu tư phải phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, các quy chuẩn và tiêu chuẩn phải theo quy định hiện hành, không được tự mình đưa ra. Ông Tú cho rằng giờ không thể khẳng định tháp bị đổ là do không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân đang được cơ quan chuyên môn tìm hiểu nên ông chưa thể đưa ra lời khẳng định.
Liên quan đến sự việc, ông Tú cũng cho biết thêm, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng đã cử người về tìm hiểu nguyên nhân. “Mọi việc đã được Ban giám đốc Đài báo cáo lên UBND tỉnh, việc cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình nhập thiết bị, lắp ráp thiết bị và hồ sơ thiết kế, Đài PTTH Nam Đình chưa thể cung cấp.
Nếu được sự đồng ý từ phía UBND tỉnh chúng tôi sẽ cung cấp. Về kết luận nguyên nhân sẽ chờ kết luận của cơ quan chức năng. Trước mắt, chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các đơn vị để giải quyết sự cố, nhanh chóng phát sóng lên truyền hình phục vụ nhân dân” – ông Tú phân trần.
Theo Dantri
Tháp truyền hình gãy đổ: Tỉnh chưa "truy"?
Nếu kết luận cuối cùng khẳng định tháp truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định đổ do không đạt tiêu chuẩn quốc gia, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) có nguy cơ phải bồi thường.
Chiều 31/10, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức họp bàn giải quyết, khắc phục hậu quả của bão Sơn Tinh (bão số 8). Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, cho biết chủ tịch UBND tỉnh này chưa chỉ đạo gì về việc "truy" nguyên nhân tháp truyền hình ở tỉnh này vừa bị đổ do bão.
Không đạt tiêu chuẩn quốc gia
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình Nam Định do Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng (Bộ Xây dựng) lập tháng 4/2004, tải trọng gió của công trình tháp truyền hình Nam Định được tính toán theo tiêu chuẩn Việt Nam về tải trọng và tác động.
Theo đó, tại TP Nam Định tháp truyền hình phải thiết kế với cấp gió vùng IV-B, có Wo = 155 daN/m2. Nếu tính theo tốc độ gió thì tháp truyền hình Nam Định với chiều cao 180 m muốn đạt chuẩn phải chịu được áp lực gió gần 48,9 m/giây (trên 181 km/giờ) - tương đương cấp 15.
Theo ước tính ban đầu, vụ tháp truyền hình Nam Định đổ gây thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng. Ảnh: HÒA BUN
Nhưng khó hiểu là trong bản hợp đồng mua bán tháp do ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Nam Định, ký ngày 13/9/2006 với bên bán là Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) thì "tháp được thiết kế chịu được tốc độ gió 120 km/giờ", nghĩa là không đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hơn nữa, theo thông tin mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương ghi nhận thực tế tại Nam Định trong trận bão số 8 vừa rồi, gió chỉ đến cấp 12 (tương đương 32,7 - 36,9 m/giây) nhưng tháp đã đổ gục (?!).
Trả lời thắc mắc về việc ký hợp đồng mua tháp truyền hình không đạt tiêu chuẩn quốc gia, ông Tú nói ông chỉ phụ trách nội dung, phần kỹ thuật do một phó giám đốc quản lý nên đến giờ chưa được rõ.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên chiều 31/10, ông Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), khẳng định tháp truyền hình Nam Định được thiết kế không đạt tiêu chuẩn quốc gia về khả năng chống chịu với gió bão.
Trách nhiệm nhà cung cấp thiết kế, thi công (?!)
Nhà sản xuất tháp đến Nam Định tìm nguyên nhân
Theo một nguồn tin, hôm qua (31/10), đại diện Công ty Le BLANC (Malaysia), nhà sản xuất tháp truyền hình Nam Định, đã đến Nam Định để tìm hiểu nguyên nhân sự cố và đánh giá khả năng khôi phục tháp.
Ông Trần Anh Tú cho biết chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo phải nhanh chóng khắc phục sự cố, thông suốt thông tin, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành để xây cột phát sóng mới.
Tháp truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định hoàn thành vào tháng 6/2010 và đã hết hạn bảo hành.
Theo ông Bùi Trung Dung, tháp truyền hình là hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Luật Thương mại quy định người sản xuất, nhập khẩu, phân phối các mặt hàng này phải bảo đảm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. "Khi bán tháp truyền hình cho Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, VTC phải hiểu rằng hàng hóa mình mang bán có đáp ứng đầy đủ các quy định hay không. Người đi ăn phở bị đau bụng thì phải xử người bán phở chứ sao có thể xem xét trách nhiệm của người ăn phở. Cứ nhắm vào truy xét trách nhiệm của lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định là chưa thỏa đáng" - ông Dung phân tích. Ông Dung cho biết thêm theo phân cấp quản lý, vụ này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Nam Định.
Ông Dung cho rằng đây là hợp đồng kinh tế, sự cố không gây thiệt hại về người nên hai bên có thể tự giải quyết với nhau và Công an tỉnh Nam Định cũng không cần thiết phải vào cuộc. "Người bán hàng phải hiểu rõ thông số kỹ thuật sản phẩm mình bán ra và phải chịu trách nhiệm nếu hàng hóa đó không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tỉnh Nam Định cần xem xét trong quá trình thiết kế, xây dựng tháp truyền hình có để xảy ra sai sót gì không. Nếu có thì thuộc trách nhiệm của ai để xử lý nghiêm túc" - ông Dung nói.
Theo phân cấp quản lý, chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về các công trình xây dựng trên địa bàn thuộc sự quản lý của mình. Chính vì thế, quyết định cuối cùng của chủ tịch UBND tỉnh này sẽ quyết định đơn vị nào phải bỏ tiền ra bồi thường. "Về mặt pháp lý, ai làm sai người ấy phải bồi thường. Nếu VTC bán hàng không đạt chuẩn quốc gia là nguyên nhân chính dẫn tới tháp truyền hình gãy đổ, gây thiệt hại cho tỉnh Nam Định thì đương nhiên họ phải bỏ tiền ra khôi phục, xây dựng tháp mới. Trong trường hợp VTC không đồng ý thì Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định có thể đưa họ ra tòa" - ông Dung phân tích.
Nhiều chuyên gia xây dựng cho biết nếu tháp được thiết kế chỉ chịu được sức gió 120 km/giờ thì sẽ giảm được nhiều chi phí.
Phong tỏa hiện trường tháp truyền hình đổ nát
Tháp truyền hình Nam Định cao 180 m bị gãy đôi sau cơn bão số 8, được lực lượng chức năng tỉnh Nam Định canh phòng cẩn mật.
Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường 24/24. Ảnh: Minh Đại
Được dùng rào chắn để bảo vệ hiện trường. Ảnh: Huyền Trang
Dùng thân luồng để làm rào chắn. Ảnh: Minh Đại
Tuyến đường bị chia cắt kể từ khi tháp đổ
Phóng viên đang khai thác thông tin tại hiện trường
50 tỷ đồng nay thành đống sắt vụn
Theo 24h
Bão quật đổ tháp truyền hình cao nhất Bắc Bộ Tối 28/10, tháp truyền hình cao 180m của tỉnh Nam Định bị gió bão số 8 (bão Sơn Tinh) giật đổ sập ra đường. Đây là tháp truyền hình cao và hiện đại nhất miền Bắc, hoàn thành năm 2011, mới được đưa vào sử dụng. Trao đổi với PV lúc 23g30 ngày 28/10, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PT-TH Nam...