“Chưa thấy phạt lãnh đạo ra quy định sai”
Hàng chục năm nay chưa thấy có công chức hay lãnh đạo nào bị giáng chức, buộc thôi việc, bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định ban hành văn bản sai trái.
Đó là ý kiến của đại biểu QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, khóa 13, diễn ra sáng nay (30/5).
Trước đó, báo chí đã nêu nhiều trường hợp cụ thể về quy định thiếu tính khả thi, trong đó có cơ quan sau đã loại bỏ, đình chỉ quy định bất hợp lý.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, nhiều bộ ngành trực tiếp hoặc đề xuất Chính phủ ban hành nhiều quy định xa rời thực tế, thiếu tính khả thi, cá biệt, còn trái luật. Điều này gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của dân, giảm hiệu quả quản lý….
“Do không khả thi nên nhiều quy định có như không tạo nên tình trạng “nhờn luật” của người dân và cán bộ thực thi. Nhiều quy định bất hợp lý, dù là mới ở dự thảo nhưng gây xáo trộn tâm lý, đời sống người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, gây lãng phí thời gian và tiền của nhà nước, nhân dân”, bà Nga phát biểu.
Thiên về xử phạt
Vị phó chủ nhiệm ủy ban Tư Pháp cũng cho rằng, việc xây dựng chế tài là hợp lý, nhưng cách xây dựng chính sách hiện nay làm cho người dân có cảm giác dường như thiên về xử phạt hơn.
Trong khi đó, xử phạt là biện pháp cuối cùng để chính sách đi vào cuộc sống. Đặc biệt, chỉ nên áp dụng sau khi Nhà nước đã bảo đảm đủ các điều kiện cho người dân tự giác chấp hành.
Ví dụ về một quy định mới ký năm 2012. Trong khi chưa quy định người dân phải làm gì đã đưa ra mức phạt tiền cụ thể nếu không chấp hành kèm theo giả định nếu sau này pháp luật có quy định. Như vậy, đi ngược hoàn toàn với nguyên lý chung.
Video đang HOT
Cũng theo bà Nga, còn một số văn bản pháp luật chưa đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh. Ví dụ quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và xử phạt người không đội mũ đã biến mũ bảo hiểm thành mặt hàng thiết yếu của người đi xe máy.
Đại biểu QH Lê Thị Nga (Thái Nguyên)
Nhưng trong suốt 6 năm thực thi, cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý chất lượng mũ. Khi UB an toàn giao thông Quốc gia vào cuộc mới phát hiện ra, 70% số mũ lưu hành không đạt yêu cầu chất lượng. Điều đó cũng nói lên, chủ trương đội mũ bảo hiểm chưa thành công đến 2/3.
Ở đây có lỗi khâu hoạch định chính sách, khi có quyết định xử phạt, trong khi chưa cung ứng đủ lượng mũ bảo hiểm có chất lượng cho dân. Khâu thực hiện có lỗi của cơ quan quản lý thị trường, quản lý chất lượng…
Nhưng thay vì xử lý nghiêm các cá nhân có trách nhiệm, một số bộ đề xuất giải pháp phạt người tiêu dùng khi họ đang tham gia giao thông. Quy định này thiếu công bằng giữa người sản xuất kinh doanh với người người tiêu dùng. Đặc biệt thiếu khả thi vì không thể chặn hàng chục triệu người đi xe máy để kiểm tra và xử phạt. Vậy mà một lãnh đạo của Cục quản lý thị trường còn hăng hái, cử người tham gia đứng đường cùng cảnh sát giao thông.
Theo đại biểu này, cử tri đặt câu hỏi, khi buông lỏng, bỏ mặc cho mũ rởm hoành hành, khi thì thắt chặt quản lý đột ngột và đề xuất xử phạt người tiêu dùng. Nếu đề xuất này được chấp nhận tất yếu tạo ra một cơn sốt mũ chuẩn. Vậy ai bị thiệt, ai được hưởng lợi đằng sau cách làm chính sách như vậy. (?)
“Số đông người dân mong muốn mua được mũ tốt để bảo vệ sức khỏe. Hàng nghìn tỷ đồng của người dân bỏ ra để mua mx bảo hiểm không bảo đảm chất lượng để lưu hành 37 triệu xe máy thuộc trách nhiệm của ai? Không lẽ là lỗi của người dân. Chính phủ, bộ Công thương, bộ Khoa học công nghệ cần làm rõ để trả lời cử tri”, bà Nga yêu cầu.
Chưa thấy ai bị phạt
Đại biểu QH Lê Thị Nga cũng cho biết, cử tri bức xúc về việc Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư làm cho nhiều quy định của Quốc hội không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Việc chậm sửa đổi các Nghị định, văn bản bất hợp lý, nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là minh chứng. Đã gần nửa nhiệm kỳ Quốc hội trôi qua, nhiều lần kiến nghị của cử tri, Mặt trận tổ quốc, đại biểu QH mà Nghị định này chưa được sửa đổi.
Vị nữ đại biểu bày tỏ quan điểm: “Có vẻ như một quy luật, trước kỳ hợp quốc hội giá xăng dầu nằm im hoặc giảm đôi chút làm yên lòng đại biểu QH và cử tri. Để rồi sau đó lại tiếp tục tăng trong sự hoài nghi của xã hội về tính minh bạch. Chính phủ cần trả lời QH lý do trì hoãn, chậm sửa đổi Nghị định này”.
Bên cạnh đó, một số cán bộ chịu trách nhiệm soạn thảo, tham mưu, thẩm định nhưng có năng lực hạn chế, có dấu hiệu quan liêu.
“Hàng chục năm nay chưa thấy có công chức hay lãnh đạo nào bị giáng chức, buộc thôi việc, bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định ban hành văn bản sai trái”, vị phó chủ nhiệm nói.
Bà Nga đề nghị cần khắc phục các nguyên nhân nêu trên, sớm tiến hành giám sát tối cao về chấp hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chính phủ cần xây dựng cơ chế thẩm định khách quan, tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra văn bản sau khi văn bản được ban hành.
Theo 24h
Tổng Bí thư: Lấy phiếu tín nhiệm phải công tâm
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội chiều qua (13/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội (sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây) cần thực sự công tâm, trong sáng, khách quan.
Đừng để lá phiếu thành "lá bùa"
Cử tri Lâm Thắng (phường Thành Công, Ba Đình) cho biết rất băn khoăn việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu vào thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh vừa diễn ra hai sự kiện quan trọng là thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 và Hội nghị T.Ư 7 (khóa XI) vừa kết thúc. Cử tri Thắng cho rằng nếu không chuẩn bị tốt, việc lấy phiếu có thể sẽ có một kết quả ngược, rất nguy hiểm.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội.
Có người sẽ coi kết quả lấy phiếu như lá bùa hộ mệnh. Cán bộ trung thực, có năng lực nhưng có thể được ít phiếu tín nhiệm, có người phẩm chất, năng lực yếu kém nhưng giỏi chạy, sẽ tìm mọi cách để được phiếu cao.
"Nếu phát hiện có ai chạy chọt, vận động, mua chuộc phải hủy ngay kết quả lấy phiếu của người đó" - ông Thắng kiến nghị. Theo ông, đánh giá cán bộ, phải xem xét phẩm chất của người đó, thể hiện qua thực tiễn, hiệu quả công việc. Chỉ nên coi kết quả lấy phiếu như một kết quả tham khảo. Nếu không cẩn trọng, có người mất tín nhiệm oan.
Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, việc lấy phiếu tín nhiệm lúc này khá thuận lợi, vì chúng ta có quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4. "Có thể lấy kết quả tự kiểm điểm của các đồng chí đó để đại biểu Quốc hội căn cứ vào đó đánh giá. Tuy nhiên, đại biểu phải đề cao trách nhiệm, không bỏ phiếu với tư cách cá nhân mà là đại diện cho nhân dân" - Trung tướng Cư lưu ý.
Ông Cư cũng cho rằng, Quốc hội cần tăng cường chức năng giám sát để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết T.Ư 4. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 đã đạt một số kết quả, nhưng cần làm kiên quyết hơn nữa, nhằm làm trong sạch Đảng và Nhà nước, khôi phục lòng tin của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định các ý kiến phát biểu của cử tri thủ đô tâm huyết, trí tuệ, có trách nhiệm cao đối với những công việc quan trọng, có tính thời sự của kỳ họp, cũng như công việc chung của đất nước. Những ý kiến đó sẽ được tập hợp đầy đủ để phản ánh, thảo luận tại Quốc hội.
Sửa Hiến pháp: sẽ đưa ra nhiều phương án
Đề cập đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) đồng tình quy định tại điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.
Lấy phiếu là công việc mới, nhưng chúng ta phải làm vì Quốc hội đã có Nghị quyết, chúng ta cũng đã có thời gian chuẩn bị, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kết quả lấy phiếu rất quan trọng, nhưng để đánh giá đúng cán bộ ngoài việc lấy phiếu còn phải đánh giá qua thực tiễn quá trình công tác, qua sự giám sát của Quốc hội và nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tuy nhiên, không được chủ quan bởi hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, chính là những người đe dọa sự tồn vong của chế độ. "Đảng phải thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 mạnh hơn, bất kể đó là ai, chức vụ gì, nếu có vi phạm phải xử nghiêm, không né tránh, chúng ta bao dung nhưng không nên bao che sai phạm" - ông Quy phát biểu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là vấn đề quan trọng, là dịp nhân dân thể hiện lòng yêu nước của mình. Việc lấy ý kiến được chuẩn bị chu đáo và đã thu được kết quả tốt với hơn 26 triệu ý kiến góp ý vào Dự thảo.
Theo Tổng Bí thư, việc có những ý kiến khác nhau là đương nhiên, vấn đề là Quốc hội tiếp thu chọn lọc như thế nào để có kết quả tốt nhất và Quốc hội sẽ báo cáo giải trình, làm rõ những vấn đề đó.
Những điểm nào không phù hợp chúng ta kiên quyết đấu tranh, phê phán. Quốc hội sẽ lọc các loại ý kiến khác nhau, xem xét đưa ra phương án sửa đổi, thậm chí có vấn đề có thể trình tới 3 phương án để đại biểu cho ý kiến, thảo luận chứ chưa chốt cứng ngay.
Thông tin độc hại rất nguy hiểm
Theo Tổng Bí thư, băn khoăn của cử tri đối với việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội tới là rất đúng. Bởi thực tế nhiều năm chúng ta chưa làm, chưa có cơ chế cụ thể. Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sẽ thực hiện qua hai nấc, lấy phiếu và bỏ phiếu.
Việc lấy phiếu không chỉ tiến hành ở Quốc hội mà thực hiện cả ở cơ quan Đảng và các đoàn thể. Với cơ quan Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực hiện vào cuối năm nay để kịp thời cảnh tỉnh. Nếu để đến mức bỏ phiếu tín nhiệm thì bấy giờ là bãi miễn.
"Bây giờ thông tin cho đại biểu rất nhiều, không cẩn thận ông này đang tốt nhưng chỉ vì một thông tin trên mạng sẽ chẳng biết thế nào nữa, thậm chí họ dựng chuyện bôi nhọ, nói xấu. Mình tin ngay vào những thông tin độc hại ấy mà không kiểm chứng sẽ rất nguy hiểm" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo vietbao
Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm: Khó đoán kết quả TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng lần bỏ phiếu sắp tới khó dự đoán kết quả nhưng nếu đại biểu Quốc hội có tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động này rất có ý nghĩa. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc ngày 20/5...