Chưa sửa xong đường dẫn cầu Vàm Cống: Tại trời mưa
Ông Thi cho rằng, việc khắc phục sự cố đường cầu Vàm Cống do phía nhà thầu Hàn Quốc tự bỏ tiền ra làm vì vẫn đang trong thời gian bảo hành.
Liên quan đến thông tin một tháng chưa khắc phục xong sự cố đường dẫn cầu Vàm Cống, sáng ngày 27/7, trao đổi với báo Đất Việt, ông Trần Văn Thi – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Cty Cửu Long) cho rằng, hiện phía nhà thầu Hàn Quốc vẫn đang tập trung hoàn thiện việc này.
“Về cơ bản đã hoàn thành xong, giờ chỉ còn một số vị trí nhỏ phía nhà thầu đang tập trung làm. Việc khắc phục sự cố này do nhà thầu Hàn Quốc tự bỏ tiền ra làm vì vẫn đang trong thời gian bảo hành”, ông Thi cho biết.
Nói về nguyên nhân khiến việc khắc phục sự cố đường dẫn cầu Vàm Cống bị chậm so với kế hoạch, ông Thi cho rằng, do thời gian vừa qua, thời tiết có mưa nên ảnh hưởng đến việc khắc phục này..
Về việc này, theo phản ánh trên báo Tiền Phong, vào ngày 26/7, tại đoạn đường dẫn lên cầu Vàm Cống phía bờ Cần Thơ, nhân công và phương tiện đang thực hiện dặm vá một số điểm nhằm gia cố lại mặt đường bị hư hỏng.
Ngày 26/7, nhân công và các phương tiện vẫn đang thực hiện dặm vá một số điểm nhằm gia cố lại mặt đường bị hư hỏng. Ảnh: TPO
Trước đó, cũng tại vị trí này, các vết lún, nứt răng cưa xuất hiện khắp nơi trên mặt đường nhựa, kể cả làn dành cho xe cơ giới và xe thô sơ.
Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện dự án cầu Vàm Cống vẫn đang thuộc sự quản lý của Tổng Công ty đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.
Video đang HOT
“Đây là trách nhiệm của Công ty Cửu Long, họ phải chỉ đạo đơn vị thi công kiểm tra, sửa chữa và bảo hành sao cho đúng yêu cầu chất lượng. Vấn đề này Cục cũng đã chỉ đạo Chi cục quản lý đường bộ VI.5 mời phía Công ty Cửu Long đi kiểm tra thực tế”, ông Thành nói.
Nói về nguyên nhân gây hư hỏng mặt đường cầu Vàm Cống, ông Thành cho biết có nhiều lý do nhưng yếu tố tác động bên ngoài gây hư hỏng là do trời mưa nhiều ngày.
Bình luận về lý do đường cầu Vàm Cống nứt do trời mưa, chia sẻ với PV, GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT cho rằng, đây chỉ là lý do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nói, không phải nguyên nhân chính dẫn đến mặt cầu bị nứt lún như vậy.
“Thời tiết hay việc xe quá tải trọng đi qua cầu chỉ là một lý do rất nhỏ bởi trong quá trình thi công họ đã phải tính cả rồi, trong khi đó chưa kể đến việc, làm đến đâu là nghiệm thu đến đó luôn.
Cái chính ở đây phải là phải xem nguyên vật liệu khi thi công, quá trình thi công có giám sát chặt chẽ hay không. Còn nếu nhìn vết nứt mà là vết nứt dọc thì có thể trong quá trình thi công, nền đường không đảm bảo nên khi đưa vào khai thác nền bị sụt lún”, GS.TS Bùi Xuân Cậy cho biết thêm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyên Đinh Tham – Khoa Công trinh, Trương Đai hoc Xây dưng Ha Nôi cho rằng, điều kiện thời tiết chỉ là nguyên nhân trực tiếp để bộc lộ chất lượng công trình.
Còn khi công trình đã xảy ra sự cố thì bắt buộc phía nhà thầu phải xem lại tất cả hồ sơ gói thầu, từ thiết kế cho đến thi công mới đánh giá được tổng thể nguyên nhân gây ra việc nứt lún mặt cầu và từ đó mới có hướng khắc phục.
Cầu Vàm Cống nối tỉnh Đồng Tháp với TP Cần Thơ, khánh thành ngày 19/5/2019, dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.700 tỷ đồng. Đây là cây cầu thứ hai bắc qua sông Hậu (sau cầu Cần Thơ), cách cầu Cần Thơ khoảng 50km về phía thượng lưu và được đánh giá hiện đại hơn cầu Cần Thơ. Trước đó, cuối năm 2017, cầu Vàm Cống đã từng bị sự cố nứt dầm nên phải kéo dài tiến độ.
Thu Hoài
Theo Datviet
Gờ giảm tốc thành bẫy tai nạn giao thông
Gờ giảm tốc có chức năng làm giảm TNGT nhưng nhiều nơi làm không theo quy định biến những gờ này thành vật cản giao thông, bẫy người đi đường .
Gờ giảm tốc nơi xảy ra vụ rơi thùng container trúng người phụ nữ chiều 17/7 (Chụp sáng 18/7). Ảnh: Mai Huyên
Tai nạn vì gờ giảm tốc
Sáng 18/7, sau khi xảy ra vụ thùng container rơi đè trúng một phụ nữ (chiều 17/7) xảy ra trên đại lộ Độc Lập, PV Báo Giao thông có mặt ở khu vực TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương để ghi nhận thực trạng "thiên la địa võng" của những chiếc gờ giảm tốc chẳng giống ai ở đây.
Ngay tại nơi xảy ra vụ rơi thùng container ở trước khu vực cổng Bảo tàng Quân đoàn 4, đại lộ Độc Lập, PV quan sát, có 1 gờ giảm tốc cao hơn mặt đường khoảng 15 cm, to gấp đôi "luống khoai lang" mọc chềnh ềnh giữa đường, khiến các loại phương tiện lưu thông rất khó khăn. Mỗi lần có chiếc xe container nào đi qua lại bị xốc nhảy lên tạo ra những tiếng "rầm, rầm"... dù tài xế đã cố chạy chậm hết sức. Tài xế những chiếc ô tô con cũng phải giảm hết ga, cho xe nhích từng bước.
Nhiều người dân sinh sống ở khu vực này bức xúc: "Gờ giảm tốc gì mà to như "luống khoai lang". Nhiều người đi xe máy lần đầu qua đoạn đường này không biết nên bị xốc rất mạnh, nhiều lúc lạc tay lái, té ngã".
Tuyến đại lộ Độc Lập chỉ dài chừng 3km, chạy qua khu công nghiệp Sóng Thần, kết nối từ QL1 với ngã tư 550, nhưng có hàng chục gờ giảm tốc kiểu như vậy. Không chỉ ở đây, các tuyến đường số 10, số 8, số 5, số 3, số 11, đại lộ Thống Nhất, GS1... ở TX Dĩ An cũng đều có rất nhiều gờ giảm tốc cao tương tự. Một số tuyến, điển hình là đường số 11 (khu phố Nhị Đồng 1), do dự án thoát nước thải đô thị đào đường và lấp lại làm mất 1 nửa "luống giảm tốc". Dân đi qua đây có vẻ "dễ thở" hơn, nhưng nguy cơ TNGT lại tăng cao, do người điều khiển phương tiện thi nhau đi vào phần "luống giảm tốc" đã bị phá.
Đã có nhiều vụ người đi xe máy tự ngã trên tuyến đường GS (ở khu vực BigC Dĩ An), nguyên nhân được xác định là do "luống giảm tốc". Chị Lan, một nhân viên phục vụ quán nướng ở khu vực này cho biết, thỉnh thoảng lại có người đi xe máy bị ngã vì bất cẩn khi leo gờ giảm tốc, có người bị nặng phải đi viện cấp cứu.
Tại TP HCM, tuyến đường Võ Chí Công từ cầu Phú Hữu đến đường rạch Gò Công dài khoảng 3km chạy qua Khu công nghệ cao, quận 9. Tuyến đường rộng mỗi bên 3 làn xe, trước đây chủ yếu phục vụ việc vận chuyển của các phương tiện trong Khu công nghệ cao. Đơn vị chức năng đã cho xây các gờ giảm tốc kiểu "luống khoai" để hạn chế tốc độ. Thế nhưng, khi cầu Phú Hữu hoàn thành, tuyến đường này trở thành đường công cộng, người dân thường xuyên lưu thông, các gờ giảm tốc này trở thành vật cản gây ra nhiều vụ tai nạn.
Điển hình ngày 4/4, một người đàn ông chạy xe máy từ đường Bưng Ông Thoàn ra đường Võ Chí Công, khi đến trước đoạn qua cổng Công ty Samsung đã vấp vào gờ giảm tốc, khiến người đàn ông cùng xe máy ngã xuống đường. Nạn nhân được người dân và bảo vệ khu công nghệ cao gọi xe cứu thương đưa đi bệnh viện. Theo các bảo vệ ở đây, tình trạng người đi xe máy vấp vào gờ giảm tốc ngã xe xảy ra rất nhiều, có trường hợp bị thương rất nặng.
Tự ý lắp đặt không đúng chuẩn phải tháo dỡ
Ông Nguyễn Xuân Quý, một nhà thầu chuyên làm giao thông tại các khu dân cư ở TX Dĩ An cho hay, các gờ giảm tốc được xây dựng trên địa bàn là do tự phát. Ban đầu xuất phát từ mô hình trong khu công nghiệp, sau đó người ta áp dụng trên nhiều tuyến đường công cộng.
"Chúng tôi làm đường, người ta yêu cầu thì phải làm, tuy nhiên tôi thấy không hiệu quả, trái lại còn là chướng ngại vật tiềm ẩn tai nạn. Ở TP HCM và nhiều địa phương khác làm các vạch giảm tốc còn có biển cảnh báo, chỉ có Dĩ An là một mình một kiểu... Ngay như tuyến đại lộ Độc Lập, trước kia là của khu công nghiệp Sóng Thần, nhưng đã chuyển giao cho Sở GTVT Bình Dương quản lý vì có quá đông phương tiện hỗn hợp qua lại. Tôi cũng không hiểu sao, dù đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, nhưng các gờ giảm tốc này vẫn không bị phá bỏ?!...", ông Quý nói.
Để có thông tin đa chiều, ngày 19/7, PV liên lạc với lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương phản ảnh về những bất cập của gờ giảm tốc tại khu vực TX Dĩ An, nhưng lãnh đạo Sở này chưa có thông tin phản hồi cho báo...
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, những gờ giảm tốc kiểu như các tuyến đường ở TX Dĩ An không đúng theo các tiêu chuẩn quy định. Theo Quyết định 1587/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT "Hướng dẫn xây dựng các gờ giảm tốc", định nghĩa gờ giảm tốc dạng sống trâu được làm bằng bê tông nhựa, bê tông xi măng và sơn phủ bằng sơn dẻo nhiệt phản quang màu vàng, chiều cao lớn nhất là từ 6mm - 9mm.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho rằng, có quy chuẩn về việc xây dựng các điểm giảm tốc độ để áp dụng cho từng tuyến, từng đoạn đường khác nhau. Muốn xây dựng gờ giảm tốc ở khu vực nào phải tham khảo ý kiến, chẳng hạn lắp đặt ở khu dân cư phải được sự đồng ý của người dân. Bên cạnh đó, phải có đề xuất, thống nhất giữa quận, huyện với các đơn vị chức năng; sở GTVT rà soát, xem xét lại có phù hợp không mới cho lắp đặt, không phải ai muốn xây thế nào cũng được đâu. "Kể cả khi đã lắp đặt gờ giảm tốc, nếu rà soát lại thấy không hiệu quả, có những bất cập cũng phải tháo dỡ", ông Tường nói.
Mai Huyên - Phan Tư
Theo Baogiaothong
Phải hoàn thành dự án cầu Vàm Cống trước 31/3/2019 Ngày 14/2, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra một số dự án trọng điểm... Thứ trưởng Nguyễn Nhật trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công cầu Vàm Cống - Ảnh: Hồng Thuỷ Ngày 14/2, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật làm trưởng đoàn đã đi...