Chùa Som Rong Sóc Trăng – ngôi chùa đậm chất Khmer
Sóc Trăng không chỉ là nơi có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng và đậm đà bản sắc, mà còn được biết đến với danh xưng “thủ phủ của những ngôi chùa tháp” bởi với hơn 200 ngôi chùa, đây được xem là một trong những tỉnh có nhiều chùa nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, Som Rong – ngôi chùa Khmer với nhiều công trình kiến trúc hoành tráng – là nơi nếu chưa đến thì chuyến hành trình Sóc Trăng khó có thể xem là trọn vẹn.
1. Nguồn gốc cái tên Som Rong và lịch sử hình thành
Chùa Som Rong tên đầy đủ là Bôtum Vong Sa Som Rong, thường được người dân địa phương gọi tắt là Som Rong cho dễ nhớ. Chùa toạ lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, P.5, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Cái tên Som Rong xuất phát từ việc ngày trước, có rất nhiều cây tên Som Rong mọc dại quanh chùa.
Từ đó, chùa mang tên loại cây này và tính đến nay đã qua hơn 600 năm tồn tại. Tương truyền, chùa Som Rong đã được xây dựng cách đây 600 năm, ban đầu được dựng tạm lên từ những vật liệu hết sức thô sơ như tre, lá. Ngôi chùa cũ nằm ở phía bên kia đường và cách chùa Som Rong hiện tại khoảng 1km.
Do diện tích hẹp, không đáp ứng đủ không gian sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con nên tháng Giêng năm 1725, chùa được di dời đến địa điểm hiện tại. Phần đất của chùa hầu hết được hiến tặng từ các thiện tín. Theo thời gian, chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa và dần có vẻ ngoài khang trang như hiện tại. Với kiến trúc độc đáo cùng nhiều công trình quy mô, hoành tráng trong khuôn viên, chùa Som Rong trở thành toạ độ hành hương, viếng lễ thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến Sóc Trăng mỗi năm.
Video đang HOT
2. Ngôi chùa là công trình đồ sộ mang dấu ấn kiến trúc chùa Khmer
Chùa Som Rong toạ lạc trên khuôn viên rộng hơn 5 ha, được phân thành nhiều khu như chánh điện, sala, tượng Phật nằm, tăng xá, bảo tháp…Trong đó, chánh điện là nơi thờ Phật chính. Toàn bộ chánh điện được nâng đỡ bởi 6 hàng trụ cột cùng phần mái gồm 3 hệ thống mái chồng lên nhau. Mỗi góc của tầng mái đều được trang trí bằng tượng rồng của đồng bào Khmer. Phần mái tiếp giáp với cột thì được trang trí bằng tượng nữ thần Keynor và chim thần Krud – biểu tượng của sự uy nghi, khoẻ khoắn trong văn hoá của người Khmer.
Độc đáo nhất chùa Som Rong phải kể đến ngôi bảo tháp với diện tích 100m2, rộng 11m và cao 25m. Bảo tháp có 4 mặt đại diện cho 4 hướng đi là Từ – Bi – Hỉ – Xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp là 2 tượng rắn thần Naga và các hoa văn Khmer cổ được chạm trổ tinh xảo. Nổi bật ở trung tâm bảo tháp là tượng Phật Thích Ca đang ngồi thiền được sơn son thiếp vàng, mặt quay về hướng đông. Bảo tháp gồm 2 tầng. Tầng trên là nơi lưu giữ tro cốt của 4 vị cố hòa thượng, thượng tọa, trụ trì chùa qua các thời kỳ. Tầng dưới là nơi lưu giữ hơn 400 lọ tro cốt của những người không có khả năng xây dựng tháp riêng.
Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017, Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tượng dài 63m, cao 22,5m và nặng đến 490 tấn, được đặt trên bệ cao nên phần đông du khách đều dễ dàng trông thấy từ khoảng cách xa hàng trăm mét. Nhiều lượt khách đến đây không chỉ trầm trồ trước kiến trúc tinh xảo chùa Som Rong, mà còn choáng ngợp bởi vẻ đẹp uy nghi và quy mô của bức tượng này.
Sóc Trăng là vùng đất cộng cư giàu bản sắc của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Với hơn 200 ngôi chùa, trong đó có gần 100 ngôi chùa Khmer trên toàn tỉnh, những công trình tâm linh này ngoài là nơi để các nhà sư tu hành, thờ Phật thì còn là điểm sinh hoạt truyền thống, phục vụ đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Và chùa Som Rong – với tất cả sự quy mô, hoành tráng – xứng đáng là điểm dừng chân lý tưởng và trở thành nơi “chưa đến chớ vội về” khi du khách lạc bước đến Sóc Trăng.
Ghé qua chợ nổi ngã năm sóc trăng - du lịch miền tây
Mỗi khi về vùng đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống sông ngòi dày đặc, ghe thuyền tấp nập qua lại, từ đó mà hình thành nên những chợ nổi nổi tiếng miền tây: Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang),...
Tuy nhiên không phải ai cũng biết một chợ nổi nằm ngay ngã 5 sông. Và Ngã Năm cũng chính là cái tên mà người dân đặt cho chợ nổi này.
Chợ nổi Ngã Năm đó là cách người dân miền Tây liên tưởng đến chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng, giao điểm của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp.
Chợ Nổi Ngã 5 Sóc Trăng
Trong công cuộc khai phá đất Nam Bộ xưa, khác với miệt vườn ở vùng trên, miệt dưới Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vốn trũng phèn mặn, nên muốn khai phá phải đào kênh. Tên gọi Ngã Năm xuất hiện khi người Pháp đào kênh quản lộ Phụng Hiệp. Kênh này cùng kênh Xáng cắt ngang kênh Xẻo Chích tạo thành năm nhánh sông, giống hình con bạch tuộc giương vòi về năm ngả. Từ Ngã Năm này xuôi về các tỉnh là Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang. Người dân bắt đầu tụ họp lại khu vực này để giao thương, dần dần hình thành một nét đặc biệt ở miền Tây, đó là chợ nổi Ngã Năm. Giữa miền sông nước, lục bình trôi lơ đễnh, những con xuồng và ghe chở hàng hóa nối đuôi nhau di chuyển trên sông. Những hoạt động mua bán hàng hóa hoặc sinh hoạt chính đều diễn ra trên ghe.
Muốn tham quan chợ nổi Ngã Năm bạn phải đi rất sớm, khoãng 4 - 5 giờ sáng
Trái với nhiều khu chợ thường nhật hoạt động náo nhiệt vào sáng hoặc trưa, thì chợ nổi Ngã Năm lại nhộn nhịp nhất vào khoảng 3-4 giờ khuya cho đến 7-8 giờ sáng thì thưa thớt dần. Thời điểm này là lúc các ghe xuồng lớn nhỏ tập trung để trao đổi hàng hóa với những thương lái đến từ vùng lân cận.
Trong chiếc áo bà ba không lẫn vào đâu được của dân miền Tây, chiếc nón lá đội nghiêng trên đầu, một người phụ nữ ngồi trên xuồng nở nụ cười như chào hàng với những chiếc ghe đi ngược lại. Mặt hàng buôn bán trên những chiếc ghe, chiếc xuồng vô cùng đa dạng. Chiếc thì bán gạo, chiếc thì bán trái cây, có nơi lại để nguyên nồi nước lèo sôi sùng sục để bán món bún nước lèo, hủ tiếu...
Một đặc trưng dễ nhận ra của chợ nổi là cây bẹo treo lủng lẳng trước ghe. Bởi thế, khi vào chợ nổi Ngã Năm, người ta vẫn nhìn cây bẹo trước tiên để quyết định tiến gần mua bán. Bạn hàng chèo một vòng chợ nổi, mắt ngó dọc ngó ngang tìm mua món hàng mình cần. Cần vài mặt hàng nông sản, nhìn cây bẹo là người ta nhanh chóng sáp lại gần. Vậy mới nói cây bẹo giống như "cây quảng cáo" của chợ nổi Ngã Năm nói riêng và chợ nổi miền Tây nói chung.
Cây Bẹo, một nét đặc trưng của chợ nổi, nó như một tấm băng ron quảng cáo sống động
Đến chợ nổi Ngã Năm, bên cạnh những giọt mồ hôi trên trán sau một buổi dài chào bán, du khách còn dễ dàng bắt gặp những gương mặt rạng rỡ cầm tiền trên tay khi chuyến hàng được giá. Một lần hòa mình vào không khí của chợ nổi Ngã Năm, thưởng thức tô bún nước lèo nóng hổi trên ghe, ngó thuyền ghe qua lại, lòng du khách bỗng thấy yên bình. Chợ nổi Ngã Năm đến nay vẫn giữ được vẻ mộc mạc trong cách buôn bán lẫn lời mời gọi đậm chất miền Tây. Có lẽ vì vậy mà dù nhà cửa bắt đầu mọc trên bờ, nhưng người dân vẫn gắn bó với chợ nổi, ghe xuồng, với tiếng gọi í ới và sông nước đầy lục bình.
Những điểm đến miền Tây cho dịp 30/4-1/5 Miền Tây hội tụ loạt điểm đến có nét đẹp độc đáo riêng. Dịp lễ này, du khách có thể dành thời gian khám phá nhiều điều thú vị tại nơi đây. Núi Cấm - An Giang: Là ngọn núi nổi tiếng của dãy Thất Sơn, núi Cấm hay Thiên Cấm Sơn có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, cao khoảng 710 m...