Chùa ở An Giang có tượng Phật Tổ lớn
Ngôi chùa này có tượng Phật Tổ A Di Đà cao 39 m, lập kỷ lục Việt Nam.
Ảnh: Cổng TTĐT huyện Chợ Mới.
1. Chùa Phước Thành nằm ở huyện nào sau đây của An Giang?
Chùa Phước Thành nằm ở cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đây là cù lao yên bình nằm giữa sông Tiền, có lịch sử khai phá hơn 300 năm.
2. Chùa Phước Thành được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục nào sau đây?
Năm 2017, chùa Phước Thành được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi có Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ Tát Thánh Chúng lớn nhất cả nước. Theo tư liệu của VietKings, công trình được khởi công xây dựng năm 2012, hoàn thành năm 2016 với tượng Phật Tổ A Di Đà cao 39 m cùng 48 vị Bồ Tát Thánh Chúng, mỗi tượng cao 5 m.
3. Chùa Phước Thành được khai sơn tạo lập vào năm nào?
Cổng thông tin du lịch An Giang cho biết chùa Phước Thành được Hòa thượng Thích Bửu Đức khai sơn tạo lập vào năm 1872. Chùa còn được người dân gọi với tên khác là chùa Chim.
4. Ngoài chùa Phước Thành, du khách đến cù lao Giêng còn có thể thăm các địa điểm tôn giáo nào?
Đến cù lao Giêng, du khách có thể thăm nhà thờ Cù Lao Giêng cổ kính với lịch sử lâu đời. Gần nhà thờ còn có tu viện Chúa Quan Phòng, tu viện Phanxico, hợp thành quần thể công trình tôn giáo đặc sắc mang kiến trúc Tây phương.
Video đang HOT
5. Tên gọi Chợ Mới có nguồn gốc thế nào?
Cổng TTĐT huyện Chợ Mới cho biết về nguồn gốc tên gọi Chợ Mới, tương truyền ngày xưa có ngôi chợ cũ tên Phó Định Bài, nằm ở bên kia bến đò Kiến An, về sau, một ngôi chợ khá bề thế được xây dựng tại huyện lỵ ngày nay, được người dân gọi là “Chợ Mới”.
6. Huyện Chợ Mới hiện có bao nhiêu xã, thị trấn?
Huyện Chợ Mới hiện có 2 thị trấn là Chợ Mới và Mỹ Luông, cùng 16 xã: An Thạnh Trung, Bình Phước Xuân, Hòa An, Hòa Bình, Hội An, Kiến An, Kiến Thành, Long Điền A, Long Điền B, Long Giang, Long Kiến, Mỹ An, Mỹ Hiệp, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Tấn Mỹ.
7. Logo huyện Chợ Mới có hình ảnh di tích nào?
Cổng TTĐT huyện Chợ Mới cho biết trung tâm logo huyện có hình ảnh di tích lịch sử quốc gia Cột Dây Thép với lá cờ tung bay, được cách điệu. Đây là nơi lá cờ Đảng được treo để chào mừng sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh An Giang. Ngoài ra, logo còn có màu xanh lá tươi làm chủ đạo, tượng trưng cho vùng đất nông nghiệp trù phú…
An Giang: Khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch ở cù lao Giêng
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng, nhà vườn..., tại 3 xã cù lao Giêng có lợi thế để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tâm linh.
Cù lao Giêng. (Nguồn: angiang.gov.vn)
Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, gồm 3 xã là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, nằm giữa sông Tiền, một nhánh của sông Mekong, có chiều dài 12km và chiều rộng 7km.
Nơi đây từ lâu được biết đến là một "cù lao xanh," vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của của người Việt vùng sông nước Nam Bộ, đặc sắc với các công trình văn hóa tín ngưỡng đồ sộ.
Chợ Mới là huyện cù lao của tỉnh An Giang, với diện tích tự nhiên gần 370km2, trung tâm hành chính của huyện cách thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang 29km theo đường tỉnh lộ 944, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, với hệ thống sông, rạch chằng chịt.
Những năm qua, An Giang đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước.
Nhiều tour, tuyến du lịch đến huyện Chợ Mới có thể kết nối cả đường thủy lẫn đường bộ, là điểm thuận lợi để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của huyện.
Trong đó, 3 xã cù lao Giêng được xem là địa điểm hấp dẫn và thuận lợi trong việc đón các hãng tàu du lịch quốc tế, trên hành trình khám phá dòng sông Mekong đi Phnom Penh (Campuchia).
So với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 3 xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch khi có nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia như Di tích lịch sử Cột Dây Thép, Chùa Bà Lê, Đình thần Tấn Mỹ, Phủ thờ họ Dương, Phủ thờ Nguyễn Tộc...
Ngoài ra, nơi đây còn sở hữu nhiều quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo như Nhà thờ cù lao Giêng, Tu viện Chúa Quan phòng, Tu viện Phanxico, Chùa Thành Hoa, Chùa Phước Thành, Nhà thờ Rạch Sâu và các làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc..., tạo nên những điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, quảng bá, giới thiệu các tour du lịch nội tỉnh (trong đó có 3 xã cù lao Giêng) trong các dịp hội chợ, sự kiện...
Để phát triển loại hình du lịch văn hóa, tham quan di tích, Sở đã tích cực tham mưu Ủy ban Nhân dan tỉnh đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử quốc gia, di tích lịch sử cấp tỉnh; nâng cấp, chỉnh trang các điểm tham quan trên địa bàn 3 xã cù lao Giêng như Tu viện Chúa Quan phòng, Nhà thờ cù lao Giêng, Chùa Thành Hoa, Chùa Phước Thành, vườn sinh thái Út Hùm... để thu hút du khách.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đến năm 2020, sản phẩm du lịch của 3 xã gồm Du lịch văn hóa, tham quan di tích (du lịch tâm linh), du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch ẩm thực và mua sắm đặc sản, du lịch trải nghiệm thế giới sông nước.
Mục tiêu đến năm 2020, cù lao Giêng đón 320.000 lượt khách du lịch. Theo thống kê, từ khi triển khai thực hiện Quy hoạch vào cuối năm 2017 đến cuối tháng 5/2020, cù lao Giêng đã đón gần 110.000 lượt khách, trong đó có gần 4.200 lượt khách quốc tế (tăng hơn 2.700 lượt so với năm 2017) và hơn 99.400 lượt khách nội địa.
Số liệu trên cho thấy du lịch cù lao Giêng có rất nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển.
Để phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã đưa Dự án Khu du lịch 3 xã cù lao Giêng vào danh mục xúc tiến mời gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến để chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển du lịch của 3 xã như Dự án Khu du lịch Cồn Én, Dự án Khu du lịch Tân Long, Dự án cù lao Giêng - Xứ sở thần tiên...
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng chấp thuận cho Công ty Du lịch Đời sống Đông Dương mở 5 tuyến du lịch trên địa bàn 3 xã cù lao Giêng và mở rộng ra các địa phương lân cận như Tuyến Nhà thờ cù lao Giêng đi làng xuồng Mỹ Hiệp; Nhà thờ cù lao Giêng đi Tu viện Phanxicô và Vườn sinh thái Út Hùm; Nhà thờ Cồn Phước (Mỹ An) đi Làng nghề đan đát và Vườn sinh thái Út Hùm; Chùa Thành Hoa đi Nhà thờ cù lao Giêng - Chùa Phước Thành về Vườn sinh thái Út Hùm; Vườn sinh thái Út Hùm đi Chùa Phước Thành.
Ngoài ra, các công ty du lịch, lữ hành của các tỉnh, thành phố Vĩnh Long, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức đoàn khách trong nước, quốc tế về tham quan cù lao Giêng bằng xe đạp.
Ông Ngô Hoàng Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới cho biết với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng, nhà vườn..., tại 3 xã cù lao Giêng có lợi thế để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tâm linh.
Cuối năm 2017, Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã thông qua Quy hoạch tổng thể du lịch 3 xã cù lao Giêng là cơ sở để phát triển du lịch tại đây. Từ đó, nhận thức của chính quyền, cộng đồng địa phương về phát triển du lịch ngày càng nâng cao; nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư vườn cây ăn trái, nghề thủ công truyền thống, các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú; chủ động thực hiện các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở địa phương để phục vụ khách du lịch.
Dịch vụ du lịch tại 3 xã cù lao Giêng hiện có bước khởi sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách. Các hộ nhà vườn, các cơ sở kinh doanh mua bán nhỏ lẻ trên địa bàn từng bước được hình thành, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho các hộ dân. Cơ sở hạ tầng ở 3 xã cù lao Giêng cũng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, các điểm du lịch được chỉnh trang, ứng xử văn hóa du lịch từng bước được nâng lên.
Tuy 3 xã cù lao Giêng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là hệ thống bến tàu đón khách và các dịch vụ du lịch đường sông do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế.
Hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú ở 3 xã còn mang tính nhỏ lẻ, rời rạc; các dịch vụ du lịch khác chưa hình thành, thiếu những khu vui chơi, giải trí tại địa bàn du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trên toàn huyện Chợ Mới hiện có khoảng 60 cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn... Riêng địa bàn 3 xã cù lao Giêng và vùng lân cận có trên 20 cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, homestay... nhưng toàn bộ là tự phát, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch về phục vụ khách du lịch.
Huyện Chợ Mới có ba cơ sở dịch vụ thường xuyên đón khách quốc tế là Happy Homestay An Giang (xã Bình Phước Xuân), Khách sạn Thanh Bình (thị trấn Mỹ Luông) và Khách sạn Lê Ngọc (xã Tấn Mỹ). Từ đầu năm 2020 đến nay, 3 cơ sở đón 300 khách quốc tế, trên 2000 khách nội địa, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2017.
Từ năm 2017 đến nay, lượt khách có lưu trú khi tham quan, du lịch tại 3 xã cù lao Giêng đạt khoảng 2.700 người, trong đó có 350 lượt khách quốc tế, 2.350 lượt khách nội địa, đạt khoảng 28% so với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 đạt 9.600 lượt khách lưu trú.
Bên cạnh đó, 3 xã cù lao Giêng chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có tính khác biệt cao trong vùng để thu hút du khách. Nguyên nhân là do thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể, năng lực đầu tư thấp và chưa có kinh nghiệm thực tế để xây dựng sản phẩm cũng như chưa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển du lịch.
Việc phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ở 3 xã cù lao Giêng còn chưa đi vào chiều sâu, chưa đủ nguồn lực đầu tư phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết để góp phần phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu các giải pháp, cân đối nguồn vốn để bổ sung danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch do Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới đề xuất, đặc biệt là các tuyến đường kết nối các điểm tham quan du lịch trên địa bàn 3 xã; hướng dẫn huyện Chợ Mới nghiên cứu, xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư du lịch chi tiết để tổ chức thực hiện mời gọi đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo.
Tỉnh cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện nghiên cứu các tiêu chí để xây dựng hồ sơ công nhận điểm du lịch 3 xã cù lao Giêng trình Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận.
Trong thời gian tới, nếu đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ nâng cấp điểm du lịch 3 xã cù lao Giêng lên thành Khu du lịch cấp tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang giao Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới rà soát, công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 5 loại dịch vụ gồm Dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thể thao gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.
Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới nghiên cứu xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cho 3 xã cù lao Giêng thông qua việc thuê đơn vị tư vấn đào tạo tại chỗ, tư vấn kỹ năng xây dựng du lịch cho 3 xã, đặc biệt là kỹ năng xây dựng, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức tuyến kết nối du lịch từ thành phố Long Xuyên đến các điểm tham quan 3 xã cù lao Giêng, tuyến du lịch kết nối Đồng Tháp và các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang./.
Chợ Mới tâm huyết đầu tư phát triển du lịch Huyện Chợ Mới (An Giang) có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch (DL) so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, với khá nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia, có quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo cùng với các làng nghề truyền thống mang đậm nét dân tộc. Đặc biệt, DL tại...