Chữa nám da theo Đông Y
Da mặt bị nám (bị sạm) là bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 16-50. Nam giới cũng bị nám da mặt, nhưng rất hiếm gặp.
Có nhiều nguyên nhân gây nám da như: rối loạn nội tiết, bị một số bệnh gan, suy thận. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài cũng gây nám như: đi nắng nhiều mà không đội mũ, đeo khẩu trang, dùng mỹ phẩm thoa mặt bị dị ứng, sau khi lột da mặt (ở mỹ viện) mà không tránh nắng, uống thuốc ngừa thai kéo dài, bị chấn thương vùng mặt, viêm da mặt….
Tùy theo vị trí của vệt nám, người ta phân thành hai loại:
- Nám da mặt đối xứng: Trên mặt xuất hiện những dải sắc tố màu nâu, xám đen hoặc nâu đen, có viền rõ, kích cỡ to nhỏ khác nhau. Vệt nám thường đối xứng ở mặt, ở trán, thái dương, gò má, phần trên của mũi…
- Nám da quanh miệng: Vị trí vệt nám ở vùng xung quanh miệng. Vệt nám thường có màu nâu, màu cà phê sữa trên một nền da đỏ nhiều hay ít tùy người (da không bong vảy hoặc da nhờn…).
Kiểu nám này kéo dài hàng năm, nguyên nhân có thể do rối loạn nội tiết sinh dục nữ, rối loạn kinh nguyệt, bệnh đường tiêu hóa…
Như vậy, để trị nám da mặt, cần tìm ra nguyên nhân gây nám da để dùng đúng thuốc mới hiệu quả. Chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây một số bài thuốc Đông y chữa nám da mặt dễ tìm, dễ sử dụng, ít tốn kém.
Chữa nám da mặt do rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết gây nám da mặt được phân làm ba thể:
- Can khí uất: Tinh thần không thư thái, thường hay tức ngực, đau tức vùng hông sườn, vú và vùng bụng dưới đau, kinh nguyệt không đều. Nên dùng bài thuốc sau: hà thủ ô (đỏ) 16g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, đậu ván 10g, cúc tần 10g, nhân trần 10g, lạc tiên 12g, cỏ mần trầu 8g, mã đề 8g, bạc hà 8g, cam thảo nam 6g, gừng (nướng) 4g. Nấu với một lít nước sắc còn 200ml, chia hai lần uống trước bữa ăn.
- Khí hư: Người mệt mỏi, không có sức, kinh nguyệt không đều, tinh thần không thư thái, sợ lạnh, nước tiểu trong, phân thường mềm nhão, lưỡi có sắc nhạt, rêu lưỡi trắng. Nên dùng bài thuốc sau: đinh lăng 16g (hoặc đảng sâm 16g), đậu ván 12g, lạc tiên 10g, nhân trần 10g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, trần bì 6g, rễ tranh 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên.
Video đang HOT
- Huyết hư: Người gầy yếu, da khô, sắc mặt vàng, hoa mắt, chóng mặt, đi cầu táo, tiểu vàng, nóng, người bứt rứt, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, lưỡi nhạt, rêu vàng. Nên dùng bài thuốc sau: hà thủ ô 16g (hoặc đương quy 12g), hương phụ 10g, ngải cứu 10g, đậu đen 10g, rau má 12g, nhân trần 10g, lá dâu 8g, lạc tiên 12g, mã đề 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên.
Chữa nám da mặt do bệnh của gan (thường là viêm gan mạn tính)
Các vết nám thường ở hai bên má lan sang cổ, vết nám không có viền rõ ràng. Nên dùng bài thuốc sau: hà thủ ô 16g, nhân trần 12g, bồ công anh 12g, chó đẻ răng cưa 16g, thổ phục linh 12g, rau má 12g, mần trầu 10g, lạc tiên 10g, mã đề 8g, rễ tranh 8g, trần bì 6g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên.
* Trường hợp nám da mặt khi mang thai, cần chú ý không ra nắng quá nhiều. Chứng này thường biến mất sau khi sinh.
* Đối với những người bị nám da mặt do các yếu tố bên ngoài, ngoài việc điều chỉnh sinh hoạt, chữa lành các chấn thương, cần lưu ý đến các loại dược phẩm dưỡng da bằng cây cỏ. Có thể dùng một trong các bài thuốc sau:
- Nhân hạt bí đao 16g, trần bì (vỏ quýt khô) 6g, hoa đào khô 12g. Ba thứ rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ. Ngâm với 1/2 lít nước sôi 10-15 phút. Chia hai-ba lần uống trước bữa ăn. Uống liên tục một -hai tháng.
- Lá dâu tằm (hái trong mùa đông), rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Ngày dùng 50-80g, nấu với một lít nước, sắc còn 100ml, hòa với nước sạch để rửa mặt vào buổi sáng. Có thể nấu 2kg lá dâu khô với 10 lít nước, còn một lít, bảo quản chỗ mát (hoặc để ở ngăn mát tủ lạnh). Mỗi buổi sáng dùng 100ml hòa với nước sạch để rửa mặt.
- Nước ép dâu tây, cà chua dùng cho loại da nhờn. Rửa mặt sạch bằng nước ấm, bôi nước ép hai loại này lên da mặt, sau 20-30 phút thì rửa sạch bằng nước sắc của cây ngò tây (ngò tàu, ngò gai).
- Nước vo gạo (hoặc nước cám gạo), bột củ cà rốt (hoặc củ cà rốt nghiền nhuyễn), thoa lên vết nám ngày hai lần mỗi lần 20-30 phút, rửa sạch bằng nước ấm.
Theo Alobacsi
Dưỡng sinh đúng cách để khỏe trong mùa lạnh
Để đem lại lợi ích cho sức khỏe vào những ngày lạnh, nên ưu tiên dùng các món chế biến từ thịt dê, cừu, bò, chó... Thể dục buổi sớm cần chờ lúc có mặt trời, nên tránh luyện tập lúc trời còn mờ.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM chia sẻ về cách dưỡng sinh, những thực phẩm có lợi cho sức khỏe trong tiết trời lạnh.
Trong sách Hoàng Đế Nội Kinh (Tố Vấn), thiên Tứ Khí Điều Thần Luận, có viết về cách dưỡng sinh trong mùa đông như sau: "Ba tháng mùa đông là thời kỳ vạn vật bế tàng, nước đóng băng, đất nứt nẻ. Con người không nên làm nhiễu loạn dương khí, mà nên ngủ sớm, dậy muộn, phải đợi có mặt trời rồi mới dậy. Tất cả đều làm cho chí của mình như núp như trốn, như có ý riêng tư, như đã có được một cái gì".
Những ngày lạnh nên ngủ sớm dậy muộn, tránh luyện tập vào lúc trời còn mờ sáng. Ảnh: css-south
Sách cũng viết: "Chúng ta phải tránh lạnh tìm ấm, đừng để cho dương khí thoát ra ngoài bì phu, khiến cho chân khí bị hao tổn một cách nhanh chóng. Đó là chúng ta thích ứng được với khí lạnh của mùa đông, cũng là cách nuôi dưỡng tạng phủ. Nếu nghịch lại, sẽ làm tổn thương đến tạng thận, đến mùa xuân sẽ bị bệnh nuy quyết (gân cốt mềm nhũn, không có lực, do nhiễm khí lạnh). Đó là vì đông khí không đủ để cung cấp, để giúp cho xuân khí sinh ra khi mùa xuân đến".
Mùa đông gồm 6 tiết khí: Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn, tức thuộc các tháng 10, 11, 12 âm lịch. Đặc điểm khí hậu chủ yếu của mùa đông là hàn (lạnh). Vào tháng Chạp, có 2 tiết khí là Tiểu hàn và Đại hàn, khí lạnh rất nhiều và lan tràn khắp nơi. Lúc này thiên hàn địa đông, cây cỏ tiêu điều, cảnh vật tiêu sơ, nhật đoản dạ trường (ngày ngắn đêm dài). ở miền Bắc có nơi còn có tuyết phủ vùng cao.
Cách dưỡng sinh tốt nhất vào lúc này là tránh đi ra ngoài trời lạnh giá, ngủ sớm dậy muộn, mặc thêm áo ấm, ngủ đắp thêm chăn để tránh hàn tà xâm nhập. Nên ăn các thức ăn có tính ấm để vừa bảo vệ âm khí vừa giữ gìn dương khí (hộ âm tiềm dương), không nên dùng nhiều các thức ăn táo nhiệt, cay đắng quá, để tránh tình trạng hóa nhiệt thương âm.
Việc luyện tập cũng cần tùy theo từng người, từng hoàn cảnh cụ thể. Luyện tập buổi sớm cần chờ lúc có mặt trời, nên tránh luyện tập lúc trời còn mù mù, không khí còn lạnh, nhiều khí ô nhiễm.
Nhìn chung, mùa đông khí hậu hàn lạnh, vạn vật tiêu sát, địa khí thâu tàng, hàn khí quấy nhiễu. Con người dễ bị các chứng bệnh do phong hàn gây ra, như trúng phong (đột quỵ, tai biến mạch máu não), bệnh tim (tim co thắt, nhồi máu cơ tim), viêm khí quản mãn tính, hen suyễn, một số bệnh của bệnh phổi, viêm loét dạ dày, viêm khớp dạng thấp, đau nhức tay chân thể phong hàn thấp.
Ngoài ra, một số bệnh trẻ nhỏ như kinh phong, co giật, tê bại, thủy đậu, ban sởi, cũng rất dễ phát sinh vào mùa đông. Nếu không kịp thời phòng ngừa thì rất dễ lây nhiễm thành dịch bệnh.
Mùa đông nên chú trọng dưỡng âm, thì có thể đạt được hiệu quả dưỡng sinh tốt đẹp.
Nguyên tắc ẩm thực của mùa đông là thực phẩm phải có hàm lượng dinh dưỡng phong phú, cũng như cung cấp nhiệt lượng đầy đủ.
Thực phẩm cần có tính ôn nhiệt, trợ giúp dương khí của cơ thể. Những thực phẩm có tính ôn nhiệt cần lưu ý sử dụng như: Thịt dê, thịt cừu, thịt chó, thịt bò, thịt gà, thịt rùa, rắn, chim sẻ, bồ câu, hải sâm, cá thu, cá chim, tôm, hạt sen, đậu nành, đậu ván, đậu trắng, đậu phụng, hạt điều, hạnh nhân, cà rốt, củ sả, gừng, riềng, nghệ, hành ta, hành tây, tỏi, hẹ, hồ tiêu, mật ong, sữa bò, sữa dê, gạo nếp, bắp, bột mì, ca cao, hồ đào, long nhãn, hạt dẻ, đại táo, vải, quýt...
Nên ưu tiên dùng các món chế biến từ thịt dê, cừu, thịt bò, thịt chó... vào mùa lạnh tháng Chạp. Ảnh: eva
Những thực phẩm dưỡng âm cũng cần bổ sung để điều hòa như: lê, mía, dừa, cà chua, dưa hấu, giá đậu, rong biển, ngân nhĩ, yến sào, đậu phụ, tiểu mạch, yến mạch, kiều mạch, đậu đen, mè đen, thịt vịt, thịt ngan, ngỗng, thịt thỏ, móng giò heo, trứng gà, cá lóc, cá trê, cá đối...
Đông y cho rằng vào mùa đông nên tàng tinh, dưỡng âm, tiềm dương, cho nên mùa đông là mùa thuận lợi cho việc bồi bổ giúp kiện cường thân thể.
Trong phương pháp ẩm thực đem lại lợi ích cho sức khỏe vào tháng Chạp, có thể ưu tiên dùng các món chế biến từ thịt dê, cừu, thịt bò, thịt chó... Tuy nhiên, trong khi bồi bổ, tốt nhất không nên ăn các thức ăn quá béo, để tránh làm trở ngại công năng tiêu hóa của tỳ vị, ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất bổ.
Lương y Đinh Công Bảy
Theo VNE
Báo động tình trạng suy giảm lượng tinh trùng Sức khỏe sinh sản của nam giới Pháp đang giảm mạnh trong 2 thập kỷ qua bởi số lượng và chất lượng tinh trùng ít đi đáng kể, một nghiên cứu chỉ rõ. Một nghiên cứu toàn diện về sức khỏe sinh sản của 26.600 người đàn ông Pháp cho thấy mật độ tinh trùng đã giảm 1/3 kể từ những năm 1990....