Chưa kịp đến Đà Nẵng thì cứ yên tâm, còn những món ăn xứ này ở Sài Gòn giúp bạn “đỡ nhớ” rồi đây
Bài viết sẽ giúp bạn “vơi đi nỗi nhớ” với một số món ăn Đà Nẵng ở Sài Gòn.
Đà Nẵng nổi tiếng là thiên đường ẩm thực với rất nhiều đặc sản hấp dẫn. Chưa cần đặt chân đến đây, chắc bạn cũng đã nghe danh về mì Quảng, bún mắm nêm, ốc hút… Còn với ai từng ghé thăm thì đi về là sẽ cứ mãi vấn vương hương vị. Thôi nào, chúng tớ đã tổng hợp một số món ăn Đà Nẵng ở Sài Gòn để bạn thưởng thức cho đỡ nhớ nhung rồi này.
Mì Quảng nói chung hay mì Quảng ếch là một món ăn tiêu biểu nhất của ẩm thực Đà Nẵng. Khác với những kiểu mì ở Sài Gòn với phần súp nóng sốt, tràn đầy thì mì Quảng có lượng nước ít hơn hẳn. Sợi mì dày dai có thể là trắng hoặc vàng và có độ ngậy bột. Món ăn này hấp dẫn nhất ở phần thức ăn kèm, thịt bò, thịt gà, trứng, cá… vô cùng đa dạng và nêm nếm đậm đà, thơm mùi nghệ và sả.
Đặc biệt nhất là mì Quảng ếch với hương vị dai ngọt thơm lừng. Thịt ếch được làm sạch hẳn, thấm đều trong nước dùng vàng ươm từ nghệ và các gia vị. Khi ăn, nhấn nhá thêm đậu phộng rang giòn béo hay rau sống tươi ngon thì món mới đủ sức bung toả.
Một số gợi ý để bạn thử trải nghiệm mì Quảng ếch là quán ở hẻm 46 Võ Văn Tần (quận 3), Hội Phố ở đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10)… Còn với mì Quảng thì bạn có thể đến hệ thống các cửa hàng Mì Quảng 3 Anh Em, Mì Quảng Ăn Là Nhớ (quận 3), Mì Quảng Vịt Bà Phượng (quận 10)…
Bún mắm nêm
Hương vị nồng nàn, giòn tươi khó cưỡng của món ăn này cũng đã làm nhiều người Sài Gòn mê mẩn. Bún mắm nêm Đà Nẵng khác với kiểu miền Tây vì đây là món khô, kiểu trộn. Phần bún bao gồm giá rau sống, bún tươi, thịt ba chỉ, tai heo và mắm nêm rưới đều trên bề mặt. Chỉ cần trộn đều để mọi thứ hài hoà thì bạn đã có thể thưởng thức một hương vị độc đáo, mới mẻ.
Video đang HOT
Bún mắm nêm không quá đậm mùi mà chỉ thoang thoảng trong cái mặn ngọt cân bằng. Ngon nhất là khi cắn chạm vào miếng thịt ba chỉ hay tai heo, độ giòn sật cùng với chút béo bùi đã làm tôn lên hương vị của món. Giá và rau sống, đậu phộng tiếp sức để tô bún vẹn tròn hơn.
Không khó để tìm một địa chỉ để thưởng thức món bún mắm nêm, bạn hãy lưu lại những địa chỉ: Quán Cô Nổ (quận Phú Nhuận), quán Dì Bảy (quận Tân Bình), quán Hội Quảng (quận Phú Nhuận)…
Bánh tráng kẹp Đà Nẵng đã góp phần làm cho “gia tài” bánh tráng ở Sài Gòn trở nên phong phú hơn. Tương tự như kiểu nướng nhưng thành phần cùng cách chế biến món này có khác biệt đôi chút. Bánh tráng gạo có độ dày và giòn xốp hơn sẽ cho thêm ruốc, hành phi, trứng cút lên trên. Đặc biệt, bạn sẽ bị kích thích bởi quả trứng còn nguyên lòng đào béo ngậy như phần ốp la.
Bánh tráng kẹp ngon nhất khi chấm cùng mắm nêm. Món tạo ấn tượng bởi độ giòn thơm cùng với hương vị nồng nàn, beo béo của từng thành phần. Sài Gòn hiện chỉ có một địa chỉ duy nhất có bán món này, đó là hàng bánh tráng Dì Hoa ở khu Tôn Thất Thuyết (quận 4).
Ốc hút
Ốc hút là món ăn vặt của người Đà Nẵng và cũng đã “di cư” vào Sài Gòn. Món ăn này có phần dân dã nhưng không hề thua kém về độ đặc sắc. Ốc sẽ được đập vỡ phần đuôi, xào cùng gia vị đậm đà như sả, ớt cho thật thấm. Khi ăn chỉ cần hút nhẹ thế là đã thưởng trọn phần ốc beo béo ngon lành.
Món này ăn chơi là vô cùng “sướng” miệng. Thú vui hút ốc cũng đã được nhiều người Sài Gòn hưởng ứng. Bạn có thể đến hàng ven đường ở góc Lê Đại Hành – 3 Tháng 2 (trước Lotte Mart) hoặc góc đường Vạn Kiếp – Phan Xích Long để tìm mua món ăn này.
Theo kenh14.vn
Người miền Tây có mấy món bánh độc lắm, cứ tưởng làm từ "lục phủ ngũ tạng" động vật nhưng sự thật là...
Bạn sẽ nghĩ chắc hẳn đây là món mặn từ "nội tạng" hay da, thịt lợn gì đó nhưng hóa ra lại hoàn toàn trái ngược.
Khắp hai miền đất nước, không thiếu những loại bánh ngọt thơm ngon, độc đáo. Nếu như ở phía Bắc gây ấn tượng bằng sự tinh tế trong nguyên liệu thì phương Nam lại khiến người ta tò mò từ cái tên. Đến đây bạn sẽ bất ngờ với nhiều món nghe gọi tưởng là bánh mặn nhưng thực chất hương vị lại hoàn toàn đối lập. Điển hình là những món bánh ngọt miền Tây dưới đây.
Bánh da lợn
Khi nghe cái tên bánh da lợn, nếu ai không biết còn cứ tưởng mình chuẩn bị thưởng thức món ăn nào béo ngậy từ bộ phận "cực phẩm" nhất của lợn. Có lẽ do nhìn bề ngoài với từng lớp bánh bóng bẩy, mướt mịn chẳng khác gì da lợn nên người ta gọi thế cho dễ nhớ. Đây là một món tráng miệng truyền thống của nước ta và đặc biệt phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ.
Bánh được làm từ bột năng, đường trắng, dừa cùng với lá dứa. Bột khi đổ vào khuôn thì sẽ được sắp xếp thật khéo léo để tạo thành từng lớp đan xen hài hòa màu sắc. Kết cấu bánh tương tự rau câu nhưng có độ dai, dẻo và béo hơn. Chạm vào phần bên ngoài bóng mượt, mịn màng như thế thì phép so sánh với da lợn cũng quá đúng rồi còn gì. Bánh sẽ đi cùng với nhân là đậu xanh hoặc dừa nấu mềm và xay nhuyễn. Mùi thơm của lá dứa lan tỏa cùng cái beo béo, bùi bùi từ ngoài vào trong làm món ăn hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Bánh gan
Gọi là bánh gan nhưng thực chất chẳng có sự góp mặt của phần "nội tạng" nào trong chiếc bánh này. Cái tên xuất phát từ vẻ ngoài hơi "thô" của món, lớp vỏ màu nâu sẫm cùng với những lỗ tròn li ti bên trong, bởi thế mà người ta cứ hiểu lầm đây là một lá gan lợn. Nhưng đừng "trông mặt mà bắt hình dong", đơn điệu là thế nhưng bánh gan chẳng hề kém cạnh món ngọt nào của miền Tây.
Thành phần tạo nên hương vị cho món là trứng, bột gạo, sữa, đường và cacao. Điểm nhấn không thể thiếu phải kể đến hoa hồi, nhân tố góp hương thêm sắc làm bung tỏa nét hấp dẫn của bánh gan. Thêm vào đó, lượng dừa chiếm tỉ lệ nhiều hơn bột nên kết cấu bánh mềm mịn cùng với độ béo thơm tan chảy. Chỉ cần chạm môi, bạn đã cảm nhận được từng thành phần đan xen và phối hợp ăn ý bên trong miệng làm người ta cứ muốn ăn mãi không thôi.
Bánh tai heo
Bánh tai heo hay có nơi gọi là bánh lỗ tai heo là một món ăn vặt nhâm nhi lúc buồn miệng của người miền Tây. Bánh đơn giản chỉ gồm bột, trứng và dừa nhưng chính cách tạo hình cho món ăn này mà người dân nơi đây lại gọi tên "mặn mà" như thế. Miếng bánh tương đối mỏng, những đường vân cuộn tròn vào nhau trông không khác gì tai heo.
Hương vị món là sự kết hợp giữa cái beo béo cùng với mùi cacao đăng đắng dịu nhẹ. Miếng bánh khiến người ta không thể ngừng miệng vì độ gion giòn, thơm lừng kích thích. Cứ mỗi lúc muốn tìm gì đó nhâm nhi mà có bịch bánh lỗ tai heo bên cạnh là có thể lai rai mãi không ngán.
Bánh bò
Không biết vì sao người ta gọi món chỉ từ bột và dừa là bánh bò. Đến cả hình dáng cũng chẳng có nét nào để so sánh đến con vật này. Nhưng thôi không bàn về tên gọi, bởi chính hương vị mộc mạc, dân dã của món ăn mới là điều làm người ta thích thú. Có nhiều kiểu bánh bò khác nhau và mang đến những nét đặc sắc riêng. Như bánh bò nướng thì giòn thơm, bánh bò hấp xôm xốp, beo béo hay bánh bò thốt nốt lại ngọt ngào đậm đà.
Điểm chung của mọi biến tấu này chính là phần bột được lên men nên bánh có độ xốp kèm mùi thơm chua dịu độc đáo. Ở miền Nam, bánh bò xuất hiện trong mọi "mặt trận", từ những gánh hàng rong đường phố đến tiệm đồ ngọt, chè hay trong menu tráng miệng của các quán ăn. Thậm chí, bánh bò thốt nốt còn là thức quà đặc sản hấp dẫn và thơm ngon của vùng đất An Giang nữa đấy.
Theo kenh14.vn
Món bánh gắn liền với tuổi thơ con người miền Tây, chỉ cần nghe đến tên là thấy phát thèm và muốn ăn ngay Mặc dù chỉ là loại bánh đường phố bình dị nhưng một khi nhắc đến loại bánh này thì chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ lại bao kỷ niệm khó quên thời thơ ấu. "Ai bánh cam, bánh còng không?"... Có lẽ đây là câu rao nhiều người miền Tây đã từng chờ đợi nhất sau mỗi buổi trưa hè trong một không...