Chữa khỏi lao không còn là giấc mơ
Bị lao phổi mà không biết, người đàn ông đã lây bệnh cho hai con trai của mình. Nhưng nếu biết và điều trị sớm, việc chữa khỏi lao không còn là giấc mơ.
“Lời trăn trối day dứt của người cha”
Ông T. (Cà Mau) có cuộc sống viên mãn, quây quần bên con cháu khi ở tuổi 80. Ông T. có ba người con trai sống gần nhau và cứ sáu tháng, ông lại chuyển tới ở cùng gia đình một người con theo lịch chăm sóc định kỳ mà gia đình đã thống nhất.
Với ông T. cuộc sống ở tuổi xế chiều rất viên mãn, ngoại trừ việc ông bị ho thường xuyên, mà ông và cả gia đình tin rằng đó là hậu quả của hơn 60 năm hút thuốc. Do vậy, ông chưa nghĩ đến việc đi khám hay tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
Cán bộ y tế tiến hành sàng lọc, xét nghiệm lap tại các hộ gia đình.
Chỉ đến một ngày, ông T. ho ra rất nhiều máu và được đưa đi khám, cả gia đình mới biết ông đã bị lao phổi, với tổn thương nặng nề. Và chỉ 1 tuần sau đó, 2 trong số 3 người con trai của ông cũng được chẩn đoán lao phổi theo chương trình sàng lọc người tiếp xúc.
Đến khi nói lời từ biệt cuối cùng với con cháu, ông T. chỉ dặn lại rằng: “Giá như cha biết về căn bệnh này và đi khám bác sĩ sớm hơn. Các con đừng giống như cha”.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bệnh lao có thể dễ dàng chẩn đoán và chữa khỏi. Tuy nhiên, nhận thức về bệnh lao của nhiều người dân, như gia đình ông T. còn vô cùng hạn chế.
Video đang HOT
Chữa khỏi lao không còn là giấc mơ
Mỗi năm, có 10 triệu người mắc lao trên toàn thế giới, trong đó, tại Việt Nam ghi nhận hơn 120.000 ca. Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra, có thể lây truyền qua đường hô hấp khi người lành hít phải vi khuẩn bị phát tán trong không khí. Lao chủ yếu gây bệnh ở phổi, nhưng cũng có thể gây bệnh ở cơ quan khác như hạch, xương, màng não… Mặc dù vaccine BCG được sử dụng rộng rãi trên thế giới, vaccine này chỉ bảo vệ được trẻ nhỏ khỏi các bệnh lao thể nặng.
Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi quốc tế, Trưởng nhóm nghiên cứu Hô hấp và Dịch tễ môi trường của Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, GS. Guy Marks cảnh báo: “Không khám và điều trị sớm, bệnh có thể lây lan như cách mà ông T. đã lây cho 2 con trai, làm tăng nguy cơ tử vong, giảm sức lao động và gây ra gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình người bệnh. Ước tính trên thế giới mỗi năm có 1,8 triệu người chết vì lao, nhiều hơn bất cứ căn bệnh lây nhiễm nào khác”.
GS. Guy Marks (giữa) trong chuyến công tác tại Cà Mau.
Bắt tay với PGS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam, GS. Guy Marks đã tham gia dự án có tên “ACT3″ đầy tham vọng từ năm 2014 tại Việt Nam. Theo đó, triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, chủ động sàng lọc phát hiện bệnh lao tại cộng đồng sử dụng xét nghiệm Xpert có độ nhậy và độ đặc hiệu cao.
PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Cán bộ y tế tiến hành sàng lọc tại hộ gia đình, hỏi về triệu chứng và xét nghiệm đờm sử dụng kỹ thuật của sinh học phân tử cho tất cả mọi người dân mỗi năm một lần. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc sàng lọc và điều trị lao trong 3 năm liên tục đã làm giảm tỷ lệ hiện mắc lao ở người lớn và tỷ lệ mới nhiễm lao ở trẻ em giảm gần 50%”.
Kết quả nghiên cứu ACT3 được đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine, cung cấp bằng chứng khoa học xác đáng khẳng định việc các quốc gia có thể giảm tỷ lệ mắc lao hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại với phương pháp tiếp cận chủ động.
“Kết quả nghiên cứu này đã truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao toàn thế giới, mở ra một hướng đi mang tính đột phá cho chiến lược chấm dứt bệnh lao không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới”, GS. Guy Marks khẳng định./.
Theo VOV
Phân loại bệnh lao thế nào?
Khi nghi ngờ hoặc có các dấu hiệu bệnh lao, người bệnh sẽ được khuyên nên làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị.
Việc phân loại bệnh lao theo kết quả xét nghiệm và tiền sử điều trị lao rất quan trọng trong việc điều trị bệnh hiệu quả.
Phân loại bệnh lao theo kết quả xét nghiệm vi khuẩn
Người bị bệnh lao có bằng chứng về vi khuẩn học: là người bệnh có ít nhất một trong các xét nghiệm như nhuộm soi đờm trực tiếp, nuôi cấy hoặc xét nghiệm vi khuẩn lao được WHO chứng thực như Xpert MTB/RIF (Mycobacterium tuberculosis/Rifampicin), HAIN (GenoType MTBDRplus) có kết quả xét nghiệm dương tính.
Người bị bệnh lao không có bằng chứng về vi khuẩn học hay chẩn đoán lâm sàng: là người bệnh được chẩn đoán và điều trị bệnh lao bởi bác sĩ lâm sàng nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn có bằng chứng về vi khuẩn học. Nếu trong quá trình điều trị về sau có tìm thấy vi khuẩn lao bằng các xét nghiệm thì người bệnh được phân loại lại là có bằng chứng về vi khuẩn học.
Điều trị cho bệnh nhân mắc lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TM.
Phân loại bệnh lao theo tiền sử điều trị lao
Người bị bệnh lao mắc mới: là người bệnh chưa bao giờ dùng thuốc chống lao hoặc mới sử dụng thuốc chống lao nhưng dưới 1 tháng.
Người bị bệnh lao tái phát: là người bệnh đã được điều trị lao và được các bác sĩ xác định là khỏi bệnh hoặc đã hoàn thành việc điều trị, tuy nhiên bị mắc bệnh trở lại với kết quả AFB dương tính hoặc có bằng chứng về vi khuẩn thông qua xét nghiệm.
Người bị bệnh lao điều trị thất bại gồm có: Người bệnh có kết quả AFB dương tính từ tháng điều trị thứ 5 trở lên và phải chuyển phác đồ điều trị. Người bệnh có kết quả chẩn đoán ban đầu với AFB âm tính nhưng sau 2 tháng điều trị thì xuất hiện kết quả AFB dương tính. Người bị bệnh lao ngoài phổi xuất hiện thêm lao phổi với kết quả AFB dương tính sau 2 tháng điều trị. Người bệnh đa kháng thuốc, được xác định ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị với thuốc chống lao hàng thứ nhất.
Người bị bệnh lao điều trị lại sau khi bỏ điều trị: là người bệnh không sử dụng thuốc liên tục nhiều hơn 2 tháng trong quá trình điều trị, sau đó người bệnh quay lại điều trị thì thấy kết quả AFB dương tính hoặc có bằng chứng về vi khuẩn thông qua xét nghiệm.
Các phân loại khác cho người bị bệnh lao
Bị lao phổi có kết quả AFB dương tính khác: là người bệnh đã được điều trị thuốc lao trước đây với thời gian điều trị kéo dài hơn 1 tháng nhưng không xác định được phác đồ và kết quả điều trị hoặc không rõ tiền sử điều trị như thế nào, nay lại được chẩn đoán là bị lao phổi với kết quả AFB dương tính.
Lao phổi có kết quả AFB âm tính và lao ngoài phổi khác: là người bệnh đã được điều trị thuốc lao trước đây với thời gian điều trị kéo dài hơn 1 tháng nhưng không xác định được phác đồ và kết quả điều trị hoặc điều trị theo phác đồ với đánh giá là hoàn thành điều trị hoặc không rõ tiền sử điều trị, nay lại được chẩn đoán là bị lao phổi với kết quả AFB âm tính hoặc lao ngoài phổi.
Người bị bệnh lao từ nơi khác chuyển đến: là người bệnh được chuyển từ đơn vị điều trị khác đến để tiếp tục điều trị.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan nhanh cho người thân và cộng đồng. Vì vậy, mọi người cần có ý thức phòng bệnh. Khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bệnh, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để làm các xét nghiệm và có chẩn đoán bệnh lao và được điều trị sớm nhất.
BS. Xuân Đồng
Theo suckhoedoisong
Ho ra máu - dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? Gần đây, khi ho khạc vào buổi sáng, tôi thấy có kèm máu, ngứa cổ, tức ngực. Đây có phải dấu hiệu bệnh nguy hiểm không? Ảnh minh họa Bác sĩ Lê Minh Tuấn, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, tư vấn: Ho ra máu là tình trạng khạc ra máu khi cố gắng ho, chúng thường có bọt, màu...